Tìm kiếm

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Sơ khảo tông Thiên Thai (Tuệ Hạnh) Phần 2



SƠ KHẢO TÔNG THIÊN THAI (tiếp theo)

* Tuệ Hạnh
          Như đã nhắc đến ở trước, ghi rằng đại sư Trí Khải sống vào thời mà sau này các sử gia gọi là Nam-Bắc triều (220-589), thời mà đất nước Trung hoa chia xẻ thành nhiều lãnh địa, nước này thôn tính nước kia, khiến bá tánh thường sống trong sợ hãi và vô vọng, không biết ngày mai ra sao, khi nào thì chiến cuộc tràn tới lại phải di tản nữa, làm sao mà sống còn trong cảnh loạn lạc triền miên.          Phật giáo bấy giờ cũng phân hóa nhiều tư tưởng dị biệt, nhất là giữa miền bắc và miền nam, chia đôi bởi dòng Dương tử. Miền bắc, chư tăng chú trọng đến thiền tập và tụng kinh, trong khi miền nam thì trọng về luận giải, biện lý những nguyên tắc của Phật pháp. Trong bối cảnh đó, Đại sư Trí Khải xuất hiện để tổng hợp cả hai khuynh hướng, dung hòa toàn bộ nội dung Phật Pháp hiện hành đương thời, lập thành Thiên Thai tông.
Do đó mà qua dòng lịch sử trãi dài hơn ngàn năm sau, từ Trung hoa đến Nhật bản, ta thấy những vị cao tăng danh tiếng của Thiền tông, Tịnh Độ tông hay Mật tông, v.v., đều xuất xứ từ Thiên Thai tông.
          II. Đại sư Trí Khải, nhà tổ chức
          Đến thế kỷ 6, kinh điển Phật Pháp đã được dịch từ Phạn ngữ sang Hán văn rất nhiều, gồm các bộ kinh chủ yếu mà sau này là đại biểu cho các tông phái lớn; rất đông tăng sĩ du hành sang Ấn độ để thỉnh thêm kinh, trong khi một số danh tăng cũng từ Thiên trúc sang Trung hoa truyền giáo. Sinh hoạt Phật giáo khi đó có thể nói là đã đạt đến tuyệt đỉnh trong tiến trình hoằng xiển chánh pháp tại vùng đất mới này. Tuy nhiên, do vì địa thế Trung quốc bao la bát ngát, phương tiện giao thông liên lạc còn nhiều chướng ngại, cho nên những sinh hoạt Phật giáo như thế trở nên cục bộ, các danh tăng đến đây hay các tôn đức tại địa phương chỉ có thể trú xứ một nơi thuộc miền Bắc hay Nam của dòng Dương tử, hoặc khai sơn một đạo tràng, hùng cứ một phương và đương nhiên tự nhận là chánh thống chân truyền từ Phật hay chư Tổ Ấn độ. Kinh điển, giáo pháp, tông phái, pháp hành, pháp học, pháp tu, v.v., do đó đều trở nên phiến diện đối với hành giả hoặc những người vừa đủ thiện duyên để tiếp xúc với Phật Pháp. Phật tử hoang mang, không biết kinh nào pháp nào là đúng với lời Phật dạy, vì kinh nào cũng tự xưng tán là cao nhất, pháp nào cũng chủ trương do chính lời Phật dạy, v.v.
          Trong một tình huống phát triển hổn độn như thế, Đại sư Trí Khải là người đầu tiên dùng phương pháp thẩm định và phê bình tổng quan gọi là Phán giáo để sắp xếp các kinh luận vào thành hệ thống. Phán giáo có nghĩa là phương pháp có hệ thống, là cách thức phê phán dựa trên căn bản lý tắc chủ yếu của giáo lý đạo Phật qua các bộ kinh luận hiện hành để sắp xếp chúng thành từng nhóm từng bộ môn. Tây phương ngày nay dịch Phán giáo là Doctrinal Classification, hay Method of Classifying the Buddha's Teachings, và đã sùng bái đại sư Trí Khải là vị đại sư  vĩ đại và độc đắc của Trung hoa, vì đã hệ thống hóa toàn thể giáo pháp của Đức Phật khiến dễ dàng phát triển và trở thành là một nền văn hóa có ảnh hưởng thâm sâu, không những trong lịch sử văn hóa Trung hoa, mà cả trong toàn nền văn minh của nhân loại. Có thể nói, Đại sư chính là hậu thân của Tôn giả Xá Lợi Phất, người đã hệ thống hóa tất cả những lời giáo hóa của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để tập thành làm bốn bộ A Hàm (Nikàya) và tạng A-tỳ-đàm (Abhidharma) của Tam tạng thánh điển. Đại sư Trí Khải được các học giả lừng danh ngày nay liệt kê ngang hàng với những tên tuổi lớn trong nền triết học thế giới như Aristotle, Plato, Saint Augustin, v.v.
          Đại sư Đại Thạch Chí Bàn trong Phật Tổ thống ký đã nhận định về ý nghĩa Phán giáo của đại sư Trí Khải rất rành mạch mà Tỳ kheo Thích Tắc Phi đã dịch như sau: “Tư tưởng của Tổ (Trí Khải) được hình thành từ việc hệ thống hóa tinh thần kinh Pháp Hoa và giáo học của sơ tổ Long Thọ theo hình thức đặc biệt của Trung hoa. Tổ đã chia kinh điển của Phật giáo thành 5 loại (ngũ thời) - còn gọi là ngũ vị -, chia phương pháp giáo hóa và nội dung tư tưởng của Đức Phật thành 8 loại (bát giáo). Sự tổ chức hệ thống Phật giáo có tính chất tổng họp này được xem là sự Phán giáo có tính chất đại biểu" (1).
          Thật ra, đại sư Đạo Sanh (kh. 360-434) hơn hai trăm năm trước cũng đã có viễn kiến phân chia hệ thống pháp hành thành Đốn giáo và Tiệm giáo rồi. Nhưng phải đợi đến đại sư Trí Khải, mới tiến thêm bước rất dài nữa, là tổng quan toàn bộ, vừa giáo lý (pháp học), vừa thực hành (pháp hành), của Phật Pháp, lập thành ngũ thời bát giáo. Thêm vào đó, cũng có một số người khác cố gắng phân chia Phật Pháp thành nhiều cách, dụ như :
a) Theo phương diện triết lý, Phật Pháp phát triển qua 3 thời kỳ:
          1. Thời kỳ Trưởng lão, đây là sơ thời Nguyên thủy, chủ trương ngã không pháp hữu;
          2. Thời kỳ Trung đạo, chủ trương nhất thiết không;
          3. Thời kỳ Duy thức, chủ trương tất cả ngã và pháp đều thuần túy do xuất phát từ tâm (nhất thiết duy tâm tạo).
          Cách phân chia này chỉ nhắm đến một vài khía cạnh của Phật Pháp ở buổi cổ đại, lúc sơ thời, mà không nhắc đến những phát triển về sau bên ngoài Ấn độ, nhất là tại Trung hoa.
b) Một số khác lại phân chia theo những khác biệt có tính cách tín ngưỡng trong sinh hoạt cộng đồng, dùng phương tiện khác nhau để đưa đến cùng cứu cánh là giải thoát, tạo thành:
          1. Tiểu thừa; cứu cánh của thừa này là tiệm tu của riêng từng cá nhân cho đến khi đạt A la hán quả của chính hành giả; thịnh hành tại Tích lan, Miến điện, Thái lan, Lào, Cam bốt. Đây là pháp ẩn tu trong các thiền viện, cổ kính, biệt lập, hành giả không liên hệ nhiều với những sinh hoạt tế toáii hằng ngày; các cư sĩ có bổn phận hộ tăng để hành giả chuyên tu.
          2. Đại thừa; đề xướng hạnh nguyện Bồ tát. Đây là pháp tu nhập thế, hành giả khởi tâm rộng lớn cứu độ rộng khắp, dùng phương tiện là chúng sanh làm đối tượng để đạt cứu cánh là quả vị Bồ tát. Đại thừa phát triển vùng đông bắc Ấn độ, khoảng đầu kỷ nguyên tây lịch, truyền sang Đông Á, thịnh hành tại Trung hoa, Nhật bản, Việt nam, Đại hàn, Mông cổ, Nepal và Sikkhim. Đại thừa chủ trương:
          i. cứu độ toàn thể chúng sanh, tiệm tu trên đường giải thoát qua vô lượng vô số kiếp (a tăng kỳ kiếp);
          ii. mục đích của hành giả là đạt Phật quả, dù là tự lực tiệm ngộ hay đốn ngộ theo pháp tu Thiền hoặc tha lực niệm Phật vãng sanh Cực Lạc theo Tịnh độ.
          3. Kim cang thừa; còn gọi là Mật giáo hay Chân ngôn thừa. Áp dụng phương pháp du-già và nghi lễ tế tụng, theo pháp tu Đại thừa nhưng chủ trương cá nhân có thể đạt gải thoát rất mau, có thể ngay trong kiếp này. Tông này dựa trên các kinh điển Mật tạng, cho rằng đây là những lời dạy chân thật của Phật.
          Cách phân chia này cũng vẫn có nhiều sơ hở vì không bàn đến căn bản triết lý vốn dĩ là thực chất của Phật Pháp. Ngoài ra, đương thời đại sư Cát Tạng (549-623), sáng tổ Tam Luận tông, cũng có cách chia toàn bộ giáo pháp Phật thành ba pháp luận:
          1. Căn bản pháp luận: chỉ cho thời Phật nói kinh Hoa Nghiêm;
          2. Chi mạt pháp luận: thời Phật thuyết các kinh A HàmPhương ĐẳngBát Nhã;
          3. Nhiếp mạt qui bản pháp luận: thời nói kinh Pháp Hoa và Niết Bàn.
          Sau Trí Khải không lâu, có đại sư Trí Nghiễm (602-668) người sáng lập cơ sở cho Hoa Nghiêm tông, chia toàn thể Phật Pháp thành 5 loại, gọi là Ngũ giáo Phán giáo, gồm:
1. Tiểu thừa (A hàm, A-tỳ-đàm);
2. Đại thừa sơ giáo (Duy thức);
3. Đại thừa chung giáo (tư tưởng Như Lai tạng);
4. Đốn giáo; và
5. Viên giáo, tư tưởng hàng đầu của pháp môn Đông sơn.
          Cách này cũng không đặc sắc hơn những phương pháp phân chia được kể trên, cho nên rốt cuộc cũng chẳng được bàn rộng thêm, mặc dầu tư tưởng Hoa Nghiêm vẫn được xem là tuyệt đỉnh của triết lý Phật Pháp.    
          Cũng cần ghi nhận ở đây là trước đó cũng đã có đại sư Tuệ Quán (kh. 420-479), đệ tử Giác Hiền (Buddhabhadra, 359-429) (2) và từng học tập dưới trướng của Cưu-ma La-thập (Kumārajīva,鳩摩羅什, 344-413)), đã sáng chế Phán giáo về Bát giáo rồi, phân ra Đốn và Tiệm ngộ. Tiệm ngộ chia làm năm thời, gồm A-hàm, Bát-nhã, Duy-ma, Pháp Hoa và Đại Bát Niết-bàn. Ngũ thời Bát giáo của Thiên Thai tông chịu ảnh hưởng Phán giáo này của Tuệ Quán và giúp Phán giáo của đại sư Trí Khải trở nên toàn vẹn hơn tất cả.
          Tuy nhiên, cách thẩm bình và phán định giáo pháp của Phật này chỉ minh chứngđại sư Trí Khải là một nhà hệ thống hóa (systematizer), có tri kiến phổ quát, biết sắp xếp toàn bộ triết lý uyên áo của Đức Phật thành một hệ thống rõ ràng, đầy đủ ý nghĩa và liên quan mật thiết với nhau; từ đó mà Phật Pháp mới có thể phát triển thành một nền văn minh và văn hóa toàn cầu. Duy chỉ với Phán giáo này, Trí Khải vẫn chưa phải là một triết gia, mà chỉ một Phật học gia có thực tài, biết tổ chức, mà thôi. Triết gia, theo từ điển, là người thiết lập hay triễn khai một hệ thống tư tưởng - hay chủ nghĩa - mới, có thể làm thay đổi dòng tư tưởng đương thời của nhân loại. Không phải chỉ viết năm ba bài về Thế Thân (Vasubandhu) hay Long Thọ (Nàgarjùna), là trở thành triết gia Phật học. Etienne Lamotte là người dịch nhiều tác phẩm của Thế Thân và Long Thọ sang Pháp ngữ, đóng góp rất lớn vào việc tạo thành một phong trào học tập Phật học nghiêm túc có giá trị rất cao tại Tây phương, nhưng ông cũng chỉ là một nhà dịch giả tài ba, không phải là triết gia.
          Nhà tổ chức Trí Khải đã hệ thống toàn bộ giáo pháp của Phật thành năm thời (theo tiến trình thời gian) và tám giáo, gồm a. Bốn phương pháp giáo hóa (Tứ Hoá Nghi) gồm Đốn, Tiệm, Bí mật và Bất định, và b. Bốn giáo nghĩa tương hệ nhau trong quá trình giáo hoá kể trên (Tứ Hoá Pháp), gồm Tạng, Thông, Biệt, Viên.
a. Bốn Pháp Giáo Hóa (Tứ Hoá Nghi):
          Đốn: Hành giả lợi căn có thể trực nhận chân lý, như những chúng hữu tình đề cập trong kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka sùtra);
          Tiệm: Những ai độn căn phải tuần tự tu tập theo những  pháp được giảng dạy trong các thời A Hàm, Phương Đẳng và Bát Nhã (Agama, Vaipulya and Prajnaparamita periods);
           Mật : đây là phương pháp dĩ tâm truyền tâm. Chỉ một ít hành giả có thể đạt được trực tiếp và tự thân nghiệm chứng chân lý từ chính Đức Phật;
          Bất Định: mỗi người thọ nhận giáo lý của Đức Phật mỗi cách khác nhau tuỳ theo căn cơ của riêng mình.
b. Bốn giáo nghĩa tương hệ nhau trong quá trình giáo hoá (Tứ Hoá Pháp):
          Tạng (Tripitaka hay Hinayana teachings): dành cho bậc Thanh Văn (Sravaka) và Độc Giác (Solitary Buddhas);
          Thông (Common teachings): giáo pháp thông suốt cho tất cả mọi trình độ, mọi căn cơ;
          Biệt (Special teachings): giáo pháp đặc biệt cho hàng bồ tát và hành giả lợi căn;
          Viên (Complete and Perfect teachings): giáo pháp của Đức Phật là ý nghĩa tối thắng tròn đầy của Pháp, bao gồm cả hai cực đoan.
          Phán giáo này của Đại sư Trí Khải được triển khai chi tiết trong quyển “Thiên Thai Tứ Giáo Nghi” do đại sư Đế Quán (Chegwan,  người Cao Ly) lưu truyền, bảo tồn trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (gọi tắt : Đại Chánh, Taisho, hay T.), q. 46, các trang 774c-780c. Quyển “Thiên Thai Tứ Giáo Nghi” đã được Tuệ Hạnh dịch sang Việt ngữ, sắp phát hành.

Chú thích:
(1) Thích Tắc Phi. Thiên Thai Giáo Quán, Tổ Tổ Tương Truyền.  tr. 79
(2) Đây là nhà dịch giả danh tiếng, không phải người cùng tên Giác Hiền, sống khoảng thế kỷ 7, đệ tử Giới Hiền (Sìlabhadra), đương đại với Huyền Trang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét