Tìm kiếm

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Bài giảng của Hòa thượng tôn sư: Bốn điều như ý

HT. THÍCH TRÍ QUẢNG
    
       4 điều như ý nằm trong 37 trợ đạo phẩm của Đức Phật đưa cho Tỳ kheo để từng bước đi vào con đường giải thoát.
Đương nhiên Đức Phật đã trải qua và tu chứng pháp này. Ban Tổ chức chọn 37 trợ đạo phẩm là con đường tu chứng của Thánh tăng để làm tiền đề cho chư Tăng suy nghĩ về sự hành đạo của các bậc tiền nhân trong mùa an cư. Còn các Phật tử tại gia chưa đủ điều kiện thực tập pháp tu này, nhưng cũng tham gia được một ngày an lạc. Tôi khuyên quý vị cố gắng sống trong giáo pháp một ngày.
     Bước đầu, quý vị nghe pháp sư giảng, kế tiếp là thực tập tụng kinh, sám hối cho tiêu tội chướng và buổi chiều tham gia pháp đàm, mới thâm nhập được pháp trong cuộc sống. Nếu chỉ nghe pháp 2 tiếng, thì giáo pháp chưa thấm, mà sau đó lại tiếp xúc với cuộc đời, bị cuộc đời làm ô nhiễm, rồi lại nghe pháp. Nếu cứ như vậy, nghe xong rồi bị ô nhiễm thì e rằng nghe mãi rồi sau thành nhàm chán, vì không thực tập được, nên chán, không muốn nghe pháp nữa là bị đọa Nhứt xiển đề, thì Phật cũng không độ được. Mong quý vị nghe pháp và suy nghĩ, thực tập cho được để làm tư lương trên bước đường tu học.
      Phải hiểu và thực tập được các đạo phẩm trước đó là Tứ niệm xứ và Tứ chánh cần trong 37 trợ đạo phẩm, chúng ta mới có thể thực tập pháp kế tiếp là 4 điều như ý. Nếu không đạt được thành quả của pháp Tứ niệm xứ và Tứ chánh cần, không thể tu được 4 điều như ý.
      Chứng được Tứ như ý túc có thể kéo dài mạng sống nhiều kiếp và muốn Niết-bàn thì nhập định là bỏ thân; nhưng chúng ta không làm đúng, nên nghĩ rằng Phật nói sai. Khởi đầu phải tu Tứ niệm xứ quán, chủ yếu pháp này dành cho chư Tăng xuất gia có thể tham gia đời sống phạm hạnh theo Phật. Còn các Phật tử tu Một ngày an lạc, thử tập pháp Tứ niệm xứ cho thuần được, thì cánh cửa giải thoát cũng mở ra cho quý vị.
      Giữa thế giới sanh diệt và vô sanh, giữa thế giới vật chất và tâm linh có một khoảng cách. Nếu ta không bứt phá được thế giới vật chất, cánh cửa tâm linh sẽ hoàn toàn đóng kín, dù có tu lâu cũng không ra được. Vì vậy, Phật ở Niết-bàn ngoài sinh tử, nhưng Ngài hiện thân vào sinh tử để nói với người trong sinh tử, nhằm nhắc nhở chúng ta cố gắng đi vào Niết-bàn, mà chúng ta không nhận ra được để thực tập thì muôn đời ở trong sinh tử.
      Người tu phải từ bỏ thế giới vật chất. Người tập sự như quý vị thì tập một ngày từ bỏ thế giới vật chất. Làm được như vậy, cánh cửa tâm linh mới mở, chúng ta mới vào Niết-bàn. Tôi có cảm tưởng giống như là thế giới ngủ và thế giới thức. Bắt buộc từ bỏ sinh tử mới vào Niết-bàn, cũng như muốn ngủ phải từ bỏ thế giới tỉnh thức này. Muốn ngủ nhưng không ngủ được, vì thần kinh bị căng thẳng, cũng giống như người muốn tu, nhưng không tu được, vì nghiệp chướng sâu dày.
      Vì vậy, Phật dạy chúng ta quá trình từ bỏ thế giới vật chất. Từ bỏ bằng cách nào? Phải tìm những cách suy nghiệm để từ bỏ. Vì tâm chúng ta kẹt vật, rõ ràng là sáu căn của chúng ta tiếp xúc với sáu trần, tức mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý bị dính mắc với sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Ý chúng ta nghĩ đến cuộc sống nhiều và kẹt với cuộc sống này là do mắt, tai, mũi, lưỡi và thân đưa vào, gọi là do tiền ngũ thức đưa vào ý thức, cho nên chúng ta cứ thao thức. Đối với việc đã qua, nhưng chúng ta cứ lưu giữ trong lòng, không quên được. Vì vậy, các Tổ sư nhắc rằng "Bất dữ chư trần tác đối”. Chúng ta muốn quên thì đừng tiếp xúc; người tu tập không thấy, không nghe, không nếm, không ngửi, không sờ mó, nghĩa là cách ly thì không nhớ. Còn ăn vào cái mình thích thì sau cứ nhớ nó hoài, hoặc thấy vật ưa ghét vẫn lưu giữ trong ý thức. Cho nên, các Ngài dạy đừng tiếp xúc, đừng đưa vào ý thức. Thật vậy, người ẩn tu từ 3 đến 10 năm, gần như tiềm thức của họ được gạn sạch, quên tất cả mọi sinh hoạt của cuộc đời. Đối với cuộc đời, ta không biết gì là tu bắt đầu loại bỏ bằng cách đừng đem vô. Chúng ta thường đem vô những cái không thích nên cứ thao thức những chuyện vui buồn vinh nhục của thế gian.
      Sa môn tập sống với nội tâm, không sống với bên ngoài, nên ít tiếp xúc với cuộc đời; bất đắc dĩ vì hạnh nguyện độ sanh thay Phật mới phải tiếp xúc với người, vì tiếp xúc sẽ đem chuyện vui buồn vinh nhục để vô tâm. Các Phật tử tu Một ngày an lạc tập không tiếp xúc với cuộc đời; nhưng người tệ là đem chuyện bên ngoài vô đầu độc người cùng tu để người ta cũng hư như mình; đó là người ác, cho nên phải coi chừng ác ma.
      Bước đầu tu Một ngày an lạc, đóng kín cánh cửa tâm, nhưng tự đóng không được; cho nên thay vì nghĩ việc thế gian thì phải tập trung tư tưởng để nghe pháp, tụng kinh, lễ bái, vì cách tu của chúng ta là lấy việc thiện thay cho việc ác, đem pháp vào lòng để tẩy trừ nghiệp chướng trần lao. Người tu đem pháp vào lòng nhiều, thì lòng họ chứa pháp âm, mở miệng là pháp, mở tâm là pháp. Vì vậy, vào Thiền định, ta mới hướng nội, coi đời trước mình từng học pháp nào, thân cận thầy nào.
      Muốn vào cửa này, đầu tiên phải vượt qua cửa Không là phải thực tập Tam pháp ấn: Không, vô tác, vô nguyện. Coi các pháp hữu vi có rồi không, nên không bận tâm. Tất cả các pháp do tâm chúng ta duyên được thì phải cắt, tâm chúng ta mới trống không là nhập Không môn. Tâm chúng ta không thấy, không có gì, nên tâm đứng yên.
      Quá trình tu của hàng tam thừa Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát chứng được pháp Không, kinh Pháp Hoa ví dụ như dùng 3 xe ra khỏi Nhà lửa sinh tử tam giới đến bãi đất trống là tâm trống không, không nghĩ gì. Và từ ở thế giới Không này, nếu chúng ta có căn lành là có tụng niệm lời Phật, có lễ bái Phật, thì Phật hiện ra và pháp hiện ra. Vì vậy, Phật pháp chỉ hiện khi tâm chúng ta trống không, đứng yên. Còn ở trong sinh tử, Phật và pháp không hiện được. Người ở trần lao không thể nghe và hiểu pháp giải thoát. Lúc đến bãi đất trống, nếu tu Pháp Hoa sẽ thấy Như Lai, Bồ-tát; vì tâm chúng ta rảnh rang, tâm trống không, mới thấy Phật, Bồ-tát. Còn người ở trong sinh tử nói rằng Phật Niết-bàn lâu rồi, hay Bồ-tát Quan Âm, Địa Tạng cũng chết lâu rồi và các bậc Thầy Tổ, Thánh tăng như ngài Vạn Hạnh, hay Khuông Việt cũng không còn. Vì vậy, ở trong sanh diệt thì thấy tất cả đều chết rồi, ta ở đây tu với ai?
      Nhưng kinh Pháp Hoa nói các Ngài không chết. Các Ngài ở thế giới bên kia cánh cửa sinh tử, là ở thế giới không sinh tử. Ta ở thế giới sinh tử nên không thể thấy các Ngài. Cho nên, ngài Nhật Liên nói Phật ở trên ta, ở xung quanh ta và ở trong ta, nhưng ta không thấy. Vì kinh Hoa Nghiêm nói trong vi trần có vi trần số cõi, trong thân chúng ta có bao nhiêu cõi Phật, bao nhiêu Bồ-tát, nhưng chúng ta không thấy nên nói các Ngài chết.
      Đi vào thế giới đó, chúng ta thấy Phật, Bồ-tát hiện hữu, nhưng phải qua cánh cửa Không. Vì vậy, Phật dạy phải từ bỏ thế giới vật chất, nếu không, chúng ta kẹt một mảy trần cũng không vào được.
      Đầu tiên phải thực tập Tứ niệm xứ quán để kéo chúng ta ra khỏi bờ sinh tử, thấy Niết-bàn. Thực tập pháp này, luôn coi thân ta và thân người bất tịnh, nên không sanh tâm tham đắm thân người, nhất là tham đắm thân người khác phái thì ở mãi trong sinh tử. Quán ta và đối tác là thây ma sình rữa. Phật dạy ra Thi Lâm để nhận ra kiếp con người để đoạn tâm tham ái.
      Người đau khổ vì nghĩ về thân mình và sở hữu của mình là chấp ngã và chấp pháp. Chấp người khác là của ta sao được. Phật dạy thân của chúng ta còn không thật, thì cái sở hữu khác không còn nghĩa gì. Vì vậy, cắt vọng tâm này thì không nghĩ thân mình và các vật sở hữu của mình.
      Ngoài ra, Phật dạy thọ là khổ, càng quan hệ nhiều càng khổ nhiều. Không quan hệ với ai, khỏi đặt vấn đề. Trong mối quan hệ, bạn cho mình hộp bánh, ta phải tặng lại họ hộp kẹo; như vậy, quanh năm chỉ nghĩ đến thù tạc nên tâm không đứng yên.
      Trên bước đường tu, người xuất gia hạn chế thọ càng nhiều càng tốt, không thọ không khổ. Còn phải thọ thì thọ ít để bỏ cho dễ. Một ngày chỉ cần bát cơm để sống, có cái áo để mặc, như vậy tu hành còn trả được. Hạn chế tối đa, không nhận gì của cuộc đời, chúng ta nhẹ đối với cuộc đời, tâm chúng ta nhờ đó trống lần, thì sẽ sáng lần, ví như mặt trăng bị mây che mờ tối, không có mây, trăng sẽ sáng.
      Thứ ba là quán tâm vô thường. Cuộc đời này sanh diệt, nên cái gì cũng thay đổi, không bận tâm. Ai hứa mà không làm, mình bực tức; nhưng quán tâm vô thường thì chấp nhận sự thay đổi là bình thường. Thuở nhỏ tôi có nghe kể chuyện rằng ông xã nọ nghe nói ông già của ông tri huyện chết, nên ông xã dắt con bò đến cúng. Đi đường, gặp một người hỏi ông dắt bò đi đâu. Ông xã nói dắt bò đi cúng ông già tri huyện chết. Còn nếu ông tri huyện chết thì tôi dắt bò về, vì cúng để nhờ vả mà tri huyện chết thì hết nhờ rồi, nên không cho nữa. Nghe chuyện này, chúng ta có suy nghĩ ai muốn cho cứ cho, ai muốn lấy lại, cứ lấy, đừng bận tâm.
      Giờ trước, họ tốt thì nghĩ nhờ mình đã làm tốt; nhưng nếu giờ sau họ xấu, thì nghĩ tại mình sai phạm gì đó, hay tại túc nghiệp của mình. Nghĩ như vậy để điều chỉnh chính mình. Hòa thượng Trí Thủ lúc sinh tiền, ngài hỏi tôi có nghe thầy Đồng Từ sang Nhật học nói gì về Hòa thượng hay không, vì tại sao về nước mà thầy này không đến thăm ngài. Như vậy là Hòa thượng suy nghĩ để hóa giải. Tất cả mọi thay đổi trên cuộc đời, chúng ta suy nghĩ, tìm nguyên nhân để hiểu và để hóa giải. Thực hiện lời Phật dạy, lần hóa giải những nghiệp xấu ác từ nhiều đời và chuyển đổi thành tốt, thì nghiệp hết, phước sanh.
      Và cuối cùng, quán rằng cuộc đời này hoàn không, nghĩa là tất cả các pháp đều vô ngã. Từ vô ngã này mới phát hiện chơn ngã. Trong thân chúng ta có vô số vi trần, trong vi trần có vô số Phật và trong mỗi Phật có vô số Bồ tát. Phật chỉ quán thân Ngài như vậy mà nhập Pháp giới.
      Sau khi quán thuần thục Tứ niệm xứ, mới tu Tứ chánh cần. Lúc trước kẹt vọng tâm tham đắm, nên làm sai lầm mới khổ. Nay nhờ quán đúng, mới không làm sai. Trước chúng ta chủ quan thấy không chính xác. Nay chúng ta thấy đúng, vì đứng ở cửa Không, giải thoát, thấy khác là phân biệt phải trái của người tu, khác với phân biệt phải trái của người thế tục. Cho nên nói chưa tu thấy núi là núi, sông là sông. Tu rồi thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông. Và đắc đạo thấy núi là núi, sông là sông. Nghĩa là người tu luôn thấy khác người đời, cho nên tâm và hình dáng của người tu hoàn toàn khác với thế tục.
      Lấy tâm người đời không đo được tâm người tu. Cho nên, không có phải trái vui buồn mới tiếp cận được chân lý, tức thấy được cái phải thực và cái trái thực và thấy như vậy mới thấy được Nhân quả. Thuở nhỏ, Hòa thượng Trí Quang dạy tôi, nhờ đó tôi trưởng thành. Trong đời tu của mình, hoàn toàn làm chuyện đúng, nhưng người ta cứ đem sai quấy đổ lên đầu mình. Hòa thượng dạy rằng nếu tức lên thì đọa địa ngục, nên tôi sợ địa ngục và tập chịu đựng. Vì nghèo nên người ta mất tiền thường đổ cho tôi. Nhưng lúc đó sở hữu vật chất của tôi không có gì cả, nên đổ lên tôi thì rớt xuống. Vì vậy, Phật không cho Sa môn sở hữu vật chất để người đời đổ không dính và Sa môn không tranh chấp. Người dân gian thường nói nắm người có tóc, thầy tu không có tóc là không có sở hữu; cho nên đừng cho thầy tu mượn tiền. Thực tập pháp này, tôi không bị đổ oan nữa.
      Sở hữu vật chất mình không có, nhưng người ta đổ rằng mình lấy cắp, thì tôi nghĩ tại mình nghèo, thì Phật dạy là do gian tham trộm cắp đời trước, nên đời này nghèo khó, họ thấy tướng mình luộm thuộm, thập thò, còn tướng trượng phu chưa có. Trên bước đường tu, tập đi đứng như Phật. Phật đi như sư tử đường đường chính chính, không sợ ai. Tâm ngay thẳng thì hình ngay thẳng. Tập đi, đứng, nằm, ngồi theo Phật, lần lần tướng Phật của mình mới hiện. Vì vậy, ta phải tự chuyển hóa túc nghiệp của mình bằng cách thực tập 4 oai nghi. Tỳ kheo đi nhẹ như mây, đứng thẳng như tùng bách, ngồi như núi Thái sơn, nằm như sư tử. Ai thực tập được 4 oai nghi này, tướng Phật hiện ra, không nói suông được. Nhìn 4 oai nghi là biết có thực tập hay không. Tập luyện 4 oai nghi, lần bỏ được tất cả tướng xấu của quá khứ, lột xác thành con của Phật, như ngài Ca Diếp nói với Phật rằng chúng con tùng Phật khẩu sanh, tùng pháp hóa sanh. Là con củaPhật thì phải giống Phật cái gì chứ. Lột xác quá khứ, mặc vào xác Phật tử phải khác với tà ma.
      Thực tập được Tứ niệm xứ quán, tiếp đến thể nghiệm pháp Tứ chánh cần, nghĩa là tất cả những gì của thế tục và ngoại đạo, chúng ta lột bỏ, giống như ngài Ca-diếp, Mục-kiền-liên, Ca-chiên-diên… đã từng tu ngoại đạo, nhưng sám hối, tiêu tướng ngoại đạo và tập lần Phật đạo, nên tướng Phật và việc làm giống Phật hiện ra. Tất cả ngoại đạo, ác ma có trong tâm chúng ta nhiều đời, chúng ta cắt bỏ, không tham, sân, si nữa.
      Nghiệp duyên quá khứ cắt bỏ và kiếp này không tạo nghiệp mới, chúng ta mới hướng về Phật, lạy Phật, đem Phật để vô tâm được, thì từng bước ngôn ngữ, sinh hoạt của chúng ta mới giống Phật, nghĩa là có điều thiện trong lòng chúng ta. Nếu điều thiện của đời trước chúng ta có thì giữ nguyên và những gì chưa được nên thực tập; nhờ vậy sống trong biển pháp mênh mông của Phật, chúng ta không bao giờ thấy nhàm chán. Nhờ thực tập thiện pháp của Phật, lời Phật có trong tâm chúng ta, pháp Phật có trong cuộc sống của chúng ta. Tu lâu mà không thấy có gì giống Phật, thì làm sao tin được.
      Trong pháp Phật, coi các Bồ tát làm gì để chúng ta tập làm theo. Tu Hoa Nghiêm, đầu tiên phải có niềm tin vững; cho nên thời gian thực tập pháp Phật rất dài, chúng ta không chán và nhờ thực tập Tứ chánh cần, chúng ta mới phát hiện ra bốn phần như ý: dục như ý, tinh tấn như ý, định như ý và xả như ý.
      Xả như ý là xả bỏ huyễn thân này lúc nào cũng được, không phải muốn chết mà chết không được. Các vị Thánh La-hán muốn chết thì dùng lửa tam muội đốt thân, vì đạt được định như ý túc là nhập diệt tận định, thì thân này không dính líu gì đến các Ngài. Hai vị cao tăng Việt Nam ở chùa Đậu là Ngài Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường nhập định bỏ xác. Còn chúng ta muốn vào định không được, vì nghiệp duyên quá khứ chưa xóa mà tạo nghiệp hàng ngày thì làm sao vào định được. Đã thành tựu Tứ chánh cần, quét sạch quá khứ, nên muốn định là được.
      Dùng định để xả thân, hay để kéo dài mạng sống là đạt được Dục như ý túc của các bậc giải thoát. Kéo dài mạng sống, hay rút ngắn mạng sống còn có nghĩa quan trọng hơn là rút ngắn mạng sống sinh tử, nhưng kéo dài mạng sống trên Niết-bàn. Vì vậy, tu chứng Tứ như ý túc, muốn ở trong sinh tử lâu bao nhiêu cũng được, nhưng muốn vào Niết-bàn thì vào liền được. Vì bi nguyện độ sanh của họ còn, nên ở lại sinh tử để làm một số việc, như khi chúng ta tu hành có nợ người này hoặc còn muốn làm việc nào đó còn dở dang, nên muốn duy trì mạng sống để làm những việc đó.
      Phật chứng Vô thượng Bồ-đề, Ngài muốn vào Niết-bàn, nhưng Phạm Thiên thỉnh Phật chuyển pháp luân, Ngài nhớ rằng còn bao nhiêu người hữu duyên với Ngài trên cuộc đời cần độ, nên Phật lưu lại thân để độ sanh.
      Vì vậy, Dục như ý túc là ra vào sinh tử, Niết-bàn tự tại. Và Định như ý là muốn vào định, hay muốn xả định đều được tùy ý. Muốn nhớ trăm kiếp cũng được, còn muốn quên thì như tờ giấy trắng, khác với người học nhiều bị nhức đầu vì lưu trữ nhiều, không xả được. Xả như ý thì muốn xả là được, đầu trống không, muốn truy cập chỉ cần bấm nút tìm. Người chứng Dục như ý túc không giữ điều gì trong lòng để tâm thanh tịnh, nhưng cần gì là nhớ liền. Vì vậy, Phật nhớ biết tất cả, nhưng không có gì chi phối được Ngài.
      Tóm lại, phải có quá trình thực tập Tứ niệm xứ quán, Tứ chánh cần mới tu Tứ như ý túc. Riêng tôi nhờ nghe, suy nghĩ và thực tập 37 trợ đạo phẩm, nên trải qua suốt thời gian dài 60 năm, thành tựu được một số Phật sự làm lợi cho đạo pháp, tốt cho đời, xin chia sẻ với Tăng Ni và Phật tử.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét