GN - Những năm trước đây phổ biến quan niệm rằng, đi lễ chùa thường là người già, người có học vấn thấp. Thế nhưng luận án tiến sĩ của Hoàng Thu Hương - giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn với đề tài “Cơ cấu nhân khẩu xã hội của những người đi lễ chùa ở nội thành Hà Nội hiện nay” cho thấy quan niệm trên không đúng. Khảo sát người đi lễ chùa, thì người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm tới 61,9%; tỷ lệ nam giới chiếm 35%.
Chùa Trấn Quốc - nơi tâm linh của người Hà Nội
Ở nhiều vùng nông thôn, người ta vẫn quan niệm rằng khi phụ nữ bước qua tuổi 50 thì mới bắt đầu tới chùa, gia nhập hội các vãi để tuổi già thanh thản nơi cửa chùa. Miêu tả theo cách định tính của Phan Kế Bính trong cuốn sách Việt Nam phong tục thì có thể hình dung được rằng trong xã hội truyền thống, hầu hết người đi lễ chùa là nữ giới. Xét về khía cạnh tâm lý, nữ giới dễ tin tưởng vào các đấng siêu nhiên, cũng như cần chỗ dựa về mặt tinh thần cao hơn nam giới. Nhưng ngày nay, kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ nam đi lễ chùa chiếm 35%, nữ chiếm 65%. Mặc dù số lượng nữ giới đi lễ chùa vẫn còn cao gấp 2 lần nam giới, nhưng rõ ràng tỷ lệ nam giới đi chùa đã tăng cao gấp nhiều lần so với thời xưa.
Quan niệm ở những năm giữa và cuối thế kỷ XX cho rằng chùa chiền chủ yếu thu hút những người già. Khi còn trẻ, người ta thường bị cuốn hút bởi rất nhiều hoạt động kinh tế, xã hội, vui chơi giải trí nên ít chú ý tới tín ngưỡng tôn giáo. Thế nhưng kết quả khảo sát cho thấy, cơ cấu theo độ tuổi của người đi lễ chùa đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Trong những người đi lễ chùa: nhóm tuổi 20-30 chiếm ưu thế hơn cả, tới 40,9%; nhóm tuổi 30-40 chiếm 15,7%; nhóm tuổi 40-50 chiếm 10,9%; nhóm tuổi dưới 20 chiếm 11,3%. Thật ngạc nhiên, khi nhóm tuổi 50-60 chỉ chiếm 8,7% và nhóm tuổi trên 60 chỉ chiếm 12%. Kết quả xác định với độ tin cậy 99%, tuổi trung bình của người đi lễ chùa ở Hà Nội hiện nay vào khoảng 33-39 tuổi.
Những con số này dường như đang làm nảy sinh nghịch lý rằng, khi về già con người không còn nhu cầu tôn giáo? Thực ra không phải vậy. Vấn đề nằm ở chỗ, tác giả luận án chỉ khảo sát những người đi lễ chùa, và cũng chỉ tiến hành vào các ngày mồng một và ngày rằm, ở một số ngôi chùa mà thôi. Trong khi, mối quan hệ giữa người già và hoạt động Phật giáo được thể hiện dưới rất nhiều hình thức, chứ không chỉ là việc đi lễ chùa. Tại các chùa chiền ở Hà Nội hiện nay đều có hội gọi là Hội quy, hoặc Hội các vãi, thành viên của các hội này phần lớn là phụ nữ trên 55 tuổi, với hoạt động khá phong phú, như tụng kinh trên chùa hàng tuần, tham gia vào các khóa lễ, các ngày lễ chính của chùa, tổ chức hành hương tới các chùa khác, thăm hỏi gia đình các thành viên khi có người ốm đau hay tang lễ.
Vào ngày Chủ nhật hàng tuần, nhiều chùa ở Hà Nội tổ chức thuyết giảng Phật pháp, người tới dự thường xuyên là những người già. Trước khi vào nghe thuyết giảng, họ đều lễ Phật. Mặt khác, người già có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn thanh niên và trung niên, nên họ có thể đi lễ chùa vào bất cứ lúc nào, không nhất thiết phải đi lễ vào ngày rằm, mồng một. Với thanh niên và trung niên, do bận mưu sinh thường nhật, bận việc học hành nên mỗi tháng họ chỉ bố trí đi chùa 1-2 lần và thường chọn đi vào mồng một, ngày rằm.
Từng có một thời, người ta thường cho rằng các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo chỉ thu hút những người có trình độ học vấn thấp. Ở nước ta, suốt một khoảng thời gian dài trước đây, một số nhà nghiên cứu tôn giáo cho rằng, khi con người có trình độ học vấn càng cao sẽ càng ít lệ thuộc vào tôn giáo. Thế nhưng kết quả khảo sát của Tiến sĩ Hương cho thấy, chùa chiền ngày càng thu hút người có trình độ học vấn cao. Trong số những người đi lễ chùa được hỏi, người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm tới 61,9%; người có trình độ phổ thông trung học chiếm 18,8%; người trình độ trung cấp chiếm 7,9%, còn lại là người có trình độ cấp 2 trở xuống.
Nghiên cứu về tình trạng hôn nhân, tỷ lệ giữa nhóm đã kết hôn chiếm 46,9% và nhóm chưa kết hôn chiếm 43,9% trong số người đi lễ chùa, số còn lại là người ly thân. Như vậy, sự khác biệt trong hôn nhân không tác động tới việc họ đi lễ chùa. Riêng ở chùa Hà, người chưa kết hôn chiếm tới 63,5%, dễ lý giải, vì chùa Hà nổi tiếng về “cầu duyên” nên dễ khi người đi lễ chùa này phần đông là chưa kết hôn.
Về cơ cấu nghề nghiệp của người đi lễ chùa, vì thống kê cả nước hiện có hơn 620 nghề khác nhau, nên nghiên cứu của Tiến sĩ Hương không thể phân tích tỉ mỉ theo từng nghề, mà chia ra làm 7 nhóm.
Nhóm 1 là những người không có hoạt động nghề nghiệp (bao gồm người đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nội trợ ở nhà…), chiếm 15,7% trong số những người đi lễ chùa. Nhóm 2 là những người đang chờ gia nhập thị trường lao động (bao gồm sinh viên mới tốt nghiệp chưa đi làm, đang chờ việc, những người đang cần tìm kiếm việc làm...), chiếm 2,6%.
Nhóm 3 tập hợp những người liên quan đến hoạt động giáo dục và học tập, bao gồm học sinh, sinh viên và giáo viên, khảo sát cho thấy nhóm này chiếm 28,5% trong số những người đi lễ chùa. Nhóm 4 là những người tự nhận mình là nhân viên văn phòng, chiếm 7,7%. Nhóm 5 liên quan đến hoạt động kinh tế (gồm những người kinh doanh buôn bán, tiếp thị, marketing, kế toán, tài chính…) chiếm 16,1%. Nhóm 6 gồm những người tự nhận mình là cán bộ nhà nước (công chức, viên chức, công an, quân đội…), chiếm 18,4% trong số những người được khảo sát. Có 1,7% số người đi lễ chùa đã không trả lời họ làm nghề gì.
Trong những ngày lễ chính của Phật giáo, Phật tử đến chùa rất đông và họ tham dự vào các nghi lễ do nhà chùa tổ chức. Nhưng khảo sát người đi lễ chùa vào ngày rằm, mồng một thì chỉ có 9,7% số người cho biết là họ đã quy y Tam bảo. Số lượng người đi chùa vào ngày mồng một luôn cao gấp nhiều lần so với ngày rằm. Có 66,8% số người nói rằng mồng 1 hàng tháng họ cũng đi lễ chùa, nhưng chỉ có 22,4% số người cho biết họ có đi lễ ngày rằm.
Một số người bán đồ lễ ở chùa Quán Sứ nhận xét: “Mồng một rất đông, còn ngày rằm lượng người đi lễ chỉ nhỉnh hơn ngày thường một chút thôi. Lượng hàng bán ra ngày mồng một thường cao gấp đôi so với ngày rằm”.
Nhiều người có thể không đi lễ chùa vào ngày rằm, nhưng họ không bao giờ bỏ đi lễ ngày mồng một. Bởi vì, ngày mồng một là ngày khởi đầu cho một tháng, theo quan niệm của nhiều người những điều xảy ra trong ngày này sẽ có tác động cả tháng. Tôi đã ghi lại cuộc nói chuyện của 2 người phụ nữ khoảng 26-27 tuổi tại một ngôi chùa: “Hôm nay bực mình quá, lúc đang lễ thì có người rút đồ lễ ra làm đổ cả đồ lễ của mình. Chẳng lẽ mới đến chùa đầu tháng ra lại cãi nhau, nên đành phải nhịn”.
Xu hướng ngày càng có nhiều người trẻ đi lễ chùa
Thế nhưng kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 6,8% số người đi lễ theo đúng trình tự này; 89,2% số người nói rằng họ không có trình tự đi lễ cố định. Có tới 69,3% số người không bắt đầu từ ban thờ Đức Ông, mà lễ ở Tam bảo trước tiên, rồi đến các ban thờ khác. Có chưa tới 2% số người đi lễ xong vào thăm các chư Tăng trụ trì chùa, đa số đều nói họ không quen các sư trụ trì nên không dám.
Tỷ lệ người đã quy y rất thấp, vì vậy trong thực hành khuôn mẫu của người đi lễ chùa thường không đúng theo chuẩn mực của Phật giáo hiện nay là điều dễ hiểu. Mối liên kết giữa các nhà chùa và người đi lễ vẫn còn rất lỏng lẻo, vì vậy các chùa cần phải tăng cường các hoạt động gắn kết nhiều hơn với người đi lễ chùa, đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn họ thực hành lễ chùa theo chuẩn mực, đồng thời đưa giáo lý nhà Phật đến với người đi lễ chùa.
Đó là những suy tư từ các con số thống kê ban đầu ở một số ngôi chùa, vào những thời gian nhất định là rằm và mùng một âm lịch hàng tháng tại Hà Nội qua khảo sát của Tiến sĩ Hoàng Thu Hương.
Thiết nghĩ, những khảo sát thực tế như thế này ở các phương diện khác, trên nhiều địa phương, chẳng hạn như nhận thức của người đi chùa về Phật pháp như thế nào…, để có những định hướng trong công tác hoằng pháp của Giáo hội, nhằm điều chỉnh hành vi của người đi chùa, người có tín ngưỡng đạo Phật, phù hợp với Chánh pháp và truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Chu Minh Khôi
Nguồn: Giác ngộ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét