Thiên Thai tông là một trong những tông phái được hình thành sớm nhất trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc. Do vì người sáng lập ra tông phái này là Trí Khải đại sư (538 - 598) sống vào đời Tùy, ngài cư ngụ ở núi Thiên Thai (nay thuộc huyện Thiên Thai, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), cho nên có tên là Thiên Thai tông. Những kinh luận mà tông này y cứ là “lấy kinh Pháp Hoa làm tông chỉ, lấy luận Đại Trí Độ làm kim chỉ nam, lấy kinh Niết Bàn làm phong phú, lấy Bát Nhã làm phương pháp quán, dẫn chư kinh để tăng thêm tín tâm, dẫn chư luận để trợ thành” (Trạm Nhiên – Chỉ Quán Nghĩa Lệ, quyển thượng). Giáo nghĩa của tông này chủ yếu y cứ vào kinh Pháp Hoa, cho nên cũng gọi là Pháp Hoa tông.
Khởi nguyên của Thiên Thai tông được truyền thừa từ biển tâm đại giác của đức Thích-ca Như Lai, về sau tiếp nối tư tưởng học thuyết Trung đạo của Long Thọ Bồ-tát (khoảng thế kỷ thứ 3). Đến đời Bắc Tề, có ngài Huệ Văn. Ngài Huệ Văn y cứ vào Trung quán luận của Long Thọ Bồ-tát mà phát minh ra diệu lý “Nhất tâm tam quán”, rồi truyền thọ cho ngài Nam Nhạc Huệ Tư (515–577). Ngài Huệ Tư lại truyền cho ngài Trí Khải. Do vậy, các ngài đều tôn Bồ-tát Long Thọ làm Thủy tổ Thiên Thai tông. Ngài Trí Khải lại là người có công sáng tạo và phát huy giáo nghĩa của Thiên Thai tông. Trên lý luận giáo nghĩa, ngoài việc đem diệu lý “nhất tâm tam quán” của ngài Huệ Văn diễn dịch thành thuyết “tam đế viên dung” ra, Trí Khải đại sư còn đề ra “nhất niệm tam thiên”, “thập giới hỗ cụ”, “thập như thị”, “tính ác tư tưởng luận”, “tứ tất đàn”, “ngũ chủng huyền nghĩa” để giải thích các kinh điển. Trên phương diện lý luận về giáo tướng, ngài lại đề ra “tam chủng giáo phán”, “ngũ thời bát giáo”. Về phương diện tư tưởng tu tập và hành trì, ngài còn đề ra “tứ chủng tam muội”, “nhị thập ngũ phương tiện”, “thập thừa quán pháp” v.v… Những tư tưởng lý luận này của ngài, chủ yếu được phản ánh và ghi lại trong “Pháp Hoa Huyền Nghĩa”, “Pháp Hoa Văn Cú” và “Ma Ha Chỉ Quán” khi ngài thuyết giảng và làm lễ quán đỉnh cho đệ tử, ba bộ sách này được gọi là “Thiên Thai Tam Đại Bộ”. Ngoài ra Thiên Thai tông còn hoằng truyền “Thiên Thai Ngũ Tiểu Bộ”: “Quán Âm Huyền Nghĩa”, “Quán Âm Nghĩa Sớ”, “Kim Quang Minh Huyền Nghĩa”, “Kim Quang Minh Kinh Văn Cú”, “Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ”. Sở dĩ giáo lý của Thiên Thai tông được hoàn bị và tinh thâm như vậy, đều do công lao của Thiên Thai Trí Giả đại sư, do đó mà lấy tên của Ngài để hiển thị tông danh. Học thuyết lý luận của Thiên Thai tông có tính sáng tạo độc đáo, nhưng đồng thời nó cũng hấp thụ những học thuyết lý luận đương thời ở trong và ngoài nước Trung Hoa, đã không ngừng cải tạo và hoàn thiện để hình thành nên nền tảng giáo nghĩa vững chắc. Chủ yếu được biểu hiện ở ba phương diện sau đây: 1. Tư tưởng này đã kế thừa và phát triển học thuyết của Long Thọ Bồ-tát ở Ấn Độ. Mọi người đều biết rằng, Thiên Thai tông khởi nguyên từ học thuyết của ngài Long Thọ làm hạt nhân tư tưởng. Ví dụ, lý luận “nhất tâm tam quán” của Thiên Thai vốn xuất phát từ “tam thi kệ” trong Trung Luận của ngài Long Thọ. Thiên Thai tông tuy đã kế thừa học thuyết này, nhưng lại tiến thêm một bước nữa, cho rằng là mỗi một quán trong “tam quán” đều có thể thống nhiếp hai quán còn lại: lấy “không quán”, tức tất cả đều không, lấy “giả quán”, “trung quán” cũng đều như vậy. Mục đích là phải phá trừ các khái niệm chấp trước, biểu thị khái niệm “không” có tính quyết định. Ngài Trí Giả cho rằng: Quán có ba, từ “giả” nhập vào “không”, gọi là “tam đế quán”; từ “không” nhập vào “giả”, gọi là “bình đẳng quán”; hai quán này là phương tiện đạo để nhập Trung đạo, song chiếu nhị đế, tâm tâm tịch diệt, tự nhiên sẽ lưu nhập vào biển nhất thiết trí, gọi là “Trung đạo đệ nhất nghĩa đế quán.” Cũng tức là nói “không, giả, trung” vốn không có thứ tự trước sau, mà là cùng đồng thời tồn tại trong tâm, tương liên tương tức, qua lại không trở ngại, bất cứ đế nào trong tam đế cũng đều bao hàm ý nghĩa của hai đế kia, bất cứ sự vật nào cũng đều là “không”, mà cũng là “giả”, mà cũng lại là “trung”, đây là sự phát triển độc đáo và đặc sắc của “tam đế viên dung”. Lại nữa, như chư pháp thực tướng cũng là tư tưởng chủ yếu mà ngài Long Thọ tín phụng và xiển dương. Ngài nói: “Tự biết, không theo nó; tịch diệt, không hý luận; không khác, không phân biệt; đó gọi là thực tướng”, trình bày rõ thực tướng chư pháp là không tịch, lìa ngôn ngữ nói năng, tức là chân lý của các pháp phải tự mình giác ngộ, chứ không phải hiểu và tin theo sự lý giải của người khác. Chư pháp vốn tịch diệt, xa lìa tự kiến tánh, xa lìa hữu – vô, xa lìa sinh – diệt và các hý luận. Thực tướng phổ biến khắp mười phương, là nhất vị, không phân biệt. Cho rằng chỉ có xa lìa các hư vọng của tâm, hành, ngữ ngôn thì mới đoạn trừ được chủng chủng hý luận và thực tướng chấp, thể nghiệm và giác ngộ một cách triệt để tính không tịch, không còn trí phân biệt đối đãi, cũng không có gì là được – mất, lúc đó mới thông đạt “pháp nhĩ như thị” của chư pháp thực tướng. Tư tưởng của Thiên Thai tông lại được phát triển từ cơ sở tư tưởng của ngài Long Thọ, cho nên đối với thực tướng của vạn pháp có một cách giải thích rất đặc biệt. Trong “Pháp Hoa Huyền Nghĩa” quyển 8, vì để nhấn mạnh sự bất ly giữa hiện tượng vạn pháp và chân lý thực tướng, ngài Trí Giả đã giải thích rằng: “chư pháp thực tướng tức là mọi hiện tượng sự vật và đó cũng chính là thực tướng của vạn pháp”, ý nói hiện tượng là chân lý sẵn có, chân lý không thể rời hiện tượng. Ý này lại được chia làm ba tầng bậc để giải thích: thứ nhất là muốn giải thích rằng, hiện tượng vạn pháp là do duyên sinh mà có, do đó nó không có tự tính, tức là “không”, đây chính là thực tướng. Thứ hai là “không”, vẫn thuộc về chư pháp, nhưng lại nằm ngoài và siêu vượt lên hết thảy “hữu”, “không” mà khẳng định tuyệt đối lý Trung đạo, đây chính là chư pháp thực tướng. Thứ ba là đem “không”, “hữu” và “Trung đạo” quy về lý Trung đạo tuyệt đối, đây chính là Phật tính, do đó mà có khái niệm phức hợp “Trung đạo Phật tính” hoặc “Phật tính Trung đạo”. Do vì Phật tính là thường trụ, lại có thể chuyển hóa thế gian, lại đầy đủ các pháp, do đó chân lý Trung đạo cũng có tính thường trụ, có đầy đủ công năng chuyển hóa và đầy đủ chư pháp. Đây chính là lý “chư pháp tức là thực tướng”. Tầng bậc thứ nhất và tầng bậc thứ hai là cách giải thích của Đại thừa thiên giáo (giáo lý thiên lệch về một bên, tức Quyền thừa), tầng bậc thứ ba mới là cách giải thích của Đại thừa viên giáo (giáo lý rốt ráo trọn vẹn). Ngoài ra, đối với các tư tưởng lý luận trọng yếu khác của ngài Long Thọ, Thiên Thai tông cũng kế thừa và phát triển tích cực. 2. Tư tưởng này đã dung nhiếp các tư tưởng lý luận Phật, Đạo, Nho ở Trung Quốc thời Nam Bắc Triều. Trung Quốc -Thời kỳ Nam Bắc triều, các học thuyết tư tưởng của Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo rất phát triển, phải nói là thời kỳ “trăm hoa đua nở”. Trong bối cảnh đó, Trí Giả đại sư khi hoằng dương nghĩa lý Phật giáo Đại thừa, ngài đã dung nhiếp tinh hoa của các học thuyết và hình thành nên nét đặc sắc và độc đáo của Thiên Thai tông. Thời kỳ Nam Bắc triều, tư tưởng Phật học ở miền Nam Trung Quốc thiên về nghĩa lý Huyền học[]. Đương thời, Phật học vùng Giang Nam rất thịnh hành Bát Nhã học. Phong trào này khởi nguyên từ “Bát-nhã Đạo Hành Phẩm Kinh” của Ngài Chi Lâu Ca Sấm dịch vào cuối thời Đông Hán. Từ đó về sau, các kinh sách nói về tư tưởng Bát-nhã lần lượt truyền nhập vào Trung Quốc, trải qua thời Ngụy-Tấn đến thời Nam Bắc triều, và dưới sự ảnh hưởng của tư tưởng Huyền học đương thời, đã hình thành nên một phong cách học thuật thời ấy. Huyền lý Lão Trang là cơ sở y cứ của các học thuyết có từ thời Nam Bắc triều, mà trong tư tưởng Bát-nhã không quán lại có một số điểm tương đồng với Huyền lý Lão Trang. Vì vậy mà tư tưởng Phật học ở miền Nam Trung Quốc cũng theo thuyết “hư vô” của Lão Trang mà thịnh hành một thời. Đương thời, xiển dương tư tưởng Bát-nhã có “lục gia thất tông”, gồm: Bản Vô tông, Bản Vô Dị tông, Tức Sắc tông, Thức Hàm tông, Huyễn Hóa tông, Tâm Vô tông, Duyên Hội tông. Ngài Trí Giả đã nghiên cứu nghĩa lý của các tông phái này, đồng thời dung nhiếp tất cả những tinh hoa của nó. Đặc biệt Ngài rất tâm đắc tư tưởng Tức Sắc tông (do Chi Độn sáng lập). Trong “Tức Sắc Du Huyền Luận”, Chi Độn cho rằng: “phàm tính của sắc, sắc không tự sắc, tuy sắc mà không; tri không tự tri, tuy tri mà tịch”. Tức là nói “sắc” từ nhân duyên mà có, chẳng phải tự có, cho nên thể của nó vốn là “không”. Lý luận này về sau trở thành cơ sở cho học thuyết “thể không quán” của Thiên Thai tông, đối lập với “tích không quán” của Tiểu thừa. “Tích không quán” đem tất cả các pháp chia cắt tách rời ra, khiến cho ly tán, rồi quán nó là không. “Thể không quán” thì lại bình đẳng quán đối với các pháp, không vì tình trạng nhân quả tương sinh của nó mà phân tích ly tán, mà là tất cả đều là pháp, và quán đương thể của tất cả các pháp là không, quán không tướng tức là thật tướng. Nếu thực hành “Thể không quán” thì có thể chứng được nhất thiết pháp đương thể tính không, từ đó chứng đắc tịch diệt, không cần phải tích ly hoặc thậm chí thủ tiêu tất cả pháp, mà thông qua tu đạo thì mới chứng tịch diệt. Như vậy, không cần phải có sự phân biệt nghiêm khắc đối với vấn đề nhập thế và xuất thế. Về phương pháp tu tập thiền định, đương thời phương Bắc coi trọng tọa thiền, còn phương Nam thì coi trọng giáo nghĩa. Từ Thiên Thai tông đệ tam tổ là Huệ Tư đại sư đã bắt đầu tiến hành đem phương pháp tu thiền của hai miền Nam Bắc Trung Hoa dung hợp lại làm một. Trong “Tục Cao Tăng” quyển 17, phần “Huệ Tư truyện” có chép rằng, Ngài Huệ Tư ở phương Nam sau khi truyền dạy pháp môn tu tập thiền, “khái tư Nam phục, định tuệ song khai; trú đàm nghĩa lý, dạ tiện tư trạch”. Từ đó khiến cho Thiền tông Nam Bắc khó mà tìm ra được đầu mối phân biệt. Ngài Trí Giả lại càng nhấn mạnh về sự trọng yếu của “chỉ quán bất nhị, định tuệ song tu”. Trong “Tu Tập Chỉ Quán Tọa Thiền Pháp Yếu”, Trí Giả đại sư có nói: “chỉ” là cơ sở nền tảng để nhập môn, “quán” mới là công cụ chính yếu để đoạn hoặc; “chỉ” điều dưỡng thân tâm, “quán” tinh thông nghĩa lý; “chỉ” là thắng duyên của thiền định, “quán” là căn nguyên của trí tuệ. Nếu hành giả thành tựu được hai pháp môn tu định và tu tuệ này, thì sẽ được lợi mình lợi người, cụ túc tất cả pháp. Ngài còn chỉ ra rằng: hai pháp môn “chỉ, quán” thù thắng này, như hai bánh của một chiếc xe, như hai cánh của một con chim, nếu chỉ nghiêng về một trong hai pháp môn mà tu tập, ắt sẽ đọa vào tà đạo. Dưới sự hoằng truyền giáo pháp của Trí Giả đại sư, “chỉ quán song tu” của Thiên Thai tông đã trở thành pháp môn tu tập thù thắng nhất thời bấy giờ. Đương thời, tư tưởng Đạo gia đang rất thịnh hành, Thiên Thai tông cũng không hoàn toàn bài xích, mà ngược lại còn cho rằng trong tư tưởng Đạo gia có một số điểm phù hợp với giai đoạn sơ cấp của quá trình học Phật. Trong “Thệ Nguyện Văn” ngài Huệ Tư có nói: “Nguyện rằng đời này làm Trường Thọ Ngũ Thông tiên, tu tập chư thiền định, học được sáu thần thông, đầy đủ các pháp môn, chứng đắc ngôi Đẳng giác Diệu giác mà độ chúng sinh”. Khi tu tập thiền, Ngài còn học thuật luyện đan của Đạo gia: “Nguyện ở nơi thâm sơn tịch tĩnh, luyện đủ thần đan hoàn thành hạnh nguyện, lấy sức ngoại đan mà tu luyện nội đan, muốn an được tâm chúng sinh thì trước phải an tâm mình”. Một trong những nguyên nhân mà Trí Giả đại sư muốn đến núi Thiên Thai để tu hành là “nghe trong núi Thiên Thai có tiên cung, muốn đến để tận mắt nhìn thấy; Sơn Tứ chẳng khác nào cảnh Bồng Lai, muốn được dừng chân tu tập ở đó, hoàn thành chí nguyện bình sinh”. Hiển nhiên, Ngài muốn tìm nơi cảnh tiên tịch tĩnh để có lợi ích cho việc tu trì. Trong quá trình tu tập, Ngài còn vận dụng một số phương pháp tu tập của Đạo gia, như trong “Ma-ha Chỉ Quán – quán bệnh hoạn cảnh” Ngài chủ trương dùng “phục khí pháp” và “thổ khí pháp” của Đạo gia để trị bệnh. Những phương pháp này có thể dùng để trị những chứng bệnh do tọa thiền không đúng phương pháp gây ra. Ngoài ra, trong “Tu Tập Chỉ Quán Tọa Thiền Pháp Yếu” và “Lục Diệu Môn”có bàn về “hệ duyên tỉ đoan”, “chỉ tâm đan điền” , “số”, “tùy”, v.v… những vấn đề này có thể tìm thấy trong học thuyết của Đạo gia, Trí Giả đại sư lại lấy đó làm giai đoạn sơ cấp trong phương pháp tu tập “chỉ, quán” của ngài. Đối với tư tưởng Nho gia đương thời lại cũng như vậy, Thiên Thai tông cũng chọn lấy các tinh hoa của nó. Trí Giả đại sư đã thiết lập mối liên quan giữa tinh thần “đại từ đại bi” của Phật giáo và luân lý “trung hiếu, bác ái” của Nho gia, thực hiện sứ mệnh “trang nghiêm quốc độ, lợi lạc hữu tình”. Trong “Quan Âm Kinh Nghĩa Sớ” có đoạn: “Có người hỏi: thập bát giới chúng sinh vô lượng, căn cơ cũng vô lượng, thế thì trong nhất thời làm sao khiến cho tất cả được giải thoát? Trí Giả đại sư đã lấy tấm lòng thương yêu vô bờ như các bậc cha mẹ đối với con làm ví dụ trả lời: thí như tấm lòng thương nhớ rất sâu nặng của cha mẹ đối với con, lại có trí tuệ, có tiền tài, có đầy đủ thế lực, khi các con gặp nạn, cha mẹ liền ứng cứu”. Trong “Lâm Chung Di Tấn Vương Thư” Ngài viết: “sinh thời sở dĩ lao tâm khổ tứ, cũng đều vì Phật pháp, vì quốc vương, vì chúng sinh”. Đây rõ ràng biểu đạt tư tưởng Phật giáo nhân gian, Phật giáo nhập thế. Về phương diện “nhân tính luận”, Nho gia vốn đã có sự tranh luận giữa “tính thiện” và “tính ác”: Mạnh Tử cho rằng “nhân tính vốn thiện”, Tuân Tử lại cho rằng “nhân tính vốn ác”, Cáo Tử[] thì lại cho rằng “nhân tính vốn chẳng ác chẳng thiện, thiện ác ấy là do về sau mới có”. Đối với những quan niệm truyền thống này, Tam tổ Huệ Tư đã nêu ra thuyết “Như Lai tàng tính cụ nhiễm tịnh”. “Như Lai tàng” thường được coi là tên gọi khác của chân như, của Phật tính, tức là thanh tịnh tâm, là Phật tính bình đẳng của tất cả chúng sinh đều có. Nhưng do vì chúng sinh khởi tâm tham dục, ba độc tham, sân, si dẫy đầy, che lấp hết ánh quang minh của “Như Lai tàng”. Trong “Đại Thừa Chỉ Quán Pháp Môn” Tam tổ Huệ Tư có chỉ ra rằng, “Như Lai tàng” bao gồm ba phương diện: “năng tàng, sở tàng và năng sinh”, “tâm (chân như) này cũng như vậy, chứa đựng các phiền não và các công đức Như Lai, có đầy đủ hai tính chất thanh tịnh và nhiễm ô, do vì y vào nghiệp lực huân tập của hai tính này, do đó mà có thể sinh vào cõi thế gian hay xuất thế gian”. Xuất phát từ quan điểm này, ngài Trí Giả tiến thêm một bước, nêu ra thuyết “tính cụ thiện ác”. Ngài cho rằng, thiện ác nhiễm tịnh đều có thể xem như đức tính của tự nhiên. Tính của bản giác, chân tâm chân tánh hay Phật tánh, đều có đầy đủ các ác pháp của chúng sinh chín cõi và các thiện pháp của cõi Phật, tức tập hợp tất cả chư pháp thiện ác trong thập giới. Chúng sinh có đầy đủ chân tâm chân tính của chư Phật, cho nên trong lục phàm lại bao hàm tứ thánh, cõi chúng sinh bao hàm cõi Phật. Có thể thấy rằng, từ thuyết “tính cụ nhiễm tịnh” của ngài Huệ Tư đến thuyết “tính cụ thiện ác” của ngài Trí Giả, sự biến đổi này làm tiêu chí cho Phật giáo Ấn Độ được tiến thêm một bước Trung Quốc hóa, là sự dung hợp giữa tư tưởng Phật giáo Ấn Độ và tư tưởng Nho gia “nhân tính luận” của Trung Quốc truyền thống. 3. Tư tưởng này đã phát huy được sự sáng tạo mới mẻ. Sở dĩ lý luận Phật học của Thiên Thai tông bát đại tinh thâm như vậy, là vì nó đã dung nhiếp các tư tưởng Phật học và các học thuyết tư tưởng truyền thống trong và ngoài Trung Hoa, ngoài ra tự thân còn phát huy được tính sáng tạo mới mẻ. Ví dụ, thuyết “nhất niệm tam thiên”, ngài Trí Giả cho rằng một niệm của tâm thức hiện tiền, bao hàm ba nghìn chủng pháp, là sự hiển hiện của toàn thể vũ trụ. Ngài đã y cứ vào kinh Hoa Nghiêm, nói rằng cảnh giới chúng sinh có mười, từ cõi Phật cho đến cõi địa ngục; mỗi một trong mười cảnh giới này lại bao hàm mười cảnh giới khác, như vậy thành một trăm cảnh giới. Lại như trong kinh Pháp Hoa đã nói, có thể từ mười phương diện khác nhau mà nhìn nhận một trăm cảnh giới này (thập như thị), nhân lên thì thành ra một nghìn, tức “thiên như”, “thiên như” này phối hợp với “tam thế gian” (chúng sinh, quốc độ, ngũ ấm) trong Đại Trí Độ Luận thành ra ba nghìn, tức là ba nghìn cảnh giới, đại biểu cho toàn thể vũ trụ. Cho nên Ngài nói rằng tam thiên thế giới chỉ trong một niệm, một niệm tâm vừa khởi tức cụ hữu tam thiên. Đây là cảnh giới bất khả tư nghì. Khi tâm mê, bao hàm tam thiên pháp, và chấp trước không xả; khi tâm ngộ, cũng bao hàm tam thiên pháp, nhưng không khởi niệm chấp trước, mà xem đó như là phương tiện, là đức tính vốn có. Do vậy mới có sự phân biệt: tâm có nhiễm có tịnh, có mê có ngộ, nhưng đối với ba nghìn pháp môn thì lại không dao động mảy may. Và đương nhiên, một niệm này là chỉ vô minh vọng tâm, và “nhất niệm vọng tâm” này muốn thông đạt đến “nhất niệm chân tâm” thì phải qua công phu “chỉ, quán”. Cho nên thuyết “nhất niệm tam thiên” là giáo lý cực kỳ trọng yếu của Thiên Thai tông. Ngoài ra, như “ngũ thời bát giáo” cũng là sáng tạo độc đáo của Thiên Thai tông. Trong “Thiên Thai Tứ Giáo Nghi” chép: Thiên Thai Trí Giả đại sư đã đem “ngũ thời bát giáo” giải thích và xiển dương, là dòng thánh giáo xuôi chảy về Đông, mãi mãi không bao giờ cùng tận. “Ngũ thời”, tức: 1.Thời Hoa Nghiêm; 2.Thời Lộc Uyển (A-hàm); 3.Thời Phương Đẳng; 4.Thời Bát-nhã; 5.Thời Pháp Hoa và Niết-nàn. Đây gọi là “ngũ thời”, cũng còn gọi là “ngũ vị”. “Bát giáo”, tức: “đốn giáo, tiệm giáo, bí mật giáo, bất định giáo, tạng giáo, thông giáo, biệt giáo, viên giáo.” Trong đó, “đốn giáo, tiệm giáo, bí mật giáo, bất định giáo” bốn giáo này gọi là “hóa nghi”, cũng xem như là phương thuốc, và “tạng giáo, thông giáo, biệt giáo, viên giáo” bốn giáo này gọi là “hóa pháp”, cũng xem như là vị thuốc. Sở dĩ nói “ngũ thời” là vì căn cứ vào Phật thuyết pháp vào nhiều thời kỳ, thời gian khác nhau mà chia ra làm năm giai đoạn khác nhau. “Bát giáo” lại chia ra thành “hóa nghi tứ giáo” và “hóa pháp tứ giáo”. “Hóa nghi tứ giáo” tức là căn cứ vào phương thức thuyết pháp của Phật không giống nhau mà chia ra. “Hóa pháp tứ giáo” thì căn cứ vào nội dung thuyết pháp của Phật không giống nhau mà chia ra. Trên cơ sở học thuyết và giáo phán của Phật giáo Nam Bắc triều đương thời, Trí Giả đại sư đã hấp thu và tổng hợp các tinh hoa ấy, sáng lập ra lý luận giáo phán “ngũ thời bát giáo” của Thiên Thai tông. Lý luận giáo phán này đã có sự ảnh hưởng rất lớn đối với đời sau. Đến đời Đường, Tam tổ Hoa Nghiêm tông là ngài Pháp Tạng khi biên soạn “Ngũ Giáo Chương”, trên phương diện giáo phán cơ bản đã căn cứ vào giáo phán của Thiên Thai tông. Thiên Thai tông còn sáng tạo ra “thập như tam chuyển” để đọc và lý giải kinh điển. Ví dụ, khi bàn về thực tướng của các pháp, trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện có câu: “như thị tướng, như thị tính, thư thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bản mạt cứu kính” v.v… Thiên Thai tông cho rằng, có thể dùng ba phương thức khác nhau để đọc câu này. Thứ nhất, dùng phương thức “không chuyển”, và đọc thành “thị tướng như, thị tính như…” để biểu thị lý “không”; thứ hai, dùng phương thức “giả chuyển”, và đọc thành “như thị tướng, như thị tính…” để biểu thị lý “giả” trên mỗi phương diện sai biệt; thứ ba, dùng phương thức “trung chuyển”, và đọc thành “tướng như thị, tính như thị…” mà “như thị” bao hàm Trung đạo nghĩa, “như thị” tổng quát và dung nhiếp “tướng, tính…” đi vào Trung đạo. Như vậy, cùng một câu kinh văn, Thiên Thai tông cho rằng có ba cách đọc và lý giải khác nhau, cũng chính là hiển thị nghĩa lý “tam đế viên dung: không, giả, trung”. Hiển nhiên, đây là tính sáng tạo độc đáo và đặc sắc của các học giả Thiên Thai tông, và những lý luận độc đáo đặc sắc như vậy của Thiên Thai tông có rất nhiều. Ảnh hưởng của Thiên Thai tông ra nước ngoài rất lớn. Vào thế kỷ thứ 9, đời Đường, có cao tăng Nhật Bản là ngài Tối Trừng đến Trung Hoa cầu pháp, vào núi Thiên Thai học đạo với đệ tử của ngài Trạm Nhiên là Đạo Thúy, Hạnh Mãn, sau khi về Nhật Bản đã lấy núi Tỉ Nhuệ làm trung tâm truyền giáo, hoằng truyền Thiên Thai tông. Đồng thời căn cứ với hoàn cảnh lịch sử xã hội Nhật Bản thời bấy giờ, đã đề ra ba nguyên tắc: Thiên Thai tông Mật giáo hợp nhất, thống nhất giữa giáo nghĩa và giới luật, chỉ thừa nhận giới luật Đại thừa; nêu cao tư tưởng “hộ quốc”. Đến thế kỷ 13, cao tăng Nhật Liên đã y cứ vào kinh Diệu Pháp Liên Hoa sáng lập ra Nhật Liên tông. Thiên Thai tông được truyền vào Tân La (nay là bán đảo Triều Tiên) từ rất sớm. Đời Đường có ngài Pháp Dung, Lý Ứng, Thuần Anh đến Trung Hoa cầu pháp với Cửu tổ Thiên Thai tông là ngài Trạm Nhiên (711-782). Ngô Việt vương Tiền Thích (tại vị 948-978) của Trung Hoa rất sùng kính Phật pháp, đã phái các đoàn sứ giả đến Nhật Bản và Cao Ly cầu thỉnh kinh sách Thiên Thai tông. Cao Ly đã phái ngài Đế Quán mang các trước tác của Thiên Thai tông đến trình Ngô Việt vương, sau đó vào núi Thiên Thai hầu Thập tứ tổ Thiên Thai tông là ngài Hi Tịch 10 năm rồi tịch, có trước tác bộ “Tứ Giáo Nghi”. Đến cuối thế kỷ 11, đời Tống, có cao tăng Cao Ly là ngài Nghĩa Thiên đến Trung Hoa cầu học Thiên Thai tông, vào núi Thiên Thai, lễ tháp Trí Giả đại sư, viết Phát Nguyện Văn. Sau khi về nước, vua Tuyên Tông của Cao Ly đã xây chùa cho ngài ở phía tây nam núi Tùng Sơn, và phỏng theo Quốc Thanh Tự của núi Thiên Thai mà đặt tên chùa cũng là Quốc Thanh Tự. Ở đây học trò theo học đạo với ngài rất đông. Từ đó Thiên Thai tông được truyền bá khắp Triều Tiên. Sau khi tịch, ngài Nghĩa Thiên được vua Cao Ly phong thụy hiệu là “Đại Giác Quốc Sư”. Các học giả Nhật Bản đã có sự đánh giá rất cao về Thiên Thai tông. Giáo sư Mai Nguyên Mãnh nhận xét: “Tư tưởng Thiên Thai học không những có sự ảnh hưởng rất lớn đến Phật giáo Nhật Bản, đặc biệt là tín ngưỡng Pháp Hoa kinh, mà cũng có sự ảnh hưởng rất sâu sắc đối với văn học nghệ thuật Nhật Bản. Tư tưởng Thiên Thai học đã sản sinh ra Phật giáo và văn hóa Nhật Bản”. Giáo sư An Đằng Tuấn Hùng cũng có lời đánh giá và đề cao tư tưởng Thiên Thai học. Ở Việt Nam, Thiên Thai tông có lẽ không được thịnh hành như các tông phái khác, nhưng là người nghiên cứu học thuật và tu tập, chúng ta không thể không nắm bắt tư tưởng của các tông phái để hòa thành muôn màu sắc trong bản sắc và giá trị cao mầu của đạo Phật. Do vậy, với kiến thức thô thiển và sự hiểu biết có hạn chúng tôi mạn phép gởi đến độc giả “Nét đặc sắc của học thuyết lý luận THIÊN THAI TÔNG” để cùng nhau tham khảo. “Một cánh én không thể làm nên mùa Xuân, nhưng mùa Xuân lại không thể thiếu đi cánh én”.■ Tài liệu tham khảo - Tạp chí Phật giáo Đài Châu, Chiết Giang, Trung Quốc, tháng 2-2009 - Nhậm Kế Vũ, Phật giáo đại từ điển, 2002.
Nguồn Tập San Pháp Luân 75
|
Tìm kiếm
Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013
Nét đặc sắc của học luận Thiên Thai tông (Viết bởi Trúc Thanh)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét