* Nguyễn Trung Hiếu
Trải qua
thời kỳ lịch sử lâu dài đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt để sinh tồn:
thiên tai, thú dữ, bệnh tật… những tai hoạ vượt trên sức mạnh của con người.
Chính vì thế, để tồn tại trong môi trường rậm rạp, hoang vu, khắc nghiệt họ
phải dựa vào sức mạnh tâm linh (Phật, thần…) để cứu rỗi cho quá trình lao động
sản xuất, làm chỗ dựa tinh thần hàng ngày trước sự hà khắc của thiên nhiên. Từ
hoàn cảnh sống ấy đã tạo ra một hệ thống tín ngưỡng tâm linh phong phú, đa
dạng, mang đậm dấu ấn của nền văn hoá nông nghiệp.
Sau quá trình tụ sinh lâu
dài, đời sống ổn định dẫn đến nhu cầu tinh thần ngày càng cao, người Khmer đã
xây dựng những ngôi chùa để phụng thờ những vị Phật, thần linh trì độ họ tai
qua nạn khỏi, thuận lợi trong sản xuất. Từ đó, có thể khẳng định rằng, việc
hình thành chùa của người Khmer ra đời rất sớm, thời gian bắt đầu khi họ có mặt
ở vùng đất này và sau một thời gian tụ sinh ổn định, phát triển. Nhiều ngôi
chùa có giá trị lịch sử từ 300 – 600 năm như chùa Xvayton (Xà Tón) ở An Giang;
chùa Âng, chùa Ông Mẹt, chùa Phướng (Trà Vinh); chùa Kl’eng, chùa Dơi (Sóc
Trăng).
Hiện nay, toàn tỉnh An
Giang có khoảng 65 ngôi chùa Khmer, nhiều nhất ở hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn
(60 chùa), có lịch sử lâu đời, giá trị kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc cao.
Do ảnh hưởng của ba
dòng văn hoá, tín ngưỡng (văn hoá dân gian, Bà la môn giáo, Phật giáo) nên kiến
trúc nghệ thuật chùa Khmer ở An Giang, Nam Bộ là những công trình kiến trúc độc
đáo, hàm ẩn nhiều giá trị thẩm mỹ. Ngôi chùa là nơi tựu trung tinh tế các thể
thức nghệ thuật tạo hình, hài hoà giữa kiến trúc và điêu khắc từ hình thức
trang trí bên trong đến bày biện bên ngoài. Chùa Khmer ở An Giang được trùng
tu, xây dựng lại nhiều lần nhưng vẫn giữ được kiến trúc cổ, thể hiện sự dung
hợp giữa các nền văn hoá. Về phong cách kiến trúc, và hình thức trang trí chùa
Khmer An Giang thể hiện qua điểm nổi bật sau:
- Cổng chùa được xây
dựng theo hình thức ngọn tháp, tuỳ theo giai đoạn, nhu cầu của phật tử, có chùa
xây một, ba hoặc năm ngọn tháp. Đối với cổng chùa có một ngôi tháp, hoặc lợp
mái chùa nhiều lớp chồng lên nhau, hai bên cổng thường có hai vị thần bảo hộ,
tượng sư tử, hoặc đầu thần rắn Nara uốn lượn trên tường rào, đầu ngẩng lên trời
trước chánh cổng, với ý nghĩa nhằm bảo vệ những báu vật bên trong chùa. Cổng
chùa có ba ngôi tháp, phần dưới trang trí tương tự nhau, còn ý nghĩa ba ngôi
tháp tượng trưng cho Phật, Pháp, Tăng (Tam Bảo), tháp giữa thường cách điệu rất
chi tiết, màu sắc sặc sỡ, tượng trưng cho đức Phật. Cổng chùa xây dựng theo quy
cách năm ngôi tháp hình búp sen, phần dưới cách trang trí gần giống như nhau,
nhưng phía trên năm ngôi tháp thì có một ngôi cao nhất, nhiều hoạ tiết hoa văn
– năm ngọn tháp minh hoạ cho năm vị Phật, đỉnh cao nhất là cõi Niết Bàn.
Cổng chùa Thơ-Mít xã
Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên
- Tường rào xung quanh
Chùa rất đặc sắc, một số cổng, tường chùa được sơn son, thếp vàng lộng lẫy, mỗi
một trụ tường, vách tường rào được khắc hoạ hình sư tử, tượng Phật, búp sen...
Dọc theo sóng trên tường rào chạm khắc hình thân rắn Nara uốn lượn (đầu rắn nằm
ở cổng chùa) rất uy nghi, tiềm ẩn một triết lý Phật học tinh tuý, đó là sự hài
hoà giữa thiên nhiên với con người, nhập thân giữa đời và đạo, kết chặt giữa
thế giới này và thế giới khác.
- Chính điện và cổng
chùa người Khmer An Giang luôn quay mặt về phía đông, do ảnh hưởng quan niệm
Phật pháp - Phật minh ngự ở phía Tây, nhìn về phía Đông để ban phúc cho chúng
sinh. Đa số những ngôi chùa được xây dựng theo một hình thức, quy cách nhất
định: Chánh điện xây dàn dọc theo hướng Đông – Tây tạo thành một chính thể
trung tâm của ngôi chùa. Chiều dài ngôi chùa gấp hai lần khoảng rộng, chiều cao
tương ứng với chiều dài. Ngôi chính điện có bốn cửa chính theo hai hướng Đông –
Tây, với bảy – chín cửa sổ theo hai hướng Nam - Bắc, xung quanh tứ
phương là một dãy hành lang rộng, thoáng.
- Kết cấu chính điện ở
chùa thường sử dụng bằng các loại gỗ quý và gạch ngói, đá tảng nhỏ. Hai hàng
cột cái to, cao hai bên làm bệ đỡ giữa hai thân, góc. Tất cả sức nặng của ngôi
chùa dồn về hàng cột và áp vào các đầu cột được đặt trên xà ngang nối giữa hai
đầu cột cái, tạo thành bộ mái ở giữa chánh điện. Từ các cột cái, kèo và xà vách
nối liền với tường xây bao quanh (chất liệu gạch, đá tảng nhỏ) tạo lớp mái thứ
hai và thứ ba thông ra hiên, hình thành thêm một chái che bên dãy hành lang. Ta
nhìn từ bên ngoài vào, chính điện chùa Khmer là một bộ kiến trúc với ba lớp
mái, dưới các góc mái được chạm lọng thân hình rắn Nara uốn lượn quấn quanh,
hoặc hình nữ thần.
- Ngoài kiểu kiến trúc
độc đáo, hình tượng, chủ đề trang trí bên trong nội điện hay Sala ở các chùa
Khmer An Giang vô cùng tinh xảo, mang đậm ảnh hưởng triết lý Phật giáo, Bà la
môn giáo, tín ngưỡng dân gian. Chủ đề chạm, khắc, tiểu tiết hoa văn thường là
những nội dung kể về cuộc đời tu đạo của Đức Phật, theo trình tự: Cảnh đản sanh
của Đức Phật ở thành Katỳlavệ, cảnh Đức Phật trong rừng Lâmtỳni dưới cây Sala,
cảnh Đức Phật phát đạo dưới cội Bồ đề ở sông Nil, cảnh Phật nhập Niết Bàn; hoạ
tiết hoa, lá, mây, nước…ca ngợi đời sống lao động sản xuất của cộng đồng người
Khmer thời cổ xưa.
- Có thể nói chùa
Khmer An Giang – Nam Bộ là tựu trung của sự độc đáo, giàu giá trị nghệ thuật,
tạo nên nét đặc thù riêng. Những đặc điểm kiến trúc nghệ thuật kể trên chỉ là
nét cơ bản, ngoài ra còn rất nhiều chi tiết, tiểu tiết, cách bày trí những khu,
điểm trong chùa… thể hiện sự sáng tạo của nghệ nhân Khmer trong nền kiến trúc,
điêu khắc ở thời đại hoàng kim, cần được nghiên cứu một cách toàn diện.
Chùa không những là
nơi tác tạo, phong phú đa dạng giá trị nghệ thuật mà còn là nơi sinh hoạt văn
hoá, lễ hội, tôn giáo. Người Khmer có câu “Sống vào chùa gửi thân, chết
vào chùa gửi cốt”, vì thế, hình ảnh ngôi chùa, sư sãi gắn bó sâu sắc
đến cuộc sống hàng ngày của họ.
Người Khmer An Giang
cũng như nơi khác có rất nhiều lễ hội trong năm: Tết cổ truyền Chol Chhnăm
Thmây, lễ Phật đản, lễ An cư Kiết hạ, lễ Chấm dứt mùa An cư Kiết hạ, lễ OK om
bok, lễ Rằm tháng Giêng âm lịch, lễ Dâng y. Mỗi lễ hội có những ý nghĩa khác
nhau, nhiều nghi thức độc đáo diễn ra, và luôn lấy chùa làm trung tâm tổ chức
nghi thức lễ hội. Đến ngày lễ hội, bà con Khmer quần tụ về chùa thỉnh cúng Phật
và nghe giảng kinh, tổ chức vui chơi múa hát các loại hình nghệ thuật truyền
thống chào mừng lễ hội. Gần đây, nhiều lễ hội của bà con Khmer An Giang, điển
hình như lễ Ok om bok và hội Đua bò đã được nâng lên cấp khu vực, tạo không khí
buổi lễ thêm phần náo nhiệt.
Ngoài lễ, tết thường
niên, hàng ngày người Khmer An Giang cũng đến chùa bái Phật, dâng cơm cho sư
sãi; đám cưới, gả trong gia đình đến chùa mời sư sãi, à cha đến chứng giám…Đúng
như câu nói “Sống vào chùa gửi thân, chết vào chùa gửi cốt”, người
Khmer khi chết không địa táng như các dân tộc khác mà họ đem vào chùa hoả
thiêu. Sau đó lấy cốt gửi vào chùa phụng thờ, ngụ ý để vong hồn người chết sớm
hôm nghe kinh Phật, kề cận bên ánh hào quang của Phật sớm được siêu thoát về
cõi Niết Bàn.
Ngoài chức năng sinh
hoạt văn hoá, chùa còn có chức năng giáo dục sâu sắc. Người Khmer có tập tục “Con
trai lớn lên phải vào chùa tu”, thứ nhất để báo hiếu cho cha, mẹ, thứ hai
là học kinh Phật, hiểu biết về những điều tốt, xấu nhằm trở thành người có ích.
Sau thời gian mãn tu hoàn tục về lại đời thường người con trai mang theo sự
hiểu biết đã học nơi chùa mà phụ giúp gia đình, đền ơn công dưỡng dục của cha
mẹ, phục vụ xã hội. Vì vậy, từ lâu chùa đảm đương vai trò là ngôi trường dạy
nhân cách, tri thức, đạo đức cho thanh, thiếu niên đáp ứng nhu cầu đời sống xã
hội và phong tục. Gần đây, chùa còn dạy kiến thức phổ thông, dạy chữ Việt –
Khmer, ca múa hát như Dù kê, Dì kê, nhạc ngũ âm lưu giữ loại hình văn hoá -
nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Vì vai trò của chùa
đối với người Khmer rất quan trọng, nó bao hàm nhiều góc độ từ văn hóa truyền
thống, tín ngưỡng tôn giáo, giáo dục, giá trị nghệ thuật… nên việc xây dựng
chùa trở thành trung tâm sinh hoạt văn hoá, đời sống mới hiện nay rất được
Đảng, Nhà nước quan tâm. Đảng bộ địa phương đã tích cực trùng tu, sữa chữa lại
nhiều ngôi chùa mang một dáng dấp mới, linh thiêng, trang trọng, tầm nghệ thuật
cao, hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, giữ được yếu tố tâm linh. Trong
thời gian tới nên lập kế hoạch nghiên cứu tổng thể các giá trị quy hợp ở từng
ngôi chùa, trùng tu lại những ngôi chùa có gí trị cao về nghệ thuật và lịch sử.
Tiếp tục xây dựng chùa thành một trung tâm văn hoá, giáo dục hoàn chỉnh về mọi
mặt, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tinh thần của bà con Khmer trong vùng. Điều rất
quan trọng là dù xây dựng, cải tạo thế nào cũng phải để chùa giữ đúng với
nguyên thể thiêng liêng cao quý vốn có từ lâu đời.
Trên quần thể 65 ngôi
chùa Khmer ở An Giang có nhiều giá trị như thế, ngành chức năng địa phương cũng
nên khai thác chùa trở thành điểm tham quan du lịch trong và ngoài nước. Thực
tế hàng mấy năm qua ta chưa làm tốt vấn đề này, cứ để những giá trị kiến trúc
nằm “vô hồn” không có sự chiêm ngưỡng, tìm hiểu, nghiên cứu
của khách du lịch, thật lãng phí. Điển hình như chùa Xvayton mang trong mình
giá trị lịch sử hàng 200 năm, nhưng cứ nằm mặc nhiên theo thời gian, mỗi ngày
chỉ lèo tèo một vài du khách địa phương đến cúng vái, ngắm nhìn mà thôi. Còn
lại thì chẳng thấy đoàn nào ghé thăm tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật
của chùa, đáng tiếc! Trong tương lai khi xây dựng, trùng tu những chùa Khmer ở
Tịnh Biên, Tri Tôn thành một hệ thống quần thể kiến trúc đẹp, lộng lẫy, ngành du
lịch địa phương nên tổ chức nhiều Tour, tuyến tìm hiểu văn hoá, lịch sử ở các
chùa. Xây dựng một đội ngũ thuyết minh viên du lịch am hiểu chiều sâu về văn
hoá lịch sử Khmer, kết hợp với du lịch làng nghề, du lịch vùng Thất Sơn, tạo
động lực khai thác hết tiềm năng du lịch của địa phương, thu hút du khách trong
và ngoài tỉnh. Hình mẫu như một số địa phương bạn: Tham quan Nội thành Huế,
chùa Thiên Mụ, sông Hương – núi Ngự... An Giang thì: Vía Bà núi Sam, du lịch
Thất Sơn, đồi Tức Dụp, làng nghề truyền thống bà con Khmer, quần thể kiến trúc
nghệ thuật chùa Khmer… Hy vọng rằng, trong tương lai ngành du lịch địa phương
tận dụng hết tiềm năng vốn có, phát huy tối đa những giá trị văn hoá, nghệ
thuật trăm năm mà bà con Khmer đã đổ công sức tác tạo được hoàn chỉnh như hôm
nay, mà ít địa phương nào có được như An Giang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét