Tìm kiếm

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Phật Giáo Vấn Đáp (The Buddhist Catechism) Tác giả: H.S. Olcott , HT Thích Trí Chơn dịch

Giá trị của tác phẩmkhông những chỉ về nhân cách của tác giả, mà bởi nội dung của nó rất là quảng bác và hàm súc; có khả năng kết thúc được những thắc mắc căn bản về Phật giáo, và dẫn đạo cho những ai muốn tiến bước trên đường quang lộ tìm chân lý.

LỜI GIỚI THIỆU

Phật Pháp được trường tồn và phát triển không ngừng, phần lớn đều do sự hy sinh hoằng pháp của các bậc chân tu thạc học từ thế hệ này tiếp nối thế hệ khác. Mạng mạch của đạo pháp hưng thạnh hay suy vi đều tùy thuộc vào sự nghiệp hoằng pháp. Chúng ta hãy nhìn sâu vào đời sống của Đức Phật, Ngài đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, đó là bằng chứng hùng hồn và chắc thật nhất.
Đặc biệt, trong bối cảnh của người Việt tỵ nạn ly hương, theo đó, hướng đi của đạo pháp cho một tương lai sáng sủa, thì việc hoằng pháp phải được đặt lên hàng đầu, trên một căn bản vững chắc và rộng rãi về lâu về dài. Nhưng sự hoằng pháp ở hải ngoại này không phải đơn thuần như khi còn ở quê nhà “một dân tộc Việt, một ngôn ngữ Việt” là đủ. Sức sống của đạo pháp ở hải ngoại không thể nào chỉ bằng vào những ngôi chùa tạm bợ, những người thờ ơ đối với trách nhiệm hoằng pháp. Để khỏi mất gốc, mất nguồn về niềm tin truyền thống dân tộc, điều quan trọng trong sự nghiệp hoằng pháp hiện nay là phải làm sao đáp ứng nhu cầu thông hiểu Phật pháp của tuổi trẻ Việt Nam không thành thạo tiếng Việt nói riêng; nói chung là cho cả những người muốn nghiên cứu giáo lý đức Phật bằng Anh ngữ. Từ nhận định đó, kinh sách Phật giáo song ngữ Việt-Anh là điều cấp thiết trước mắt cho việc duy trì và phát triển Phật giáo cùng văn hóa đạo đức dân tộc ở hải ngoại hiện tại và tương lai. 
Phật Học Viện Quốc Tế ngay từ buổi đầu mới thành lập đã đặt vấn đề hoằng pháp và đào tạo Tăng tài lên hàng đầu. Viện đã kiên nhẫn khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm tái bản những kinh sách Phật giáo giá trị và đồng thời cũng đã trù liệu cụ thể kế hoạch thực hiện những kinh sách Phật giáo song ngữ Việt-Anh để đáp ứng nhu cầu thanh thiếu niên học Phật. Tuy chưa mãn nguyện, nhưng điều này quý vị cũng đã thấy rải rác trong các thư mục sách báo của Phật Học Viện. Sự trở ngại khó khăn trong công cuộc hoằng pháp của Phật Học Viện, ngoài vấn đề tài chánh và nhân sự ra, kinh sách song ngữ là một trong những vấn đề khó thực hiện nhất. Điều này có lúc tưởng chừng như bế tắc. Thì hôm nay, Viện chúng tôi hân hạnh trao tác phẩm “Phật Giáo Vấn Đáp” (The Buddhist Catechism) của học giả H.S. Olcott là dịch phẩm song ngữ giá trị đầu tiên này đến quý vị.
Tác phẩm “The Buddist Catechism” là một tác phẩm giá trị đã được dịch ra nhiều thứ tiếng các nước trên thế giới, nhưng được dịch ra tiếng Việt thì đây chỉ mới là lần đầu tiên do Thượng Tọa Tiến Sĩ Thích Trí Chơn thực hiện. 
Giá trị của tác phẩmkhông những chỉ về nhân cách của tác giả, mà bởi nội dung của nó rất là quảng bác và hàm súc; có khả năng kết thúc được những thắc mắc căn bản về Phật giáo, và dẫn đạo cho những ai muốn tiến bước trên đường quang lộ tìm chân lý. Tôi tin tưởng rằng, sau khi đọc chính bản Anh ngữ hoặc dịch bản Việt ngữ, độc giả sẽ vơi nhẹ đi những băn khoăn thắc mắc đã chất chứa từ lâu trong óc não trên đường tìm đến đạo Phật. 
Dịch giả, Thượng Tọa Thích Trí Chơn vốn ấu niên xuất gia, đã du học ở Ấn Độ mười hai năm, đỗ bằng tiến sĩ Triết học Phật giáo, với kiến thức thông bác Phật điển; với sự kiên tâm âm thầm nghiên cứu, dịch thuật công phu, với lời văn trong sáng gọn đủ, hy vọng độc giả sẽ cảm thấy tinh thần phấn khởi, tâm thức khai thông khi đọc dịch phẩm giá trị này. 
Nơi đây, tôi xin chân thành tán thán công đức của dịch giả và thành tâm khấn nguyện cùng mọi người chân chánh phát Bồ đề tâm noi theo gương đức Phật, hướng khả năng mình cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, ngõ hầu mình và người được an lành lợi lạc trên bước đường tiến đến giác ngộ giải thoát.
Hoa Kỳ, Vu Lan Đinh Mão 1987 
THÍCH ĐỨC NIỆM
Xem chi tiết TẠI ĐÂY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét