Tìm kiếm

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Bài giảng của Hòa thượng tôn sư: Vô Lượng Nghĩa Kinh và Vô Lượng Nghĩa Xứ Tam Muội

    Tôi lấy 7 phẩm cốt yếu làm nội dung kinh Bổn môn Pháp Hoa để thọ trì và trong 7 phẩm này, tôi chỉ lấy ý, chứ không lấy tất cả nguyên văn.

        Mở đầu phẩm Tựa thứ nhất: "Tôi nghe như vầy, một thuở nọ Đức Phật ở núi Kỳ Xà Quật, nơi thành Vương Xá cùng chúng Tỳ kheo một muôn hai ngàn gồm cả La hán và bậc tam Hiền còn đang tu học. Tám vạn Bồ tát chuyển được pháp luân bất thoái, tâm từ trải khắp trong các cõi nước, được Phật khen ngợi vì họ đã từng cứu độ vô số chúng sinh thoát khỏi khổ não”.
         Đoạn mở đầu kinh giới thiệu hội Pháp Hoa ở Linh Thứu sơn theo tinh thần Bổn môn. Ngài Trí Giả triển khai rằng núi Linh Thứu tiêu biểu cho thân tứ đại ngũ uẩn của con người. Và Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông cũng nói thân tứ đại này là bốn núi sanh già bệnh chết.
         Thật vậy, thân vật chất chẳng khác gì bốn ngọn núi luôn đè nặng chúng ta từ sanh cho đến già bệnh và chết. Theo Bổn môn Pháp Hoa, trong thân có hai phần quan trọng là Linh và Thứu. Thứu là con chim kên kên ở Ấn Độ thường bay xuống Thi Lâm ăn xác chết và bay lên núi nghỉ, nên gọi là Linh Thứu sơn. Nhưng tu Bổn môn Pháp Hoa, Thứu chỉ cho vọng thức của con người và Linh chỉ cho chơn linh, chơn tâm của chúng ta.
         Lên núi Linh Thứu là khởi đầu chúng ta tu từ thân vật chất và kiểm tra thấy vọng thức, chúng ta cắt bỏ, nhờ đó thân mới được an lạc, cho đến chuyển hóa được 8 Thức trở thành 4 Trí, chơn linh mới xuất hiện, gọi là tâm chơn như.
         Về phần vọng thức, nếu tu Thiền gọi là biển Thức mênh mông. Trên bước đường tu, ai cũng rớt vô biển Thức. Thật vậy, trong lúc tham Thiền là từ thân vật chất hướng nội, tâm được định lần, nên quên mất có thân này, bấy giờ toàn cảnh giới của Thức sẽ hiện ra. Nhưng Thức gần chúng ta nhất chủ yếu là A lại da Thức chứa tất cả những gì thuộc quá khứ của chúng ta. Vì vậy, tất cả quá khứ có đủ trong hiện tại, hiện tại này là hiện tại của Thức. Nếu quá khứ tu được nhiều điều lành thì nghiệp lành này sẽ xuất hiện; ngược lại, nếu tạo điều ác thì nghiệp ác này hiện ra. Hoạt động bên ngoài đóng kín, cảnh giới bên trong sẽ hiện ra gọi là biển Thức, tức thế giới tâm linh mênh mông không có biên giới, trong đó có sóng ngầm, có thủy quái và cuồng phong; đó là ác ma, nhưng không phải ma bên ngoài, không phải cuồng phong bên ngoài, mà là ma và thủy quái trong tiềm thức chúng ta. Chúng ta ngồi yên thì những việc của quá khứ ở trong tiềm thức hiện ra đầy đủ gọi là vọng thức. Trên bước đường tu, phá bỏ vọng thức là điều quan trọng nhất. Vì vậy, có người bên ngoài thấy họ tu tốt, nhưng vì không phá trừ được vọng thức ẩn chứa sâu trong tiềm thức, nên tướng giải thoát không hiện được. Phải phá bỏ hay chuyển hóa vọng thức, nhưng bằng cách nào ?
         Nếu tu Đại thừa, chuyển A lại da Thức thành bạch tịnh Thức bằng cách cái gì hiện ra trong tâm trí, chúng ta cắt bỏ liền, cắt bỏ như vậy thì vọng thức tự mất. Ví dụ trong tâm thức hiện ra ác ma, nhưng chúng ta coi nó là mộng huyễn bào ảnh nên không sợ, không quan tâm, thì nó biến mất. Riêng tôi, quán sát những thứ này là nghiệp duyên quá khứ thì khéo tu Phổ Hiền, Ngài nói trong một niệm thu nhiếp ba đời; nói cách khác, ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai hiện ra trong một niệm tâm. Tất cả quá khứ và tương lai đều hiện ra trong tâm thức. Tu hành hơn nhau ở thấy được quá khứ và tương lai, vì không thấy, tức không biết, ta sẽ gặp nguy hiểm. Thấy rõ như Phật thì ta chưa thấy, nhưng ta có thể thấy lờ mờ. Nghĩa là những gì sắp xảy ra, chúng ta thấy bằng linh cảm, không biết tại sao trong lòng chúng ta nhớ đến điều đó thì cảm thấy hốt hoảng, lo lắng. Ví dụ, sáng nay định đi làm Phật sự nào đó, tự nhiên thấy bất an và có cảm giác việc không thành công; thấy như vậy thì phải cẩn thận. Tuy chân linh chúng ta chưa hiện rõ cho biết, vì còn một phần vọng thức ngăn che, nhưng chân linh đã báo hiệu cho chúng ta rồi.
         Phật dạy rằng chân linh hay chân tánh quan trọng. Chân linh chúng ta sáng là tuệ sanh thì thấy sự việc rõ ràng, không phạm sai lầm; nhưng chỉ có hàng thượng căn thượng trí là Bồ tát thị hiện, hay Thánh Tăng mới được như vậy. Còn chúng ta là phàm phu khó có được cái thấy bằng chân linh. Tuy nhiên, chúng ta có được cái thấy đúng đắn là nhờ giữ giới trong sạch, nên đã khiến cho Hộ pháp long Thiên báo mộng. Điều này dễ có. Các Hòa thượng thường cho biết là những bậc chân tu có Thần minh theo ủng hộ, báo trước điều gì đó trong giấc mơ thì việc xảy ra sau đó cũng đúng như Thần đã báo.
         Hoặc là các vị Thần báo mộng, nhưng không phải đợi chúng ta ngủ mơ mới báo, mà báo trong lúc chúng ta vẫn thức, khiến ta cảm giác có cái gì đó tác động tâm mình. Thật vậy, tâm chúng ta rất linh hoạt, tiếp nhận được tất cả các tín hiệu từ mọi phía. Nếu căn lành và nhân duyên có thì Phật sẽ tác động và nếu tâm chúng ta hoàn toàn thanh tịnh thì nhận được lực tác động rõ ràng hơn. Giáo sư Motai ví thân vật chất của chúng ta như cái Tivi, còn tâm thức chúng ta ví như bộ phận của máy bên trong Tivi. Máy tốt sẽ có được hình ảnh và âm thanh rõ ràng ví cho Phật và Bồ tát. Phật Thích Ca ở Ta bà, nhưng tín hiệu của mười phương Phật truyền đến Ngài dễ dàng, vì Tivi của Phật quá hoàn hảo nên mở máy là nhận được hình ảnh và âm thanh của chư Phật truyền xuống. Trong khi máy của chúng ta không tốt và tâm thức chúng ta còn dao động, nhiễu sóng, cho nên chúng ta chỉ bắt được tín hiệu lờ mờ, hình ảnh và âm thanh không rõ, vì thế chúng ta phải đoán. Riêng tôi, định sáng đi làm việc gì đó, nhưng thấy lòng bất an, nên tôi thường lắng lòng để tiếp nhận Phật lực, cố lóng tai nghe nhưng cũng chưa rõ thì tôi cố đoán. Vì vậy, khi thấy bất an quá, tôi hủy bỏ, không làm, vì đã có điềm không lành báo trước cho mình.
         Tuy nhiên, nếu có việc khó, nhưng ta nhận được tín hiệu của Phật, của Bồ tát hay của long Thiên, thì cứ đi, mặc dù rất nguy hiểm, nhưng chúng ta sẽ hoàn toàn bình ổn. Tín hiệu một mà chúng ta nhận là Phật bổ xứ chúng ta đến đó và chúng ta quyết tâm làm việc đó, dù phải chết. Phật bổ xứ và ta quyết tâm, hai điều này gắn liền với nhau. Người khác thấy sợ và tránh né, nhưng chúng ta không sợ. Tôi nghĩ Phật bổ chúng ta đến làm, nếu ta chết thì xác thân này mất, nhưng chân linh ta về với Phật; như vậy quá tốt, còn sợ làm sao tu.
         Hai là tín hiệu của Bồ tát, hay lực Bồ tát gia bị. Các Bồ tát khuyến khích chúng ta rằng đây là việc tốt, nên làm, các ngài sẽ giúp đỡ. Chúng ta nhận được tín hiệu này, tức có được lực tác động của Bồ tát vô hình và chúng ta cũng quyết tâm làm, đồng thời có người bạn hữu hình cũng đồng tình với mình, thì chết cũng làm. Ví dụ Hòa thượng Quảng Đức tự thiêu vì ngài đã nhận được tín hiệu của Phật rồi, không phải đến pháp nạn mới làm và ngài cũng nhận được sự đồng tình của Bồ tát hiện tại là các bạn đồng tu.
         Các cô làm việc cho chúng và được chúng đồng tình thì cảm thấy nhẹ nhàng; dù có chết thì chết vì Phật pháp là việc bình thường của người tu, mà lại được mọi người kính trọng. Theo kinh nghiệm riêng tôi, trong hoàn cảnh nguy hiểm mà chúng ta vẫn quyết tâm làm vì đạo thì chắc chắn mọi người phải để tâm thương ta, đó chính là sự trợ lực của Bồ tát.
         Thứ ba là chư Thiên, chư Thần báo mộng. Chư Thiên và chư Thần thường tác động qua những người liên hệ với họ là những người hữu hình có quyền thế trên cuộc đời. Ví dụ, Thần có tánh nóng nảy thì sẽ tác động qua vị tướng; cho nên sống làm tướng, chết làm Thần. Tất cả những gì tác động cho nhau đều phải có cùng tần số ngang nhau. Vì vậy, chúng ta tu hành rời tâm thức, không tham, không giận, nên quỷ thần không tác động ta được; vì tâm thức chúng ta không ngang qua họ. Nếu tâm thức chúng ta còn kẹt tham sân si thì tất cả những tâm thức này tác động chúng ta được. Nếu tâm là ma quỷ, tức người đó gian xảo, quỷ quyệt, nhất định ma quỷ tác động họ. Nếu là người trung cang nghĩa khí sẽ được thần minh ủng hộ. Sự tác động của chư Thiên và chư Thần là của thế gian. Còn chúng ta tu hành có hạnh xuất gia và tâm chỉ ngang qua Phật, Bồ tát mà thôi.
         Chúng ta kiểm tra lại biển tâm thức mênh mông, có khoảnh khắc nó phẳng lặng, đứng yên, ta không khởi niệm, không nghĩ gì; nhưng vụt nó nổi dậy. Nổi dậy cái gì ? Trong tâm thức thường nổi dậy gọi là đợt sóng ngầm. Kinh nghiệm tôi tu hành thấy rõ điều này. Đang ngồi lắng yên, bỗng nhiên tôi nhớ lúc mình còn đi học, lúc chưa tu. Do ban ngày mình làm việc, nên những điều này bị đè nén sâu dưới đáy lòng; nhưng khi ngồi yên, biển tâm thức tự động nổi dậy gọi là đất bằng nổi sóng.
         Khi tâm thức nổi sóng, theo tôi có hai cách. Một là chúng ta diệt nó, tức ta trụ tâm lại để cắt bỏ ý nghĩ khởi lên thì nó sẽ biến mất. Tất cả những gì từ thời thơ ấu tốt xấu, phải trái đều hiện ra, tôi liền cắt bỏ. Đức Phật dạy chúng ta lấy 37 trợ đạo phẩm để phá bỏ vọng thức, xem nó tương ưng với đạo phẩm nào thì lấy đó để tiêu diệt đợt sóng ngầm nổi dậy. Và thực hiện pháp Phật như vậy thì trời trong biển lặng, gió lặng mây tan. Nói cách khác, mượn một pháp trong 37 trợ đạo phẩm để an trụ trong pháp này thì vọng thức tan biến. Bất cứ cái gì nổi lên, thì ta diệt; dùng trí Bát nhã quán chiếu, tất cả mọi việc dù từ bao đời hiện ra, đều thấy đó là mộng huyễn bào ảnh, không đáng quan tâm, cho nên cắt bỏ nó dễ dàng, tâm thức theo đó được lắng yên.
         Cách thứ hai tôi thường áp dụng là lấy một việc tốt để xóa bỏ việc xấu. Vì vậy, tôi thường niệm Hồng danh Pháp Hoa, đọc kinh Pháp Hoa Bổn môn để tôi trụ tâm trong đó, thì tôi hình dung được thế giới Phật hiện ra, tức là thế giới chơn cảnh xuất hiện, thay vì để thế giới tâm thức hiện ra vui buồn vinh nhục dẫn mình đi vào sinh tử.
         Còn dùng 37 trợ đạo phẩm, tôi thường rơi vào khoảng trống không của tâm thức và cảm thấy chơi vơi. Tôi mượn cảnh Phật để nương vào, thấy tâm mình ấm áp hơn, không bơ vơ, lạc lõng, vì có đầy đủ hình ảnh thánh thiện thân thương của chư Phật và Bồ tát. Thâm nhập pháp tu này, người ta thường họa ra thế giới Cực Lạc, hay Tịch Quang chơn cảnh.
         Vượt qua thế giới vật chất và chuyển hóa thế giới của Thức, từ ác đi qua thiện, từ dơ thành sạch, mới bước qua thế giới thứ ba là Tâm, hay chơn tâm, chơn linh là Linh Thứu sơn. Tâm đắc yếu nghĩa này, tôi nói trong bài kệ sám Pháp Hoa rằng : Quyết lòng tìm đến Linh Sơn, là tìm tới nguồn cội chân linh để được an lạc giải thoát.
         Tu Bổn môn Pháp Hoa, từ ngọn núi thật là Linh Thứu ở Ấn Độ, chúng ta nghĩ đến ngọn núi của tứ đại ngũ uẩn và chuyển đổi thành núi của tâm thức. Đi vào thế giới tâm thức rồi, thì tụng câu mở đầu phẩm Tựa kinh Bổn môn Pháp Hoa, chúng ta liền thấy có 12.000 Tỳ kheo đắc A la hán và bậc tam Hiền còn đang tu học, 80000 Bồ tát chuyển được pháp luân bất thoái và hơn 70000 chư Thiên, cùng bát bộ Thiên long, v.v… Tu Bổn môn, chúng ta phải có thế giới quan như vậy, tuy ngồi đây như mọi người, nhưng tâm thức chúng ta hoạt động trong Tịch Quang chơn cảnh của Phật. Tu hành thường có suy nghĩ như vậy mới có kết quả tốt đẹp. Tôi đọc kinh nói đến các vị Tỳ kheo hay các vị Bồ tát thì trong đầu tôi liền hình dung ra các ngài. Vì vậy, chúng ta có một thế giới của tâm thức, hay thế giới của kinh Đại thừa. Trong khi kinh Nguyên thủy là thế giới hiện thực. Nếu chúng ta tu trên hiện thực thì căn cứ vào kinh Nguyên thủy. Còn kinh Đại thừa diễn tả tâm thức, thì người sống trên cuộc đời làm sao hiểu được diễn biến tâm thức của tôi, làm sao hiểu được Phật. Phật nhập diệt hơn 25 thế kỷ, nhưng Ngài vẫn tồn tại ở thế giới Tịch Quang là thế giới của tâm thì mới kéo từ quá khứ về hiện tại được. Thật vậy, Ngài Trí Giả nói rằng vào thế giới tâm thức, ngài mới thấy hội Linh Sơn chưa tan. Tụng kinh mà không thâm nhập thế giới tâm thức thì thật là phí công.
         Thế giới tâm thức hiện ra là mở đầu của kinh Pháp Hoa và Phật đã vì hàng Bồ tát nói kinh Vô Lượng Nghĩa và nhập Vô Lượng Nghĩa Xứ định, thân tâm bất động. Trong kinh không nói Vô Lượng Nghĩa kinh là gì, nhưng chúng ta thấy kinh này có ba phẩm nói về đức hạnh, trí tuệ và lợi ích chúng sinh.
         Ba phẩm này gồm cả tam thừa giáo là Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát, tức Thanh văn phải có đức hạnh, Duyên giác phải có trí tuệ và Bồ tát phải làm lợi ích cho chúng sinh. Phật dạy rằng tất cả kinh điển đều không ngoài ba việc làm chính yếu này. Nói chung, tất cả kinh Phật thuyết trong 49 năm là kinh Vô Lượng Nghĩa, hơn 300 hội Ngài nói pháp sai biệt, nên gọi là Vô Lượng Nghĩa.
         Chúng sinh có bao nhiêu trần lao nghiệp chướng, thì Phật có bấy nhiêu pháp đối trị. Vì vậy, không nên chấp kinh nào là nhất, nghĩa nào là cố định. Ngài Nhật Liên chia giáo pháp ra thành giáo, cơ, thời, quốc. Nghĩa là giáo pháp của Phật phải thích ứng với căn cơ, trình độ của chúng sinh và thích ứng với phong tục tập quán của từng nơi. Trình độ chúng sinh thì khác nhau rất nhiều, nên giáo pháp cũng phải có nhiều. Phong tục tập quán của các nước đều khác nhau, nên giáo pháp cũng phải biến chuyển khác nhau.
         Giáo pháp muốn áp dụng được phải đúng lúc; không đúng lúc thì không lưu thông được. Ví dụ, lúc mới giải phóng đất nước, hạn chế tối đa vấn đề phát triển tôn giáo. Lúc đó, phải "tu chui” và cũng không được hoằng pháp.Vậy mà Giáo hội giao cho tôi làm việc hoằng pháp. Tôi cố quan sát xem chỗ nào tới được, người nào gặp được thì mình vẫn giảng pháp được. Có lúc, ở thành phố Hồ Chí Minh không thuyết pháp được, nhưng đến Cà Mau lại giảng được. Vì vậy, thuyết pháp mà không có trí tuệ thì hại mình, hại người, tự chuốc họa vào thân.
         Phong tục tập quán, hay sự liên hệ với quốc gia cũng quan trọng. Có những việc nói ở Mỹ được, nhưng ở Việt Nam không được; vì quốc độ khác, luật pháp khác, không thể nói giống nhau.
         Quốc độ là chỗ chấp nhận Phật pháp thì chúng ta mới nói, nhưng cùng một chỗ mà có lúc chấp nhận, lúc khác lại không được. Khi Phật pháp truyền đến Việt Nam có phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên, thần thánh; nếu dẹp bát nhang thì ai theo. Phật giáo Đại thừa vào Việt Nam thành công là nhờ biết thích nghi với phong tục tập quán của nhân dân ta. Mới giải phóng đất nước có luật khác, đến khi có chính sách Đổi mới, thì luật cũng khác và đến thời đại Hội nhập ngày nay, Việt Nam muốn làm bạn với các nước, lại khác nữa, mới có chủ trương đa phương đa dạng. Phật giáo chúng ta hoạt động trong sự thích nghi với từng thời kỳ sẽ thành công, đừng cố chấp mà hỏng việc và hại thân. Chúng ta nên nhận ra từng lúc, từng chỗ khác nhau và tùy theo đó nói pháp không trái với lời Phật dạy. Trong hơn 300 hội, Phật nói cho vua chúa khác với pháp nói cho Tỳ kheo nay nói cho chư Thiên; vì sinh hoạt, hoàn cảnh và tâm tưởng của mọi tầng lớp người khác nhau, Ngài phải nói pháp sai biệt.
         300 hội Phật thuyết pháp, hay tất cả kinh đều được dung nhiếp trong kinh Vô Lượng Nghĩa. Phẩm 1 kinh Vô Lượng Nghĩa xây dựng đạo đức con người. Phẩm thứ 2 nói về trí tuệ là quán sát nhân duyên của hàng Duyên giác. Phật dạy chúng ta trong Thiền định quán nhân duyên giữa mình và người, nhân duyên ta hiện hữu và nhân duyên rời khỏi cuộc đời này. Như vậy, Thiền quán để phát huy trí tuệ.
         Phẩm thứ 3 nói về Bồ tát đạo là thực hiện sáu pháp ba la mật để làm lợi ích cho chúng sinh. Bồ tát làm việc gì cũng được, miễn có lợi ích cho cuộc đời. Điều này dễ dàng nhận ra trong cuộc sống, nếu ban đầu ta đến chùa mà người nghĩ rằng ta đem phước lạc tới, thì họ mới dọn cơm trắng tàu hủ tươi đãi ta thịnh soạn. Nhưng nếu sau đó, họ thấy ta không làm lợi ích gì thì ta chỉ còn cơm hẩm và rau muống héo! Hành Bồ tát đạo, đến đâu phải đem phước lạc đến đó; không được như vậy thì không nên tới. Ý này được Tổ Quy Sơn dạy là "Xuất một vị tha tác tắc”, nghĩa là Bồ tát xuất hiện hay biến mất đều chỉ vì lợi ích cho mọi người. Tất cả kinh điển Đại thừa đều dạy như vậy, Bồ tát không sống làm gánh nặng cho chúng sinh.
         Ba phẩm này ngầm nói rằng trước khi tu Bổn môn Pháp Hoa, phải xây dựng mình trở thành người đạo đức, người có tri thức rộng và người làm lợi ích cho thế nhân. Được như vậy, mới có Pháp Hoa. Không thể hiện được ba điều này thì tụng bao nhiêu bộ kinh cũng giống như nhai chữ mà thôi.
         Vì vậy, Phật nói kinh Vô Lượng Nghĩa là nói tất cả kinh và nói kinh Pháp Hoa cũng là nói tất cả kinh, thì kinh Pháp Hoa mới là Viên giáo, không phải có kinh Pháp Hoa riêng biệt. Ngài Thế Thân Bồ tát nói rằng kinh Pháp Hoa cũng là kinh Vô Lượng Nghĩa, vì kinh Pháp Hoa dung nhiếp được tất cả. Và nói kinh Vô Lượng Nghĩa xong, Phật phải nhập Vô Lượng Nghĩa Xứ tam muội, nghĩa là nói xong thì Phật phải thể hiện lời nói trong cuộc sống của Ngài, không phải nói suông. Làm được như vậy, Phật mới có tôn danh là bậc Minh Hạnh Túc, tức lời nói và việc làm phải giống nhau.
         Phật nhập Vô Lượng Nghĩa Xứ tam muội, nhiều người hiểu lầm thế giới tam muội này. Nhập định mà 500 cổ xe chạy ngang không biết bị Phật quở tu trở thành cũi mục than nguội như vậy thì uổng phí đời người. Phật dạy ta nhập định để sanh trí tuệ, không phải để thành gỗ đá. Vì vậy, Phật nhập Vô Lượng Nghĩa Xứ tam muội, không phải nhập diệt tận định không biết gì, không giống ai.
         Phật nói rằng đi vào Vô Lượng Nghĩa Xứ tam muội, thấy rõ tất cả mọi việc quá khứ cho đến hiện tại và vị lai, thấy 500 cổ xe phát xuất từ đâu, chở gì và về đâu. 500 cổ xe này theo tinh thần Bổn môn hình dung ra 500 A la hán. 500 vị đắc quả A la hán, hay 500 cổ xe đời chở chất liệu tốt, nên họ tu liền đắc đạo. Một người ví cho một cổ xe đời chở cái gì trong tâm thức họ, thì không ai biết và họ phát xuất từ đâu cũng không biết. Nếu ông thầy độ đệ tử mà không biết nó ăn cướp trốn nợ vô tu, chắc chắn sẽ bị chủ nợ đến gây sự.
         Sư bà Huyền Học lúc còn làm trụ trì chùa Dược Sư kể rằng có một phụ nữ đến xin xuống tóc để tu. Sư bà bảo hãy công quả một thời gian đến lúc nào được mới cho xuất gia. Chỉ một ngày sau, chồng của bà này là sĩ quan chở hai đứa con đến chùa bắt bà về. Nếu không cho về thì ông sẽ bắn chết hai con và bắn ông chết luôn cho coi ! Điều quan trọng là phải quán sát rõ nhân duyên cổ xe chở cái gì và phát xuất từ đâu, nguyên nhân nào thúc giục họ đi tu và tu được hay không.
         Đức Phật vào định Vô Lượng Nghĩa thấy được tất cả diễn biến của cuộc đời và Ngài thấy đúng, nên sáng hôm sau, Ngài mới biết đi đến đâu, độ ai. Phật thuyết pháp ở Lộc Uyển độ năm anh em Kiều Trần Như xong và độ 55 thanh niên dòng họ Da Xá, Ngài mới khuyên 60 vị này đã đắc La hán, mỗi người đi một phương dùng đạo lực giáo hóa chúng sinh, đừng vào Niết bàn uổng phí cuộc đời. Và Như Lai cũng đi một mình một hướng, Ngài đến thôn Ưu Lầu Tần Loa độ ba anh em Ca Diếp. Nơi đây họ chuyên thờ rắn và tự coi mình là Thánh. Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp có ác tâm sai khiến rắn hổ mang hại Phật, nhưng uy đức của Ngài đã cảm hóa được con rắn chúa và Phật cũng độ được ông này cùng với 500 đệ tử của ông. Hai người em của ông là Già Da Ca Diếp, Na Đề Ca Diếp và 500 đệ tử của hai ông cũng xin làm đệ tử Phật.
         Như vậy, chúng ta thấy một mình Phật ngồi yên lặng, nhập Vô Lượng Nghĩa Xứ định, thì 1000 người đến làm đệ tử Ngài. Điều này thể hiện sâu sắc rằng có định lực như Phật là biết rõ nhân duyên nhiều đời của người với Ngài, thì Ngài mới đến độ; cho nên khó đến đâu, Phật vẫn độ được.
         Hoặc trường hợp Phật độ ông Sunita là người hốt phân đắc quả A la hán một cách dễ dàng. Chúng ta thử nghĩ tất cả người hốt phân đều thành A la hán được hay không. Chắc chắn là không được. Riêng đối với ông Sunita, Phật quán nhân duyên thấy đời trước ông là đại Sa môn nổi tiếng được kính trọng; nhưng ông vụt khởi niệm chấp ngã mình là đại pháp sư, nên ông sai thị giả đổ bô phân. Thật ra việc này chẳng đáng chút nào, nhưng đã sanh ra ngã, chúng sinh và thọ giả thì liền thọ quả báo tái sanh làm người gánh phân để trả cái quả đó. Trong Vô Lượng Nghĩa Xứ định, Phật thấy như vậy, Ngài mới đến khai ngộ cho ông và chỉ một đêm tu hành là ông đắc quả A la hán; vì ông đã là La hán rồi, nhưng bị đọa.
         Tin đó đồn đến thành Xá Vệ khiến vua Ba Tư Nặc nổi giận liền đến coi hư thực ra sao. Đến tịnh xá, ông thấy Sunita ngồi Thiền mà hào quang tỏa sáng, ông sụp lạy, nhưng không biết đó là Sunita. Ông vào hỏi Phật cho ra lẽ, có phải Phật cho một người hốt phân làm Tỳ kheo hay không. Vua nói : "Nếu Phật làm đảo lộn như vậy, làm sao chúng tôi có thể kính lạy Sa môn được. Đã quy y Tam bảo mà không lạy Tăng thì không được, nhưng lạy người hốt phân thì khó quá”. Phật mới nói rằng bệ hạ lạy rồi đó !

         Tụng phẩm Tựa kinh Bổn môn Pháp Hoa, chúng ta cần suy nghĩ về kinh Vô Lượng Nghĩa và Vô Lượng Nghĩa Xứ tam muội để hiểu được yếu lý mà thực hành pháp Phật có kết quả lợi lạc cho mình và cho mọi người trên bước đường tu nhân hạnh Pháp Hoa.
Hòa thượng Thích Trí Quảng 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét