Tìm kiếm

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Hành trang người học Phật 1: Ý Nghĩa Quy Y Tam Bảo

Hòa thượng Thích Trí Quảng 
Tam Bảo là điểm nương tựa khởi đầu, là nền tảng căn bản rất quan trọng mà tất cả Phật tử tại gia cần ý thức và thể hiện tốt đẹp trong cuộc sống.

Hàng Phật tử tại gia nương tựa Tam Bảo không chỉ giới hạn ở bước khởi điểm. Pháp này cần được phát huy sâu rộng trong suốt quá trình tu tập cho đến ngày thành đạt quả vị Vô thượng Đẳng giác. Vì nếu lệch ra ngoài hướng đi của Tam Bảo, chắc chắn sẽ lạc vào đường tà.
Trước nhất, đối với người Phật tử tại gia, Đức Phật là bậc Đạo sư sáng suốt, giác ngộ, là Phật Bảo. Thật vậy, với bản chất thông minh, Ngài không bằng lòng cúi đầu an phận, phú thác vận mạng cho thần linh như tất cả mọi người đương thời. Ngài hạ quyết tâm tự tìm chân lý.
Sau 49 ngày tư duy dưới cây Bồ đề, Ngài đã thành tựu quả vị Phật. Nghĩa là Ngài nắm bắt được thật tướng của vũ trụ và vạn vật, thấy được nguyên nhân sinh tử của mình và của tất cả mọi người, mọi loài. Không có gì nằm ngoài  sự hiểu biết và lực tác động của Phật.
Phát khởi tâm từ bi vô hạn, Đức Phật muốn san sẻ hiểu biết siêu tuyệt và nếp sống an lạc, giải thoát cho mọi người. Cùng với trí tuệ trong sáng vô cùng của bậc Toàn giác, Đức Phật biết rõ những người có nhân duyên với Ngài. Vì thế, mở đầu con đường giáo hóa độ sinh, Đức Phật đã rời Bồ đề đạo tràng, đến Lộc Uyển để giúp năm anh em Kiều Trần Như giải tỏa những dằn vặt khổ đau. Đồng thời Ngài còn khai thông trí tuệ cho họ, dạy họ pháp Tứ Thánh đế chấm dứt sự khổ đau và mở ra con đường dẫn đến hạnh phúc, an lạc thường còn.
Những lời chỉ dạy quý báu của Đức Phật đã thể hiện một giá trị thiết thực cao tột, đó là Pháp Bảo. Năm anh em Kiều Trần Như nương nhau tu hành, tạo thành một tập thể đoàn kết, hài hòa, an vui, giải thoát, chính là Tăng Bảo.
Từ mô hình Tam Bảo đầu tiên như vậy, ngày nay, Phật tử Bắc tông hay Nam tông khởi đầu đến với đạo Phật đều phải quy y Tam Bảo.
Quy y Phật là nhận Đức Phật làm Thầy, tin Phật hoàn toàn sáng suốt bậc nhất. Người buồn phiền, hay có nhiều điều nan giải đến với Phật đều được Ngài hóa giải.
Quy y Pháp là tin và chấp nhận những quy luật đúng đắn, không bao giờ sai lầm, do Đức Phật truyền dạy. Vì trên bước đường thuyết pháp giáo hóa chúng sinh, lời nói và việc làm của Đức Phật luôn tương ưng với nhau. Ngài đáp ứng được yêu cầu của quần chúng, mới cảm hóa được mọi người cùng thăng hoa thánh thiện.
Quy y Tăng là chấp nhận tập thể tu sĩ đoàn kết, hòa hợp, thanh tịnh, an vui, cùng tu hành, cùng lý tưởng tìm chân lý và đang từng bước thực hiện mục tiêu hướng đến quả vị Phật.
Nhận thức đúng đắn ý nghĩa quy y Tam Bảo để hàng Phật tử tại gia nuôi lớn đức tánh Tam Bảo trong chính cuộc sống của mình.
Thật vậy, người Phật tử quy y Phật để phát triển tánh sáng suốt tiềm tàng trong tâm mình và trong cả muôn loài. Trên mặt hiện tượng có muôn ngàn sai biệt đủ loài đủ dạng, nhưng hiểu ở mặt thể tánh thì muôn loài muôn vật đều có tánh sáng suốt. Đức Phật dạy rằng tánh sáng suốt này có sẵn trong chúng ta từ vô thủy, nó không thiếu, không dư, không được, không mất. Vì ngũ ấm che đậy, chạy theo vọng tưởng, nên mọi người không nhận biết và không sử dụng được tánh sáng suốt của mình. Trong khi Đức Phật diệt trừ hoàn toàn tham sân phiền não, trở về bản tánh sáng suốt tuyệt đối, thành tựu quả vị Phật.
Quy y Phật, việc chính yếu là làm cho tánh sáng suốt của ta bừng sáng, không còn bị phiền não chi phối. Kính thờ Phật, quý trọng Phật, lễ lạy Phật, thì cần mãi dũa cho tâm ta được sáng suốt. Trở về với bản tánh vốn sáng suốt của mình, trí tuệ tự nhiên bừng sáng, thấy biết mọi việc một cách đúng đắn. Sống được với thể tánh sáng suốt, ta mong cho mọi người cũng được như vậy.
Ngoài ra, người Phật tử quy y Pháp nhằm cố gắng phát huy thấy biết đúng như thật gọi là chân lý hay Pháp Bảo, bằng cách nương theo kinh điển, suy tư, tìm hiểu nghĩa lý sâu xa mà Đức Phật muốn dạy. Và sử dụng hiểu biết của Phật trang nghiêm cho cuộc sống, mọi việc diễn tiến thế nào thì tùy theo đó hành động, không chấp chặt vướng mắc trong ngữ ngôn, văn tự. Đạt được tự tánh Pháp Bảo lưu xuất từ chơn tâm thanh tịnh, quý vị ước nguyện cho mọi người cũng sử dụng được Pháp Bảo của chính họ.
Quy y Tăng, nương theo sự hòa hợp, thanh tịnh, an vui của đoàn thể Tăng bên ngoài, để nuôi lớn tâm thanh tịnh của ta. Bản tánh thanh tịnh này vẫn hằng hữu, nhưng bị phiền não nhiễm ô che lấp, nên trí giác không phát sinh được. Nay thấy được chân lý, nhận rõ muôn vật dù thuận hay nghịch đều từ một thể sinh ra, đều thanh tịnh hòa hợp. Và khi sống đúng với chân lý, những chống trái, mâu thuẫn không còn, ta sẽ được an vui, giải thoát, nuôi lớn được tự tánh Tăng Bảo.
Từ thanh tịnh của chính mình làm hạt nhân cho mọi người, mọi vật xung quanh hòa hợp thanh tịnh theo, quý Phật tử nguyện cho mọi người cũng được như vậy.
Tóm lại, hàng Phật tử tại gia quy y Tam Bảo, làm sáng danh Tam Bảo, cố gắng phát huy trí tuệ và đạo đức, đóng góp tích cực vào những hoạt động hoằng dương Phật pháp và làm lợi ích cho xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét