Tìm kiếm

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Học Tây Du Ký 05: Ý nghĩa câu chuyện Tây Du Ký và tên của các thành viên đoàn thỉnh Kinh

Lý do có đoàn thỉnh Kinh từ Đại Đường sang Tây  Thiên đã được Pháp Minh Khoa nêu trong bài  “Học Tây Du Ký 04” Tuy nhiên đây chỉ là lý do bề  nổi được nêu chính thức trong truyện. Vậy  lý do bên trong hay có thể nói là mục đích thật sự  để Ngô Thừa Ân bỏ công sức viết bộ tiểu thuyết Tây Du Ký là gì ? Ai cũng biết 1 tác phẩm văn học ngoài ý nghĩa và nội dung thể hiện  bằng giấy  mực đọc được, giá trị của tác phẩm thường lại là ý nghĩa và nội dung mà người đọc phải suy ngẫm mới hiểu ra.
Có lẽ đa số Phật tử hoặc nghiên cứu về Đạo Phật đều thống nhất ý nghĩa sâu xa và quan trọng nhất của tác phẩm Tây Du Ký không phải kể về hành trình của đoàn thỉnh kinh đi từ nước Đường  bên Phương Đông sang Tây Trúc bên Phương Tây để thỉnh kinh Phật về mà là thể hiện hành trình tu tập của một Phật tử.  Tuy đoàn thỉnh Kinh 5 người nhưng lại chính là 1 người,  từ những hiểu biết sơ khởi về giáo lý Đạo Phật đã tự lực quyết tâm vượt qua mọi chướng ngại để đạt được Giác ngộ (đắc Đạo). Đã có nhiều nhà nghiên cứu viết thành sách về ý nghĩa này của tác phầm như “Giải mã truyện Tây du” của Lê Anh Dũng (NXB Thanh niên) , như “Bàn về Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân” của Thích Chơn Thiện  (Nhà Xuất bản Tôn Giáo 2000); “Tây Du Ký qua cách nhìn của người học Phật” của Huyễn Ý (NXB Văn hóa thông tin 2008) …
         Cũng chính vì ý nghĩa này mà Pháp Minh Khoa đã sử dụng Tây Du Ký như là 1 trong những tài liệu học tập để tu tập Phật Đạo cho mình. Một trong những ý nghĩa giá trị của Tây Du Ký là hình tượng về 5 thành viên trong đoàn thỉnh kinh. Cả 3 tài liệu nêu trên đều chỉ rõ 5 thành viên này chỉ là 5 thành tố hay tính cách của 1 Phật tử trong hành trình tu tập Phật đạo.
Trong Tây Du Ký qua cách nhìn của người học Phật” cảu Huyễn Ý, ý nghĩa của 5 nhân vật là:
-          Ngài Đường Huyền Trang chỉ cho Tạng thức (thức thứ 8).
-          Tôn Ngộ Không (Tề Thiên Đại Thánh) chỉ cho Ý thức (thức thứ 6) 
-          Trư Bát Giới chỉ cho năm thức: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức,Thân thức (Tiền ngũ thức). 
-          Sa Ngộ Tịnh chỉ cho Mạc Na thức (thức thứ 7). 
-          Con ngựa chỉ cho Sắc thân hay Sắc uẩn.
Trong “Bàn về Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân” của Thích Chơn Thiện
-          Ðường Tăng là tiếng nói của hạnh nguyện giải thoát, của bi nguyện độ sinh, và sau hết là tiếng nói của cho tim trần thế.
-          Tôn Ngộ Không là biểu trưng cho Chánh kiến và Chánh tư duy (Huệ), sau khi được Tu Bồ Đề dạy, đã đạt được trí tuệ giải thoát nhưng vì chưa là trí tuệ giải thoát sau cùng,  nên vẫn phải tu tập thêm Giới và Ðịnh
-          Trư Bát Giới quả là hiện thân của dục vọng, của sự buông lung thân, khẩu, hành và khi tham gia đoàn thỉnh kinh đã thể hiện công phu hành trì giới uẩn để chế ngự dục vọng và tẩy trừ thân, khẩu nghiệp. 
-          Ngộ Tịnh là biểu tượng của công phu tu tập hành trì  Thánh định uẩn. Từ một người đánh mất chánh niệm (làm đổ ly ngọc mà bị đày xuống trần gian) khi theo Ðường Tăng  đã thiết lập lại chánh niệm tỉnh giác.
-          Tiểu Long Mã từ kẻ ngỗ nghịch bất hiếu phải bị trừng trị, khi theo đoàn thỉnh kinh đã thể hiện sự chuyển hóa của tâm Hiếu. Tâm Hiếu  làm nền tảng cho tâm Bi, một trong Tứ vô lượng tâm của Đạo Phật (Từ – Bi – Hỷ – Xả), là nền chuyển tải việc cứu thoát chúng sinh của Đạo Phật
Trong “Giải mã truyện Tây du” của Lê Anh Dũng
-          Đường tăng là tính từ bi, nhân hậu, bao dung, đồng thời  cũng u mê, nhu nhược, ba phải nhưng có quyết tâm tu hành vượt qua muôn vàn cám dỗ
-          Tề thiên là trí, lý trí. Lý trí có đặc điểm loạn động (tâm viên, ý mã), nhanh (cân đẩu vân) và  ưa nổi loạn, ngang tàng phách lối, chẳng chịu thua kém nhường nhịn ai. Vì thế nên cần thiết phải được uốn nắn luôn luôn cho hợp với kỷ cương, khuôn phép (đội kim cô). Đến khi thành Đạo, cái trí con người tự trở nên sáng không còn cần kiềm tỏa (vòng kim cô tự mất)
-          Bát giới là sự tập hợp những bản năng rất vật dục và tầm thường nơi con người,  là tánh tham: Tham ăn, tham ngủ, tham của, tham sắc và tham nịnh nọt cho được lợi về mình. 
-          Sa tăng là tánh cần cù, nhẫn nại. Sa tăng là hình ảnh của tinh tấn, trì thủ, tâm bất thối chuyển.
-          Ngựa thần là xác thân cương kiện. Một tinh thần minh mẫn trong một xác thân tráng kiện. Con người đi tìm Chân lý, tìm Đạo, cần có xác thân vững vàng, khoẻ mạnh.
        
Pháp Minh Khoa hoàn toàn đồng ý với các quan điểm trong 3 tài liệu trên: cả đoàn thỉnh kinh gồm  Đường tăng, Tề thiên, Sa tăng, Bát giới, long mã chính là mỗi người Phật tử đã, đang, và tiếp tục tu tập hành trì trên con đường đến giác ngộ. Tuy nhiên, Pháp Minh Khoa muốn trình bày một góc nhìn khác về 5 nhân vật này so với một số tài liệu đã nêu trên, đó là cách hiểu của mình về ý nghĩa tên từng thành viên trong đoàn thỉnh Kinh. Chính ý nghĩa danh hiệu 5 nhân vật này đã thể hiện một số nội dung cơ bản của Đạo Phật
1-      Đường Tăng
Tên Đường Tăng không có ý nghĩa nhiều, chỉ thể hiện xuất phát và vai trò: nhà sư của nước Đường ở Trung Hoa. Có ý nghĩa là tên Đường Tam Tạng. Tam tạng là 1 từ mà bất kể Phật tử nào cũng biết. Theo Từ điển Đạo UYỂN, Tam Tạng có 3 nghĩa:
-          là 3 phần cốt tủy về kinh sách của  Đạo Phật: Kinh, Luật và Luận.
-          Dùng  làm danh hiệu dành cho những Cao tăng, những vị Đại sư được xem là  thông suốt hết tất cả những thánh điển nhà Phật.
-          Chỉ về giáo lý Nhị thừa (tức giáo lý Thanh Văn, Duyên Giác, chưa bao gồm Bồ Tát thừa tức chưa phải giáo lý Đại thừa)
Vậy ta có thể hiểu Đường Tam Tạng chỉ cho phần kiến thức  còn mang tính lý thuyết đồng thời chưa viên mãn (mới ở mức Tiểu thừa). Nếu ta liên hệ đoạn đối thoại giữa Pháp sư Huyền Trang với Bồ Tát ở hồi 12:
Pháp sư ngồi trên đài tụng kinh «Thụ sinh độ vong», giảng tập «An bang thiên bảo», đọc quyển “Khuyến tu công đức”. Bồ tát đến gần, gõ vào bảo đài, hỏi to mấy tiếng:
- Thưa Hòa thượng, ngài chỉ biết giảng giáo lý «Tiểu thừa», có giảng được giáo lý «Đại thừa» không ?
Huyền Trang nghe nói, trong lòng mừng rỡ, đứng dậy bước xuống đài, chắp tay vái Bồ tát, nói :
- Thưa lão sư phụ, đệ tử vô ý thật có tội. Hiện nay các nhà sư đều giảng giáo lý Tiểu thừa, chưa biết giáo lý Đại thừa là thế nào:
Bồ tát nói:
- Giáo lý Tiểu thừa ấy không siêu độ được vong hồn, chỉ có thể mát mẻ sáng sủa hơn mà thôi. Ta có pho kinh “Đại thừa Phật pháp tam tạng» có thể siêu độ cho vong hồn được lên trời, cứu vớt người hoạn nạn thoát khổ, có thể tu sống lâu vô lượng, có thể bất diệt, bất sinh.

Như vậy, Đường Tam Tạng  chính là phần lý thuyết về Đạo Phật  mà người mới bắt đầu tu hành phải có để căn cứ vào đó mà hành trì. Dồng thời, phần lý thuyết này chưa hoàn chỉnh, vẫn cần được bổ xung thêm trong quá trình tu tập (kiểm nghiệm thực tế và học thêm, ví dụ được Ô Sào thiền sư dạy “Bát nhã ba la mật đa tâm kinh” ở hồi 19

      2- Tôn Ngộ Không
Theo cách hiểu thông thường đã thấy Ngộ Không tức là ngộ được tính KHÔNG, một tri thức cốt tủy và nền tảng của Đại thừa.
Từ 1 con khỉ đá, khi phát hiện lẽ Vô thường, Khỉ đá đi tầm sư học đạo và được Tu Bồ Đề tổ sư thu nhận, đạt tên và truyền thụ pháp thuật. Mà Tu Bồ Đề  được mệnh danh là “Giải Không đệ nhất” trong mười đại đệ tử của Đức Phật, tức đệ tử giỏi nhất về lý thuyết tính Không trong giáo lý cảu Đức Phất truyền dạy.

3-      Trư Ngộ Năng
Theo cách hiểu thông thường thì Ngộ Năng là ngộ được Bản năng của mình.
Trong Đạo Phật có khái niệm về “Năng” đối với “Sở”. Năng chỉ cái khả năng, cái có thể, Sở chỉ đối tượng của năng. Ví dụ năng kiến là tánh thấy, hay con mắt, vì nó có khả năng thấy, Sở kiến là cái bị thấy.  Trong khía cạnh nhận thức thì năng là cái biết, sở là cái được biết. Trong khía cạnh 12 xứ thì năng là sáu căn và sở là sáu trần. Khi 6 căn gặp 6 trần (sắc , thanh, hương, vị, xúc, pháp) tạo thành 6 thức từ đó sẽ khởi vọng niệm. Đây chính là nguồn gốc của phiền não.
Như vậy Ngộ Năng là ngộ được 6 căn của mình, không để 6 căn cuốn hút theo 6 trần mà khởi vọng nghiệp. Muốn ngộ được Năng, không phải chỉ thuộc lý thuyết mà phải tu tập, cụ thể là phải giữ Giới. Đây chính là ý nghĩa của tên Bát giới mà sư phụ Đường Tăng ban cho.

4-      Sa Ngộ Tĩnh  
Việc đạt được trang thái Tĩnh (đến mức độ cao chính là ĐỊNH) có vai trò rất quan trọng trong tu tập Phật đạo. Dù vai trò của Sa Tăng không nổi bật như Tôn Ngộ Không  và Trư Bát Giới nhưng ý nghĩa cuat nhân vật Sa Ngộ Tĩnh chính là nguyên lý tu đạo:  Phải Tĩnh mới có thể Định, có Định mới đủ bộ ba chân kiềng của Tam vô lậu học: Giới (ngộ Năng)  - Định (ngộ Tĩnh) - Huệ (ngộ Không) để có thể giúp hành giả đến bờ giải thoát.

5-      Bạch long mã
Mã là ngựa mà công dụng chính đối với con người là mang vác chuyên chở. Vai trò của Bạch Long Mã trong Tây Du Ký là để Đường Tam Tạng cưỡi và có lúc chở các vật dụng, kinh sách …  Nếu người Phật tử không có đủ sức khỏe thì làm sao có thể  chuyển hóa được cả Tam tạng lý thuyết để kiên trì hành trì  Giới – Định – Huệ. Bất cứ người nào khi dấn thần vào con đường tu tập cũng đều phải tự chuẩn bị và mong mình không chỉ có sức khỏe thông thường mà phải mạnh và linh hoạt  như Long (rồng), phải trắng (bạch) để không bị ô nhiễm (tịnh) để không  thối lui, không đứt gánh giữa đường và kiên cường vượt qua vô vàn chướng ngại ngăn trở trên từng bước đường tu tập.


Qua ý nghĩa tên của 5 nhân vật Tây Du Ký, mỗi người Phật tử  có thể rút ra bài học cho mình để có thể dấn thân vào con đường Đạo, đó là:
-          Phải trang bị kiến thức cơ bản và đồng bộ về Tam Tạng (Kinh – Luật – Luận).  
-          Phải nắm vững và vận dụng thành thạo tính KHÔNG thông qua Bát Nhà Ba La Mật Đa Tâm Kinh, tức dùng HUỆ để diệt được SI.
-          Phải hiểu rõ và chế ngự được bản NĂNG của mình (lục căn, lục thức)  không để bị dính mắc vào lục trần mà phát sinh mộng tưởng điên đảo, tức trì GIỚI và diệt được THAM.
-          Phải giữ được tâm TĨNH trong từng hơi thở, bước đi, tức giữ được ĐỊNH  để diệt được SÂN.
-          Và điều kiện đủ là phải có đủ sức khỏe đảm bảo quá trình tu GIỚI – ĐỊNH – HUỆ  không bị gián đoạn ngăn trở.
 Chỉ có chuẩn bị được kỹ càng như thế mới, người Phật tử mới có thể vượt qua  khó khăn thử thách như thầy trò Đường Tăng đã trải qua trong 5048 ngày (14 năm) với 81 kiếp nạn để thành Phật.  

.       Hy vọng vài ý kiến trên có thể  giúp ích ít nhiều cho những người  đọc truyện xem phim Tây Du Ký mà chưa hiểu hết mục đích của tác giả Ngô Thừa Ân muốn nói gì với bản thân mình. 
Hà Nội 22/12/2013
Pháp Minh Khoa 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét