Tìm kiếm

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Học Tây Du Ký 03: Quan điểm về những ý kiến phản bác, hạ thấp giá trị tác phẩm Tây Du Ký

Tiếp theo 2 bài trước, bài này Pháp Minh Khoa xin được nêu quan điểm của mình về những ý kiến phê phán tác giả Ngô Thừa Ân và hạ thấp giá trị Phật học của Tây Du Ký  đã được nêu trong bài HọcTây Du Ký 01 của Blog này.

1.a- Ý kiến cho rằng Tây Du Ký: Xuyên tạc và bôi bác Phật giáo, thí dụ như hình ảnh Ðức Phật dùng thần thông chụp năm quả núi lớn đè xuống mình Tôn Ngộ Không một cách thiếu từ bi rồi liền quay lại hớn hở nhìn cô Hằng Nga ca múa
Theo Pháp Minh Khoa, thời điểm  bị Phật tổ “lật bàn tay túm chặt lấy, mang ngay ra ngoài cửa Tây Thiên, biến năm ngón tay thành năm quả núi: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, gọi là núi Ngũ Hành, nhẹ nhàng đè chặt Đại thánh xuống dưới” thì Tôn Ngộ Không  vẫn là một “yêu quái” chưa phải là hành giả sa môn. Đạo Phật là đạo TỪ BI nhưng cũng có biện pháp tương xứng  đối với những  đối tượng chưa thể sử dụng được biện pháp giáo hóa theo phương cách nhu hòa (nếu hiểu ý nghĩa và hình tượng  ông THIỆN và ông  ÁC đứng bên phải và bên trái chánh điện thì sẽ không thấy Phật tổ “thiếu từ bi”)
Đoạn văn của tác giả ý kiến phê phán “rồi liền quay lại hớn hở nhìn cô Hằng Nga ca múa” thực sự là vu khống vì Pháp Minh Khoa tìm mãi không ra đoạn văn này trong sách. Theo sách thì Phật tổ, ngay sau khi “trừ xong loài khỉ quái, bèn gọi A Nan, Ca Diếp trở về Tây phương cực lạc” nhưng ngay lúc đó Ngọc hoàng Thượng đế đến  và mở tiệc cảm tạ nên Phật tổ “chẳng dám chối từ” và phải một thời gian sau mới đến sự kiện Vương mẫu dẫn tiên nga, tiên nữ đến hát múa tại tiệc “để các vị thần tiên thưởng thức” chứ không chỉ cho Phật tổ thưởng thức. Trong suốt cả thời gian dự tiệc, không có câu chữ nào về việc Phật tổ chú tâm đến việc ca múa  huống chi lại “ hớn hở nhìn cô Hằng Nga ca múanhư tác giả ý kiến trên tưởng tượng ra.
1.b-Ý kiến cho rằngngài Ca Diếp và ngài A Nan, hai đại đệ tử của Ðức Phật, đòi “hối lộ” vàng bạc mới cho thỉnh bộ kinh mang về Trung Hoa. Và cuối cùng ngài Đường Tăng đã phải hối lộ chiếc bình bát bằng vàng do vua trao tặng để đổi lấy bộ kinh đem về nước. 
Pháp Minh Khoa: Thật tiếc, là đa số người xem truyện hoặc phim đến đoạn này đều có ấn tượng  tương tự như tác giả ý kiến phê phán. Đó là do chúng ta dùng tâm phàm trần để nhận xét 1 hành động của các nhân vật Tây Du Ký trong một  cảnh giới khác: đã vượt qua bến Lăng Vân bắt đầu thành bậc Giải thoát. Theo Pháp Minh Khoa, hành động này có 2 ý nghĩa chính:
- Thầy trò Đường Tăng vì mới vượt mê sang được bờ giác nên vẫn còn  phân biệt coi trọng “chiếc bát tộ bằng vàng”.  Việc A Nan, Ca Diếp đòi lễ vật chính là giúp đoàn lấy kinh đoạn tuyệt thêm với tâm Tham, tâm phân biệt . Lần đầu A Nam, Ca Diếp đã nhắc nhở bằng cách đòi biếu quà chung chung mà đoàn thỉnh kinh không hiểu, lần sau phải nhắc lại rõ ràng để giúp thầy trò Đường Tăng dứt tuyệt được (A Nan phải nhăn nhó mặt mày chứ đâu sung sướng gì).
-  Ý nghĩa của quy luật Nhân Quả hay hành động Cúng dường Tam Bảo (các bạn có thể tham khảo TẠI ĐÂY). Khi Hành giả phản đối việc “vòi tiền” thì chính Phật tổ đã dạy khá chi tiết như trong truyện (trang 843 tập II)
1.c- Ý kiến cho rằngTruyện Tây Du Ký được lưu truyền trên thế gian hoàn toàn là những lời ma quỷ”.
Pháp Minh Khoa: Một trong những giá trị quan trọng nhất của Đạo Phật là triết lý về Duy thức hay “nhất thiết duy Tâm tạo”. Ma quỷ hay thiên đường  … đều do chính tâm chúng ta tạo ra. Nếu tâm chúng ta trong sáng thì sẽ thấy Tây Du Ký chứa đựng rất nhiều lời dạy, những giáo lý cao cả của Phật tổ.
1.d- Ý kiến cho rằngCác đạo sĩ tự viết ra quyển tiểu thuyết Tây Du Ký để phỉ báng Phật giáo. Thế nhân rất tin tưởng vào quyển truyện Tây Du Ký giả dối đó, khiến quyển Tây Du Ký chân thật lại bị chôn vùi”. 
          Pháp Minh Khoa: Đây là ý kiến quá tùy tiện và chụp mũ. Tác giả ý kiến chắc không đọc phần giới thiệu về thân thế của  Ngô Thừa Ân cũng như không hiểu hệ thống tư tưởng Tam giáo đồng nguyên ở Trung Hoa thời cổ trung đại nên chỉ qua vài tình tiết về Đạo giáo mà đã quy chụp là  “Các đạo sĩ tự viết ra quyển tiểu thuyết Tây Du Ký để phỉ báng Phật giáoThực chất, nếu có kiến thức nhất định về Tam giáo thì so với đạo Nho, Lão,  Đạo Phật trong Tây Du Ký có vai trò vượt trội và chính yếu hơn hẳn. Nội dung này sẽ được Pháp Minh Khoa trao đổi lại trong các bài viết sau.
2.a- Ý kiến Tây Du Ký “chỉ dựa vào một chi tiết có thật độc nhất là «Tam Tạng pháp sư Huyền Trang được vua nhà Đường nước Trung Hoa cử sang Tây Trúc (tức là Ấn Độ) thỉnh kinh ». Từ chi tiết có thật đó, tác giả đã viết ra một câu chuyện hoàn toàn bịa đặt, hoang đường, xúc phạm sự tôn nghiêm của đức Phật, hạ thấp phẩm cách chư đại đệ tử Phật và nhất là bôi nhọ pháp sư Huyền Trang, khiến cho độc giả mất thiện cảm với giới tu hành nhà Phật, cản trở con đường tìm hiểu và tu tập theo Phật pháp một cách nghiêm túc.

Pháp Minh Khoa: Tây Du Ký là “TIỂU THUYẾT” thuộc thể loại “thần tiên ma quái” nên đương nhiên là nhìn hình thức thì phải “bịa đặt, hoang đường”. Vấn đề là giá trị của tác phẩm ở nội dung và tư tưởng cũng như nghệ thuật.  Việc Tây Du Ký được xếp vào 1 trong 4 danh tác tiểu thuyết đời Minh Thanh (cùng với Tam Quốc, Thủy Hử và Hồng Lâu Mộng)  đã nói lên giá trị của tác phầm mà phần cuối của Lời giới thiệu đã tổng kết: Từ khi ra đời cho đến nay, đã trên bốn thế kỷ, Tây du ký cũng như Tam quốc, Thủy hử được nhân dân Trung Quốc yêu mến và truyền tụng. Nhiều nhân vật như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới đã đi vào cuộc sống quần chúng trở thành biểu tượng cho các loại người. Đó là vinh quang lớn nhất cũng là niềm an ủi vĩ đại đối với tác giả. Noi theo Ngô Thừa Ân, hang loạt tiểu thuyết thần ma yêu quái ra đời: Phong thần diễn nghĩa, Tục tây du, Hậu tây du v. v... nhưng không có tác phẩm nào vượt nổi Tây du ký.
Về nhận xét Tây Du Ký  “xúc phạm sự tôn nghiêm của đức Phật, hạ thấp phẩm cách chư đại đệ tử Phật …”  Theo Pháp Minh Khoa thì hoàn toàn ngược lại, nếu người độc giả có chút kiến thức cơ bản và ý thức học hỏi, không bị chấp trước thì có thể học được Phật pháp rất nhiều từ tác phẩm này.   Thật tiếc, tác giả ý kiến trên lại là một “cư sỹ” của chính đạo Phật.  
2.b- Ý kiến Tây Du Ký Ở trên, chúng ta đã đọc những lời minh xác của các bậc tôn túc về con người và hành trạng của vị cao tăng là Đường Tam Tạng, ai cũng đã thấy rõ con người ấy hoàn toàn không giống chút nào với Đường Tam Tạng trong Tây Du K‎ý. Và trên thực tế, không hề có 3 đệ tử là Tôn hành giả, Bát Giới và Sa Tăng đi cùng, mà là ngài đi thỉnh kinh một mình.
Ý kiến này Pháp Minh Khoa cũng đã trao đổi ở mục 2.a. Chắc Ngô Thừa Ân có 1 khuyết điểm  là viết hay quá để cho người đọc truyện không còn biết là mình đang đọc truyện nữa.
2.c- Ý kiến Tây Du Ký “Thế nhưng trong Tây Du K‎‎ý, Ngô Thừa Ân đã bôi nhọ hình ảnh vị cao tăng, thí dụ để cho tên đồ đệ hư cấu là con khỉ mắng vị Tam Tạng pháp sư (người thông suốt 3 kho Kinh, Luật và Luận)  rằng ‘’ngay đến bài kinh Bát Nhã có 270 chữ nói rằng vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý mà thầy cũng không nhớ’’, hoặc đưa ra hình ảnh Đường Tam Tạng rất tàn ác, đã dối trá để đánh lừa Tôn hành giả đội chiếc mũ có vòng kim cô rồi sau đó thường nghe lời gièm pha của Trư Bát Giới mà đọc "khẩn cô nhi chú" siết vòng kim cô vào đầu tên đệ tử tận tụy là Tôn hành giả khiến cho hắn đau đớn rên siết lăn lộn kinh hoàng... vân.. vân...    
    Pháp Minh Khoa: Người nêu ý kiến không hiểu ý nghĩa ẩn dụ của Ngô Thừa Ân: cả 5 nhân vật đi thảnh Kinh chỉ là 1 người trên đường tu tập để được giải thoát theo giáo lý Đạo Phật. Chắc quan điểm và kiến thức Phật pháp của tác giả ý kiến trên sẽ thay đổi nếu chịu tìm và đọc các sách như : “Giải mã truyện Tây Du” của Lê Anh Dũng NXB ; “Triết lý nhà Phật sâu sắc ở Tây du ký”tác giả Thái Hà; “Bàn về Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân” Nhà Xuất bản Tôn Giáo 2000 tác giả Tỳ kheo Thích Chơn Thiện; “Tây Du Ký qua cái nhìn của người  học Phật” tác giả Huyễn Ý, Nxb Văn hóa Thông tin 2008.
Một ví dụ nhỏ: từ TAM TẠNG chỉ cho 3 loại tri thức: Kinh – Luật – Luận của Đạo Phật (lý thuyết). Việc Đường Tăng cứ gặp cản trở (núi cao, sông rộng, yêu ma ..) là lại một lần sợ hãi rồi than khóc … và được Ngộ Không động viên, thậm chí mắng mỏ và trợ giúp chính là thể hiện hình tượng Người tu Đạo nếu chỉ học thuộc lòng lý thuyết thì không thể tiến lên được mà phải biết vận dụng để Tri và Hành. Thực tế tự nội tâm nhắc nhở bản thân không phải thể hiện việc trò mắng mỏ thầy trong thực tế .  
 3- Ý kiến tại diễn đàn:
3.a-Ý kiến cho rằng Tây Du Ký:  Hư cấu phi logic
- Tôn Ngộ Không với 72 phép thần thông biến hóa phi thường, nhào một cái là mấy chục vạn dặm, vậy mà phải mất đến 17 năm trời phái đoàn mới cùng thầy đến được Thiên Trúc, một nước cách Ðại Ðường có là bao xa, so với phép cân đẩu vân?
Pháp Minh Khoa: Để lấy được Kinh (tức đạt được giải thoát) người tu phải “tự lực” là chính chứ không thể  hoàn toàn trông mong và “tha lực” bên ngoài (Tha lực chỉ có thể hỗ trợ phần nhỏ nếu có căn cơ, điều kiện nhất định  mà thôi)
- Diễn tiến các tình tiết của nhân vật Sa Tăng và Ngựa Bạch giữa trước lúc còn là yêu quái với lúc sau khi được Ðường Tăng nhận làm học trò và theo thầy sang Thiên Trúc thỉnh kinh, hoàn toàn trái nghịch nhau nó ko fù hợp với diễn tiến của quy luật tâm lý con người.
Pháp Minh Khoa: Hoàn toàn hợp với quy luật và rất nhân bản, từ con người xấu, nếu biết và quyết tâm tu tập thì sẽ cả hóa thành tốt.  Chắc  Tác giả ý kiến cho rằng con người đã xấu thì xấu mãi, đã là yêu quái thì  mãi mãi là yêu quái. Một trong giá trị quan trọng nhất của Đạo Phật chính là giúp con người tự tin và có được phương pháp cải biến mình theo hướng tốt lên ngay trong đời sống hiện tiền cũng như quá trình luân hồi.  
- Tề thiên từng đại náo thiên cung và chỉ thua dưới tay Phật tổ mà trong quá trình phò thầy đi thỉnh kinh đã phải nhiều phen thất bại dưới một số bảo bối của một số yêu quái lấy trộm từ các vị tiên trên thượng giới   
Pháp Minh Khoa: Tác giả ý kiến đã không hiểu ý nghĩa 81  kiếp nạn của đoàn thỉnh kinh cũng như  mối tương quan sinh khắc của các yếu tố vật chất – tinh thần trong quá trình tu tập
3.b-Ý kiến cho rằng Tây Du Ký: Bôi bác Phật giáo. Đoạn này khá dài nên không trích dẫn, nếu cần xem chi tiết thì nhấn TẠI ĐÂY
          Pháp Minh Khoa: toàn bộ nội dung ý kiến thể hiện tác giả không có kiến thức căn bản về Phật học cũng như phương pháp đọc sách tối thiểu, không dành thời gian và tâm trí  một cách tương xứng cho tác phẩm mà vỗi vã áp đặt cảm của mình cho người khác. Việc Tây Du Ký có hay không bôi bác Phật giáo đã tra lời ở mục 2.c. Thật tiếc rằng chính ý kiến của tác giả  mới chính là “bôi bác Phật giáo”.
Kết luận:  
Các ý kiến phê phán Ngô Thừa Ân, hạ thấp giá trị danh tác Tây Du Ký đều sai trái. Điều này không khó nhận thấy và chắc chắn đa số người học hoặc tu theo Phật đạo đều biết (nếu có đọc các ý kiến này). Tuy nhiên vì là Phật tử nên mọi người đều không muốn tranh hơn thua, không muốn sa vào tham, mạn (tham danh, coi mình giỏi hơn người…).  Pháp Minh Khoa cũng không muốn viết  bài  mang tính phê phán người khác nhưng xét thấy nếu không có ai lên tiếng thì nhiều người chưa hiểu vô tình đọc phải  các ý kiến này sẽ bị phân tâm và làm cản trở đến con đường giải thoát của chính mình. Thôi thì một dịp vừa giúp người vừa giúp mình hệ thống lại những nghĩ suy tản mạn về giá trị Phật học của Tây Du Ký.  Trong giới hạn 1 bài viết nên không thể giải thích hết các giá trị Phật học (ý nghĩa, hình tượng, giáo lý, cảnh giới …) mà các bài sau Pháp Minh Khoa sẽ quay lại hệ thống từng khía cạnh  hoặc sự kiện một trong quá trình TÂY DU của đoàn THỈNH KINH .
Nếu bạn đọc thấy thắc mắc có thể ghi ý kiến, câu hỏi tao mục Bình luận hoặc gửi trực tiếp cho Pháp Minh Khoa qua Email: phapminhkhoa@gmail.com
Trân trọng.

 Nhân sinh nhật, kỷ niệm thời say sưa Tây Du
Pháp Minh Khoa 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét