Tìm kiếm

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Tìm hiểu về các đạo tràng tu học của người cư sĩ ở Việt Nam (giacngo.vn)

Giác Ngộ - Có được những người bạn cùng chí hướng, cùng lý tưởng để cùng nhau tu tập là một niềm hạnh phúc lớn. Những người bạn đồng tu đóng vai trò khá quan trọng đối với quá trình tu tập của mỗi người. Người xưa đã đúc kết kinh nghiệm ấy thành câu tục ngữ: "Ăn cơm có canh, tu hành có bạn".

Cũng chính vì lý do này mà ở trong đạo Phật, chúng ta thường thấy các vị tu sĩ và cư sĩ tập trung lại với nhau, thành lập những tu viện, những ngôi chùa, những đạo tràng, những đoàn thể… để cùng nhau tu tập, cùng nhau hành đạo.
anh Quang Man.jpg
ẢnhQuảng Mẫn
Người Phật tử tại gia (cư sĩ) đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn vong của đạo Phật. Các vị tu sĩ Phật giáo là những sứ giả của Như Lai, đại diện cho Đức Phật để truyền bá đạo Phật trong cuộc đời, còn các vị cư sĩ là những người hộ pháp, góp phần xây dựng, bảo vệ và truyền bá Chánh pháp. Những người cư sĩ không chỉ đóng góp về vật chất cho sự tồn tại và phát triển của đạo Phật, mà còn là những người trực tiếp đem đạo Phật đi vào cuộc đời, là những người Phật tử dấn thân, là những hình ảnh điển hình cho việc vận dụng lời Phật dạy vào hiện thực của cuộc sống để làm gương cho mọi người cùng noi theo. Để làm được sứ mệnh này, bản thân những người cư sĩ phải tu tập, phải trau dồi đức hạnh, phải am hiểu giáo lý của đạo Phật để tự mình áp dụng và chỉ bày cho người khác cùng áp dụng.
Ngay từ thời Đức Phật còn tại thế, Ngài đã thành lập các đạo tràng để cho chư Tăng tu học, vừa là nơi để cho người cư sĩ Phật tử có thể đến để tu tập dưới sự dẫn dắt của Đức Phật và chư Tăng, như: tịnh xá Trúc Lâm, tịnh xá Kỳ Viên, giảng đường Lộc Mẫu. Đấy là ba đạo tràng tu học lớn nhất lúc bấy giờ, bên cạnh đó còn có nhiều đạo tràng tu học khác, nơi mà Đức Phật và chư Tăng dừng chân trong một mùa, hay vài mùa an cư. Đạo Phật truyền đến đâu thì các đạo tràng tu học được thành lập đến đấy.
Ở Việt Nam chúng ta cũng không ngoại lệ. Ngay từ những buổi đầu, khi đạo Phật mới truyền vào nước ta, cùng với sự có mặt của chư Tăng, các chùa đã được lập nên và người Phật tử đã tề tựu về chùa để cùng nhau tu học. Truyện Man Nương, trong Lĩnh Nam Chích Quái, viết: "Bấy giờ cô gái tên Man Nương, cha mẹ đều mất, trong nhà nghèo khổ, cũng quyết cầu học đạo. Nhưng vì nói năng chậm chạp không thể cùng chúng tụng kinh, thường ở dưới bếp, giã gạo, hái củi, tự mình nấu nướng để cúng dường thức ăn cho chư Tăng trong chùa cùng khách bốn phương đến tu học"(1). Tuy đoạn này không nói rõ là tu tập theo pháp môn gì, nhưng cũng cho thấy vào những thế kỷ đầu của Tây lịch, ở nước ta đã có những đạo tràng cho Phật tử tu tập. Các thế kỷ tiếp sau đó, mô hình tu tập này vẫn được duy trì và phát triển. Dưới triều đại nhà Đinh, Tiền Lê và nhà Lý, các đạo tràng tu học của Phật giáo không chỉ dừng lại trong khuôn khổ đào tạo Phật học, mà cả thế học, nho giáo. Và người đến tu học không phải chỉ có Phật tử, mà cả những người không phải là Phật tử, sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam ghi rằng:"Bên cạnh các hoạt động rộn rịp cho cuộc đấu tranh độc lập và phát triển đất nước, Phật giáo vẫn tiếp tục những sinh hoạt truyền thống của mình, dù bấy giờ được nhìn với ánh sáng mới của hệ tư tưởng Pháp Vân. Các thiền trường vẫn là nơi tu luyện, truyền thọ tri thức học thuật và kinh nghiệm giác ngộ"(2). "Các thiền trường và các ngôi chùa nhà trường này, ngoài chức năng là nơi sinh hoạt đạo, còn là nơi để đào tạo nhân tài cho đất nước. Với tư cách là những nơi sinh hoạt đạo thì chúng là địa điểm để truyền thụ kinh nghiệm giác ngộ"(3).
DSC_1241.JPG
Nâng bát cúng dường
Đến triều đại nhà Trần, với sự phát triển mạnh của Phật giáo, từ tầng lớp vua quan, quý tộc đến quần chúng nhân dân đều hướng về Phật giáo, đều chuyên cần tu học. Trong sách Việt Nam Phật giáo sử luận ghi rằng: "Năm 1324, Văn Huệ Vương và Uy Huệ Vương đến chùa Báo Ân xin thụ Bồ đề tâm giới và pháp quán đỉnh; Bảo Vân công chúa, rồi Bảo Từ hoàng hậu và Văn Huệ Vương thỉnh Pháp Loa giảng kinh Hoa Nghiêm"(4) .
Dưới triều đại nhà Nguyễn, bên cạnh Thiền tông, Tịnh độ tông cũng đã phát triển khá mạnh, các đạo tràng tu học theo Tịnh độ tông đã được thành lập ở nhiều nơi. Các giới đàn truyền giới cho người xuất gia và tại gia được tổ chức với quy mô lớn. Trong số đó, đáng kể nhất là Đại giới đàn Thiền Lâm, được tổ chức từ ngày mồng 1 đến ngày 12 tháng Tư năm Ất Hợi (1695). Giới đàn này có đến trên 3.000 giới tử đến từ nhiều tỉnh thành trong nước, trong đó có 1.400 vị giới tử xuất gia.
Đến đầu thế kỷ XX, với sự ảnh hưởng của phong trào chấn hưng Phật giáo từ Trung Quốc và một số nước ở châu Á, ở Việt Nam chúng ta, nhiều hội, đoàn Phật giáo đã được thành lập, vừa để cùng nhau tu học, truyền bá giáo lý đạo Phật, vừa để vận động, tiến hành công cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà. Điển hình như Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật học được thành lập năm 1930 ở Nam Kỳ, do Thiền sư Từ Phong làm hội trưởng; ở Trung Kỳ có Hội An Nam Phật Học được thành lập vào năm 1932, do cư sĩ Lê Đình Thám làm hội trưởng; ở miền Bắc có Hội Phật Giáo Bắc Kỳ thành lập năm 1934, do cư sĩ Nguyễn Năng Quốc làm hội trưởng. Tiếp theo đó là sự ra đời của Lưỡng Xuyên Phật học ở Trà Vinh, Hội Phật Học Kiêm Tế ở Rạch Giá. Bên cạnh đó, có một tổ chức dành cho các thanh niên tân học được thành lập vào năm 1940, với tên gọi là Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục, dưới sự hướng dẫn của cư sĩ Lê Đình Thám. Đồng thời những lớp thiếu niên, thiếu nữ Phật tử (gọi là Đồng Ấu) cũng được thành lập dưới sự hướng dẫn của đoàn. Cùng thời điểm ấy, ở Nam Kỳ còn có Hội Tịnh độ Cư sĩ. Ngay cái tên của hội đã cho chúng ta biết đây là hội của những người cư sĩ Phật tử tu học theo pháp môn Tịnh độ.
DSC_7499.jpg
Truyền đăng - Ảnh: Giác Thông
Vào thời gian này, các hội, đoàn của cư sĩ Phật tử phát triển mạnh, như trong sách Việt Nam Phật giáo Sử luận ghi: "Hội An Nam Phật Học lập tỉnh hội, chi hội và khuôn hội tại khắp các tỉnh ở Trung Kỳ. Chi hội là đơn vị phủ huyện của hội, và khuôn hội là đơn vị xã. Vào khoảng năm 1940, cơ sở tổ chức của hội đã vững chãi từ thành thị đến thôn quê khắp xứ" (5).
Tổ chức Gia đình Phật tử, một tổ chức Phật giáo nhằm giáo dục thanh thiếu niên sống theo tinh thần của Phật giáo, đã được thai nghén từ năm 1943, khi đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục bắt đầu tổ chức và giáo dục cho các ban Đồng Ấu. Những đơn vị tổ chức ấy được gọi là Gia đình Phật Hóa Phổ. Mô hình sinh hoạt và tu học này được nhanh chóng phát triển trên phạm vi cả nước. Vào năm 1951, hội nghị toàn quốc của Gia đình Phật Hóa Phổ được triệu tập tại Huế, và danh hiệu của tổ chức được đổi thành Gia đình Phật tử.
Vào những thập niên cuối của thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, phong trào tu học của cư sĩ Phật tử càng được giới lãnh đạo của Phật giáo quan tâm nhiều hơn, nhờ vậy mà đã và đang phát triển mạnh mẽ. Rất nhiều chương trình, nhiều khóa tu học dành cho người Phật tử tại gia được mở ra, với nhiều pháp môn, nhiều nội dung tu học khác nhau, như: Các đạo tràng tu thiền theo thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Hòa thượng Thanh Từ dẫn dắt; các đạo tràng Pháp Hoa do Hòa thượng Thích Trí Quảng dẫn dắt; các đạo tràng tu theo pháp môn tịnh độ, điển hình nhất là đạo tràng tu Tịnh độ tại chùa Hoằng Pháp, huyện Hóc Môn, TP.HCM; rồi các khóa tu "Một ngày an lạc", khóa tu Bát quan trai được tổ chức ở khắp tất cả các tỉnh thành trong cả nước, các đạo tràng trì tụng kinh Dược Sư, trì tụng chú Đại Bi; gần đây còn có các khóa tu thiền Minh sát tuệ (Vipassana) do một số chùa thuộc truyền thống Phật giáo Nguyên thủy tổ chức. Riêng với chương trình tu học dành cho đối tượng thanh thiếu niên Phật tử, bên cạnh các sinh hoạt, tu học của Gia đình Phật tử, gần đây đã thành lập các mô hình tu học, sinh hoạt mới của thanh thiếu niên Phật tử, như: Câu lạc bộ Thanh niên Phật tử, Đoàn Thanh niên Phật tử, các khóa tu mùa hè, các khóa tu "Tưới tẩm mầm sen", "Ươm mầm đạo hạnh",… và các buổi tọa đàm, các cuộc hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, định hướng tu học, các hội trại,…
21[1]_ Khoa le tung kinh, le Phat tai chua Tien Chuong, Nam Dinh.jpg
Khóa lễ tụng kinh của các em thanh thiếu niên
tại chùa Tiên Chưởng, Nam Định
Theo báo cáo sơ bộ tại Hội nghị thường niên của Ban hướng dẫn Phật tử Trung ương vào ngày 15-01-2011 (12-12-Canh Dần), cả nước hiện có: 907 đạo tràng tu Bát quan trai với hơn 284.030 Phật tử tham dự; 81 đạo tràng tu thiền với 16.413 Phật tử tham dự; 439 đạo tràng niệm Phật, Phật thất với 70.780 Phật tử tham dự; 487 đơn vị đạo tràng Pháp Hoa với 27.648 Phật tử tham dự; 36 đạo tràng trì tụng kinh Dược Sư, chú Đại Bi; 10 đơn vị tổ chức khóa tu Một ngày an lạc với 3.950 Phật tử tham dự; 89 lớp học giáo lý với 7.212 Phật tử tham dự; có 28 hội trại và các mô hình sinh hoạt khác dành cho thanh thiếu niên Phật tử (6).
Riêng các tỉnh, Thành hội Phật giáo phía Bắc, như: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Lạng Sơn, Lào Cai… bản báo cáo cho biết hiện có nhiều đạo tràng Phật tử tu học, có các Câu lạc bộ Thanh niên Phật tử sinh hoạt theo định kỳ tại các Tổ đình, tự viện do quý thầy trụ trì hướng dẫn với các nội dung như tụng kinh, niệm Phật, thực hành thiền, học giáo lý,… Tổng số hiện nay đã có hơn 40.000 Phật tử thường xuyên tu học tại các cơ sở trên(7).
Tuy nhiên, những con số thống kê này chỉ mang tính tương đối, đấy chưa phải là kết quả chính xác cuối cùng. Vì như trong bản báo cáo đã ghi rõ, Ban hướng dẫn Phật tử Trung ương chỉ mới nhận được một số báo cáo của các Tiểu ban Phật tử Trung ương, còn nhiều đơn vị, nhiều địa phương chưa có báo cáo thống kê gởi về cho Ban hướng dẫn Phật tử Trung ương. Như vậy là con số thực tế có thể cao hơn nhiều so với dữ liệu thống kê ở trên.
Còn theo báo cáo của Phân ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Trung ương tại hội nghị nói trên, hiện nay trong cả nước có 29 tỉnh, thành có Gia đình Phật tử sinh hoạt, với số lượng 1.006 đơn vị, 8.560 Huynh trưởng và 65.650 Đoàn sinh(8).
Những số liệu thống kê này đã cho chúng ta có cái nhìn tổng quát về tình hình sinh hoạt và tu học của cư sĩ Phật tử ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu chi tiết hơn về một số mô hình sinh hoạt, tu học điển hình của cư sĩ Phật tử ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Trước hết là các đạo tràng tu thiền, theo thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, dưới sự dẫn dắt của Hòa thượng Thích Thanh Từ. Hòa thượng sinh ngày 24-7-Giáp Tý (1924), tại ấp Tích Khánh, làng Tích Thiện, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Vĩnh Long). Hòa thượng sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn nghèo túng, nhưng Người đã nổi bật những nét riêng từ thuở ấu thơ: trầm mặc, ít nói, thích đọc sách, có chí xuất trần và đặc biệt rất hiếu thảo với cha mẹ. Năm 1949, Hòa thượng xuất gia với bổn sư là ngài Thiện Hoa và được đặt pháp danh Thanh Từ. Sau một quá trình chuyên cần tu học, năm 1968, Hòa thượng bắt đầu truyền dạy thiền học, xiển dương dòng thiền thuần túy Việt Nam, Trúc Lâm Yên Tử. Nơi khởi điểm trong sự nghiệp truyền bá thiền học của Hòa thượng Thanh Từ là Thiền viện Chân Không, núi Tương Kỳ, Vũng Tàu, thành lập vào tháng 4-1971. Và sau đó, dưới sự dẫn dắt của Hòa thượng, các thiền viện lần lượt được thành lập trên nhiều tỉnh thành trong nước, thậm chí là ở hải ngoại. Theo số liệu thống kê, tổng cộng hiện có 31 thiền viện ở trong nước và 13 thiền viện ở nước ngoài, 32 thiền tự, và có đến 86 đạo tràng Trúc Lâm với tổng số Phật tử phát tâm quy y và tu học theo sự hướng dẫn của Hòa thượng lên đến hàng trăm nghìn người. Ngoài ra, còn có các đoàn Thanh niên Phật tử được thành lập và sinh hoạt dưới sự hướng dẫn của chư Tăng trong các thiền viện, thiền tự, đó là: đoàn Trần Thái Tông, sinh hoạt tại Thiền viện Sùng Phúc, Long Biên, Hà Nội; đoàn Thanh Đạo, tại chùa Sen Chiểu, Sơn Tây, Hà Nội; đoàn Thanh Nghiêm tại chùa Mai Trai, Sơn Tây, Hà Nội; đoàn Thanh Minh tại Hoàn Kiếm, Hà Nội; đoàn Thanh Hạnh tại chùa Tiêu Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh; đoàn Thanh Sơn tại chùa Duệ Khánh, Tiên Du, Bắc Ninh; đoàn Thanh Thái Tại TP.Thái Nguyên; đoàn An Thanh tại Thủ Thừa, Long An; và đoàn Phước Huệ tại Bến Lức, Long An… Dòng thiền Trúc Lâm dưới sự dẫn dắt của Hòa thượng Thanh Từ hiện đang phát triển rất mạnh và có sức ảnh hưởng lớn trong Phật giáo, tạo được một nét rất riêng trong nếp sống tu hành của người con Phật.
Thứ đến là đạo tràng Pháp Hoa do Hòa thượng Thích Trí Quảng sáng lập và hướng dẫn cũng có sức lan tỏa nhanh và ảnh hưởng lớn trong hàng cư sĩ Phật tử ở Việt Nam cũng như hải ngoại. Hòa thượng sinh năm 1938 tại Củ Chi, Sài Gòn; tốt nghiệp Tiến sĩ Phật Học tại Đại học Rissho, Tokyo, Nhật Bản vào năm 1971; hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, Trưởng ban Phật giáo quốc tế Trung ương GHPGVN, Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Tổng Biên tập báo Giác Ngộ. Đạo tràng Pháp Hoa được chính thức thành lập vào mùa Phật đản năm 1975 tại Tổ đình Ấn Quang, TP.HCM. Chúng đầu tiên được Hòa thượng đặt tên là chúng Ngọc Nữ, gồm các em bé từ mẫu giáo cho đến cấp I. Hoạt động đầu tiên của các em là đảm trách công tác dâng hoa cúng dường nhân mùa Phật đản 1975. Sau đó, các em gắn kết với nhau, cùng nhau học giáo lý và tham gia các thời khóa tụng tại Tổ đình Ấn Quang. Dần dần, bố mẹ các em cùng tham gia sinh hoạt và các chúng khác lần lượt ra đời. Sinh hoạt của đạo tràng lan rộng trên khắp địa bàn TP.HCM, rồi mở rộng đến các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ, và đến các tỉnh thành phía Bắc. Đến nay cả nước có khoảng 100 đạo tràng Pháp Hoa tu tập với số lượng hội chúng lên đến hàng trăm nghìn người. Ngoài các hoạt động trì tụng kinh Bổn môn Pháp Hoa, thực hành giáo pháp, tham gia các hoạt động từ thiện, vào dịp cuối năm, đạo tràng Pháp Hoa còn tổ chức khóa tu Gia hạnh Phổ Hiền trong vòng 21 ngày (từ ngày 17-11 Âm lịch đến ngày mùng 8-12 Âm lịch). Trong tuần thứ nhất của khóa tu Gia hạnh Phổ Hiền, đạo tràng lạy sám hối Hồng danh Pháp Hoa và tụng Phổ Hiền Hạnh nguyện kệ, tuần thứ hai thì lễ Hồng danh Pháp Hoa và tụng bảy phẩm Bổn môn Pháp Hoa, tuần thứ ba thì tụng các bài kệ và kinh Bát Đại Nhân Giác.
Gần đây, các đạo tràng niệm Phật, thực tập pháp môn Tịnh độ cũng đã phát triển rất mạnh, thu hút được đông đảo cư sĩ Phật tử tham gia. Nổi bật trong mô hình này là chùa Hoằng Pháp ở huyện Hóc Môn, TP.HCM. Thượng tọa Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp, là người đã khởi xướng và đứng ra tổ chức các khóa tu. Năm 1999, lần đầu tiên chùa tổ chức khóa tu Phật thất (tu trong 7 ngày), gồm 68 hành giả tham dự. Không lâu sau đó, số người đến với chùa Hoằng Pháp để thực tập pháp môn niệm Phật ngày càng đông. Hiện tại, chùa Hoằng Pháp tổ chức nhiều khóa tu niệm Phật dành cho nhiều đối tượng. Trung bình, mỗi năm có 6 khóa Phật thất và 12 khóa tu một ngày, 1 khóa tu mùa hè. Ngoài ra, còn có các khóa tu khác như: khóa tu dành cho bệnh nhân ung bướu và người khiếm thị; khóa tu dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; khóa tu dành cho sinh viên; khóa tu đặc biệt… Song song đó, vào Chủ nhật mỗi đầu tháng, chùa còn tổ chức khóa tu một ngày dành cho những người bận rộn, gồm những người như giáo viên, kiến trúc sư, sinh viên, học sinh, công nhân… Tại một số thời điểm, số lượng người tham dự khóa tu lên đến hàng chục ngàn. Hiện nay, mô hình tu tập pháp môn Tịnh độ này đã được phổ biến và nhân rộng, đã có nhiều chùa tổ chức khóa tu Phật thất. Còn khóa tu Một ngày niệm Phật thì hầu như tỉnh thành nào cũng có.
Đấy là những khóa tu, đạo tràng dành cho mọi đối tượng, riêng đối với tầng lớp thanh thiếu niên, bên cạnh tổ chức Gia đình Phật tử truyền thống, gần đây đã hình thành nên các Câu lạc bộ Thanh niên Phật tử và Đoàn Thanh niên Phật tử. Câu lạc bộ Thanh niên Phật tử được chính thức thành lập vào ngày 29-10-2006. Hiện tại đã có đến 11 câu lạc bộ trên toàn quốc, cụ thể là: Câu lạc bộ ở Hà Nội, câu lạc bộ ở TP.Hồ Chí Minh, câu lạc bộ ở Hà Tĩnh, câu lạc bộ ở Hải Phòng, câu lạc bộ ở Thái Bình, câu lạc bộ ở Quảng Nam, câu lạc bộ ở Thanh Hóa, câu lạc bộ ở Thái Nguyên, câu lạc bộ ở Vũng Tàu, câu lạc bộ ở Nam Định, và câu lạc bộ ở Hải Dương. Số lượng các câu lạc bộ và các thành viên của câu lạc bộ ngày càng tăng. Sự ra đời của các câu lạc bộ và các đoàn Thanh niên Phật tử đã tạo ra một môi trường mới để cho các bạn trẻ có cơ hội tham gia sinh hoạt và tu học trong tinh thần hòa hợp, thân ái và sách tấn lẫn nhau.
Nhìn chung, tình hình tu học và sinh hoạt của cư sĩ Phật tử ở Việt Nam ngày càng khởi sắc. Các đạo tràng, các khóa tu được mở ra ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn mạnh và có sức ảnh hưởng đáng kể đến đời sống tinh thần, tâm linh của người Phật tử với nhiều độ tuổi khác nhau. Khi được cùng nhau tu tập trong các đoàn thể như thế, người cư sĩ sẽ có được nhiều lợi ích hơn so với khi họ tu tập một mình.
Lợi ích đầu tiên phải kể đến là tạo được sức mạnh tập thể trong quá trình tu học. Sức mạnh này không chỉ là sức mạnh vật chất mà còn là sức mạnh tinh thần. Khi có đông người tu tập với nhau thì sẽ thuận tiện trong việc tổ chức các khóa tu học nghiêm túc, có thời khóa, có chương trình cụ thể và thuận tiện trong việc mời người hướng dẫn và giảng dạy cho khóa tu. Bên cạnh đó, với sức mạnh tập thể, các vị cư sĩ có thể tổ chức các hoạt động có liên quan đến vấn đề tu tập, như là tổ chức các hoạt động từ thiện, tham gia hộ niệm, bảo trợ… Không những thế, cùng nhau tu tập còn tạo nên từ trường tâm linh. Từ trường này là một sức mạnh tâm linh, có khả năng cảm hóa và trưởng dưỡng đạo tâm, nuôi lớn niềm tin vào Chánh pháp cho những người được tiếp xúc với từ trường ấy. Điều này có vẻ trừu tượng, mơ hồ, nhưng đấy là sự thật. Nơi nào mọi người cùng nhau tinh tấn tu hành thì nơi ấy từ trường càng mạnh và sức cảm hóa càng lớn.
Thứ hai, khi tu tập trong tập thể, mọi người trở thành động lực để sách tấn lẫn nhau, nhờ vậy mà mỗi cá nhân trở nên tinh tấn hơn, nghiêm túc hơn. Khi tu tập chung với nhiều người khác, dù đôi khi mình cảm thấy lười biếng, hoặc khó chịu, nhưng nhận thấy những người khác siêng năng tu tập thì mình cũng cố gắng để vượt qua, siêng năng hơn, chứ không dễ duôi, không chịu thua kém bạn đạo, không muốn bị người khác chê cười.
Thứ ba, được tu tập trong tập thể là một cơ hội tốt để cho mọi người chia sẻ kinh nghiệm tu tập, học hỏi lẫn nhau, và kể cả việc chia sẻ về những vấn đề trong cuộc sống.
Đối với các bạn trẻ, đến với các đạo tràng, các khóa tu học, các hội trại là đến với những môi trường sinh hoạt lành mạnh, tích cực, tạo điều kiện để các bạn được giao lưu, học hỏi lẫn nhau, để tìm lại sự bình an, thư thái cho tâm hồn, tránh xa những cám dỗ, những trò giải trí không lành mạnh cùng những phiền muộn, áp lực trong cuộc sống.
Việc thành lập các đạo tràng, các khóa tu, các hội, đoàn của cư sĩ Phật tử để cùng nhau tu học đã đem lại rất nhiều lợi ích cho người Phật tử. Tuy nhiên, trong hiện tại, việc tổ chức sinh hoạt và tu học của các đạo tràng, hội, đoàn cư sĩ Phật tử còn tồn tại một số vấn đề bất cập, điển hình như:
- Việc sinh hoạt và tu học của các đạo tràng còn thiếu tính thống nhất và đồng bộ. Ngay cả những nghi thức, nghi lễ tụng kinh bái sám cũng không giống nhau.
- Một số nội dung trong phần nghi thức tụng niệm sử dụng tiếng Hán Việt khiến cho người Phật tử không hiểu hết, làm suy giảm ý nghĩa và hiệu quả của việc tụng niệm.
- Một số đạo tràng chưa chú trọng lắm vấn đề giảng dạy những giáo lý căn bản cho Phật tử. Có nơi còn thiếu người hướng dẫn, giảng dạy giáo lý và các phương pháp tu tập cho Phật tử.
- Các đạo tràng tu học, các hội, đoàn Phật tử chủ yếu tập trung phát triển mạnh ở thành thị. Tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào thiểu số chưa được phát triển lắm. Nhiều nơi còn thiếu địa điểm để tu học, thiếu người hướng dẫn tu học và thiếu nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động tu học.
- Thiếu tính chặt chẽ, đồng bộ trong việc liên kết, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các ban ngành có liên quan đến sinh hoạt và tu học của người cư sĩ Phật tử. Tính liên kết giữa các đạo tràng, giữa các hội, đoàn của người cư sĩ Phật tử cũng chưa cao.
- Các vị chủ chốt trong các đạo tràng, hội, đoàn của cư sĩ Phật tử còn khá thụ động trong việc xây dựng đạo tràng, hội, đoàn của mình. Phần lớn chúng ta chỉ biết đón tiếp những ai tự tìm đến với các đạo tràng, hội, đoàn chứ chưa thực sự chủ động đi vận động, gọi mời. Chúng ta còn thiếu tinh thần dấn thân để phụng sự đạo pháp.
- Hình thức sinh hoạt, tu học ở các đạo tràng chưa phong phú, chưa tạo được tâm lý tích cực, chủ động và hăng hái tham gia tu học cho các Phật tử.
- Thiếu các hoạt động thi đua, khen thưởng trong đạo tràng hoặc giữa các đạo tràng liên kết với nhau. Chính vì vậy chưa tạo được nguồn động viên, khích lệ, chưa hình thành được phong trào tu học Phật pháp trong hàng Phật tử tại gia.
Dựa trên tình hình sinh hoạt, tu học của các đạo tràng, đoàn, hội của Phật tử ở Việt Nam và trên tình hình thực tế của Phật giáo Việt Nam, chúng tôi xin đề xuất một vài ý kiến nhằm khắc phục những vấn đề bất cập và phát huy sức mạnh, nâng cao hiệu quả trong sinh hoạt, tu học của người Phật tử tại gia như sau:
- Giáo hội, đặc biệt là Ban Hoằng pháp, cần chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc hoằng pháp, hướng dẫn cư sĩ Phật tử tu học, cụ thể ở đây là đào tạo các vị giảng sư, các vị hoằng pháp viên, các vị hướng dẫn, điều hành những đạo tràng, hội, đoàn cư sĩ Phật tử nhằm đào tạo ra những vị giảng sư, những vị hoằng pháp viên đủ đức, đủ tài để tham gia vào sứ mạng hoằng pháp, để dấn thân đến những nơi đang thiếu, đang thiết tha được nghe pháp, được tu học theo lời Phật dạy. Chú trọng đến việc hướng dẫn và đào tạo những vị hoằng pháp viên tại chỗ, tức là những người Phật tử đang sống và sinh hoạt trong cộng đồng dân cư, trong thôn bản…
- Phải đẩy nhanh công tác biên soạn một bộ sách Phật pháp căn bản và thống nhất trên phạm vi toàn quốc, nhắm đến đối tượng cư sĩ Phật tử, dùng để giảng dạy cho người Phật tử và để người Phật tử nghiên cứu, tu học. Cần phải Việt hóa các bài kinh, bài kệ, bài tán sử dụng trong nghi thức tụng niệm. Để tạo ra sự thống nhất thì cần phải tuyển chọn bản dịch nào chuẩn nhất để đưa vào trong nghi thức tụng niệm và quy định việc sử dụng đồng bộ một quyển Nghi thức tụng niệm cho tất cả các đạo tràng cư sĩ Phật tử trong phạm vi cả nước, ngoại trừ những đạo tràng có pháp tu riêng. Tránh tình trạng sử dụng nhiều bản dịch, nhiều quyển Nghi thức tụng niệm với câu chữ khác nhau, thậm chí nội dung khác nhau, gây khó khăn cho các Phật tử, nếu có sử dụng thì chỉ sử dụng chúng với mục đích tham khảo mà thôi.
- Cần phải thiết lập mối liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các đạo tràng, đoàn, hội với nhau, nhất là khi cùng sinh hoạt trong một phạm vi địa lý nhất định, thể hiện cụ thể qua việc liên kết tổ chức các chương trình tu học dành cho cư sĩ Phật tử, và việc trao đổi, cộng tác của các hoằng pháp viên với nhau.
- Đẩy mạnh sự liên kết, phối hợp giữa các ban ngành trong Giáo hội, như là giữa Ban hoằng pháp, Ban hướng dẫn Phật tử, Ban từ thiện, Ban văn hóa,… nhằm tạo thuận lợi và nâng cao hiệu quả, tạo ra sự phong phú, đa dạng trong việc tổ chức, hướng dẫn các chương trình tu học cho cư sĩ Phật tử.
- Chú trọng hơn nữa đến việc hoằng pháp, tổ chức các đạo tràng tu học ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, tạo điều kiện giúp đỡ trong việc xây dựng các cơ sở tu học cho cư sĩ ở những nơi còn thiếu, đang gặp nhiều khó khăn. Chủ động cử các vị giảng sư trẻ hoặc các vị hoằng pháp viên đến vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để hoằng pháp và hỗ trợ các vị ấy trong đời sống tu học, hoằng pháp.
- Những vị chủ chốt trong các đạo tràng, hội, đoàn của cư sĩ Phật tử cần chủ động kêu gọi các Phật tử trong hội đoàn của mình động viên, khuyến khích bạn bè, người thân cùng tham gia tu học, đến thăm viếng các hội viên trong đạo tràng những khi họ bị đau ốm hay khi gia đình họ có tang sự, hỷ sự,… Và mời người dân địa phương, cả Phật tử lẫn người dân thường, tham gia các hoạt động của đạo tràng vào những dịp lễ lớn để tạo mối quan hệ thân thiết và dần dần dẫn dắt họ đến với đạo Phật, tham gia tu học.
- Thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo về hoạt động hoằng pháp và tu học của cư sĩ Phật tử theo định kỳ để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá trong công tác hoằng pháp, tổ chức các khóa tu học. Đồng thời cần phải tổ chức các cuộc thi về giáo lý, về kinh nghiệm tu học dành cho người cư sĩ Phật tử theo định kỳ, thích ứng với nhiều độ tuổi khác nhau, với những quy mô và phạm vi khác nhau, có sự đánh giá minh bạch và khen thưởng chính đáng cho người dự thi, nhằm khích lệ tinh thần tu học của người Phật tử.
- Các cấp lãnh đạo của Ban hướng dẫn Phật tử cần tổ chức nhiều hơn nữa những chuyến viếng thăm các đạo tràng tu học theo định kỳ, đặc biệt là đối với các đạo tràng ở vùng sâu vùng xa, nhằm khích lệ tinh thần tu học của Phật tử địa phương, nắm bắt tình hình và có biện pháp hỗ trợ thích ứng, kịp thời.
Trên đây là một vài ý kiến mà chúng tôi nghĩ nếu thực hiện tốt thì sẽ nâng cao được chất lượng, hiệu quả tu học của Phật tử và đẩy mạnh hoạt động tu học của các đạo tràng, đoàn, hội cư sĩ Phật tử trong nước. Cầu mong tất cả những người đệ tử Phật đều vững tin vào lời Phật dạy và tinh tấn tu học để đem lại lợi ích cho cá nhân, gia đình và cho toàn xã hội.
Quảng Trí

(1) Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập I, NXB. TP. HCM, 2003, tr.149. (2) Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập II, NXB. TP. HCM, 2003, tr.590-591. (3) Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập II, NXB. TP. HCM, 2003, tr.592. (4) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I, NXB. Văn học, Hà Nội, 1994, tr. 409. (5) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập III, NXB. Văn học, Hà Nội, 1994, tr. 113. (6) Theo "Báo cáo tổng kết công tác Phật sự năm 2010 của Ban hướng dẫn Phật tử Trung ương và Phương hướng hoạt động năm 2011", Ban hướng dẫn Phật tử Trung ương. (7) Theo "Báo cáo tổng kết công tác Phật sự năm 2010 của Ban hướng dẫn Phật tử các tỉnh thành phía Bắc và Phương hướng hoạt động năm 2011", Ban hướng dẫn Phật tử Trung ương phía Bắc. (8) Theo "Báo cáo hoạt động Phật sự năm 2010 của Phân ban Gia đình Phật tử Trung ương", Phân ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Trung ương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét