Hộ trì Phật pháp là một câu tiếp theo của câu
tuyên dương Chánh pháp, vì có Chánh pháp, chúng ta mới hộ trì. Thật ra chỉ có
Phật mới có Phật pháp, vì Phật là bậc Toàn giác thấy được chân lý và pháp là
chân lý, Ngài đem hiểu biết truyền đạt cho mọi người để họ nhận ra chân lý và
áp dụng trong đời sống để trở thành Hiền thánh.
Như vậy, Phật và Thánh chúng
mới có Phật pháp. Còn chúng ta chỉ đóng vai hộ trì Phật pháp và đó cũng là
nguyện của tất cả Bồ-tát từ mới phát tâm cho đến Bồ-tát Đẳng giác đều hộ trì Phật
pháp.
Hòa thượng Trí Thủ có lời nguyện rằng đời đời kiếp kiếp đều làm quyến thuộc của
từ bi để hộ trì Phật pháp còn mãi trên thế gian làm lợi lạc cho chúng hữu tình.
Lời nguyện này của Hòa thượng cũng là lời nguyện của chư Bồ-tát mà chúng ta cần
phải học; vì đời đời kiếp kiếp làm quyến thuộc của đạo từ bi, nghĩa là chúng ta
tu không phải chỉ một đời, nhưng đời trước chúng ta đã từng phát tâm Bồ-đề,
gieo trồng căn lành, nên đời này mới được mang thân người và có tâm hộ đạo. Và
đời này chúng ta cũng phát nguyện như vậy để kiếp sau không quên, tái sanh lại
thế giới này. Điều này trái với tư tưởng tiêu cực của những người nhàm chán thế
giới đang sống và việc đang làm. Họ muốn bỏ thế giới này để đi tìm việc mới ở
thế giới mới. Thuở nhỏ học pháp môn Tịnh độ, tôi nghĩ thế giới Ta-bà này do
Phật Thích Ca làm giáo chủ. Bậc Đại đạo sư này còn hiện hữu ở đây, nhưng chúng
ta bỏ thầy bỏ bạn để tìm nơi khác thì tôi cảm thấy không yên tâm.
Tôi tự hỏi Phật Thích Ca nhập Niết-bàn rồi, nhưng Ngài còn hay mất. Nếu Ngài
còn thì chúng ta nên tìm Phật Thích Ca. Nếu Phật chết, không còn nữa, thì chúng
ta không tìm Phật Thích Ca và cũng không tu là rơi vô đoạn kiến. Tôi luôn suy
nghĩ và cân nhắc điều này. Đến khi học kinh Pháp hoa, đọc phẩm Như
Lai thọ lượng thứ 16, tôi vụt bừng tỉnh. Như vậy, Phật Thích Ca bất tử, chúng
ta mới yên tâm đi tìm Phật bất tử. Tìm Phật này ở đâu là câu hỏi được đặt ra để
tôi hết lòng tìm Phật cho được.
Bấy giờ, tôi nhận ra được ý nghĩa Phật nói rằng Ta thành Phật ở chỗ này có tên
này, thành Phật ở chỗ khác có tên khác, tùy nhân duyên hoàn cảnh mà Phật hiện
thân giáo hóa và khi hết duyên, Phật thị hiện Niết-bàn. Vì vậy, trong thế giới
sanh diệt, Phật vẫn hiện thân và trong thế giới vô sanh, Ngài vẫn thường trú,
nên có thêm Phật thường trú Pháp thân.
Tôi học Đại học của Nhật Liên tông có đưa ra việc sử dụng tam đại bí pháp để
tu, trong đó có Bổn môn Bổn tôn tức Phật mà chúng ta tôn thờ là Phật bất sanh
bất diệt, Phật thường trú, còn Phật Thích Ca giáng sanh ở Ấn Độ là Phật thị
hiện. Vì nếu Phật không thị hiện trên cuộc đời này, chúng ta không biết đạo
Phật; cho nên Ngài phải mang thân người là thái tử Sĩ Đạt Ta, nhưng bên trong
con người tứ đại của Ngài là Phật. Chính vì vậy mà tâm hồn của thái tử không
giống người thường, Ngài mới thành Phật và trong suốt 49 năm Phật giáo hóa độ
sanh, Ngài thành tựu viên mãn một cách nhẹ nhàng. Đến khi Phật Niết-bàn, Ngài
khẳng định rằng điều đáng nói Ta đã nói, người đáng độ Ta đã độ, việc đáng làm
Ta đã làm. Và Ngài về Niết-bàn sống với thế giới vĩnh hằng bất tử. Kinh Pháp
hoa dạy rằng Phật nói Niết-bàn để cho mọi người sanh lòng khát ngưỡng
mới tìm Phật và tu hành sẽ gặp Phật. Như vậy, Phật sẽ hiện ra cho người có
trồng căn lành, cho người khát ngưỡng Phật pháp, cho người hộ trì Phật pháp
không tiếc thân mạng.
Kinh Pháp hoa nói nếu người vì Chánh pháp không tiếc thân
mạng, Ta hiện ra nói thường ở đây, không nhập diệt. Nghĩa là Phật vẫn hiện hữu,
nhưng vì vô minh vọng kiến ngăn che, chúng ta không thấy Phật, nghĩ là Phật mất
rồi. Vì vậy, người tu quyết tâm thực hành Chánh pháp không tiếc thân mạng, Phật
hiện ra cho người đó.
Giờ nào chúng ta không tiếc thân mạng? Kinh Pháp hoa nói khi
mạng chung là khi phiền não, nghiệp chướng, trần lao chấm dứt thì Phật hiện.
Đức Phật gợi ý rằng khi Ngài hành Bồ tát đạo tên là Thường Bất Khinh Bồ-tát có
nguyện hộ trì Chánh pháp. Ngài gặp chư Tăng thì cung kính đảnh lễ, nhưng hàng
tăng thượng mạn đánh mắng hành hạ Ngài. Như vậy, việc hộ trì Phật pháp không
đơn giản.
Nếu nghĩ phải xây chùa, đúc chuông, làm mọi việc để Phật pháp còn, nhưng khi
Phật pháp suy đồi thì chúng ta có thể làm Phật pháp tồn tại được hay không.
Phật pháp suy đồi, chúng ta gặp tục chúng tăng thượng mạn, tiếm thánh tăng
thượng mạn, đạo môn tăng thượng mạn thì không thể nào hộ trì Phật pháp được. Ta
vì pháp không tiếc thân mạng, nhưng không phải là liều mạng; vì liều mạng là
người vô trí. Tôi nhớ vào năm 1963, một số bạn rủ tôi tự thiêu, tôi cũng bắt
chước ký tên xin tự thiêu; nhưng may mắn tôi gặp một Hòa thượng không biết tên
nói với tôi rằng thầy định tự thiêu phải không. Bao giờ thầy làm được như
Bồ-tát Quảng Đức thì mới nên tự thiêu; không làm được như Ngài, thì nên cân
nhắc. Tôi nghe dạy như vậy thì không nộp đơn xin tự thiêu nữa. Một vị cao tăng
tự khai ngộ cho tôi, muốn tự thiêu được như Bồ-tát Quảng Đức thì phải làm sao?
Chúng ta không biết kiếp trước của Bồ-tát Quảng Đức như thế nào, nhưng trong
kiếp này, Ngài đã có bốn mươi chín năm trì kinh Pháp hoa và
xây dựng rất nhiều ngôi chùa, nhất là Ngài tuyệt đối không làm mất lòng người,
đến đâu Ngài cũng gieo vào lòng người sự tôn kính; đó là hộ trì Phật pháp. Phật
dạy rằng đi tu mà làm não phiền người thì không phải là Sa-môn. Trên bước đường
tu, Bồ-tát Quảng Đức không làm não phiền người. Còn xuất gia tăng thượng mạn
làm não phiền người và cư sĩ tại gia làm não phiền người là ác ma quấy nhiễu
Phật pháp. Họ nhân danh Phật tử, nhưng làm việc của ác ma, hành động, lời nói,
suy nghĩ không giống Phật thì sao là đệ tử Phật được. Giống ma là con của ma,
nhưng nhân danh Phật. Ma này là ma tham, ma giận, ma si mê, ma kiêu căng ngã
mạn… Nếu trong lòng chúng ta còn xem thường người khác, coi chừng bị ma tăng
thượng mạn ám thì có tụng một ngàn bộ kinh Pháp hoa cũng cách
Phật xa.
Người xuất gia hay tại gia đều phải cân nhắc làm gì cho người phát tâm, làm cho
người sanh tâm kính Phật trọng Tăng. Xuất gia tăng thượng mạn là người mang
hình thức xuất gia nhưng làm việc của thế tục, cũng có ham muốn, phiền não
khiến cho người trông thấy phải thoái tâm. Ví dụ có thầy nghĩ đi tu làm Phật sự
là nghĩ phải kiếm tiền xây chùa, đúc tượng, hay bố thí cúng dường. Như vậy coi
chừng rơi vô tăng thượng mạn, dù kiếm tiền lương thiện, huống chi là kiếm tiền
không lương thiện. Tôi luôn cân nhắc ý này. Vì Phật dạy người xuất gia cố tránh
vấn đề liên hệ đến tiền bạc, vì việc này là của cư sĩ tại gia. Người xuất gia
nắm tiền bạc coi chừng bị đọa, rơi vô hàng tăng thượng mạn. Nếu xây chùa, ta
phải mua chịu vật tư của cửa hàng; nhưng xây chùa chưa xong mà chết. Một chủ
cửa hàng là em họ tôi hỏi rằng có một thầy mua vật tư còn thiếu tiền nhưng chết
rồi thì phải làm sao. Tôi bảo rằng chỉ còn cách đến trước quan tài khấn rằng số
thiền thầy thiếu, con cúng cho thầy, thầy yên tâm. Làm như vậy là giải thoát
cho thầy trụ trì và mình được sanh công đức. Còn nhớ đến món tiền nợ mà tức
tối, buồn giận, không đi chùa thì tiền cũng không lấy lại được mà còn bị đọa.
Trên bước đường tu, hộ trì Chánh pháp là việc khó. Ta hộ trì không đúng cũng
tội. Một số Phật tử thấy thầy tu cực khổ thì thương kính cúng dường quá mức,
nhưng ông này hoàn tục, họ không cúng nữa, dù gặp thầy tốt; như vậy là tu hành
từ tâm tốt chuyển thành tâm xấu. Phật dạy chúng ta hộ trì Chánh pháp là khi bố
thí, cúng dường, phải biết bố thí cúng dường cho ai, để người này làm gì. Phật
dạy rằng trong cuộc đời của Ngài có hai lần nhận của cúng dường tuy phẩm vật
nhỏ nhoi, nhưng công đức lớn nhất; đó là bát sữa của cô gái chăn bò và bó cỏ
trải cội bồ-đề của cậu bé chăn bò. Anh này chỉ cúng Phật có một bó cỏ mà được
sanh lên cõi Trời, làm vị Trời tên là Cát Tường thiên, nên cỏ này có tên là cỏ
Cát Tường, vì anh cúng dường đúng đối tượng. Thật vậy, khi Phật Thích Ca sắp
thành Phật, hai người này có duyên lành được dâng cúng Phật thì trải qua suốt
49 năm Phật thuyết pháp giáo hóa được biết bao nhiêu là chúng sinh và giáo pháp
của Phật vẫn còn được mọi người tiếp tục tu học, cho nên công đức đó vẫn được
chia cho hai người này. Còn nếu cúng sai đối tượng, họ hoàn tục không tu nữa,
ta sẽ phiền não, đau khổ, cho đến trong gia đình xảy ra sự bất hòa, thậm chí
làm ăn thất bại; như vậy cúng dường mà rơi vào hoàn cảnh khó khăn thì sẽ không
còn ý thức muốn cúng dường nữa.
Một Phật tử thưa với tôi rằng họ đi phát quà cho người nghèo, khi ra về, không
biết đường đi ra, gặp một người ôm gói quà, mới nhờ người này dắt đường. Họ bảo
phải đưa bao nhiêu tiền thì mới chịu dẫn đường. Ông này tức quá nói rằng con sẽ
không bao giờ đi phát quà cho người nghèo nữa. Trong trường hợp này, bao nhiêu
công đức trở thành tội chướng; như vậy, hộ trì Chánh pháp quả là khó.
Làm sao chúng ta tu hành mỗi ngày tâm chúng ta hoan hỷ, an lạc là đã hộ trì
Chánh pháp. Vì Chánh pháp ở ngay trong lòng chúng ta. Mỗi ngày đem
ý đẹp của Phật vào lòng là chúng ta luôn giữ gìn Chánh pháp trong lòng, không
mất. Nếu Phật trong lòng mình chết thì còn hộ trì cái gì nữa. Niệm
Phật, nhớ Phật; niệm kinh nhớ lời dạy của Phật là hộ trì Phật pháp. Những
gì thực tu được trong lòng chúng ta không ai biết, khác với người hộ trì Phật
pháp theo vọng tâm, bố thí, cúng dường thường khoe khoang. Những người bố thí,
cúng dường, nhưng tâm họ muốn mọi người biết, nếu người không biết thì họ khó
chịu, từ đó sanh ra một nhóm người dụm năm dụm ba nói chuyện phải trái hơn
thua.
Hộ trì Phật pháp bằng cách không nói, bằng cách giữ tâm thanh tịnh, thì người
đó gần Phật, tới với Phật được. Hộ trì Phật pháp là hộ trì trong lòng mình và
trong lòng mình có Phật thì Phật sẽ chỉ đạo cho lời nói, suy nghĩ và hành động
của mình trở thành Chánh pháp. Phật khác với mọi người, tuy Ngài mang thân
người, nhưng thân, miệng và ý của Ngài đều có chư Phật chỉ đạo. Bao giờ lời
nói, suy nghĩ và việc làm của chúng ta được Phật chỉ đạo, chúng ta không phạm
sai lầm; không có Phật chỉ đạo dễ mắc phải lỗi lầm. Phật Thích Ca sáng thức
dậy, Ngài nhập định để tạo mối quan hệ giữa Ngài với chư Phật mười phương, để
Phật mười phương soi sáng tâm Ngài, để Ngài nhận thấy những người hữu duyên mà
đến độ, vì Phật chỉ độ được người có duyên dù là ác duyên hay thiện duyên. Phật
thấy Sunita ở giai cấp thấp nhất trong xã hội Ấn Độ, nhưng ông này có duyên với
Ngài thì Ngài độ ông, chuyển hóa ông từ người hốt phân trở thành Thánh, chỉ cần
bỏ gánh phân xuống là ông đắc quả vị A-la-hán. Phật dạy rằng người thấy nhân
duyên là thấy chân lý, là Phật thì không còn sai lầm. Còn chúng ta sai quá
nhiều, nên không đi lên được mà chỉ đi xuống. Nếu chúng ta đúng được 50% thì
coi như giẫm chân tại chỗ. Tu hành sai ít đúng nhiều, mới thăng hoa được.
Được Phật hộ niệm, lòng chúng ta có Phật thì sáng lên, thấy đúng những việc xảy
ra và quan trọng là phải biết cách ứng xử trong mọi tình huống. Ví dụ thấy rõ
người mà ta thiếu nợ, ta chuẩn bị tiền để trả thì không có vấn đề gì, hoặc có
người đến quấy nhiễu, ta cũng có cách giải quyết êm thắm. Gặp việc đáng mừng
không mừng, gặp việc đáng giận không giận. Không lo nghĩ tính toán, nhưng việc
đâu vào đó, việc tốt tự đến.
Hộ trì Chánh pháp là đầu tiên hộ trì ngay trong lòng ta và từ đó, Phật pháp thể hiện ra cuộc sống. Tấm
lòng là chính, nhưng cuộc sống mới quyết định. Vì vậy, thấy người tốt nhưng
cuộc đời lận đận, chúng ta thường nói người ngay mắc nạn; nói như vậy là ta mới
nhìn hiện tại, không nhìn được quá khứ. Quá khứ gần là nói hùm sói đi tu, tức
người tội lỗi nhiều mới tu; còn thằn lằn cắc ké không tu. Nhiều người nói tôi
ăn hiền ở lành mắc gì phải tu. Tôi quan sát người siêng tu, cúng dường, làm phước,
nếu nhìn xa quá khứ sẽ thấy họ có điều gì u uất trong lòng, họ mới tới chùa lạy
Phật hết lòng. Còn người gặp may mắn, tốt lành, không ai tu. Chỉ có Phật Thích
Ca đang sung sướng mà bỏ ngai vàng đi tu, vì Ngài là Phật hiện thân lại, hay
Bồ-tát tái sanh. Còn đa số chúng ta bị khổ mới tu.
Khi chúng ta hộ trì Chánh pháp ngay trong lòng mình, chúng ta trở thành người
hiền lành, chân thật trong cuộc sống, khiến cho người trông thấy nghĩ là Phật
làm tốt và người quý trọng họ. Rõ ràng người này đã hộ trì Chánh pháp. Tôi có
người chú làm cư sĩ, nhờ ông này mà tôi phát tâm tu. Ông thương vợ, bất chợt vợ
bị chết, ông cất cái am nhỏ tụng kinh để siêu độ cho bà. Tôi may mắn ở trọ với
ông để đi học, nhờ đó tôi được nghe kinh và đi tu. Ông là cư sĩ có cuộc sống
rất thanh bần đẹp đẽ. Một hôm vào sáng sớm, ông bảo tôi tưới rau với ông. Hai
chú cháu ra vườn rau, bỗng ông kéo tôi núp vào bụicây, không cho tôi nói, tôi
không biết gì cả. Lúc đó, tôi trông thấy người hái trộm rau. Ông bảo người này
rất quen, nếu bị phát hiện, họ sẽ xấu hổ. Vậy để họ lấy rau đi rồi, mình hãy
ra. Sau này, người đàn bà hái trộm rau biết ông tốt như vậy, mới thú nhận tội
lỗi của mình và xin được hầu hạ ông suốt đời. Ông mỉm cười không nhận. Như vậy,
làm việc tốt cho người phát tâm chính là hộ trì Chánh pháp.
Tóm lại, ta làm được một việc tốt là ta hộ trì Phật pháp ở ngay trong lòng ta
và ở trong lòng người cũng phát tâm là chúng ta có thêm một người bạn. Cứ như
vậy mà có nhiều người tu trên cuộc đời là Phật pháp còn sống động. Rộng hơn nữa,
ta làm cho xã hội tốt là thay Phật làm lợi lạc chúng hữu tình, là hộ trì Phật
pháp tốt hơn nữa. Còn làm ngược lại là phá pháp thì cuộc đời sẽ đi xuống. Mong
rằng tất cả Phật tử trong đạo tràng đều phát tâm tu hành, hộ trì Chánh pháp còn
mãi trên thế gian này lợi lạc cho mọi người.
HT. THÍCH TRÍ QUẢNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét