Tìm kiếm

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Sự Truyền Thừa của tông phái Thiên Thai: Từ TQ Sang VN (phần 1)

Dẫn Nhập:

Trải qua hơn 25 thế kỷ, đạo Phật tồn tại đến ngày nay là do sự truyền thừa từ đức Phật đến chư tổ. Tổ lại truyền cho tổ, ‘Tổ tổ tương truyền’ tiếp diễn từ đời nầy sang đời khác. Sự truyền thừa được thể hiện qua hai phương diện giáo lý và thật hành. Về phần giáo lý thì mỗi tông phái đều sáng lập giáo nghĩa, tông chỉ riêng biệt và đều lấy kinh điển của Phật làm nền tảng. Về phần thật hành hay phần sự có khác biệt là tùy theo giáo nghĩa và tư tưởng của mỗi tông. Mỗi tông phái đều truyền bá và xiển dương pháp môn của mình trong tông môn và quần chúng Phật tử.


(to be continued)

(to be continued)
Phần chú thích:

  1. Đức Phật giảng thời Phương đẳng trong 8 năm chuyển từ Tiểu thừa sang Đại thừa hay dùng từ khác là Quyền giáo đại thừa. Hai mươi hai năm tiếp Phật thuyết kinh Bát nhã và tám năm sau cùng thuyết kinh Pháp hoa và Niết bàn cho bậc Thượng căn Đại thừa.

  1. Miền nam Trung Quốc thời bấy giờ  được chia làm hai miền. Miền Nam được thống trị bởi bốn triều đại, Tống, Tề, Lương và Trần (317-588). Miền Bắc cũng được thống trị bởi bốn triều đại, Ngụy, Tề, Chu và Tuỳ. Đến đời nhà Tuỳ vua Văn Đế Dương Kiên (589- 619) thống nhất hai miền trở lại một nước Trung Quốc. 

  1. HT Thích Trí Tịnh (1953). Đường về cực lạc. Trang 215

  1. Không quán: xét mọi sự vật đều không có thật tánh, thật tướng. Mọi pháp vốn không. Giả quán: Mọi sự vật vốn vô thường, giả hợp. Trung quán: Pháp quán nầy dung hợp cả hai  pháp quán phi không và phi giả tức là Trung. Quán các pháp vừa là không vừa là giả. Quán như vậy mới thấy được cùng một lần hai phía cạnh. 

  1. Pháp hoa Tam muội: Diệu đế dung hợp tam đế. Sự sáng tỏ phân minh trước mắt, màn vô minh che ngăn lý trung đạo bị phá tan. Trạng thái nầy gọi là Pháp hoa Tam muội và là tên gọi khác của 16 Tam muội được đề cập trong kinh Pháp hoa, phẩm Diệu Âm Bồ tát.

  1. Hurvitz, L (1959). Chih- I (538-597). An introduction to the Life and Ideas of a Chinese Buddhist Monk. Phd Thesis. ColumbiaUniversity. p 116

  1. Hurvitz, L (1959). Chih- I (538-597). An introduction to the Life and Ideas of a Chinese Buddhist Monk. Phd Thesis. Columbia University. p 141

  1. Hurvitz, L (1959). Chih- I (538-597). An introduction to the Life and Ideas of a Chinese Buddhist Monk. Phd Thesis. Columbia University. p 186

  1. Tám giáo: 4 giáo hoá nghi; Đốn, Tiệm,Bí mật và Bất định . 4 giáo hoá pháp; Tạng, Thông, Biệt và Viên



Mỗi tông phái của đạo Phật được ví như mỗi loại hoa của vườn hoa Phật pháp. Mỗi loại hoa có nét đẹp và hương thơm riêng biệt, để khoe sắc hương, nhưng tất cả đều ở trong vườn tịnh của Phật pháp. Cũng như vậy, mỗi tông phái đều là của đạo Phật và đều cùng mang một vị, đó là vị ‘giải thoát’.

Trong phần sưu tập về tông phái Thiên thai, chúng tôi chia thành hai giai đoạn chính. Đó là sự sáng lập tông phái ở Trung Quốc, sau nhiều thế kỷ chính thức được truyền thừa sang Việt Nam. Phần trình bày có tính cách giới hạn và sơ lược về khía cạnh lịch sử của chư tổ sáng lập tông Thiên thai ở Trung Quốc, Việt Nam. Đây là hai giai đoạn quan trọng đánh dấu lịch sử truyền thừa của hai nước nói trên. Hy vọng tài liệu nầy đóng góp một phần nào về nguồn gốc tông phái Thiên thai. 

Sơ lược cuộc đời ngài Trí Khải Đại Sư (538-597), tổ khai sáng tông Thiên Thai ở Trung Quốc.

Ngài Trí Khải (Chih-I) sinh trưởng ở Hoa Dung (Hua-jung) thuộc Kinh Châu (Ching-chou), nay thuộc tỉnh Hồ Nam (Hunan). Họ hàng của Ngài di cư vào phía Nam Trung quốc khi triều đại nhà Tây Tấn ( Western Tsin, 265-316) sụp đổ và mất ngôi. Tiểu sử thân phụ của ngài là Trần Khởi Tổ (Ch’en Ch’i-tsu) không được chép lại, nhưng qua phần tiểu sử của người anh lớn là Trần Châm (Ch’en Chen), thì ông Trần Khởi Tổ là bạn và là người thừa nhận quyền chỉ huy quân đội từ Hoàng tử Tiêu Đạt (Hsiao I). Vị hoàng tử nầy chính là con của Lương Võ Đế, một vị vua rất sùng bái đạo Phật. Tiêu Đạt là vị hoàng tử được thanh danh là sáng suốt và có khả năng thống lãnh các tiểu bang thời loạn lạc ở Trung quốc. Sau khi lên ngôi vua, Tiêu Đạt lấy hiệu là Lương Nguyên Đế (Liang Yuan-ti, 552-554), chọn Kinh Châu làm kinh đô. Vua đã phong chức cho Trần Khởi Tổ làm ‘Ích Vương hầu’. Một thời gian sau, vua Lương Nguyên Đế đã tử trận trong nội chiến loạn lạc, điều nầy kết thúc thời gian trị vì của ông ta. Trong hoàn cảnh bấy giờ, nhiều yếu tố đã xảy ra, trong đó có phần liên quan tới sự xuất gia của ngài Trí Khải.

Ngài Trí Khải sinh trưởng trong thời cuộc loạn lạc bởi chiến tranh giữa nhà Lương và phe phiến loạn. Sự thất thủ ở Kinh Châu đã cướp đi mạng sống của vua Lương Nguyên Đế cũng như thân mẫu của ngài Trí Khải. Từ đó, ngài Trí Khải và anh lớn là Trần Châm sống trong cảnh mồ côi. Đây chính là thời gian để cảm nhận được sự vô thường trong cuộc sống, đặc biệt là qua cái chết của thân mẫu. Cuối cùng, ngài Trí Khải quyết định từ giả người anh trai để gia nhập tu viện Phật giáo. Ý muốn nầy, ngài đã mong mỏi khi còn rất trẻ, nhưng không được sự đồng ý của thân mẫu. Trần Châm khuyên can việc xuất gia của ngài Trí Khải vì làm như vậy sẽ gây thêm đau buồn, chia rẽ giữa hai người, nhất là đang trong hoàn cảnh mồ côi. Nhưng ngài Trí Khải khẳng định, dù cho thời đại huy hoàng của vua Lương Nguyên Đế và thân mẫu tồn tại ở Kinh Châu, thì ngài cũng không lưu luyến và không màng đến những dục lạc của thế gian.

Sau khi trực tiếp kinh nghiệm sự sinh tử của con người vốn là vô thường, ngài Trí Khải càng vững bước tiến vào con đường tu Phật. Vào năm 555, khi tròn mười bảy tuổi, ngài đã xuất gia làm Sa-di và tu học dưới sự giảng dạy của vị tu sĩ với pháp hiệu là Pháp Tự (Fa-hsu), tại chùa Quả Nguyện (Kuo-yuan) ở Tương Châu (Hsiang-chou). Sự xuất gia của ngài được bảo trợ của vị tướng trung thành của Kinh Châu tên Vương Lâm (Wang Lin). Cũng nên nhắc lại, trong thời cuộc chiến tranh ở Trung Quốc, khi xuất gia cần có sự bảo trợ về phương diện hành chánh của thân nhân và cũng phải trải qua cuộc khảo sát để được chính thức thừa nhận là tu sĩ.

Một thời gian sau, ngài Trí Khải lại lên phương bắc tu học kinh điển Phương đẳng Đại thừa dưới sự hướng dẫn của pháp sư Huệ Khoáng (Hui-K’uang). Trong thời gian nầy, Ngài an cư, cấm túc ở núi Thái Hiền (Ta-hsien) và học cặn kẽ các bộ Pháp Hoa (Lotus), Vô Lượng Nghĩa Kinh (Wu Liang I Ching) và Phổ Hiền Quán Kinh (P’u-hsien Kuan Ching). Đây là thời gian ngài Trí Khải đại sư đã chuyển tiếp từ giáo lý Phương đẳng hay Quyền giáo đại thừa đến Thượng căn Đại thừa1, đặt biệt là sự liên kết với bộ Kinh Pháp Hoa (Lotus sutra). Ngài Trí Khải rất khao khát tìm hiểu và học hỏi kinh điển Đại thừa Phật giáo, đặt biệt là ngài chú trọng vào kinh Pháp Hoa. Đây chính là duyên khởi lập tông vào thời gian sau.

Năm 560, Trí Khải đại sư từ giả ngài Huệ Khoáng và tiếp tục lên đường tầm sư để trau dồi đạo pháp. Vào thời điểm trên, ở núi Đại Tô (Ta-Su) tỉnh Quảng Châu, có ngài Huệ Tư (Hui ssu) là vị tu sĩ đắc đạo và là một học giả của Phật giáo, rất nổi tiếng trong vùng. Khu vực nầy nằm giữa biên giới tranh chấp của nhà Trần (Ch’en) và Bắc Chu (Ch’I) 2 . Nơi nầy rất khó khăn cho những ai muốn sống một cuộc sống yên bình, tĩnh mịch. Tuy nhiên, ngài Trí Khải vẫn tìm đến núi Đại Tô cầu pháp với thiền sư Huệ Tư.

Khi thiền sư Huệ Tư thấy ngài Trí Khải liền nói “Lúc đức Phật còn tại thế, ông và ta đồng dự hội Pháp Hoa. Do túc duyên ấy nên nay ông tìm đến ta”3. Trong thời gian bảy năm, thiền sư Huệ Tư đã dạy ngài Trí Khải các pháp như, ‘Nhất tâm tam quán’, ‘Tứ an lạc hạnh’ (ssu an lo hsing), Pháp hoa tam muội (Fa hua san mei). Pháp môn ‘Nhất tâm tam quán’ được khởi xướng từ ngài Huệ Văn (Hui Ven), căn cứ vào bộ Trung Luận (Madyamika) của Long thọ Bồ tát (Nagarjuna Bodhisattva) và kinh Pháp hoa (Lotus sutra) mà lập ra. Ba pháp quán là Không quán, Giả quán và Trung quán 4. Sau đó, ba pháp quán truyền tới thiền sư Huệ Tư, rồi tới ngài Trí Khải.

Trí Khải đại sư siêng năng, ròng rã tu tập Pháp hoa tam muội. Ngài hành khổ hạnh và nghiêm khắc buộc mình trong cuộc sống xuất gia tu hành. Một hôm, khi đọc tụng đến phẩm Dược vương Bồ Tát  bổn nguyện (Sarvasattavapriyadarcana boddhisattva) trong kinh Pháp Hoa, đề cập đến hạnh bố thí của Bồ tát qua câu “Thị chơn tinh tấn thị danh chơn pháp cúng dường Như Lai”, ngài thấu được nghĩa lý và chứng đắc Pháp hoa Tam muội 5. Bấy giờ, thân và tâm ngài rỗng rang, vắng lặng và đi vào sự yên tịnh. Ngài nhận biết được Pháp hoa giống như ánh sáng chiếu vào bóng tối, thấu rõ thật tướng của tất cả pháp giống như ngọn gió thổi xuyên qua một khoảng không gian thật lớn, không bị cản trở bởi một vật gì. Trí Khải đại sư đem sự chứng đắc của mình kể lại cho thầy là Huệ tư, liền được ấn chứng.

Huệ tư thiền sư liền chỉ dẫn tất cả những gì mà ngài biết cho Trí Khải đại sư. Khi có dịp chép lại kinh Bát nhã và Pháp hoa để in chữ vàng, ngài Huệ tư giảng qua một lần, sau đó để cho ngài Trí Khải giảng giải tiếp theo. Đa phần để ngài Trí Khải trình bày cặn kẽ, tỉ mỉ và đích xác nghĩa lý của Kinh. Huệ tư thiền sư cũng tham dự các buổi giảng của ngài Trí Khải và đã nhận xét “Bây giờ có thể là thời điểm pháp được truyền trao cho Pháp thần (Bồ tát) thì Pháp vương không còn gì để làm”6. Huệ tư thiền sư từ lâu đã có ý định chuyển tu viện tới Nam nhạc (Nam yueh) nhưng bất đắc dĩ ở lại vì cộng đồng ở núi Đại tô không thể thiếu vắng vị lãnh đạo. Sau bảy năm (567) Huệ tư thiền sư phó chúc và khuyên ngài Trí Khải dẫn dắt Tăng chúng tới thủ đô của nhà Trần (Ch’en) ở Kim Lăng cư trú. Còn ngài thì chuyển tới trú ngụ tại một ngọn núi ở Nam nhạc. Cho nên dân chúng gọi ngài là Nam nhạc Huệ tư ((Nam yueh Hui ssu, 515- 577). Hoàng đế nhà Trần ban danh hiệu là cho ngài là Tư đại thiền sư.

Tám năm lãnh chúng trú ngụ tại chùa Ngoã quan (Wa kuan) ở Kim Lăng, Trí Khải đại sư miệt mài gắn bó trong công việc hoằng pháp. Ngài đã giảng dạy Phật pháp ở nhiều nơi cho quần chúng Phật tử, đặc biệt là pháp môn Thiên Thai thiền quán. Ngoài ra ngài lập nhiều bộ luận, phán giáo điển và đặt nền tảng giáo nghĩa cho hệ thống tông Thiên Thai. Danh tiếng ngài từ đó đồn đi khắp nơi.

Nhận thấy môi trường thành thị không phải là nơi thích hợp để phát triển Phật giáo và đào tạo Tăng chúng vì phần nhiều chỉ có số lượng mà phẩm chất quá thấp. Cho nên vào tháng 9 âm lịch năm 575 ngài dẫn Tăng chúng rời Kim Lăng, trú ngụ ở núi Thiên Thai tỉnh Chiết giang, tông phái nầy chính thức được hình thành. Sự ra đi nầy là điều mất mát lớn cho Phật giáo ở kinh đô Kim Lăng.
Khi tới núi Thiên Thai ngài Trí Khải quyết định ẩn cư trọn đời ở nơi đây. Đại sư xây chùa, thành lập cộng đồng Thiên Thai và hướng dẫn đại chúng tu học. Năm 577, con trai của Hoàng đế Trần Tuyên Đế là Trần Hoàng Tử (Ch’en Hsuan ti) đã sắc lịnh một tỉnh địa phương ở Chiết Giang (Checkiang) rút một phần thuế hàng năm để đóng góp cho sự sinh hoạt của đạo tràng Thiên Thai. Ngôi chùa đầu tiên ở núi được xây dựng hoàn tất vào năm 578, Vua ban hiệu là Tu Thiền Tự (Hsiu ch’an ssu). Trong năm 581, ngài Trí Khải thuyết phục đa số làng làm nghề chài lưới, bắt chim đổi sang các nghề khác. Điều nầy giúp cho dân chúng giảm nghiệp sát sanh, là một trong những giới quan trọng của người Phật tử. Ngài còn dâng biểu sớ lên triều đình để ban hành đạo luật ngăn cấm việc câu cá, bắt chim bừa bải không theo quy định. Để tích cực hơn khi thọ giới luật của Phật, ngài còn cho đào sông ngòi, rạch hồ, xung quanh ngọn núi  Thiên Thai để tiện bề phóng sanh. Những việc làm ấy được triều đình tán thán và dân chúng chấp thuận. Mọi người qui ngưỡng và kính phục những công việc khó làm nhưng mang nhiều lợi ích về phương diện tâm linh.

Trong năm 581, ngài thâu nhận một vị đệ tử và chuyển đổi pháp hiệu thành Phổ Minh (P’u ming). Đặt biệt, ngài Phổ Minh là vị đệ tử có số tuổi lớn hơn thầy của mình. Ngài theo Trí Giả đại sư lên núi Thiên Thai và ở lại đây cho đến khi tịch, thọ 85 tuổi. Năm kế tiếp, ngài  Trí Khải thâu nhận một vị đệ tử khác, đặt pháp hiệu là Quán Đảnh Chương An (Kuan ting, 561-632). Ngài Chương An được chọn làm thị giả và là người ghi lại các bài thuyết pháp của Trí Khải đại sư trong suốt cuộc hành trình hoằng pháp vào những giai đoạn kế. Ngài Chương An cũng là vị kế thừa tông môn, trở thành Nhị Tổ của Thiên Thai, sau khi Trí Giả đại sư viên tịch.

Trong thời gian mười năm ở Thiên Thai, ngài Trí Khải dồn mọi nỗ lực vào việc soạn thảo kinh sách. Vào thời gian sau, khi có dịp xuống núi, ngài đã dùng bài nầy đem ra thuyết giảng cho quần chúng Phật tử. Sau đó, các bài viết ấy được in ấn xuất bản trở thành những bộ luận xuất sắc của Phật giáo. 

Trong năm 585, vị Hoàng đế nhà Trần đã chính tay viết ba lá thư và triệu hai quan chức của triều tới núi để mời ngài Trí Khải về Kim Lăng nhưng đều bị từ chối. Sau đó Hoàng đế lại viết một lá thư nữa giao cho một vị Tăng ở nội thành đảm trách việc giao thơ thỉnh cầu. Nội dung của lá thư nầy có phần trách móc ngài Trí Giả không đáp thư lại, nhưng phần khác cũng bày tỏ sự tín tâm, sùng đạo của của cả  đình triều. Cũng như mấy lần trên, ngài Trí Khải khước từ với lý do sức khỏe. Ngài cũng bày tỏ sự ưa thích cuộc sống tu hành ở núi rừng hơn thành thị. Cuối cùng, Trần Hoàng Tử lại gởi một lá thư nhân danh Hoàng đế và triều đình sắc lịnh ngài trở về Kim Lăng. Không thể trái lệnh triều đình, cho nên trong một phần của lá thư hồi âm Trí Giả đại sư đã viết như sau:

Nguyện vọng của tôi chưa được thực hiện hoàn toàn, nhưng tôi sẽ chấp nhận mọi hậu quả của những công việc ấy. Tại sao tôi phải làm một người nào đó bị liên lụy. Nghiệp lực thì như nước, nó chảy xuống từ dốc cao và dấu lặng dưới độ sâu. Cho nên, tôi sẽ theo nghiệp lực mà tuân theo sắc lệnh. Tôi không thể thực hiện những điều chỉ để toại nguyện riêng cho nguyện vọng của mình. 7

Năm 585, Trí Khải đại sư lại trở về thủ đô Kim Lăng (Chin- Ling). Trú ngụ tại Chùa Linh Diệu thuyết giảng các bộ kinh Bát Nhã, Nhân Vương, Pháp Hoa, Đại Trí Độ Luận. Đến năm 589 khi nhà Tùy (Sui) xâm chiếm thủ đô và đa phần miền Nam Trung Quốc, ngài Trí Khải đi tới Lô Sơn (Lu-shan) và các vùng lân cận để trú ngụ cho đến năm 591. Đầu năm 591, đời nhà Tuỳ, Tấn Vương Dương Quảng (Yang kuang) là Hoàng tử thứ hai của Hoàng Đế Văn Đế (Wen ti) thỉnh ngài đến Dương Châu truyền Bồ tát giới.  Năm 592, Trí Khải đại sư trở về quê hương là Kinh Châu và tỉnh Nam Nhạc để bày tỏ sự tôn kính với vị thầy quá cố là Huệ Tư. Hai năm kế, Đại sư lại soạn thảo thêm hai bộ kinh được coi là xuất sắc nhất đó là Pháp Hoa Huyền Nghĩa (Fa hua hsuan I, 593) và Ma Ha Chỉ Quán (Mo ho chih kuan, 594).

Nhận lời thỉnh của Hoàng đế nhà Tùy vào năm 595, ngài trở lại Kim Lăng tiếp tục công việc soạn thảo kinh sách và trở về núi Thiên Thai cùng năm. Cuối năm 597, trong chuyến đi đến Dương Châu, căn bịnh của Trí Khải đại sư ngày thêm trầm trọng. Ngài viết thư báo cho chúng đệ tử và Hoàng Tử Dương Quảng rằng sinh tử đã kề cận, cơ duyên đã mãn cho nên cấp tốc trở về tu viện ở núi Thiên Thai chờ ngày tịch. Ngài đã sắp sếp với Dương Quảng để trùng tu và xây dựng các ngôi chùa mà ngài chưa có thời gian để hoàn tất. Ngài cũng căn dặn đại chúng đệ tử đem tro cốt của Ngài chôn cất ở tại núi. Ngày 24 tháng 11 năm 597 tức năm Khai Hoàng thứ 17, đời nhà Tùy, Đại sư lần lượt xướng tụng các Kinh Tịnh Độ, ban lời khuyến tấn đại chúng tu học. Vị đệ tử Trí Linh (Chih Lang) hỏi thầy đã chứng được bậc nào và sẽ sanh về đâu? Đại chúng nên nương tựa vào nơi nào sau khi thầy tịch? Đại sư trả lời với đại chúng đệ tử rằng, nên cân nhắc thêm vào sự tu hành của bản thân hơn là hỏi sự chứng ngộ của người khác. Đại sư nói:

Nếu ta không bận việc của chúng thì sẽ chứng được Lục Căn Thanh Tịnh. Nhưng vì tổn mình mà đem lại lợi cho người nên chỉ chứng được Ngũ Phẩm. Thầy và các bạn cùng Đức Quán Thế Âm đồng đến rước ta…Các người phải lấy Thinh Văn giới làm thầy, bốn pháp thiền định mà ta thường dạy cho các người làm kim chỉ nam. Ta dạy các người phải thải đi nghiệp chướng nặng. Ta dạy các người chinh phục tam độc [tham, sân, si] và kiểm soát thân tứ đại [đất, nước, gió và lửa]…Nếu các người truyền bá sự tu hành của ánh sáng Phật Pháp thì là bạn đồng hành của ta. Nếu các người không làm được mà ngược lại truyền bá sự thực hành của Ma Vương thì không phải là môn đệ của ta. 8       

Sau đó Ngài ngồi kiết già nhập thiền định mà tịch. Đại chúng thương nhớ để tang Đại sư mười ngày rồi mới đem thân đi thiêu. Tro cốt của Trí Giả Đại sư được chôn cất dưới chân một tượng Phật bằng đá ở trên núi. Trí Khải đại sư thọ 60 tuổi, 40 hạ lạp. Sau khi ngài viên tịch, Tấn vương Dương Quảng theo bức họa đồ của ngài để lại mà cho xây chùa ở dưới chân núi. Năm 605, ông lên ngôi Hoàng Đế và ban hiệu chùa là Quốc Thanh, hiện nay vẫn tồn tại ở chân núi Thiên Thai.  

Trong thời gian tại tiền hành đạo, Trí Khải đại sư xây được ba mươi sáu cảnh chùa, đúc 800, 000 tượng Phật đồng và độ trên chục ngàn Tăng sĩ. Sự hoằng hóa rộng lớn của ngài có sức ảnh hưởng lớn đến mọi tầng lớp trong xã hội thời bấy giờ. Từ dân chúng cho đến quan chức, vua, chúa đều qui ngưỡng, kính trọng. Chính vì thế, các đời vua ở Trung Quốc đều ban danh hiệu cho ngài như Trí Giả (Tấn Vương, năm 591), Pháp Không Bảo Giác Tôn Giả (vua Thế Tông, đời Hậu Chu), Linh Huệ đại sư (vua Ninh Tông, đời Nam Tống, 1197). Tuy nhiên danh hiệu Trí Giả hay là Thiên Thai Trí Giả vẫn thường đề cập cho tới nay.

Ngài thâu nhận 49 vị đệ tử xuất gia có pháp hiệu như ngài Chương An Quán Đảnh, Trí Quả, Trí Tảo, Đại Chí, Pháp Sán...v.v. Đệ tử tại gia theo tu học và trợ giúp đắc lực cho ngài Trí Khải trong công việc hoằng pháp có 17 vị. Các vị nầy gồm Hoàng Đế, Hoàng tộc, Quan chức của hai triều Đại Trần và Tùy, trong đó có người anh ruột là Trần Châm và một các số các vị khác. Ngoài ra, cư sĩ tại gia quy y cả mấy ngàn người.

Qua nhiều thế kỷ, tông phái được các cao Tăng đời sau truyền bá, lan rộng đến các nước khác. Vào thế kỷ thứ 9, năm 803 có ngài Tối trừng Truyền giáo từ Nhật sang Trung Quốc thọ giới với ngài Hưng Đạo Đạo Thúy, tức tổ truyền thừa thứ 7 tông Thiên Thai (bắt đầu từ ngài Trí Giả là Sơ tổ). Sau đó ngài Tối Trừng Truyền giáo trở về Nhựt thành lập tông Thiên Đài (Tendai) ở núi Tỷ Vệ, Nhật bản . Tông phái nầy phát triển và thịnh hành ở Nhật bản.

Ở Ấn Độ, Bồ Tát Long Thọ ( Boddhisattva Nagarjuna) được coi là một vị Phật sống thì ngài Trí Khải được coi là ‘Tiểu Thích Ca’ ở phương Đông. Long Thọ Bồ Tát đóng vai trò quan trọng trong việc khởi xướng và thành lập Phật giáo Đại thừa ở Ấn độ vào khoảng thế kỷ thứ 2. Ngài chính tay chép lại những bộ kinh quan trọng của Đại thừa Phật giáo như kinh Pháp Hoa, kinh Đại Phương Quảng Phật. Hai bộ Kinh nầy, biệt truyền qua nhiều thế kỷ, sau khi Phật diệt độ. Ngoài ra, Long thọ Bồ Tát căn cứ trên kinh điển của đức Phật mà luận giải giáo nghĩa mấu chốt của Đại thừa như bộ Tam luận gồm có Trung Luận (Madhyamika sastra), Đại Trí Độ luận (Mahaprajnaparamita sastra), Thập nhị Môn luận (Dvadasadvara sastra), Quảng bách luận (Sata) và nhiều bộ luận khác.

Cũng như thế, Trí Khải đại sư được coi là vị sư lỗi lạc nhất ở Trung Quốc. Ngài tiếp tục công việc của Long Thọ Bồ tát bằng cách phát triển và giải bày cặn kẽ các bộ luận trên, trong đó có bộ Ma ha chỉ quán (chưa dịch sang Việt văn trọn bộ) là xuất sắc hơn hết, ngoài ra còn rất nhiều bộ kinh-luận-giải khác như Pháp Hoa Sớ, Kim Cang Bát Nhã Sớ, Duy Ma Kinh Sớ, Quán Tâm Luận…v.v. Ngoài ra, Ngài hệ thống hóa lại giáo điển của Phật, chia thành 5 thời, 8 loại giáo hóa và dung nạp lại tư tưởng của đức Phật thành 4 loại 9. Đây là sự phán giáo tổng hợp tiêu biểu nhất của kinh điển Phật giáo từ trước đến nay. Trí Giả đại sư đặt biệt hệ thống hóa tinh thần giáo học của Long thọ Bồ tát và căn cứ theo Kinh Pháp Hoa mà sáng lập ra giáo nghĩa cho tông Thiên

Thai. Tên của tông phái được đặt theo tên ngọn núi mà ngài Trí Giả chọn là nơi thường trú ở tỉnh Chiết Giang. Trí Giả đại sư là một đại nhà tư tưởng và triết học đã xây dựng một nền tảng giáo lý Phật giáo vững chắc qua việc hệ thống hóa lại kinh điển của Phật. Cả hai vị, Long Thọ Bồ Tát và Thiên Thai Trí Giả được các hàng hậu Tăng, học giả Đông và Tây phương ngưỡng mộ và kính phục.
Nguồn: phathoccanban


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét