Daisaku Ikeda (The First Mileage of Buddhism) Nguyên Hảo dịch
Mặc dù chúng ta biết rất ít về nguồn gốc Kinh Pháp Hoa, chúng ta không nghi ngờ rằng đã có vô số người Phật tử dấn thân học hỏi Kinh nầy và áp dụng vào đời sống hàng ngày.
NHỮNG HÀNH GIẢ PHÁP HOA
Kinh Pháp Hoa ra đời như thế nào là một vấn đề gây nhiều thắc mắc, ít nhất là trong tình trạng hiểu biết ngày nay của chúng ta. Phần lớn là do người Ấn độ có thói quen không thích sưu tập và lưu giữ những ghi chép có tính cách lịch sử.
Nhưng mặc dù chúng ta biết rất ít về nguồn gốc Kinh Pháp Hoa, chúng ta không nghi ngờ rằng đã có vô số người Phật tử dấn thân học hỏi Kinh nầy và áp dụng vào đời sống hàng ngày. Pháp Hoa tượng trưng cho giáo pháp cao tột trong những giáo pháp của Ðức Thích Ca Mâu Ni, và trừ phi một người đã vào được tri kiến Phật ở một mức độ nào đó mới có hy vọng hiểu được những chân lý của Kinh. Những Giáo PHáp của Ðức Phật ra đời chỉ với một mục đích là lợi ích chúng sanh. Và vì vậy không dễ gì tìm ra một con đường đúng đắn dẫn đến những chân lý đó, và hành giả phải chuẩn bị đối diện với vô số chướng ngại khi bước vào.
Trong quá khứ cũng đã có nhiều người cố gắng tìm hiểu Kinh Pháp Hoa từ quan điểm học thuật, nhưng cuối cùng họ đã thất bại trong việc tìm hiểu ý nghĩa cứu cánh của Phật Pháp. Tri kiến giác ngộ trình bày trong Kinh Pháp Hoa chỉ được hiểu thấu bằng cách đi theo một con đường đúng đắn, một sự dấng thân triệt để, và một quyết tâm thực hành không mỏi mệt. Nói rằng những phương pháp phân tích trí thức có thể phụ giúp cho ba điều trên chỉ là lời nói ngụy biện.
Theo truyền thống, chúng ta thường được nghe rằng Kinh điển Phật Giáo phải được đọc với cả thân, miệng và ý. Ðiều nầy là sự thật đối với Kinh Pháp Hoa. Bao nhiêu chữ, bao nhiêu lời được ghi nhớ không thành vấn đề, lý giải hùng biện và thông thái cách nào cũng không thành vấn đề, nếu không thể áp dụng những lời dạy của Phật trong Kinh vào đời sống hàng ngày, diễn dịch những giáo pháp nầy thành ngôn ngữ hành động thực tiễn và cụ thể, thì sự hiểu biết về Kinh không có giá trị.
Nhưng sự thực tiễn của Kinh Pháp Hoa ở chỗ nào? Trong Kinh Pháp Hoa, chúng ta thấy sự thực hành Kinh được định nghĩa bằng năm hành động: lưu giữ, đọc, tụng, giải thích, sao chép. Tuy nhiên chúng ta không thể coi năm việc làm đó được đặt nặng ngang nhau và cần thiết ngang nhau. Ba việc làm đầu tiên là lưu giữ, đọc và tụng thuộc về sở đắc của một cá nhân, trong khi giải thích và sao chép thuộc về việc truyền bá giáo pháp đến người khác và bảo đảm sự lưu truyền. Nhưng đức tin được nhấn mạnh hàng đầu trong suốt Kinh Pháp Hoa, nên việc đầu tiên, nhận lãnh và lưu giữ là việc quan trọng nhất.
Những người kết tập bản Kinh mà chúng ta có được ngày nay chỉ tin tưởng và không bao giờ đặt vấn đề có phải bản Kinh tiêu biểu cho giáo pháp cao tột của Ðức Thích Ca Mâu Ni trong suốt cuộc đời Ngài. Phẩm thứ hai có câu: "Ðức Thế Tôn, sau khi Giáo Pháp có mặt ở thế gian một thời gian, chắc chắc sẽ mở bày Chân Lý." Và ở phẩm thứ mười, Ðức Phật dạy: "Kinh điển ta nói ra có vô lượng, kinh điển đã nói ở quá khứ, kinh điển đang được nói, kinh điển sẽ nói trong tương lai. Nhưng trong đó, kinh Pháp Hoa nầy là khó tin, khó hiểu nhất."
Những đoạn Kinh trích dẫn trên chỉ là đại biểu cho tư tưởng nhìn từ quan điểm tương đối. Những đoạn trích dẫn sau đây sẽ cho chúng ta một cái nhìn đứng từ quan điểm chân lý tuyệt đối. Ở trước chúng ta đã trích đoạn Kinh trong phẩm thứ hai: "Trong các quốc độ chư Phật ở mười phương, chỉ có một giáo lý, không có hai hay ba." Và trong phẩm hai mươi mốt, có đoạn: "Tất cả những giáo pháp Ðức Như Lai sở đắc, tất cả những năng lực nhiệm mầu mà Như Lai tự tại sử dụng, tất cả những công hạnh sâu thẳm của Như Lai - mỗi mỗi đều lưu xuất từ Kinh nầy."
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giống như một đại dương, quy tụ vô số sông ngòi chảy về, một biểu đồ toàn diện của nguồn sống nằm bên dưới tất cả mọi chúng sanh. Kinh bao hàm trong đó mọi Kinh điển khác và vì vậy là một bộ Kinh tối thượng. Kinh nêu rõ sự biểu hiện cao tột của Pháp Giác Ngộ, không phải bằng sự so sánh với các Kinh khác, mà vì nó hàm chứa những nguyên lý triết lý cứu cánh thâm sâu nhất.
Bộ Kinh tuông trào ý nghĩa tối thượng nầy trong từng đoạn Kinh. Ðiều nầy là thành quả của những tín đồ của dòng vận động Ðại Thừa trong những thế kỷ sau khi Ðức Thích Ca Nâu Ni nhập Niết Bàn, họ thực hành giáo lý của Kinh Pháp Hoa và thể nghiệm được sự tối thượng của Kinh, thử thách sự tối thượng nầy vào chính bản thân họ. Những người nầy đã chịu đựng sự lên án của những người thuộc Tiểu Thừa cho rằng Ðại Thừa không phải là Phật Pháp, và cũng đã đối diện với những thử thách và khó khăn khác. Và trong quá trình tranh đấu với những khó khăn nầy, họ đã hết người nầy đấn người khác thử nghiệm những chân lý của Kinh Pháp Hoa, những giáo lý sâu xa mà Ðức Thích Ca đã truyền lại cho họ từ quá khứ. Những tín đồ Pháp Hoa nầy đã thể nghiệm nơi chính bản thân họ bản Kinh nầy.
TINH THẦN PHẬT TỬ ĐẠI THỪA
Một vài học giả cho rằng Kinh Pháp Hoa đại biểu cho giáo lý của một nhóm Phật tử trong vận hành Ðại Thừa. Khoảng bốn năm trăm năm sau khi Ðức Thích Ca nhập diệt, họ dựng lên kinh nầy và gán cho Ðức Phật. Như đã trình bày rõ ở chương trước, tôi không chấp nhận quan điểm nầy, nhưng tin rằng những tư tưởng nền tảng của Kinh, do chính Ðức Thích Ca Mâu Ni trao truyền, đã ít được quan tâm cho đến khi những tư tưởng nầy được chấp nhận là giáo lý chính thức của hàng Phật tử Ðại Thừa.
Trong gần ba ngàn năm lịch sử Phật Giáo, Ðức Thích Ca Mâu Ni nổi bậc lên như một hình ảnh vĩ đại không thể so sánh. Chính bởi vì từ trong sự giác ngộ của Ngài, Ngài đã có thể thấu rõ mọi định luật của vũ trụ cũng như của sự sống. Trong năm mươi năm truyền bá chân lý, ngài đã nỗ lực, với cái nhìn vấn đề từ nhiều góc cạnh, giải thích những định luật nầy, và đưa tất cả chúng sanh đến chỗ giải thoát. Mục đích của Ngài là dẫn dắt chúng sanh đạt đến Phật Tánh như Ngài đã đạt đến.
Nguyên lý tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật như chính Ðức Thích Ca Mâu Ni đã được nói đến đầu tiên trong Kinh Pháp Hoa. Vì vậy, nếu Ðức Thích Ca không giảng dạy Pháp Hoa, chúng ta có thể nói rằng Ngài đã không giảng dạy Giáo Pháp một cách đầy đủ, có nghĩa là Ngài đã không làm trọn sứ mạng của Ngài khi hạ sanh vào thế gian nầy. Ðiều nầy không thể chối cãi, và vì vậy tôi tin rằng, là Phật tử, chúng ta phải chấp nhận quan điểm rằng chính Ðức Thích Ca Mâu Ni đã giảng dạy Diệu Pháp Liên Hoa.
Từ đó, chúng ta thấy các Kinh điển A Hàm của Tiểu Thừa và những kinh điển khác thuộc Ðại Thừa đại biểu cho những giáo pháp mà Ðức Thích Ca Mâu Ni đã giảng dạy trong nhiều năm trước khi Ngài tỏ bày chân tâm mình trong Pháp Hoa ở giai đoạn cuối cùng. Ðều nầy không có nghĩa rằng Ngài đã phạm những sai sót nào đó. Các giáo pháp kia cũng biểu thị những phương diện nào đó của sự giác ngộ, và do đó cũng chứa đựng chân lý, những mỗi giáo pháp kia đều chỉ biểu hiện giới hạn một phần nào của giáo lý tròn đầy trong kinh Pháp Hoa.
Một vấn đề được đặt ra là vì sao khi những lời dạy của Ðức Phật được kết tập sau khi Ngài nhập diệt, chỉ có giáo pháp A Hàm của Tiểu Thừa được kết tập trước tiên thay vì kết tập những giáo pháp trong Kinh Pháp Hoa là những giáo pháp quan trọng hơn? Tôi đã có lần đề cập đến một vài nguyên do về vấn đề nầy, mà lý do quan trọng nhất là tính chất của tổ chức nhận lãnh trách nhiệm kết tập.
Trong những năm tiếp theo sau Ðức Như Lai nhập Niết Bàn, việc cần thiết đầu tiên là một kết tập những quy luật rõ ràng và khúc chiết cần thiết cho sự điều hành Tăng đoàn, sao cho tổ chức nầy có thể giữ được mạng mạch của một tôn giáo mới thành lập và bảo vệ nó vượt qua những công kích và hiểm nguy gặp phải. Ðiều nầy có thể giải thích lý do tại sao những kinh điển A Hàm, với sự quan tâm nhiều về những vấn đề giới luật, là những kinh điển được kết tập trước tiên. Về sau, khi tôn giáo này bảo đảm một vị thế vững mạnh và ổn cố hơn, và số lượng tín đồ tại gia tiếp tục gia tăng, thì sự chú tâm nhắm vào việc kết tập những Kinh điển cho người tại gia, có nghĩa là, sắp xếp rõ ràng và minh bạch những Kinh điển Ðại Thừa, với thông điệp giải thoát tất cả chúng sanh.
Hoặc chúng ta có thể nhìn sự việc bằng cái nhìn như sau. Những vị đệ tử Thanh Văn của Ðức Phật, mặc dầu cuối cùng được nghe những giáo pháp cứu cánh và chắc chắn rằng mình sẽ thành Phật, trước đó đã được nghe giảng dạy về một số những giáo pháp phương tiện. Chỉ sau một thời gian dài học hỏi và thực hành họ mới cuối cùng tỏ ngộ giáo pháp cứu cánh của Pháp Hoa. Họ tiến về mục đích thành Phật một cách không miễn cưỡng và từng bước một. Mặt khác, những cư sĩ tại gia, gia nhập vào hàng ngũ tu hành về sau nầy, cùng với những người tiếp nối theo họ, trở thành rường cột của Phật Giáo Ðại Thừa trong những thế kỷ tiếp theo, được trao cho ngay những giáo lý Pháp Hoa, không phải trải qua một thời gian chuẩn bị như giới tăng sĩ. Chắc chắc nhờ có được thiện nghiệp, họ có thể đốn ngộ được Phật Tánh.
Ðiều đó phải chăng có nghĩa là những vị Thanh văn kết tập Kinh điển sau khi Phật nhập diệt chỉ chú trọng đến kinh điển A Hàm vì các vị nầy không biết sự quan trọng của Kinh Pháp Hoa hay những kinh điển Ðại Thừa khác?
Tôi không nghĩ như vậy. Bởi vì nếu các vị nầy không hiểu sự quan trọng của giáo lý Ðại Thừa, họ khó có thể chứng ngộ Phật Tánh. Và chúng ta cũng không thể quên rằng những tư tưởng nền tảng về sau được sử dụng và khai triển trong Phật Giáo Ðại Thừa đã có trong các kinh A Hàm. Tôi nghi ngờ rằng những vị đệ tử Thanh Văn, không phải không biết gì cũng không phải không tôn trọng giáo pháp Ðại Thừa của Ðức Phật. Nhưng các ngài cảm thấy rằng không phải nhiệm vụ của họ truyền bá giáo pháp nầy, hoặc nghĩ rằng chưa đến lúc truyền bá chúng. Do đó những giáo pháp đầu tiên được truyền bá rộng rãi là những giáo pháp Tiểu Thừa, trong khi giáo pháp Ðại Thừa còn giữ trong bóng tối.
Nhưng như chúng ta thấy, vài trăm năm sau khi Ðức Phật nhập diệt, giáo hội Phật Giáo truyền thống, lấy tăng chúng làm trung tâm, trở thành một nhóm độc quyền và khắc khe. Những vị tu sĩ thành viên thay vì cố gắng truyền bá giáo pháp rộng rãi trong quần chúng, chỉ để hết trọng tâm vào việc nghiên cứu những vấn đề chi li trong giáo pháp. Và kết quả là những tín đồ Phật Giáo, phần lớn là cư sĩ, những người thực hành lý tưởng Bồ Tát, lần lần cảm thấy bị cắt đứt với tổ chức chính thống vì những khác biệt không thể kết nối trong phương pháp và mục tiêu tu tập.
Những sự nghiên cứu kinh viện của giới tăng lữ, tựu thành trong những luận A Tỳ Ðàm, vây quanh những khái niệm về Tứ Diệu Ðế, Bát Chánh Ðạo, Thập Nhị Nhân Duyên, và được theo đuổi một cách nhiệt thành, còn việc giải thoát cho người khác không màng đến. Kết quả của khuynh hướng nầy là sự giác ngộ bị coi như chỉ có ở bình diện tối cao, và việc chứng ngộ Phật Tánh được coi như ngoài tầm của những tu sĩ bình thường hay cư sĩ.
Mặt khác, những tín đồ Ðại Thừa nhìn Ðức Phật như là một người rất gần gũi trong đời sống của họ. Bất cứ người nào thực hành hạnh Bồ Tát, đem đến lợi ích và giải thoát đều hầu như có thể thành Phật. Trong kinh điển Ðại Thừa, rất nhiều vị Phật được đề cập đến, bởi vì tín đồ Ðại Thừa có thể thấy được nhiều vị Phật khác nhau ngay trong tâm họ.
Cũng có thể nhìn sự phân chia giữa Ðại Thừa và Tiểu Thừa trong giai đoạn khởi đầu với một cái nhìn khác. Chúng ta có thể giả thiết rằng, trong khi Ðức Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, có những người đến với tôn giáo mới nầy vì một lý do chính là nhân cách xuất chúng của người sáng lập và lãnh đạo nó, và vì những mục đích và giá trị tín ngưỡng đặc thù mà tôn giáo nầy biểu hiện. Lại cũng có những người để ý đến tôn giáo nầy vì nội dung triết lý của nó. Sau khi Ðức Thích Ca Mâu Ni nhập diệt, khuynh hướng tríết học trở thành tinh thần chỉ đạo cho giáo hội, đưa đến sự nghiên cứu A Tỳ Ðàm, trong khi những hoạt động thuần túy tôn giáo hơn về tu học và giải thoát cho quần sanh bị xao lãng. Và khi những người Phật tử không còn nhìn thấy những mục tiêu tôn giáo nầy, họ đánh mất sự giao tiếp với với nguồn sinh lực từ đầu đã rót vào Ðạo Phật, lý tưởng Phật Tánh và sự cố gắng đạt đến Phật Tánh nầy.
Nhưng người ta cũng không nên quá khắc khe với những đệ tử của Tiểu Thừa, chỉ vì những vị nầy đã gắn bó với những tin tưởng riêng của mình. Một cách đại thể chẳng hạn, họ dường như chấp nhân tư tưởng rằng chỉ có một vị Phật xuất hiện cho một thế giới nhất định. Sau khi Ðức Thích Ca Mâu Ni, vị Phật duy nhất được ấn định xuất hiện ở thế gian nầy, nhập diệt, các ngài không có một chọn lựa nào khác hơn là gắn chặc đời mình vào những lời dạy mà Ðức Phật để lại. Nhưng như chúng ta đã đề cập, sự dấng thân quá mức nầy vào kinh điển và giới luật mà các ngài có đã đưa đẩy các ngài vào một thứ nghiên cứu và giải thích có tính cách giáo điều, để cuối cùng đã tỏ ra khô khan vô vị, trong khi lòng nhiệt thành và sức sống tôn giáo của giáo đoàn càng ngày càng xuống thấp.
Trong khi đó, những tín đồ Ðại Thừa, khi so sánh tính chất của giáo đoàn và giáo lý của nó với những truyền thống hoàn toàn khác được truyền giữ trong giới cư sĩ, đã có những mối nghi ngờ nghiêm chỉnh về sức sống của giáo đoàn. Ðối với những vị nầy, Ðức Phật ở trong tâm của tất cả mọi chúng sanh và xuất hiện trong mỗi pháp giới. Với niềm tin vững chắc vào sự gần gũi với Ðức Phật và sự có thể chứng quả Phật, họ truyền bá giáo pháp Ðại Thừa và đem lại sự phục sinh cho Phật Giáo.
KHÁI NIỆM VỀ ĐỨC PHẬT TRONG KINH PHÁP HOA
Khái niệm chỉ có một Ðức Phật cho một thế giới của Tiểu Thừa bị phản đối kịch liệt trong phẩm thứ bảy kinh Pháp Hoa, khi một bảo tháp xuất hiện trên không trung trước đại chúng, trong đó có Ðức Phật Thích Ca và Ðức Phật Ða Bảo ngồi bên nhau. Chúng ta không nghi ngờ rằng những đệ tử Thanh văn và những tín đồ khác của Tiểu Thừa trong Pháp hội đã phải nghi ngờ dụi mắt khi nhìn thấy hình ảnh đó.
Việc nhìn thấy tháp báu lơ lững trên không cũng soi sáng một khía cạnh khác của Kinh Pháp Hoa đã làm bối rối những đọc giả có tinh thần bám vào chữ nghĩa, đó là yếu tố không tưởng và vô lý. Về điểm nầy, chúng ta có thể ghi nhớ những lời của Jaspers, ông viết: "Ðể tạo ra một hình ảnh rõ ràng về Ðức Phật, việc cần thiết đầu tiên là tâm thức phải được những biến cố kích động làm khởi dậy và khuấy động tính chất khả tín nền tảng nơi Ðức Phật. Chỉ bằng cảm giác hoang mang và sợ hãi nầy mới có thể làm cho chúng ta thấy được Ngài." Nói một cách khác, sự rộn rã của niềm vui khởi lên trong lòng người đọc hay người nghe mang đến cho đời sống hiện tại Ðức Phật ở bên trong tâm thức họ.
Ðặt câu hỏi về việc những hiện tượng phi thường đó có thật sự xảy ra khi đức Thích Ca Mâu Ni nói Kinh Pháp Hoa hay không là một câu hỏi vô ích. Thông điệp quan trọng của đoạn kinh là cảnh giới Phật hiện diện ngay trong nguồn sống của mỗi người, và khi những cảm giác tôn kinh đối với đức Phật đủ mạnh, những cảnh giới Phật ở trong mỗi cá nhân nầy sẽ nhô lên dưới hình tướng có thể thấy được. Ðối với những tín đồ Ðại Thừa sau khi đức Thích Ca Mâu Ni nhập diệt nhiều trăm năm, vào thời gian mà Giáo Pháp hầu như gặp phải nguy cơ hủy diệt khỏi thế gian, thì không có con đường nào khác hơn là cố gắng vẽ ra và quán tưởng vị Phật sống ngự trị bên trong tâm thức của mỗi người. Và sự tìm cầu đức Phật của tâm một cách tha thiết và hết mình nầy đưa họ đến việc kết tập những giáo lý Ðại Thừa đã được lưu truyền qua các thế hệ, đặt chúng vào những câu, những lời ổn định, và làm thành bản Kinh mà chúng ta gọi là Kinh Pháp Hoa.
Việc thấy bảo tháp vọt lên và lơ lửng trên bầu trời là muốn phô bày nguyên lý về khả năng của tất cả mọi chúng sanh có thể nhìn thấy các cảnh giới Phật bên trong qua nguồn sống của họ. Ðồng thời phẩm nầy, và được giải thích trong những phẩm tiếp theo, được dùng để bác bỏ quan niệm "một vị Phật cho một thế giới."
Phẩm mười lăm và mười sáu, cùng một cách thức, trình bày những tư tưởng cách mạng cao độ và hoàn toàn tách bỏ khỏi những quan niệm xưa. Phần đầu của Kinh, đặc biệt là ở phẩm Phương Tiện, cốt yếu là phô bày chân lý chính đầu tiên của Kinh, đó là, tất cả mọi chúng sanh trong chín cảnh giới trừ cảnh giới Phật đều có Phật Tánh và có sẵn bên trong họ những cảnh giới Phật. Trong phẩm mười sáu, Như Lai Thọ Lượng, chân lý thứ hai được khai thị khi đức Thích Ca Mâu Ni nói rằng ngài đã thành Phật vô lượng kiếp về trước bằng cách thực hành hạnh Bồ tát. Và pháp tu của ngài lúc bấy giờ là Pháp Một Thừa (Nhất Thừa) nói trong Kinh Pháp Hoa.
Chỗ nầy là giáo pháp quan trọng nhất trọng toàn bộ Kinh. Ở đây chúng ta hiểu rằng chính qua đức tin vào sự tu hành Kinh Pháp Hoa mà chư Phật trong ba cõi và mười phương có thể thành Phật. Ðó là nguồn của tất cả Phật, và nếu không biết đến Kinh nầy, không bao giờ có thể thành Phật.
Trước khi đức Thích Ca Mâu Ni dạy phần nầy của Kinh, những đệ tử của Ngài cho rằng Ngài thành Phẫt lần đầu tiên khi rời bỏ cung điện của vua cha, tu tập khổ hạnh, và ngồi dưới cây Bồ đề. Giờ đây Ngài nói với họ rằng: "Nầy các thiện nam, thật sự ta thành Phật đến nay đã qua đã vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức na do tha kiếp." Ta có thể tưởng tượng sự kinh ngạc của họ khi nghe những lời nầy.
Thay vì tin chắc điều nầy, những vị sa môn rõ ràng đã tiếp tục nghĩ rằng sự giác ngộ của đức Thích Ca Mâu Ni là một biến cố lịch sử duy nhất và coi Ngài như là vị Phật duy nhất hiện ra để giảng dạy Chánh Pháp trong thế gian nầy. Như vậy, sau khi ngài nhập diệt, họ cảm thấy rằng họ không có người lãnh đạo và kết luận rằng chỗ cao nhất mà họ hy vọng đạt đến là cảnh giới A La Hán bằng sự tinh tấn thực hành giới luật.
Ngược lại với quan điểm rụt rè và thiếu sáng tạo của Tiểu Thừa, tín đồ Ðại Thừa, đặc biệt những người theo giáo pháp Kinh Pháp Hoa, nhấn mạnh rằng tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật và đức Thích Ca Mâu Ni đã hiện ra trong thế gian để giúp họ đạt mục đích nầy. Hơn nữa, họ khẳng định rằng đức Thích Ca Mâu Ni đã hiện ra nhiều lần và nhiều nơi trong quá khứ, như khi Ngài thị hiện làm một vị Phật tên là Nhiên Ðăng, và mặc dù ngài dường như đã nhập Niết Bàn như một phương pháp giáo hóa, thực tế ngài luôn luôn có mặt trong ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai. Như được trình bày trong phần kệ phẩm mười sáu kinh Pháp Hoa:
Vì độ chúng sanh vậy
Phương tiện hiện Niết Bàn
Ma thiệt chẳng diệt độ
Thường trụ đây nói Pháp.
Ðó là cách Kinh Pháp Hoa trình bày khái niệm về Phật. Qua khái niệm nầy, Phật Giáo có thể trở thành một ánh sáng vô tận để hướng dẫn nhân loại trải qua các thời đại, một tín ngưỡng đáng được trải rộng đến mọi nơi trên thế giới. Ðó là tầm rộng lớn của nhận thức làm Kinh Pháp Hoa trở thành một kinh độc đáo trong các kinh điển Phật Giáo.
Khái niệm về Ðức Phật Vĩnh Hằng và vô số hiện thân của ngài trong nhiều thời đại trong Kinh Pháp Hoa là một khái niện rất phức tạp, và những nhà chú giải Kinh Pháp Hoa đã mất nhiều thì giờ công sức trong việc trình bày những khía cạnh tế nhị của giáo pháp. Tuy nhiên, không phải là những vấn đề giáo pháp làm cho tôi thích thú ở đây hay là một cái thấy về Ðức Phật như là một khuôn mặt hoàng kim sáng rỡ của sự vĩnh hằng. Tôi thích mường tượng đức Thích Ca Mâu Ni như là cái mà một con người và một nhà lãnh đạo tôn giáo phải giống như vậy, một con người đã chịu đựng những nhọc nhằn và khổ đau hơn là điều mà Ngài đã biểu lộ ra cho người khác, và là người biết rõ những giới hạn của mình.
Vì chính Ngài là một vị vương tử của bộ tộc Thích Ca (Shakya), nhiều đệ tử của Ngài cũng là thành phần của nhóm người quí tộc trong xã hội hay những thanh niên thuộc giai cấp Bà La Môn. Với sự hình thành từ phần lớn những người thuộc giai cấp cao trong xã hội, tổ chức tôn giáo mới nầy đã có thể xây dựng một vị trí vững chắc trong xã hội bấy giờ, chắc chắn là một ưu thế lớn lao cho nó. Ðồng thời, sự việc rằng quá nhiều tu sĩ trong Giáo Ðoàn Phật Giáo là những nhà trí thức thuộc giai cấp Bá la môn, có nghĩa rằng giáo đoàn, trong một số phương diện, đã tách rời và cô lập khỏi nhu cầu và sở thích của tín đồ tại gia, những người phầnn lớn thuộc vào giai cấp thấp hơn.
Ðức Thích Ca Mâu Ni đã hiện ra trên thế gian trong nước Ấn Ðộ xưa để đem lại sự giải thoát cho tất cả chúng sanh, và tổ chức tôn giao Ngài dựng nên được tạo thành với đa số thành phần thuộc gia cấp Bà la môn (Brhaman) và Sát Ðế Lợi (Kshatriya) hay là những giai cấp lãnh đạo. Mặc dù Ngài tuyên bố sự bình đẳng của mọi giai cấp, căn bản quý tộc của đức Thích Ca Mâu Ni không tránh khỏi việc tô vẽ tư tưởng về đoàn nhóm và làm cho việc thực hiện những nguyên lý bình đẳng vào hành động trở nên khó khăn. Ðây là một trong những giới hạn của Phật Giáo tiền kỳ khi được đức Thích Ca Mâu Ni thành lập, và nó tiếp tục là một sự giới hạn của Phật Giáo do những đệ tử của Ngài lãnh đạo trong những năm tiếp theo sau khi Ngài nhập diệt.
Khi đức Thích Ca Mâu Ni, trải qua nhiều năm và đến khi gần chấm dứt sứ mệnh của Ngài, đã dạy Kinh Pháp Hoa, có lẽ Ngài đã biết sự giới hạn đó. Trong phẩm mười lăm của Kinh, đức Phật nói với các vị Bồ tát rằng họ không cần giữ và bảo vệ Kinh, vì có vô số Bồ tát sẽ từ dưới mặt đất lên để làm công việc bảo vệ, giữ gìn, đọc, tụng và giải thích Kinh. Chắc chắn ý của đức Thích Ca Mâu Ni là muốn nói rằng Giáo Ðoàn Phật Giáo phải chờ đợi sự xuất hiện của những vị lãnh đạo đầy khí lực từ những từng lớp thấp trong xã hội, thì giáo pháp về sự bình đẳng của tất cả chúng sanh và khả năng ngang nhau của họ trong việc chứng ngộ Phật Tánh mới được thiết lập một cách rõ ràng và vững chãi.
Giống như hoa sen, mặc dầu nó nở ra những bông hoa xinh đẹp, gốc rễ của nó mọc lên từ bùn, như vậy người thực hành Giáo Pháp chân chính sống và làm việc giữa sự hỗn độn và lăng xăng của đời sống hằng ngày, chia xẻ những niềm vui và những nỗi gian nan của người đời và thể hiện trong cách sống tinh thần chân thật của Kinh Pháp Hoa. Chỉ bằng cách nầy y mới thể hiện được sứ mệnh chân thật của Phật Giáo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét