TÔNG THIÊN THAI GIÁO QUÁN – Chi phái Cao Minh Tự ở Việt Nam
*
Cư sĩ Tắc Hành
Vào năm 575 (năm Ất Mùi, niên hiệu Đại
Kiến đời Trần Tuyên Đế, thời Nam Bắc triều), Tổ Trí Khải (538 – 597) thành lập
tông môn tại núi Thiên Thai (thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), sư tổ đã lấy
tên núi đặt tên tông, gọi là tông Thiên Thai; tông Thiên Thai lấy Nhất tâm Tam
quán làm chủ trương tu tập nên còn gọi Thiên Thai Giáo Quán; chư tổ đã trọng
dụng kinh Pháp Hoa để phát huy giáo nghĩa, vì vậy cũng gọi tông Pháp Hoa.
Đại
sư Vô Tận Truyền Đăng thuộc đời thứ 30 của tông Thiên Thai, là người có công
trùng hưng môn phái, ngài sáng tác nhiều tác phẩm giá trị như: Thiên
Thai truyền Phật tâm ấn ký chú (2 quyển), Thiên Thai sơn
phương ngoại chí (30 quyển) và hàng chục tác phẩm Phật học khác. Ngài
xây dựng Đại Tông Đường để thờ chư tổ, họa hình chư tổ gọi là Thiên Thai tông
nguyên lưu đồ để người đương thời và người đời sau chiêm bái.
Ngài thành lập chi phái Cao Minh Tự và
biên soạn hai bài kệ đặt pháp danh và pháp hiệu để tạo sự thuận lợi cho việc
truyền đăng trong chi phái, kệ pháp pháp danh bắt đầu bằng chữ Chơn để nhớ ơn
thầy của mình, đó là ngài Bá Tòng Chơn Giác, đời thứ 29 của tông Thiên Thai,
đồng thời ngài cũng tôn thầy mình làm Sơ tổ của chi phái Cao Minh Tự. Như vậy
pháp danh thuộc hàng chữ Chơn theo chi phái Cao Minh Tự là đời thứ nhất, nhưng
đối với tông Thiên Thai Giáo Quán lại thuộc đời thứ 29, các hàng chữ tiếp theo
y cứ vào thứ tự này để tính tới. Về pháp hiệu cũng giống như vậy, cũng bắt đầu
từ chữ Đại trong câu Đại giáo diễn dịch.
Thường thì Phật tử chỉ có pháp danh không
có pháp hiệu, tu sĩ thì có cả pháp danh (sau khi tịch gọi là pháp húy) lẫn pháp
hiệu, nhưng phải tương xứng với nhau theo thứ tự của hai bài kệ, pháp danh hàng
thứ nhất thì pháp hiệu cũng hàng thứ nhất, pháp danh hàng thứ chín pháp hiệu
cũng hàng thứ chín. Thí dụ: Pháp danh là Chơn, pháp hiệu phải là Đại; pháp danh
là Nhất, pháp hiệu là Lập… Ngài Mẫn Hy đời thứ 15 chi phái Cao Minh Tự, đời thứ
43 của tông Thiên Thai Giáo Quán, có pháp danh là Cổ Lãng và pháp hiệu là Mẫn
Hy; Tổ Hiển Kỳ đời thứ 20 chi phái Cao Minh Tự, đời thứ 48 tông Thiên Thai Giáo
Quán có pháp danh Nhiên Công, pháp hiệu Hiển Kỳ; Tổ Liễu Thiền, pháp danh của
ngài là Tu Trì, pháp hiệu Liễu Thiền; Sư bà Đạt Đạo pháp danh Tánh Hóa, Hòa
thượng Đạt Hảo pháp danh Tánh Tướng, Hòa thượng Tắc Phước pháp danh Lãng Điền…
Tông Thiên Thai ra đời rất sớm, nhưng
truyền vào Việt Nam rất muộn, người Việt Nam đầu tiên có tên trong hàng cao
tăng tông Thiên Thai ở Trung Quốc là Tổ Hiển Kỳ, thế danh của ngài là Trần Quốc
Lượng, quê ở Rạch Quau, Cần Giuộc, Chợ Lớn (nay thuộc Long An), nhưng lại hành
đạo ở Trung Quốc cho tới ngày viên tịch. Ngài có công vận động nhiều người Việt
Nam vào tông Thiên Thai: Năm 1928, tại chùa Thanh Sơn ở Hồng Kông, Tổ Hiển Kỳ
đã xuất gia cho ba vị: Liễu Đàn (húy: Tu Tất), Liễu Học (húy: Tu Thành), Liễu
Tướng (húy: Tu Hảo); đến năm 1931 cũng tại đây, Tổ đã xuất gia cho bốn vị: Liễu
Thiền (húy: Tu Trì), Liễu Lạc (húy: Tu Tịnh), Liễu Chứng (húy: Tu Quán), Liễu
Tức (húy: Tu Nhiên). Các vị đều là người Miền Nam và đều có xuất thân tử Minh
Sư đạo, sau khi thọ đại giới các vị đã về nước hoạt động, đó chính là bảy vị tổ
đã có công truyền bá giáo nghĩa tông Thiên Thai và phát huy chi phái Cao Minh
Tự đầu tiên ở Việt Nam.
A. KỆ PHÁP DANH
眞傳正受
靈嶽心宗
壹乘頓觀
印定古今
念起寂然
修性朗照
如是智德
體本玄妙
因緣生法
理事即空
等名爲有
中道圓融
清淨普遍
感通應常
果慧大用
實相永芳
|
Chơn (chân) truyền chánh thọ
Linh nhạc tâm tông
Nhất thừa đốn quán
Ấn định cổ kim
Niệm khởi tịch nhiên
Tu tánh (tính) lãng chiếu
Như thị trí đức
Thể bổn (bản) huyền diệu
Nhơn (nhân) duyên sanh pháp
Lý sự tức thông
Đẳng danh vi hữu
Trung đạo viên dung
Thanh tịnh phổ biến
Cảm thông ứng thường
Quả huệ đại dụng
Thật tướng vĩnh phương
|
B. KỆ PHÁP HIỆU
大教演繹
祖道德宏
立定旨要
能所泯同
功成諦顯
了達則安
萬象海現
孰分弍弎
初門悟入
化法遂行
己他益利
究極彰明
源深流遠
長衍紀綱
百千之世
恆作舟航
|
Đại giáo diễn dịch
Tổ đạo đức hoành
Lập định chỉ yếu
Năng sở mẫn (dân) đồng
Công thành đế hiển
Liễu đạt tắc an
Vạn tượng hải hiện
Thục phân nhị tam
Sơ môn ngộ nhập
Hóa pháp toại hành
Kỷ tha ích lợi
Cứu cực chương minh
Nguyên thâm lưu viễn
Trường diễn kỷ cương
Bá thiên chi thế
Hằng tác chu hàng
|
Nguồn: Phật giáo Bạc Liêu |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét