Tìm kiếm

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Tây Thiên - Chiếc nôi Phật giáo Việt Nam

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được xây dựng tại khu di tích Danh Thắng Tây Thiên là để góp phần bảo tồn và tôn vinh giá trị của Phật giáo ở Tây Thiên, nó tạo nên những tiền đề cho những công trình nghiên cứu, khảo cổ di tích tiếp theo sau này. Trong bài viết này chúng tôi mời quý vị cùng chúng tôi dở lại trang lịch sử Phật Giáo Việt Nam. Trên cơ sở đó tìm hiểu về: - Phật giáo Tây Thiên có từ bao giờ và Tây Thiên có phải là chiếc nôi của PGVN không? 



Trước hết chúng tôi xin được trích những sử liệu có liên quan đến Tây Thiên mà chúng ta có được, từ cơ sở này chúng ta đi đến kết luận …
I. Nguồn sử liệu:
1. Theo Jean Filliozat (Giáo sư Đại học pháp) - Trong quyển đạo Phật Việt Nam - Hoà Thượng Thích Đức nghiệp trích dịch ở sách Préence du Boud - dhisme, Asoka et Expansion Bouddhhique của Jean Filliozat trang 369 - 373, saigon, 1959, dựa chương XII sách đại sử ký - Mahavamsa - của Tích Lan,…."Ngay sau đại hội kết tập kinh điển lần thứ ba " tại thành phố Pataliputra (Hoa Thị) - ấn Độ, trước tây lịch 300 năm, vua Asoka (A Dục) cùng với Đại lão Hoà Thượng Moggaliputta Tissa (Mục Kiền Liên Tử Đế Tu) đã cử và đẩy mạnh các phái đoàn như Lai Sứ giả trên đường truyền bá Phật pháp tới các nước Viễn Đông, Đông Bộ, Địa Trung Hải, Tích Lan và toàn cõi bán đảo Đông Dương, trong đó có Miễn Điện, Thái Lan và Việt Nam. Do hai vi cao tăng Sona và Uttara truyền tới. Hầu hết cácnơi thường có dấu ấn bằng chùa tháp, cột đá hay bia đá để ghi lại công đức của vua Asoka (đạo phật Việt Nam, trang 4). 

2. Theo Gs. Edward Conze (Giáo sư Đại học Luân Đôn) - Tác giả cuốn Le Bouddhisme dans son essence et son de'veloppement, trang 70 đã ghi lại các vị cao Tăng của các đoàn Như Lai sứ giả, sau đại hội kết tập kinh điển lần III đến các nước như sau: "1- ngài Majjhantika được gởi đến Kasmir và Gandhara, thuộc vùng Tây Bắc ấn Độ, 2 ngài Mahadeva đến Mahisamandala, thuộc miền nam ấn Độ, 3 Ngài Rakkhita đến Vanavasa, vùng Đa Lâm cũng thuộc miền nam ấn Độ, nhưng ở phía Bắc của sứ Kamada, 4 ngài Dhammarakkita (người Hi Lạp) tới Aparantaka, ở phía tây miền Gujrat. 5 Ngài Mahadhammarakkhita đến xứ Marathe ở miền Tây nam ấn độ. 6 Maharakkhita đến nước Hy Lạp, 7. Ngài Kjjhima tới vùng Hy mã Lạp Sơn, 8 Ngài Sona và ngài Uttara đến vùng Kim Địa (Suvanabhumi) bao gồm các nước Miến Điện, toàn cõi bán đảo Đông Dương (trong đó có Việt Nam, Lào, Campuchia) và một phần bán đảo Mã Lai., 9 - ngài Manhinda, con trai Hoàng đế Asoka, đến Tích Lan (Sri Lanka ngày nay).
3. Theo Maurice Duranr (thành viên trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp) -trong quyển Presence du Bouddhisme, trang 798, trong bài đạo phật truyền vào Việt Nam bằng hai con đường: Con đường thứ nhất bằng đường biển phía Nam, từ ấn độ và các nước có ảnh hưởng ấn độ như bờ biển vịnh Bengale, hải cảng Bom bay và Calcutta, con đường thứ 2 từ Trung Quốc truyền sang …"
Ngoài ra còn có con đường thứ 3, rất quan trọng cho việc truyền bá đạo Phật vào Việt Nam, đó là con đường (từ ấn Độ) qua Miến Điện, Vân Nam rồi tới vùng thung lũng Sông Hồng (vùng Trung Du Bắc Bộ, vào thời Hùng Vương là Trung Tâm văn hoá của nước Văn Lang). Đây là con đường mà ngài Sona và Uttara đã đi để đến Việt Nam.
4. Theo HT Thích Đức Nghiệp.
- viết trong quyển "Đạo phật Việt Nam " NXB TP Hồ Chí Minh 1995, trang 28, "Biết rằng: Đồ Sơn là một địa danh chỉ cách thành phố Hải Phòng chừng 12km thì chắc chắn vào thế kỷ thứ III trước tây lịch, 2 ngài Sona và Uttara, đã tới đây thuyết pháp, và cùng nhân dân địa phương, đã xây bảo tháp Asoka …"
Hoà Thượng trích dẫn lời ông cụ coi chùa Hang - Cốc Sơn Tự kể chuyện "thời xưa vào cuối thời vua Hùng Vương có một nhà sư tên là Sư Bần (Bần tăng)", người ấn Độ, lập bàn thờ phật và tu ở trong hang núi này và sau đó, cũng viên tịch tại hang núi này, bởi vậy dân địa phương gọi là chùa Hang hay Cốc Tự.
Biết rằng khi có bình sinh, Sư Bần có giảng đạo Phật cho Chử Đồng Tử. Theo sách Lĩnh Nam Trích Quái, thì Chử Đồng Tử có ghé thuyền vào núi Quỳnh Viên Sơn ….vậy, ngày xưa gọi là Quỳnh Viên Sơn sư Phật Quang; thì nay gọi là Mẫu Sơn và Sư Bần …"
5. Theo Ngô Đăng Lợi - Nhà nghiên cứu khoa học Hải Phòng viết trong sách Phật giáo Văn hoá và dân tộc, Hà Nội 1990, trang 12 "Vùng Đồ Sơn mà có nhà nghiên cứu khẳng định chính là thành Nê Lê, nơi có bảo tháp của vua Asoka. Nếu quả vậy thì trước thể kỷ thứ ba trước tây lịch, đạo Phật đã được trực tiếp truyền vào nước ta".
6. Theo truyện Nhất Đàm Dạ Trạch: Trong Lĩnh Nam Trích Quái ghi lại việc công chúa Tiên Dung, con gái vua Hùng thứ ba lấy Trử Đồng tử, chuyện kể Trử Đồng Tử được học đạo như sau " ….Thương nhân nước ngoài tới lui buôn bán kính thờ Tiên Dung và Trử Đồng Tử làm chúa, có một khách buôn lớn đến bảo Tiên Dung rằng: 'quý nhân hãy bỏ ra một dật vàng, năm nay cùng thương nhân ra nước ngoài mua vật quý, đến sang năm được lãi mười dật' …Đồng Tử cùng thương nhân đi buôn bán lênh đênh ra khắp nước ngoài, có núi Quỳnh viên (Quỳnh vi) trên núi có am nhỏ. Thương nhân ghé thuyền vào lấy nước. Trử Đôngd Tử lên am dạo chơi. Trong am có một tiểu tăng tên Phật Quang truyền tháp cho Đồng Tử. Đồng Tử ở lại để nghe tháp; đưa vàng cho thương nhân đi mua hàng, đến lúc thương nhân trở về lại tới am đó chở Trử Đồng Tử về nhà. Nhà sư bèn tặng cho Chử Đồng Tử một cây gậy và một cái nón vừa bảo: ' Các việc linh thông đều ở đó rồi" Đồng tử trở về đem đạo phật nói hết với Tiên Dung. Tiên Dung giác ngộ bèn bỏ cả quán chợ nghề buôn để cùng Đồng Tử du phương tìm thầy học đạo.
7. Theo GS Lê Mạnh Thát . viết trong quyển lịch phật giáo Việt Nam, quyển I, NXB Thuận Hoá, 1999, trang 31 - "Trước đây, Claude Madrolle căn cứ vào tên thành Nê - Lê, tức là thành Bùn Đen, để giả thiết thành Nê Lê ở chính vùng Đồ Sơn của thành phố Hải Phòng. Nê Lê hiểu như nghĩa bùn đen tất nhiên không phù hợp với văn phạm chữ Hán. Bởi vì nếu hiểu Nê là Bùn và Lê là màu đen, thì thành này phải có tên là Lê Nê, chứ không phải là Nê Lê. Hơn nữa cụm từ Nê Lê trong Hán văn thường được dùng như một phiên âm của chữ naraka của tiếng Phạn. và naraka lại có nghĩa là địa ngục. Tại vùng núi Tam Đảo có ba ngọn cao nhất là Thạch Bàn, Phù Nghĩa và Thiên Thị, trong đó giữa chân ngọn Thạch Bàn tại làng Sơn Đình có ngôi chùa Tây Thiên, chùa này tương truỳên là có liên hệ với vua Hùng và có một bản ngọc phả về vua Hùng thờ tại đây, điểm lôi cuấn là chùa Tây Thiên này lại có tên nôm na là chùa Điạ Ngục, đã là chùa thì thiếu gì tên mà lại có tên là Điạ Ngục, phải chăng là do từ chữ naraka mà ra. Huyện An Định do thế có khả năng nằm tại vùng núi Tam Đảo này chăng? Muốn trả lời rứt khoát câu hỏi này, ta phải đợi một cuọc điều tra khảo cổ thực địa".
8. Theo Lưu Hân Kỳ - Viết trong cuốn Giao Châu ký "thàng Nê Lê ở phía Nam huyện Định An, cách sông 7 dặm, tháp và giảng đường do vua A Dục dựng vẫn còn. Những người đốn hái của gọi là kim tượng" (Nê Lê thành tại An Định huyện, đông nam cách thuỷ thất lý, A Dục vương sở tạo tháp giảng đường thượng tại hữu, thái tân giả vân thị kim tượng).
9. Theo Lê Đạo Nguyên - viết trong Thuỷ Kinh Chú (quyển 37, tờ 6b4-6, Bến đò Quan tắc xuất phát từ đó, song nó từ phía đông huyện đi qua huyện An Định và Trường Giang cảu Bắc Đái. trong sông có nơi vua Việt Vương đúc thuyền đồng, khi nước triều rút, người ta còn thấy dấu vết, Sông lại chảy về phía đông, cách sông có thành Nê Lê, người ta bảo là vua A -Dục dựng".
Trong lịch sử PGVN quyển I, trang 30 Gs Lê Mạnh Thát cho biết "tên huyện An Định xuất hiện sớm nhất trong tiền Hán thư 28 hạ, tờ 10b9-11a25; ở đấy nó là motk trong mười huyện thuộc quận Giao Chỉ mà ngoài nó ra, gồm có Luy Lâu, Liên Lâu, Phú Lầu, Mê Linh, Khúc Dương, Khúc Bắc Đái, và Chu Biên …". Nhưng đến thời Tam Quốc đổi thành Định An (Hậu Hán thư 33, tờ 21a8-P5), đến thời Tấn đổi thành An Định (tấn thư 15 tờ 8b 13-9a2), qua đời Lưu Tống An Định được đổi thành An Định (tống thư 38 tờ 40b1) "vậy trong vòng năm thế kỷ danh xưng Định An hay An Định cứ thay đổi nhau để chỉ có một vùng đất, một huyện Giao Chỉ". (lịch sử PGVN, Gs Lê Mạnh Thát, trang 31). \
10. Theo Tăng Chiêu - Người đã biên tập lại Giao Châu ký từ những đoạn phiến trích dẫn rãi rác trong các tác phẩm Trung Hoa như Hậu Hán Thư, Thuỷ Kinh Chú, Tế Dân yếu thuật, Bắc đường thư sao, Nghệ văn loại tụ, Sơ học ký, Thái Bình Ngự Lãm, ….đã kết luận "Giao Châu Ký viết vào thời Nhà Tấn và Lưu Hân Kỳ là người Đông Tấn, như vậy Lưu Hân Kỳ phải sống và viết vào những năm 236-420."
Qua đó chúng ta thấy cho tới những những năm 380 - 420 những người đi hái củi ở nước ta vẫn còn thấy được thành Nê Lê và tháp vua Asoka, ở huyện Định An.
11. Theo Lê Quí Đôn - (nhà sử học thế kỷ XVIII) đã mô tả về cảnh ở Tây Thiên Cổ Tự, tre xanh, thông thốt, cảnh sắc thanh nhã rộng rãi, trên đỉnh núi cao có chùa Đồng cổ, vừa lên vừa xuống mất hai ngày, từ phía tả khe Giải Oan trèo lên núi đến Hồ Sen, nước xanh biếc, trong hồ có đá lạ và thứ sen đỏ, hoa nở bốn mùa, hai bên ngoài hồ, suối từ sườn núi chảy ra, bên trái gọi là suối bạc, phát nguyên từ khe đấ đỉnh núi chảy xuống, trồng như tấm lụa; bên phải gọi là suối vàng, từ chùa bên phải chảy ra, chùa bên phải này vuông vắn phỏng hơn một trượng, tường nhà toàn bằng đá, hai bên cánh cửa khoá chặt lại bằng khoá sắt lớn, trên viên đá khắc chữ Triệu là "Địa Ngục Tự" không biết dựng từ đời nào, suối ở đây từ trong khe cửa chảy ra, sắc nước trông như vàng, suối Bạc và suối vàng hợp lưu ở trước hồ sen, quanh có chảy xuống rồi quanh co chảy xuống rồi hợp lưu với khe Giải Oan …"
12. Theo ngọc phả Hùng Vương - đã ghi "có lần vua Hùng Vương thứ 7 là chiêu Vương lên núi Tam Đảo cầu Tiên thì nghiễm nhiên đã thấy có chùa thờ phật."
Và cũng theo sử liệu cổ còn lại thì " từ thời các vua Hùng tại Tây Thiên đã có ba ngôi chùa cổ tên là: Hoa Long Thiền Tự, Thiên Quang Thiền Tự, Thiên ân Thiền Tự …"

II. Tổng hợp nhân tích dữ liệu:
Qua dữ liệu, chúng ta thấy có ba vấn đề cần làm sáng tỏ:
- Phật giáo truyền vào nước ta vào lúc nào? Ai là người đầu tiên đem đạo phật truyền vào Việt Nam? Những nhà truyền giáo đạo phật đầu tiên đến nơi nào trên đất nước ta? Chúng ta hãy lần lượt xét từng vấn đề.
1. Phật giáo truyền vào nước ta từ lúc nào?
- Qua ngọc phả Hùng vương chúng ta biết - thời Hùng Vương thứ 7 (Chiêu Vương) trên núi Tam Đảo đã có chùa thờ phật.
- Truyện "Nhất Đàm Dạ Trạch" trong Lĩnh Nam Trích Quái thì Tiên Dung là con gái vua Hùng vương thứ ba, qua đó chúng ta biết được Trử Đồng Tử là người phật tử thời Hùng Vương.
- Đại Việt Sử ký Toàn thư (trang 178) ghi … Hồng Bàng thị, từ Kinh Dương Vương, được phong năm nhâm tuất, cùng thời với Đế Nghi (Trung Hoa), truyền đến cuối đời Hùng Vương, ngang với đời Doãn Vương nhà chu năm thứ 57 (258 TCN) là năm quí mão thì hết, tất cả 2622 năm (2879 -258 TCN) …. Hùng Vương cuối đời vì bỏ bê võ bị, chỉ ham ăn uống vui chơi. Quân Thục kéo sát đến nơi, hãy còn say mềm chưa tỉnh, rồi thổ huyết nhảy xuống giếng chết, quân lính đầu hàng Thục Vương (năm 257) …. Thục phán lên ngôi đóng đô ở Phong Khê (nay là thành cổ loa), ở ngôi được 50 năm …."
Theo sách đại sử ký - Mahavamsa - của Tích Lan thì năm 325 TTL đại hội kết tập kinh điển lần thứ ba diễn ra tại thành Pataliputta (Hoa Thị), nước Maghada (Ma Kiệt Đà), do Hoàng đế Asoka (A-Dục) đề xướng bảo trợ, Đại lão Hoà Thượng Moggaliputta - Tissa (Mục Kiền Liên Tử Đế Tư) làm chủ toạ, sau đại hội này thì có của 9 phái đoàn đi hoằng pháp khắp các nơi trong nước ấn Độ và các nước bên ngoài ấn Độ. Do vậy đoàn hoằng pháp của vua A - Dục đi các nước trong khoảng thời gian (325 TCN - 258 TCN). Thời gian tương ứng với thời Hùng Vương ở nước ta và trùng hợp với câu chuyện ghi trong ngọc phả Hùng Vương, chuyện Trử Đồng Tử và thành Nê Lê, tháp vua A Dục ghi trong Giao Châu ký của Lưu Hân Kỳ và Thuỷ Kinh chú của Lệ Đạo Nguyên.
Qua các dữ liệu trong và ngoài nước nêu dẫn ở trên, chúng ta đã thấy quá đủ cơ sở để chứng minh phật giáo truyền vào nước ta vào thời Hùng Vương.
2. Ai là người đầu tiên đem đạo phật truyền vào Việt Nam? Theo sách Đại Sử ký - Mahavamsa - của Tích Lan mà Gs Jean Filliozat và Edward Conze trích dẫn ở trên đã cho chúng ta biết: vào năm 325 TTL, sau khi kết tập kinh điển lẫn thứ ba, lần đầu tiên kinh sách được ghi lại trên lá bối bằng tiếng Maghadi. Sau đó vua A Dục và Đại Lão Hoà Thượng Moggaliputta - Tissa đã tích cực hoằng dương phật pháp, bằng cách cử 9 phái đoàn "như lai sứ giả" đi khắp lãnh thổ ấn độ và đến các nước bên ngoài ấn độ để hoằng dương phật giáo, trong đó đoàn thứ 8 do ngà Sona và Uttara đến Việt Nam và các nước Đông Dương, các đoàn Như Lai Sứ giả" này làm việc có chủ trương, có mục đích rõ ràng và thống nhất ở những nơi họ đến trách nhiệm các ngài là Hoằng dương phật pháp, xây chùa, dựng bia tháp để đánh dấu, ghi lại những nơi thánh tích hay đánh dấu việc làm của đoàn do vua A Dục phái đi, nhờ đó sau này các nhà khảo cổ Anh quốc đi tìm thấy những trụ đá viết do vua A Dục dựng lập ở những nơi thánh tích phật giáo ở ấn Độ, và tháp A Dục ở các nước do các đoàn hoằng pháp của vua A Dục thực hiện. Điều này trùng hợp với A Sử Giao Châu ký và Thuỷ Kinh Chú đã ghi "ở An Định có thành Nê Lê và tháp A Dục".
- Theo Lịch sử PGVN (Gs Lê Mạnh Thát), NXB Thuận Hoá - 1999, quyển I, trang 35 ghi "đặc biệt khi ta nghiên cứu tư liệu lịch sử phật giáo Trung Quốc ta thấy vào khoảng hai thế kỷ thứ IV và thứ V sdl, tức là cùng thời niên đại của Lưu Hân Kỳ, nổi bật một phong trào đi tìm chùa của vua A Dục ở Trung Quốc. Thí dụ việc tìm chùa của vua A Dục ở Bành Thạnh, Thạch Lặc và Thạch Hổ, đào chùa của vua A Dục ở Lâm Chi và Đào Khản, tìm cách nghinh tượng phật của vua A Dục từ chùa Hàn Khê …vv. Cả một thời đại đi tìm chùa ở Trung Quốc như thế ắt không thể nào không ảnh hưởng đến việc tìm chùa vua A Dục ở nước ta.
Qua các tư liệu đã trích dẫn ở trên, chúngta thâý có sự nhất trí giữa các nhà viết sử (Thích Đức Nghiệp, Lệ Đạo Nguyên) và các nhà nghiên cứu (Claude madrolle, Ngô Đặng Lợi) về việc có thành Nê Lê và tháp A Dục do các đoàn hoằng pháp của vua A Dục phái đến nước ta dựng lập.
Vậy thành Nê Lê và tháp A Dục phải chắc chắn là do ngài Sona và Uttara dựng lập, để đánh dấu việc làm, chủ chương của vua A Dục, hay để ghi lại công đức của vua A Dục, nếu không phải là 1 trong 9 đoàn của vua A Dục cử đi thì các ngài chỉ xây chùa (thành Nê Lê), giảng dạy phật giáo, lo tu giải thoát mà thôi, vì các ngài hoằng pháp không có chủ trương của vua A Dục, nên không dựng tháp A Dục.
Do đó dựa vào sách Đại Sứ ký - Mahavamse- của Tích Lan và sách giao châu ký của Lưu Hân Kỳghi lại "thành Nê Lê ở phía nam huyện Định An, cách sông bảy rặm, tháp và giảng đường do vua A Dục dựng vẫn còn, những người đốn hái củi gọi là kim tượng", và trách nhiệm do 9 đoàn do vua A Dục và Đại Lão Hoà Thượng Moggaliputta Tissa (Mục Kiền Liên Tử Đế Tu) cử đi hoằng pháp, chúng ta có thể nói: Đoàn do Ngai Sona và Uttara là người đầu tiên đem phật giáo vào nước Văn Lang thời Hùng Vương.
3. Những nhà truyền giáo đạo phật đầu tiên đến nơi nào trên đất nước ta?
Qua các sử liệu trích dẫn ở trên, chúng ta thấy có 3 nơi được đề cập đến cần làm sáng tỏ: Đồ Sơn (Hải Phòng), núi Quỳnh Viên (núi Quỳnh Vi) ở Tây Thiên (Tam Đảo - Vĩnh Phúc).
a. Đồ Sơn (Hải Phòng) theo Claude Madrolle tác giả sách "Le Tokin Ancien" (Bắc Bộ xưa 1937) hiểu từ ngữ Nê Lê theo nghĩa là Bùn Đen (Nê: bùn, Lê: Đen) từ đó đưa ra giải thiết Nê Lê là vùng Đồ Sơn Hải Phòng, vì từ móng cái đến Bắc Trung Bộ thì bãi biển cát vàng, chỉ có vùng Đồ Sơn có bùn đen, từ đó các nhà viết lịch sử phật giáo, các nhà nghiên cứu như: HT Thích Đức Nghiệp, Ngô Đăng Lợi, ông cụ coi chùa Hang Cốc, … đều cho Đồ Sơn là nơi phái đoàn truyền giáo đầu tiên đến Việt Nam, ông cụ chùa Hang còn nói "…xưa gọi là Quỳnh Viên và sư Phật Quang, thì ngày nay gọi là mẫu sơn và sư Bần (sách đạo phật Việt Nam, HT Thích Đức Nghiệp, TP HCM - 1995, trang 32) . các nhà nghiên cứu này cũng còn dựa vào bài thơ Tháp Sơn Hoài Cổ ghi trong gia phả bằng chữ nho của gia đình ông Hoàng Gia Mỹ
"Cổ tháp di hư loạn thảo đôi",
Dục Vương khứ hậu uỷ yên đồi
………………………………."
Dịch:
"Tháp xưa lau cỏ tốt bời bời
Dục Vương đi, vua sau cũng đổ rồi!
……………………………………"
Những người dựa vào hai câu thơ này, cho rằng "trên núi Thái Sơn có bảo tháp A Dục vương dựng nên vào khoảng 300 năm trước tây lịch; sau khi tháp này tàn phế, tiếp đến tháp này tán phế, tiếp đến tháp Tường Long do vua Lý Thánh Tông xây trên nền tháp cũ " …
Chúng ta thấy ý kiến này chưa ổn: "Vùng đồ sơn mà có nhà nghiên cứu khẳng định chính là thành Nê Lê …" (theo Đặng Ngô Lợi)- Đồ Sơn là vùng vùng bãi biển có núi sao lại Chính là thành Nê Lê được.
- Về bài thơ "tháp sơn hoài cổ" cũng chưa đủ để gọi là chứng cứ sử liệu, vì không rõ tên tác giả và niên đại của bài thơ này. Nếu là của một thi nhân ở thời cận đại nghe truyền thuyết rồi làm thi thì sao: Sách đạo Phật Việt Nam dòng 20 trang 29 dựa theo bài thơ này ghi " Chính tôi đã trèo lên ngọn mẫu sơn (núi Mẹ, cao chừng 168m so với mặt bể; trên đình núi này, trước hết có một bảo tháp Dục Vương dựng lên vào khoảng 300 năm trước tây lịch; sau khi tháp này tàn phế, tiếp đền tháp tường lòng do vua Lý Thánh Tông xây trên nền tháp cũ, vào khoảng giữa thế kỷ XI sau tây lịch)"…
Truyền thuyết cho rằng tháp Tường Long xây trên nền tháp Tường Long, việc xây tháp lại mới trên nền có di tích lớn như tháp A Dục không ai xoá tên tháp cũ để đặt tên tháp mới là Tường long, việc xây tháp lại (mới), thì đó là công tác đại trùng tu nên phải để tên di tích cũ là tháp A Dục. Do vậy tháp tường Long không phải là tháp A Dục, nói khác đi tháp A Dục phải ở vị trí khác, ở nơi khác không phải là đồ sơn .
- Từ đó giả thuyết cho rằng Đồ Sơn là thành Nê Lê và tháp Tường Long chính là tháp A Dục không hợp lý.
b. Núi Quỳnh Viên ở đâu Ông cụ chùa Hang còn nói với HT Thích Đức Nghiệp " …xưa gọi là Quỳnh Viên và sư phật quang, thì ngày nay gọi là mẫu sơn và Sư Bần" nhận xét này thiếu cơ sở. Theo Gs Lê Mạnh Thát viết trong Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam trang 14 - 15 ghi: "…đọc Minh lương cẩm tú do Lê Thánh Tông viết về 13 cửa biển của đất nước ta trong khi tiến quân chinh phạt Chiên thành vào năm 1470, thì ta gặp bài thơ thứ 7 nói về Nam Giới Môn Lữ Thứ trong đó có 2 câu thơ.
"Di miếu nan truyền kim Vũ Mục
Danh sơn do thuyết cổ quỳnh viên "".
Dịch
Di miếu còn truyền nay vũ mục
Danh sơn vẫn nhắc cổ quỳnh Viên.
Vũ mục đây tức chỉ tướng Lê Khôi, cháu ruột của Lê Lợi, năm Thái Hoà thứ 2 (1444) đi đánh chiêm thành, bắt được vua Chiêm là Bí Cai, khi trở về với cửa biển Nam Giới thì mất. Dân thương nhớ lập đền thờ tại cửa biển này. Cửa biển này còn được gọi nôm na là cửa Sót. Còn núi Quỳnh Viên thì nằm ở phía nam cửa biển này là từ thời Lê Thánh Tông đã được xác nhận là một Danh Sơn, một ngọn núi kia, nó dứt khoát không phải là ngọn núi thần thoại, càng không phải là một ngọn núi không có địa điểm cụ thể trên đất nước ta.. ''
Hơn nữa trong Lĩnh Nam Trích Quái ghi " …Đồng Tử cùng thương nhân đi buôn bán lênh đênh ra khắp nước ngoài, có núi Quỳnh Liên (Quỳnh Vi) trên núi có am nhỏ " do đó có thể thời Hùng Vương phần đất này chưa sát nhập vào đất nước ta mà vẫn thuộc Chiêm Thành, nên nói nó thuộc cửa biển Nam Giới (cửa biiển phía nam) . Do vậy ông cụ chùa Hang cho "…xưa gọi là Quỳnh Viên và sư Phật Quang, thì ngày nay gọi là Mẫu Sơn và sư Bần" là điều không hợp lý và không có cơ sở, và truyền thuyết này sai lệch sự thật.
Nếu cho rằng núi Quỳnh Viên là nơi các nhà truyền giáo đạo Phật đến đầu tiên trên đất nước ta, thì cũng không đúng, vì căn cứ theo truyện Trử Đồng Tử thì thời Hùng Vương phần đất này thuộc lãnh thổ nước ngoài " …Đồng Tử cùng thương nhân đi buôn bán lênh đênh ra khắp nước ngoài. Có núi Quỳnh Viên (Quỳnh Vi) trên núi có am nhỏ …" nên không thể nói Quỳnh Viên là thuộc lãnh thổ Việt Nam ở thời Hùng Vương được và câu chuyện Chử Đồng Tử chỉ cho chúng ta cứ liệu - Chử Đồng Tử là phật tử đầu tiên mà sử liệu còn ghi lại.
c. Tây thiên là cái nôi của Phật giáo? Muốn gọi là cái nôi của Phật giáo thì nơi đó phải là: - nơi chư tăng đầu tiên đến truyền bá Phật Pháp và có nhiều chùa (nhiều tự) nhiều tăng (Ni) tu hành …..
- Như chúng ta đã biết kinh đô (thủ đô) là Trung tâm văn hoá, chính trị kinh tế, quân sự của một quốc gia; là nơi có mật độ dân cư đông nhất, là nơi giao lưu văn hoá kinh tế với các nước, nên có nhiều người biết nước nước ngoài. Do đó, các nhà truyền giáo muốn đạt được mục đích hoằng pháp, thì tất yếu phải đến kinh đô quốc gia, để tìm hiểu quan sát sinh hoạt, phong tục tập quán, căn cơ của nhân dân, sau đó tìm người hữu duyên để gieo duyên, giáo hoá và ngược lại sự giúp đỡ, hướng dẫn của nhân dân tìm nơi tu hành và hành đạo.
Đối với những bậc chân tu theo đạo Phật, các ngài thường tìm chốn "Sơn lâm cùng cốc" để tĩnh tụ, để buôn xả thân tâm, sống đời "thiểu dục tri túc", giải thoát …Trong vùng Trung du Bắc Bộ, núi đồng thấp nằm giải giác trên những cánh đồng, chỉ có vùng núi Tam Đảo núi non liên hoàn hùng vĩ, cảnh trí u nhã, có suối chảy nước trong, thác ghềnh, non cao rừng rậm, thâm u tịch tĩnh, thích hợp cho người thu Thiền, nên các ngài tìm đến để tu và hành đạo; hơn nữa vào thời Hùng Vương Tam Đảo là một danh sơn thâm u huyền bí, thiêng liêng ở gần kinh đô nước Văn Lang, nên vua Hùng Vương mới tìm đến Tam Đảo cầu Tiên và phát hiện có chùa trên đó.
Có thể nói vì những lẽ trên mà đoàn hoằng pháp của ngài Sona và Uttara chọn Tam Đảo, làm nơi tu hành hoằng Dương Phật pháp, đầu tiên các người cất am thiền, rồi thỉng thoảng đến kinh đô khất thực hoá duyên. Khi tín đồ hướng về đông đảo các Ngài xây thành Nê Lê (chùa Địa ngục) và dựng tháp A Dục. Tại sao gọi là thành Nê Lê mà không gọi là chùa Nê Lê? có lẽ vì thời bấy giờ từ ngữ còn nghèo nàn, vả lại đạo Phật mới truyền sang, người dân chưa biết đặt tên gọi nơi tu hành thờ Phật của các sư là gì, chỉ thấy chùa xây bằng đá giống thành trì nên gọi thành Nê Lê? về sau quen miệng, nên người dân địa phương vẫn gọi là thành Nê Lê, sau này khi Phật giáo từ Trung Quốc truyền sang, nhờ giao lưu văn hoá chúng ta có thêm những từ ngữ mới để gọi nơi thờ phật là Tự và từ ngữ dịch các kinh … Thế nên thành Nê Lê đổi thành "Địa Ngục Tự" là Lê Quí Đôn đã miêu tả trong kiến văn Tiểu Lục.
Tiếp nối các ngài Sona và Uttara là những đệ tử của Ngài mở mang Phật pháp, từ đó chùa triền ở Tây thiên phát triển, dần dần lan toả đi các nơi, điều này trùng hợp với sử liệu cổ đã ghi vào thời Hùng Vương tại Tây Thiên có 3 ngôi chùa, Hoa Long Thiền Tự, Thiên Quang Thiền Tự, Thiên Ân Thiền Tự.
Sau này khi An Dương Vương dời kinh đô về thành cổ loa, là khu vực đồng bằng Bắc Bộ, đất trù phú lớn và rộng lớn, dan cư quy tụ về mở mang phát triển nông nghiệp (vùng Bắc Ninh Hà Nội ngày nay). Phật giáo đã trở thành một nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, phục vụ đời sống tâm linh của xã hội, nên đã theo dân và phát triển. Từ đó trung tâm Luy Lâu được hình thành. Đến thế kỷ thứ II Ngài Khương Tăng Hội từ Tây Thiên đến đó thuyết giảng, sau đó ngài sang Trung Hoa giảng đạo, lập chùa kiến sơ. Từ đó Luy Lâu trở thành trung tâm sinh hoạt của phật giáo từ thế kỷ II đến thứ VI.
Đến thế kỷ IX, thì dãy núi Đông Triều hình thành cái cung, núi non hùng vĩ liên quan, cảnh trí thâm u, có suối chảy nước trong, ghềnh thác,… giống như Tây Thiên, nên các bậc chân tu tìm đến cất am thiền tu hành trên núi Yên Tử. Đạo Hạnh các ngài lan toả khắp nơi, chư tăng nư kéo về, vua quan tìm đến (Trần Thái Tông bỏ ngôi lên Yên Tử tu hành), từ đó Yên Tử trở thành Trung tâm Phật giáo đời nhà Trần ở thế kỷ XIII.
Theo thầy chúng tôi từ Tây Thiên phát xuất từ ý nghĩa "nơi các nhà sư Tây Thiên " sư ấn Độ tu hành. Vì theo trong kinh từ Tây Thiên chỉ cho nước ấn Độ, cũng như từ Đông Độ chỉ cho nước Trung Hoa.
Do đó, trong khi chờ đợi sự phát hiện mới về khảo cổ học của Tây Thiên, theo chúng tôi, qua sử liệu và lịch sử phát triển của dân tộc, chúng ta có thể nói - Tây thiên là chiếc nôi Phật giáo của Việt Nam. 
III. Tổng kết.
- Qua các sử liệu mà chúng ta nêu dẫn trên, đã cho phép chúng ta dự đoán khá chính xác về:
- Đạo Phật truyền bá vào đất nước ta từ thời Hùng Vương.
- Đoàn hoằng pháp đầu tiên là ngài Sona và Uttara do vua A Dục và đại lão Hoà Thượng Moggaliputta Tissa phái đi.
- Tây Thiên là chiếc nôi của phật giáo Việt Nam.
Trong khi chờ đợi các nhà khảo cổ khai quật tìm những chứng tích về thành Nê Lê và tháp A Dục, để xác minh và làm sáng tỏ những vấn đề Phật giáo ở Tây Thiên? chúng tôi thấy những nhận định trên đây của Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên sẽ tạo điều kiện cho những công trình nghiên cứu, khảo sát sau này …

Theo Văn hóa Thể thao Vĩnh Phúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét