Tìm kiếm

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Hòa Thượng Thích Giác Quang Giải Nghi Về Hiện Tượng Ngoại Cảm

VẤN: Bạch Sư! Nhiều thông tin về các nhà ngọai cảm, gia công tìm hài cốt liệt sĩ hiệu quả góp phần làm giảm bớt đau thương cho nhiều gia đình liệt sĩ. Tuy nhiên gần đây, theo thông tin có một vài vị phán đóan những việc đại sự như hú gió đuổi mây, di dời thiên nhiên mưa bão đi nơi khác nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội…rất nhiều việc mà chúng con có quá trình gần gũi quý Sư tu hành, chưa từng nghe, chưa từng biết, chưa từng nghĩ suy. Xin Sư từ bi chỉ giáo?

ĐÁP: Sư sẽ nương vào kinh nghiệm tu học hành đạo của mình từ trên năm mươi năm qua mà nhận định để giúp Phật tử không còn nghi ngờ! Đồng thời có lời khuyên đầu tiên đến với Phật tử:”… là đệ tử Phật có thọ giới pháp; quá trình tu học Phật, chúng ta không học những pháp nào không thuộc của nhà Phật. Tuy nhiên, chúng ta có quyền tìm hiểu các pháp đúng thì học, không đúng thì không học, nhưng đừng bao giờ phê phán, đánh giá, xem nhẹ, chê bai… chỉ vì việc làm đó của các nhà ngọai cảm…”
Năm 1973, Sư đứng lớp giảng dạy về luật học cho Lớp giáo lý Phật học phổ thông (niên khóa 1970-1973) “môn luật học” tại Long Sơn cổ tự, xã Thái hòa, Tân uyên, xưa là Biên hòa, nay là Bình dương, có giảng bài Pháp tỳ ni “Xuất sanh”. Người đệ tử Đức Phật trước khi thọ thực, phải làm việc thí thực, đọc chú, biến 7 hạt cơm thành thật nhiều hạt cơm trong khắp mười phương. Theo sách Tỳ Ni Hương Nhũ, trang 253,Thích Thiện Chơn sọan dịch ngày 10 tháng 7 (nhuần), năm Mậu thân (1968), sở dĩ, trước lúc thọ thực của chư Tăng Ni có làm việc “thí thực” là do các nguyên nhân sau:
1 …lúc bấy giờ có nhiều phụ nữ đã làm mẹ, nhưng rất khổ đau vì mất con, con của họ bị quỹ tử mẫu Khóang Dã bắt uống máu, ăn thịt, các bà mẹ đến xin Phật cứu con của mình. Vì muốn cứu con của dân làng, đức Phật dùng thần thông bắt con của quỷ tử mẫu Khóang Dã nhốt vào bát của Phật, quỷ mẹ Khóang Dã khóc lóc quá, xin Phật thả con. Phật nói: nhà ngươi mất con đau khổ như thế, tại sao lại ăn thịt con của người khác. Quỷ trả lời do nghiệp lực của con phải ăn như thế, nay gặp Phật, con nguyện xin quy y và xin hứa từ nay không ăn thịt trẻ con nữa. Nhưng nếu không thịt trẻ con làm sao đảm bảo mạng sống chúng con?
Phật nói:”…các Sa môn đệ tử ta trước khi thọ thực sẽ thí cơm cho các ngươi…”
2..một xứ nọ, có lòai chim đại bàng, khi cất cánh làm mát cả một vùng thế gian, thường ra biển tìm lòai rồng ăn thịt, mỗi lần rồng nỗi lên trên mặt biển, bị đại bàng gắp đem về tổ để ăn. Nhà rồng khổ sở lắm, đến bạch Phật sự tình như thế, Phật bèn lấy những cọng chỉ trong chiếc Y thất điều ban cho quyến thuộc rồng, mỗi nhà rồng một cọng chỉ của Y quấn trên đầu; kể từ đó chim đại bàng không còn ăn thịt rồng được nữa! Đại bàng đói, khổ quá đến bạch Phật:”…rồng là thức ăn nuôi sống quyến thuộc chúng con, nay Phật làm như thế, chúng con phải chịu đói!”.
Phật dạy từ đây, trước mỗi buổi cơm trưa, Sa môn đệ tử của ta sẽ bố thí cơm cho các ngươi hết đói!
Từ đó, trong chốn thiền lâm, trước giờ thọ thực buổi trưa, chư Tăng Ni có gấp 7 hạt cơm để vào chén nước nhỏ, làm phép biến thực từ 7 hạt thành nhiều hạt cơm khắp trong mười phương cho lòai quỷ tử mẫu Khóang Dã và thần Kim Súy Điểu thọ dụng, nên có bài kệ chú:
Pháp lực bất tư nghì
Từ bi vô chướng ngại
Thất liệp biến thập phương
Phổ thí châu sa giới.
Quỷ tử mẫu Khoáng Dã
Thần Kim súy điểu vương
Tất linh giai bảo mãn
Án độ lợi ích tá ha (3 lần)
Chúng sanh có hai lọai chính: một là chúng sanh có mang thân được sinh ra trong hành tinh trái đất, hai là chúng sanh không mang thân trong thế giới ta bà.
Đức Phật thì có ba thân: Pháp thân, Báo thân, ứng hóa thân. Thân Ứng hóa là thân diệu dụng tùy cơ ứng hiện, đức Phật có định lực sung mãn, tiếp độ chúng sanh ở thế giới khác, thị hiện thân người, thân thú cầm, thân chư thiên (không hình tướng, không thân tứ đại) như hiện nay Phật hiện thân người (vào cung vua làm thái tử sau đó đi tu) để độ sanh, Phật còn hiện thân thiên thần giúp cho chúng thiên thần tiến hóa làm lành lánh dữ; xa hơn nữa Ngài còn tiếp độ chúng sanh thượng cầm hạ thú giúp cho chúng đắc phục nhân thân, có cuộc sống vượt ra khỏi nghiệp lực của chúng. Đức Phật là bậc toàn tri, nhứt thiết trí, chánh biến tri, nên sự tiếp độ đó là phương tiện hóa giải nghiệp lực, điều phục chúng sanh, giúp chúng vượt ra ngoài nghiệp chủng của chúng mà giải thóat sanh tử luân hồi.
Việc của Phật thì rất mầu nhiệm, bất khả thuyết bất khả tư nghì, không phải ở thế gian mà suy lường hay đong đo tính đếm được, các ngài là bậc đắc đạo, cao hạ, thần thông diệu dụng, có đẳng cấp tu hành, nhưng rất khiêm cung từ tốn với thế gian.
Trong kinh Địa Tạng, bản kinh tụng năm 1969, nói: “…cũng có đôi khi đức Phật nhập thiền đến cung trời Đạo lợi, thăm thánh mẫu Maya là mẹ của ngài, rồi thuyết pháp cho mẹ nghe, chư thiên chúng, chúng sanh cung trời ấy cũng đồng nghe…”
Năm 1973 dự học khóa giáo lý Tịnh độ, Sư được học về tiểu sử các bậc Đại sư của Liên tông Tịnh độ trong đó có đại sư Vân Thê Châu Hoằng, tổ sư thứ tám Tịnh độ tông: Đại sư tự là Phật Huệ, hiệu Liên Trì, người đời Minh, con nhà họ Trầm, ở xứ Nhân hòa tại Hàng châu. Năm mười bảy tuổi được bổ làm giáo thọ, nổi tiếng là người học hạnh kiêm tòan. Năm ba mươi hai tuổi xuất gia, rồi đi tham học Phật pháp với các bậc danh đức. Sau cùng đến học đạo với Tiếu Nham Nguyệt Tâm thiền sư, tham cứu câu “Niệm Phật là ai?”. Năm Long Khánh thứ năm, đại sư đi khất thực ngang qua đỉnh núi Vân thê, thấy cảnh nước non cực kỳ u nhã, quyết ý cất am ở tu. trong núi ấy có nhiều cọp, ngài hành phép Du già (Yoga) thí thực, từ đó các lòai thú dữ không còn quấy hại nữa. Mấy năm sau, gặp lúc nắng hạn lâu, cư dân quanh vùng đến am cầu xin đảo võ. Ngài đáp:”Tôi chỉ biết niệm Phật, không có tài chi khác!”. Mọi người vẫn nài nĩ cố thỉnh. Đại sư cảm lòng thành của dân chúng, ra khỏi thảo am gõ mõ đi dọc theo bờ ruộng mà niệm Phật. bước chân của ngài đi đến đâu, mưa lớn rơi theo đến đó. Nhân dân vui mừng kính đức, cùng nhau hiệp xây cất điện chùa. Tăng chúng các nơi lần lượt nương về, không bao lâu chổ ấy thành đại già lam trang nghiêm thanh tịnh.
Trên thế giới hiện nay có nhiều quốc gia như Trung quốc, Ấn độ, các quốc gia ở vùng Trung cận đông, Tây Á, thậm chí đến các quốc gia Âu Mỷ cũng có nhiều hiện tượng ngọai cảm xuất hiện. Ơ Việt nam hiện tượng ngọai cảm hiện đang phát triển. Theo nhà Phật, mọi sự việc diễn ra trên thế gian thuộc về hữu vi pháp, hữu vi là hiện tượng, thường gọi là hiện tượng vật lý, sinh lý; hiện tượng thiên thể, thiên nhiên; mà hiện tượng thì lúc nào cũng thay đổi, đổi mới trong từng giờ, từng phút, từng niệm hơi thở, những yếu tố quá khứ kết duyên những yếu tố tương lai…thành mới rồi lại trở thành quá khứ, khiến cho chúng sanh trong cõi ta bà nếu không là người tu Phật có đẳng cấp thì không thể tìm được những giây phút hiện tại; nên gọi hiện tượng ngọai cảm là mới, là lạ; thế thường gọi là hiện tượng lạ. Hiện tượng thì có lúc: tan hợp, có không, thật giả, tốt xấu, phải quấy, mất còn, không thật của vũ trụ và nhân sinh, cuối cùng chỉ là sự giả hợp, không thật! Là hiện tượng thì có cái gì là thật? Chẳng có pháp nào thật cả; chẳng qua cái nầy có thì cái kia có, cái nầy không thì cái kia không, vạn hữu không có tự tánh, không thật hữu…
Vậy ngọai cảm là gì? Là người có sự cảm niệm nghe, thấy, hiểu biết về thế giới bên ngòai của con người, hay bên ngòai của người đó chăng?
Theo tư liệu của Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh, nói về hiện tượng ngọai cảm, thần bí khoa học trong tác phẩm “Đời sống sau nầy” của Bác sĩ Raymond A Moody đã dày công nghiên cứu 150 người trên thế giới, đã từng chết lâm sàng. Người sắp chết, đến phút cuối cùng nghe thấy Bác sĩ, hoặc những người xung quanh tuyên bố rằng mình đã chết nghe thấy những tiếng ồn khó chịu, thấy bản thân mình bị lưu động rất nhanh qua một đường hầm đen tối…. Hiện tượng nầy có được vì người ấy chết , nhưng còn ở gần bên sự sống, nên họ có thấy biết nhưng sự sống rất mong manh. Còn nhà ngọai cảm thì có sự thấy biết cõi âm nên gọi linh hiển, có sự sống lâu dài. Những người chết đi rồi sống lại còn gọi là hồi dương :
* Hồi dương là chết rồi, có khi sống lại rồi chết liền.
* Có người hồi dương sống lại với thời gian dài, như những nhà ngọai cảm hiện nay, thường là các vị có bệnh gần như chết rồi và sống lại bình thường như mọi người khác, nhưng đặc biệt có những hiện tượng lạ đến với nội tâm của họ, như: : mắt thấy cõi âm, tai nghe tiếng nói của người cõi âm, thân đi vào cõi âm.…các vị làm được việc tiên đoán, phán đóan, nghe, thấy, nói tiếng âm…
Tại Việt nam cũng có những nhà ngọai cảm không do chết đi sống lại mà phán đoán cũng rất đúng, trường hợp nầy thì hiếm.
* Có những trường hợp người tu Phật, giữ được chánh niệm, có đẳng cấp cao, đắc đạo, xuất thần nhập hóa, du hí thần thông…
Năm 2004 tại Quan Âm Tu Viện, Biên Hòa, hai vị Phật tử Hữu Từ và Tâm Hảo phiên dịch quyển sách Tây phương Du ký, Ni Trưởng Thích Nữ Huệ Giác, Viện chủ Quan Âm Tu Viện viết lời giới thiệu, nội dung: Ngài Đại lão Hòa Thượng Khoan Tịnh tu Tịnh độ, nhưng bỗng nhiên vào ngày 25/10 âl (1967) Ngài mất tích. Nhà cầm quyền Trung quốc và các đội cứu hộ trên bờ dưới sông của địa phương, mọi người thân thiết, đệ tử quyết tâm tìm kiếm, nhưng không gặp. Cho đến ngày 8/4 âl (1973) Hòa Thượng xuất hiện trong hang Di Lặc, núi Cửu tiên, tỉnh Phước Kiến, mọi người đến thỉnh ngài về lại chùa, thời gian ngài mất tích là sáu năm, năm tháng. Từ đó về sau, ngài thường đi du thuyết các nước Malaya, Singapore…thuật lại cảnh giới Tây phương Cực lạc mà ngài đã từng gặp trong thời gian mọi người cho rằng ngài đã chết. Những thời thuyết pháp của Hòa thượng được Phật tử Lưu Thiếu Hoa đúc kết ghi lại thành sách, nhan đề Tây phương du ký khuyên mọi người tinh tấn tu niệm Phật nhiều hơn nữa sẽ được vãng sanh thật sự về cõi nước Tây phương Cực lạc của Phật A Di Đà.
Trường hợp nầy nhà Phật không gọi là ngọai cảm nữa, mà là do sự dày công tu tập thiền định, niệm Phật, phát nguyện tu hành đắc đạo của người đệ tử Phật có đẳng cấp cao nên có niệm lực, định lực, huệ lực, thấy biết được những thế giới Phật ở ngòai thế giới phàm phu.
* Có những trường hợp hồi dương sống lại rồi kể những chuyện ở âm phủ như là chuyện ở thế gian, hoặc giả là kể chuyện đạo đức khuyên người trần tục làm lành lánh dữ để hưởng quả lành trong tương lai, khi chết khỏi phải bị đọa địa ngục, quỷ sứ hành hình…
* Đời nhà Đường ở Ung châu, thuộc huyện Trường an có Ông Cao Pháp Nhãn đi thi, lúc cởi ngựa về nhà, gần chùa Hóa Độ, giữa đường gặp bọn xấu cởi ngựa rượt bắt, Ông vội vàng chạy về nhà té mê ngất rồi chết giả; người nhà truy hô đem về nhà tưởng chết thật dự định làm tang chay, nhưng đến sáng hôm sau ông sống lại, kể:”…Ta bị bắt đến địa ngục bị vua Diêm La xử tội do đến chùa ăn trái cây của thường trụ, bắt ta nuốt 400 hòn sắt nóng, nhưng rồi lưỡi không cháy, ta vẫn sống – tiếp đến có bọn quỷ sứ dắt ta đến cho Diêm Vương xử tiếp lỗi khác, vì ta có nói lỗi xấu của chư Tăng nên bị tội phải cày lưỡi, cày lưỡi nhưng ta vẫn sống – tiếp đến xử tội ta nói việc hay dở Tam bảo, Diêm Vương bảo lấy cày sắt cày lưỡi ta, nhưng không đứt; bảo đem búa lớn chặt lưỡi, cũng không đứt; bảo lấy búa thẻo nhỏ bỏ vào nồi nước sôi nấu cho tiêu, nhưng nấu mãi không rã…”. Diêm Vương lấy làm lạ hỏi, ở thế gian ông còn làm việc gì nữa? Ông Cao Pháp Nhãn thưa:”tôi từng đọc kinh Pháp Hoa một bộ”. Diêm Vương không tin, vội lấy sổ bộ đời của ông ra tra kỷ, thấy trong án có ghi: đọc một bộ Kinh Pháp Hoa. Diêm Vương liền thả cho về trần gian, ông sống lại và kể cho mọi người nghe như thế! Từ đó ông và mọi người trong gia đình tu hành niệm Phật tinh tấn…
Trường hợp tại tỉnh Tiền giang, thuộc miền tây Nam phần Việt nam thì Hòa Thượng Pháp sư Thích Nhật Long, Viện chủ chùa Long Hòa, Cai lậy là Giảng sư tốt nghiệp khóa Như Lai Sứ giả đầu tiên tại Saigon, do Giáo Hội Tăng Già Nam Việt tổ chức; trong thời gian Hòa Thượng còn đi thuyết giảng khắp nơi, gặp Cô Ba cháo gà là người chuyên giết gà, bán cháu gà. Đến tuổi già, Bà đi thiếp, tức là xuất hồn đi vào cõi âm, thường gọi là âm phủ , sau đó trở lại thế gian; đi thiếp cũng là hiện tượng chết, nhưng chết rồi sống lại. Bà kể cho mọi người nghe, trong đó Bà có kể mọi việc ở âm phủ, những việc người làm ác ở nhân gian khi chết linh hồn họ bi âm phủ hành phạt; nhưng cõi âm phủ đối đãi tốt với người hành thiện… cho Hòa Thượng Pháp Sư nghe, Hòa Thượng ghi lại thành quyển sách “Địa ngục ký” phổ biến trong nhân gian. Đây cũng là hiện tượng ngọai cảm thân tiếp xúc với cõi âm biết được chuyện ở ngòai thế gian. Cuối cùng Bà nghe lời dạy của Hòa thượng phát tâm tu hành, quy y Tam bảo, giữ giới cấm, sám hối tội lỗi sát sanh, tu niệm Phật tinh tấn cho đến khi quy Tây trước ngày hòa bình 30/4/1975.
Câu chuyện Rashomon (Lã Sinh Môn), do nhà văn Nhật bản Akutagawa Kyunosuke viết vào năm 1915, vào khỏang 35 năm sau Kuro Kawa Akira thực hiện thành phim, nội dung: Tòa án tối cao Nhật bản cho phép ngồi đồng để cho linh hồn vị võ sĩ hòang gia bị giết chết nhập đồng chỉ mặt ai là người giết võ sĩ, do Võ sĩ tự sát ? do tướng cuớp giết ? hay do vợ Võ sĩ đam mê đi theo tình nhân mà giết Võ sĩ ? Trong đó còn có lão tiều phu là người chứng kiến vụ giết Võ sĩ, nhưng không khai báo vì lão tham lam, lấy trộm gươm báu của Võ sĩ và muốn vật báu nầy thuộc về mình…nhưng cuối cùng rồi cũng vạch mặt đúng tội nhân. Những tình tiết trong lời khai của mỗi người, trong đó có người ngồi đồng và mọi người khai báo không ăn khớp với nhau…(theo truyền thống văn hóa Nhật, thì các nhà văn thường viết những câu chuyện, trong đó các nhân vật của cốt truyện ít khi nào đổ lỗi cho nhau, thường là dành cho độc giả suy nghĩ)…Ngồi đồng thuộc về: ý thức tiếp xúc với cõi âm nên cũng gọi là ngọai cảm.
Ở miền Nam Việt nam, thiêng liêng cũng là hiện tượng mang tên khác của ngọai cảm cũng lắm hiển linh, nhưng đa số người Phật giáo thì ít tin tưởng. Trường hợp của cư sĩ Pháp Đoan, Đạo tràng Tịnh Độ, Quận Nhứt, Tp.Hồ Chí Minh là cư sĩ nhà Phật có cảm tính thiêng liêng có làm việc tiên đóan giúp người cứu người, nhưng cư sĩ có thọ trì ngũ giới cấm, lúc nào cũng lập hạnh tu hành tinh chuyên niệm Phật, gia trì thần chú Đại bi; cư sĩ giúp người bằng cách khuyên người làm lành thì được hưởng quả báo lành, trước khi muốn giúp cho một người thóat hoạn nạn, cư sĩ nhập thất niệm Phật và gia trì chú Đại bi, nhiều là một tuần lễ, ít là một đêm rồi giúp cho người thóat khổ, nên việc làm của cư sĩ Pháp Đoan cuối cùng rất có hiệu quả và giúp cho người kia được thóat nạn quy y Phật pháp, ăn chay niệm Phật, làm lành lánh dữ. Vì có tu hành theo chánh pháp nên cư sĩ giữ được cảm tính hiển linh giúp người cho đến khi từ trần.
Còn nhiều sách nói về việc người chết rồi sống lại, kể chuyện âm phủ, như sách Hồi Dương nhân quả, do quỷ sứ bắt nhầm người phàm có đạo đức Lâm Tự Kỳ, thay vì bắt hồn tội nhân Lâm Sĩ Kỳ do ở thế gian làm việc ác, đem xuống âm phủ để hành hình. Sau đó Lâm Tự Kỳ được trả trở lại thế gian, có kể lại những chuyện âm phủ, quỷ sứ hành hình tội nhân, rồi khuyên người đời làm việc thiện tránh ác, gọi là sách Hồi dương nhơn quả.
Trường hợp của Bà Phan Thị Bích Hằng, Ông Nguyễn Văn Liên…một số nhà ngọai cảm thì ra sao thưa Sư?
Trường hợp của Bà Phan Thị Bích Hằng, khi còn trẻ đi đường cùng với bạn, cả hai bị chó dại cắn: bạn chết, Bà không chết vì bệnh dại nhưng cũng rất xây xát vật vã; Thầy Liên bị bệnh, té gảy tay, Đổ Bá hiệp bị bệnh nặng thập tử nhất sinh, Đổ Văn Chiều bị điện giựt, Tôn nữ Hòang Hương bị chết lâm sàng, Blaga Đimitrva bị bệnh nặng…các vị thay vì chết, nhưng không chết, nên có hiện tượng lạ: thấu thị cõi âm, nghe tiếng nói người cõi âm, thân tiếp xúc cõi âm, làm việc với cõi âm…đến với các vị.
Các vị có quyền sống ở một thế giới khác, thế giới sau khi chết rồi sống lại, “ mắt, tai, ý thức các vị đã xả bỏ những kiếp sống cũ nặng nề, phàm trược của cha mẹ sinh”. Kiếp lai sinh của họ là kiếp sống được tái sinh từ thiên nhiên đất trời (mắt, tai của các vị…không còn là cơ thể của cha mẹ sinh nữa), từ đó mà có cảm tính hiển linh, hay ý thức mới vụt bừng sáng.
Trường hợp như nhà ngọai cảm Nguyễn Văn Nhã ở Tp.Hồ Chí Minh? – Ông Nhã ở Tp.Hồ Chí Minh là người làm cách mạng, nhưng cũng là người tu Phật, Ông và gia đình lúc nào cũng niệm Phật, nên việc hiển linh đến với Ông là chuyện bình thường, do chính niệm mà tiếp xúc với người bên kia thế giới!
Ở Việt nam, các nhà ngọai cảm họ có lý, khi các vị có công giúp cho Chính phủ, Bộ, Sở Lao động Thương binh, các gia đình người thân của các anh hùng liệt sĩ, tìm mộ anh em liệt sĩ, đem về quê hương, hay đem vào các nghĩa trang liệt sĩ địa phương chôn cất, góp phần làm giảm đau thương của các gia đình cha, mẹ, vợ, con, người thân của những người hy sinh vì đại nghĩa, cho tổ quốc được thống nhất độc lập tự do.
- Thưa Sư! Việc làm có nghĩa, nhưng vì sao có vị đoán đúng 80 %, có vị phán đóan không kết quả, chỉ đặng 30 %, trong đó còn có nhà khoa học Nguyễn Vũ Tuấn Anh, ông nói sẽ giúp đuổi gió đuổi mây, ngăn không cho mưa bão, trong 7 ngày diển ra đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, cuối cùng thì không kết quả?
Những vị tìm mộ liệt sĩ đúng 80% do giữ được trạng thái chính niệm cao; mức độ chính niệm của các vị tuy không phải và không bằng nhà tu Phật, nhưng có chính niệm. Những vị phán đóan sai do không có chính niệm.
Trường hợp của Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh, theo nhà Phật, có thể do tự ngã hơi cao nên mất chính niệm; cảm tính tự cao ấy che án sự siêu xuất mất rồi!
Đứng về gốc độ khoa học tâm linh, vì là tâm linh nên nhà ngọai cảm chỉ có thể biết được có mưa bão hay không để giúp cho tổ chức đại lễ tránh mưa bão; vì là tâm linh nên con người không thể ngăn mưa bão, giữa cái hữu cơ hữu hình và tâm linh vô hình lúc nào cũng một mất một còn, thì không bao giờ gặp nhau, làm sao giải quyết ngăn mưa bão. Muốn ngăn mưa bão cần phải đủ yếu tố “trí tuệ” hài hòa cùng sự tiến bộ của khoa học “vật chất” mới thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên khoa học cũng chỉ thực hiện việc ngăn mưa bão giới hạn trong một không gian và thời gian cố định nào đó mà thôi. Tuyên bố ngăn mưa bão của Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh do bản ngã cao, đã lỡ tuyên bố…,nên khi trở về với thực tại để rút lại lời nói không kịp với báo chí!
Nếu thật sự các vị hiển linh siêu xuất thì chắc chắn các vị đã không từ chối làm cho không có mưa bão, không còn người chết đuối, không hư hại mùa màng hằng năm; nhất là thiên tai bão lụt đã và đang đến từ tỉnh Nghệ an, Hà tĩnh, Quảng bình, Quảng trị, Thừa thiên Huế, từ Phú yên đến Bình thuận trong tháng 9,10/2010 vừa qua.
Theo nhà Phật thì các pháp, dù là thần thông diệu dụng cũng chỉ là phương tiện, kể cả pháp có đẳng cấp cao, siêu xuất nhất của Phật cũng là phương tiện giáo hóa cho người đệ tử Phật đạt đến cứu cánh: chính niệm, an tâm, định lực cao, tu hành đạt hiệu quả và đắc đạo. Hành trình đi đến đắc đạo của người đệ tử nhà Phật là do tu Giới, Định, Tuệ, chính là đỉnh cao trong suốt thời gian tu hành; nhơn giữ Giới sanh Định, nhơn Định phát Tuệ. Tuệ giác chính là sức mạnh đưa chúng sanh đến chổ tự làm chủ được chính mình. Không pháp thần thông cao viễn nào bằng, tự mình có khả năng đưa mình ra khỏi bờ vực sanh tử luân hồi. Các pháp của Phật là phương tiện, mà phương tiện tức là “không thật” (qua sông bỏ thuyền), huống chi là những hiện tượng hữu vi pháp ở thế gian.
Các nhà ngọai cảm như Ông Nguyễn Văn Liên, Bà Phan Thị Bích Hằng một số các nhà ngọai cảm có tiếng tăm, đã và đang làm chấn động quần chúng trong vấn đề tìm mộ liệt sĩ, tiên đoán, phán đoán sự việc, sự kiện…Tuy nhiên, không làm chấn động các nhà “Phật học cấp cao”, các nhà “học Phật có đẳng cấp”; vì các vị hiểu rất rõ các hiện tượng “linh hiển” là phương tiện giúp đời ở một chừng mực nào đó, nhà Phật gọi là phép ngũ thần thông. Tuy nhiên các phép thần thông ấy, các phương tiện hữu vi ấy vốn “không thật”, không tồn tại, tự sanh tự diệt.
Trong Đại luật, sinh thời Đức Phật đã không cho phép các môn đệ sử dụng thần thông để thu bát. Bát là pháp khí quan trọng trong đời người tu của Sa môn đệ tử Đức Phật, dùng làm đi khất thực, khất thực là Phật sự của Phật Thích ca và ba đời chư Phật. Chuyện kể: …có một vị ngọai đạo treo cái bát trên cao ra điều kiện, nếu ai hiện thần thông lấy được thì bát ấy thuộc về mình. Có một vị Tỳ kheo dùng thần thông bay lên lấy bát về và bị Phật quở. Từ đó Ngài kiết giới cấm hiện thần thông làm việc giống như thế…(Cương yếu giới luật,NXB Tôn giáo, 2002, trang 80, HT thích Thiện Siêu biên sọan)
Như trong kinh Kim cang Bát nhã (trích trong sách Phật học Phổ thông quyển thứ 12, trang 180 bản dịch và chú giải của Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hoa), Phật dạy:” tất cả pháp hữu vi như mộng, huyễn, bọt bóng, sương mai, điển chớp…” Tất cả các pháp trong vũ trụ đều hư giả, như chiêm bao, như huyễn thuật, như bọt nước, như bóng tối, như sương mai và như điện chớp…đều “không thật”.
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.

HT Thích Giác Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét