Tìm kiếm

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Đừng đi chùa để “đặt cược” với thánh thần!

 Trong làn hương khói nghi ngút, những Ban thờ chật kín, lớp lễ này chồng lên lớp lễ kia, đủ loại xôi, oản, chuối, lợn, gà… Những đồng tiền chẵn, lẻ được cài cắm khắp nơi: chân bát hương, lọ hoa, tay Tượng, thậm chí là… khe cửa… Người ta chen lấn, xô đẩy, cố đến gần Ban thờ hơn để đặt “một chút lòng thành” của mình, để cầu xin một điều gì đó…
Những hình ảnh ấy đã không còn xa lạ tại các Chùa miền Bắc vào mỗi dịp Lễ hội đầu năm. Nhưng liệu Thánh thần có phù hộ cho chúng sinh vì lễ lạt họ dâng? “Phải chăng chúng sinh đang cố gắng để “đặt cược” với Thánh thần”? – Nhà báo, Cư sĩ Giới Minh trầm ngâm…
“Ðức Phật không phải đấng toàn năng…”
 Người ta thống kê ở Việt Nam bình quân mỗi ngày có hai chục lễ hội diễn ra. Một năm không biết có đến bao nhiêu lễ hội được tổ chức, nhất là dịp đầu Xuân. Ông có nghĩ chúng ta đang có… quá nhiều Lễ hội?
Chúng ta không nên sợ quá nhiều lễ hội. Thậm chí càng nhiều lễ hội càng tốt, nhất là trong thời kì hội nhập bây giờ. Lớp trẻ hiện đại tiếp thu những nền văn hóa du nhập, mới, lạ rất nhanh. Mỗi quốc gia cần có bản sắc của riêng mình để tạo ra sức mạnh khi hội nhập. Lễ hội là mạch nguồn văn hóa của dân tộc. Bản chất của Lễ hội là thông điệp giáo dục con cháu về truyền thống, văn hóa làng xóm, dân tộc, ý nghĩa của cuộc sống… Vì thế, việc gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa di sản trong Lễ hội là việc nên làm. Tuy nhiên, khâu quản lý, tổ chức phải được nâng tầm, để Lễ hội trở thành giá trị văn hóa đích thực lưu giữ, tiếp bước thăng hoa những giá trị tâm hồn Việt Nam.
Tất nhiên chúng ta chỉ phát huy những Lễ hội mang tính di sản, nhân văn và phù hợp với bước tiến của thời đại, loại bỏ những lễ hội, hoặc các hình thức nghi lễ mang tính hủ tục, lạc hậu, tự phát hoặc bung ra một cách thái quá, biến tướng một cách lệch lạc so với tầm thời đại, tạo nên những hình ảnh không hay, rất phản cảm.
         
Đừng đi chùa để “đặt cược” với thánh thần!
 

Một trong những hình ảnh phản cảm dễ nhận thấy tại các Lễ hội của miền Bắc là sự đông đúc, chen lấn, xô đẩy… trong làn khói nghi ngút. Dường như chúng sinh đang đua đả để đi Lễ hội đầu Xuân bằng được…
Người Việt Nam có tâm lý đám đông. Thấy người khác làm thì mình cũng làm cho yên tâm không mất gì, hoặc có mất cũng chẳng đáng là bao. Thấy người khác đi chùa đặt lễ, đặt giọt dầu mình cũng phải cúng xôi, oản, gà, lợn, vàng mã, tiền âm, tiền dương... Thấy họ cầu tài lộc, công danh, mình cũng phải cầu theo…. Trong Kinh Bát Nhã có câu: “Điên đảo, đảo điên. Mộng tưởng cứu cánh Niết bàn”.
Khi con người bị điên đảo, họ cúng bái nhiều, họ cầu tài, cầu chức, họ hi vọng mình đặt lễ để được độ một cái gì đó… Nhưng mộng tưởng đó là trong vô minh. Điên đảo, đảo điên về những mộng tưởng như thế dẫn tới những hành động vô minh. Nó làm xấu đi hình ảnh của lễ hội, làm méo mó giá trị chân chính của lễ hội.
Với truyền thống Phật giáo ở nước ta, việc đi lễ đầu năm là để cầu an. Tâm có an mới có những ý nghĩ, quyết định sáng suốt trong cuộc sống, công việc. Quan điểm cơ bản của Đạo Phật là quy luật Nhân – Quả. Gieo Nhân nào gặt Quả ấy. Gieo phúc gặt phúc, gieo tâm đức gặt tâm đức, gieo nỗ lực, sáng suốt sẽ gặt thành công…
Vậy văn hóa đặt lễ, đặt giọt dầu khi đi chùa bắt nguồn từ đâu? Gốc của Đạo Phật có văn hóa đặt giọt dầu không, thưa ông?
Thông thường các phật tử vẫn thường đặt giọt dầu khi đi lễ. Đó được coi là tiền công đức để nhà chùa duy trì các việc đạo, như giúp đỡ người nghèo, làm việc thiện, rồi tôn tượng, xây dựng chùa, hương hoa, phục vụ lại Phật tử… Đó là một việc thiện có ý nghĩa.
Tuy nhiên bây giờ người ta đã “biến đổi” nó, làm nó với một mục đích rất khác. Chỗ nào cũng có hòm công đức, chỗ nào phật tử cũng có thể nhét tiền lẻ, tiền chẵn, rồi đốt khói hương, vàng mã nghi ngút…. Việc đốt vàng mã, cầu xin lộc, dâng lễ để Thánh thần phù hộ là những tập tục ảnh hưởng nhiều từ Đạo giáo và của văn hóa Trung Quốc chứ không phải trong Đạo Phật.
      
Đừng đi chùa để “đặt cược” với thánh thần!
 

Người ta thường ví dịp Lễ hội đầu năm là dịp “tiền lẻ” tấn công. Người ta đi chùa để đặt lễ và cầu xin một điều gì đó… Họ tin có lễ lạt thì mới được Thánh thần phù độ….
  Bây giờ chúng sinh thường nhầm lẫn sự công đức như tôi đã nói ở trên với việc “hối lộ”, “mua chuộc” Thánh thần. Người ta luôn đặt điều kiện đi chùa dâng lễ để được Thánh thần phù hộ một điều gì đó. Đó là một suy nghĩ, hành động chưa đúng ngay đối với cả đạo đức đời thường chứ đừng nói là đối với đời sống tâm linh.
Đa số người dân nghĩ rằng “Trần sao âm vậy”. Do đó, đặt càng nhiều tiền ở càng nhiều chỗ trong chùa thì lại càng được nhiều lộc….
“Trần sao âm vậy” là quan niệm mà như tôi đã nói nó ảnh hưởng quá nhiều từ Đạo Giáo. Nếu bảo đốt vàng mã vì thấy các cụ thiếu xe máy, thiếu máy bay để đi, vậy sao không xây bể bơi, phòng tập thể dục rồi đốt cho các cụ?
Tôi thấy nhiều người cúng tiến lễ mặn, thậm chí nhiều nơi bán thịt thú rừng ngay lối vào cổng chùa để Phật tử mua vào làm lễ. Giết thú vật là một hành động sát sinh, liệu Thánh thần có chấp nhận những mâm lễ ấy?
Nhiều người nhận thức đi chùa để cúng bái, cầu xin, giải hạn, hoán đổi số phận… Đó là một quan điểm sai lầm, mê tín, đi quá xa so với Đạo Phật. Nó biểu hiện cho một nhận thức thấp, một niềm tin tà pháp, chưa được sự soi sáng của trí tuệ mà chỉ là niềm tin mù quáng.
  Nếu số phận, tài lộc mà mua bán được thì nó lại quy về một thứ quá trần tục, quá đời thường. Như thế người giàu chắc không bao giờ gặp tai ương, hoạn nạn bởi họ có thể dùng tiền để hóa giải toàn bộ những vận hạn của mình. Nhưng thực tế, chúng sinh dù giàu hay nghèo, xưa hay nay, quan hay dân thì vẫn cứ phải gánh nghiệp, vẫn phải trải qua thành, trụ, hoại, không; phải tự đi qua những kiếp nạn của mình.
Khác với các tôn giáo khác, Đức Phật không phải đấng toàn năng, không phải là Thượng đế toàn năng để ban cho chúng sinh mọi thứ họ muốn. Bởi nếu có một vị Thượng Đế toàn năng thì vị Thượng Đế đó quá bất công khi tạo ra nước giàu, nước nghèo, người giàu, người nghèo, người hạnh phúc, người khổ đau… Đức Phật là người đã Giác Ngộ, là Thầy giáo Vĩ Đại đã truyền giao cho chúng sinh một giáo trình.
Người nào học tốt, làm tốt, gieo những hạt tốt sẽ đắc đạo, sẽ gặt những vụ mùa nhiều quả ngọt. Người nào không học, gieo những điều xấu thì sẽ phải tự gánh lấy cái nghiệp của mình. Vì thế, đừng đi chùa chỉ để “đặt cược” và “mua chuộc” Thánh thần! Vì nếu có một vị Thần mà ban cho ta từ sự mua chuộc thì đó là vị hung Thần, ác Thần chứ không phải thiên Thần hay thiện Thần – để chúng ta hướng thiện và tôn thờ.

Đừng đi chùa để “đặt cược” với thánh thần!
 

Nhưng nhiều người đi chùa đặt lễ, cầu may thì quả thực họ đã “cầu được ước thấy”, may mắn dường như đến nhiều hơn?
Đó là sự ngẫu nhiên. Họ đi chùa và trở về gặp một may mắn nào đó thì họ cho rằng do Thánh thần phù hộ. Nhưng không phải. Cũng có thể họ đi chùa nhưng trong đời sống thường họ làm những điều tốt nên họ thu được những kết quả tốt vào thời điểm đó. Mà cũng có thể mở rộng ra đó có thể không chỉ là công quả từ kiếp này mà là công quả từ vô số kiếp trước họ đã tu, đã khổ luyện.
Một người lúc nhỏ chịu khó học hành, lớn lên chăm chỉ làm việc, sống đức độ thì họ có nhiều cơ hội để có cuộc sống tốt hoặc đủ duyên để dễ nhận được sự giúp đỡ từ người khác, đủ duyên để tích ứng với sự phát triển của xã hội và thời đại. Người ta thường chỉ thấy thành quả của con người ở một thời điểm nào đó mà ít khi nhìn nhận sự nỗ lực, khổ luyện của họ trước đó.

Đừng đi chùa để “đặt cược” với thánh thần!
 

“Mái chùa phải là trường dạy Chánh pháp”!
Nói như ông thì “Phật tại tâm”, chúng sinh “Tu tại tâm” chứ không nhất thiết phải đi chùa?
Như tôi đã nói Đức Phật giống như một thầy giáo ban cho chúng ta một giáo trình. Nói đến mái chùa không bao hàm chỉ là một kiến trúc đơn thuần hay một nơi thờ Phật mà còn là một trường học, một nơi thanh tịnh, nương tựa cho tâm hồn chúng sinh.
Các Phật tử có thể đến chùa để nghe giảng về đạo Phật, Kinh Phật, nghe giảng chánh pháp, tránh xa tà pháp… từ đó mới chuyển hóa được tâm của mình. Tâm chuyển thì hành động chuyển, và lúc đó lễ hội sẽ đẹp biết bao, đạo đức của từng cá nhân sẽ được chuyển biến, cả một dân tộc tỏ tường chánh pháp thì có điều gì sánh bằng?
Vậy việc hành lễ, bày tỏ tín ngưỡng, mong ước, nguyện vọng của Phật tử ở hình thức nào, mức độ nào thì phù hợp, được xã hội chấp nhận và tán đồng?
Trở về gốc thì tôn giáo nào cũng có hình thức và nghi lễ riêng của tôn giáo ấy. Với Đạo phật chúng ta cứ theo đúng Chánh pháp Đức Phật đã dạy.
Phật tử không nên chỗ nào cũng nhét tiền, đó là một hành động phỉ báng Thánh thần. Tôi nghĩ chúng ta nên có một cách quản lý khoa học hơn. Mỗi chùa chỉ nên có một hòm công đức hoặc một ban tiếp nhận công đức của Phật tử gần xa để phục vụ cho việc tín ngưỡng, tâm linh.
Ngoài xã hội có luật pháp điều chỉnh thì trong Chùa cần cần có giới luật của Chùa. Giới luật không chỉ dành riêng cho các vị tăng ni, mà còn cho nơi thanh tịnh vô vi như mái Chùa. Nên hướng dẫn cho đồng bào đi lễ nhẹ nhàng, tránh thắp hương, đốt vàng mã quá nhiều. Những hoạt động đó không thu được công quả gì, thậm chí gây tội vì nó tốn kém, lãng phí và làm ô nhiễm môi trường.
Điều này cần có sự góp sức của các Sư trụ trì, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các cơ quan quản lý văn hóa Nhà nước.
Tôi đã nhiều lần vào lễ ở các chùa miền Nam, ít khi gặp cảnh đốt hương khói, vàng mã nghi ngút, đặt lễ mặn, đặt tiền chẵn lẻ cài cắm khắp nơi, chen lấn, xô đẩy… như nhiều chùa ở miền Bắc.
Sự khác nhau ấy cũng là một câu hỏi lớn đáng để tất cả chúng ta suy ngẫm. Có người cho là do sự khác biệt giữa hệ phái Nam tông và Bắc tông. Tôi không nghĩ như vậy. Dù là hệ phái nào thì trước hết ngôi Chùa vẫn phải là mái trường truyền dạy chánh pháp.
Phải chăng các phật tử miền Bắc đi chùa nhưng ít khi được nghe giảng về chánh pháp của đạo Phật, thành ra dần dà họ hiểu sai và hành động về tâm linh cũng sai? Phật tử đi chùa mà không hiểu đạo Phật, đến chùa mà còn chen lấn, xô đẩy, còn “hối lộ” Thánh thần?

Đừng đi chùa để “đặt cược” với thánh thần!
 

Nhưng có thể chúng ta phải chấp nhận cảnh chen lấn, xô đẩy, ồn ào … để lôi kéo phật tử đến chùa, để họ có niềm tin rồi mới giảng đạo được…
Tôi cho rằng điều đó không đúng. Trong chùa trước hết phải xây dựng được mạch truyền của chánh pháp đúng với tinh thần của Đạo Phật. Hiểu chánh pháp, đi chùa với cái tâm trong sáng mới có thể hành động trong sáng, gieo những điều tốt và gặt hái điều tốt. Như thế mới có lợi cho Phật tử.
Bây giờ người ta vẫn đặt câu hỏi ngày càng nhiều người đi thờ cúng, càng nhiều người đặt lễ, “hối lộ” thánh thần, đứng trước thánh thần để cúi lạy nhưng sao đạo đức xã hội lại xuống cấp?
Có thể đời sống vật chất khá hơn nên đời sống tâm linh tốt hơn. Ngày xưa Phật tử đi lễ chỉ có xôi, oản, chuối… Giờ có thêm vàng mã rồi tiền lẻ, tiền chẵn và nhiều thứ khác nữa. Hoặc cũng nhiều người cho rằng họ “no hơi, ấm cật, giậm giật chân tay”…
Nói vậy thì chỉ có người giàu mới có biểu hiện lệch lạc, mê tín, nước giàu mới là nước mê tín nhất. Thực tế không phân biệt giàu nghèo, quan hay dân, có học hàm học vị hay không, mà ai cũng có thể mê tín, lệch lạc. Quan trọng nhất là nhận thức của họ chưa đúng với chánh pháp, do đó niềm tin của họ trở thành niềm tin vô minh không được trí tuệ soi sáng và đi chệch hướng.
Muốn thay đổi hiện trạng này, không có cách nào khác là các chùa phải giảng chánh pháp, phải biến mái chùa thành trường học theo đúng tinh thần của đạo Phật. Khi chúng ta còn chưa làm được điều đó thì niềm tin của chúng sinh còn sai lệch. Các sứ giả của Phật – các vị Tăng, Ni còn chưa làm tròn bổn đạo với quần chúng.
Xin cảm ơn ông!


H.H
Nguồn: VTC.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét