Tìm kiếm

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Bài giảng của Hòa thượng tôn sư: Khắc phục nghiệp, giữ chánh niệm, trụ chánh định

Trong mùa an cư, chúng ta đi theo con đường Trung đạo của Phật dạy, nghĩa là không sống khổ hạnh thái quá cũng không sống bất cập. Nếu ép xác quá độ, cơ thể chúng ta sẽ bị bạc nhược thì dù có nội lực, trí tuệ cũng không phát sinh được. Đó là kinh nghiệm của Đức Phật khi Ngài tu khổ hạnh đến mức da bụng dính với xương sống,
cho nên các tế bào bị bỏ đói đã hành hạ thân thể Ngài đau nhức. Riêng tôi cũng có phần nào kinh nghiệm này, các tế bào trong cơ thể con người có những đòi hỏi riêng mà chúng ta không đáp ứng ở mức tối thiểu thì thân chúng ta sẽ sinh bệnh và tâm chúng ta không yên, không phát huệ được.
         Vì vậy, trên bước đường tu, không nên ép xác, khổ hạnh; nếu chúng ta vượt quá mức dinh dưỡng cho phép, chắc chắn cơ thể bị suy kiệt. Trong cơ thể của con người, không phải chỉ có tế bào đói; nếu bao tử đói mà ta không điều chỉnh được, nó cũng hành hạ chúng ta không kém. Riêng tôi, trong thập niên 50, lúc mới thọ Sa di, đọc trong luật có câu của Tổ dạy không được ăn phi thời, tức sau giờ ngọ không được ăn. Vì thế, tôi quyết tâm chỉ ăn một bữa, không ăn chiều. Nhưng trong lúc cơ thể đang ở độ tuổi phát triển mà vụt cắt ngang, nhịn đói như vậy, dịch vị trong bao tử tiết ra khiến mình khởi ý niệm thèm ăn và khi thèm ăn thì nước bọt trong miệng lại tiết ra. Theo quy luật, hai thứ nước này có tác dụng làm tiêu hóa thức ăn để biến thành chất dinh dưỡng nuôi cơ thể mình, nhưng bấy giờ, vì nhịn đói, không có thức ăn, nên nước bọt  và dịch vị tác động ngược lại bao tử, bào mòn bao tử, khiến tôi cảm thấy luôn đau ngầm ngầm trong bụng. Vì tu khổ hạnh không đúng phương pháp như vậy, cho nên đến ngày nay bao tử tôi cũng bị yếu. Tôi hỏi thăm các vị Hòa thượng tu khổ hạnh đều bị đau bao tử. Kinh nghiệm của tôi và người đi trước như vậy, nên tôi nhắc quý sư quyết tâm tu, nhưng điều chỉnh không khéo, phạm sai lầm, sẽ dẫn đến bệnh đau bao tử và nhiều bệnh khác nữa khiến chúng ta khó tiến tu.
Các sư muốn áp dụng đúng pháp Phật dạy, đầu tiên phải kiểm tra lại cơ thể và kiểm tra nghiệp để điều chỉnh. Mùa an cư, chúng ta có điều kiện làm việc này; vì nhờ kiết hạ an cư, chúng ta học được những phương pháp tu hành và những kinh nghiệm của người tu trước, không phải chỉ học giáo lý. Biết được kinh nghiệm của người tu trước rất có lợi cho chúng ta; vì thầy tổ đã áp dụng Phật pháp và có phần đúng phần sai, nhờ đó chúng ta tránh được những sai lầm mà các ngài đã phải trả giá.
Nghiên cứu kỹ các pháp tu, tôi nhận thấy Tổ Thiên Thai dạy rằng không ăn quá nhiều cũng không ăn quá ít và không ăn những gì không thích hợp với cơ thể mình. Bấy giờ mới nhận ra nghiệp của ta và có hai cách giải quyết, một là khắc phục nghiệp. Nếu khắc phục không được thì phải thỏa hiệp, nghĩa là phải sống chung với nghiệp như thế nào cho được an ổn. Ví dụ hai huynh đệ có tánh trái ngược nhau mà sống chung với nhau thì phải xung đột, cho nên khắc phục bằng cách diệt nó, hay bỏ đi. Nhưng thực tế không thể nào diệt được, cũng không bỏ đi được, thì chỉ còn cách phải thỏa hiệp để mình có thể sống chung với họ mà không bị buồn phiền, hay là ít bị phiền não. Con người cần ăn để nuôi dưỡng mạng sống, nếu không ăn sẽ đói, sẽ bệnh; cho nên, ta phải thỏa hiệp với nghiệp đói này bằng cách không được bỏ đói nó, nhưng ta cũng không ăn nhiều. Ta có thể hóa giải nghiệp đói một cách đơn giản là buổi chiều, khi đói, có thể ăn nhẹ, như ăn vài miếng bánh để nước bọt và dịch vị tác dụng vào bánh thì sẽ không bào mòn bao tử mình, không gây khó chịu cho mình. Tôi thường sử dụng cách thỏa hiệp với nghiệp, lắng lòng để thấy được nghiệp và hóa giải để nó không gây trở ngại cho mình, thì mình yên thân, mới tiến tu được.
Nếu đã thành bệnh, hay trước khi tu đã có bệnh là túc nghiệp, như người bị bệnh tiểu đường thì một ngày ăn một bữa được hay không? Nếu vì ăn một bữa mà bữa trưa phải ráng ăn nhiều thì đường lên cao, nguy hiểm; nhưng nếu để đói mà đường hạ thấp dưới 70 cũng bị ngất xỉu. Khi còn sinh tiền, Hòa thượng Siêu Việt kể với tôi rằng ngài tu theo Nam tông ở Campuchia, nếu ăn chiều thì các sư coi như mình phá giới, không được công nhận là sư, nên Hòa thượng phải cố gắng nhịn ăn chiều và ngài đã bị ngất xỉu vì lượng đường xuống thấp. Thiết nghĩ đối với người bị tiểu đường phải ăn nhiều lần, nhưng có thể ăn ít và ăn đơn giản, không nên ăn nhiều một lần để điều hòa cơ thể. Tôi đã áp dụng phương pháp ăn gạo lứt muối mè, vừa học vừa ăn vài muỗng cơm, vài tiếng lại ăn thêm vài muỗng cơm; cho nên tôi giữ được lượng đường ổn định. Điều chỉnh cơ thể như vậy thành quen, ngày nay tôi không ăn nhiều được nữa và lượng đường trong cơ thể tôi không bao giờ tăng hơn 100. Những lúc tôi làm việc nhiều mà không ăn đầy đủ thì lượng đường bị hạ xuống dưới 70, tôi cảm thấy chóng mặt, lúc đó chỉ ăn vài miếng bánh là giải quyết ổn thỏa tình trạng này.
Chúng ta còn thân tứ đại, việc đầu tiên là phải thỏa hiệp với nghiệp của thân, nhưng không cho phép nó đòi hỏi quá đáng. Những đòi hỏi hợp lý cho sự sống còn của thân mạng này theo quy luật tự nhiên của thân người, tất nhiên chúng ta phải chấp nhận để sống chung được với nghiệp thân, nhờ vậy mới tu được.
Tuy nhiên, đối với người có cơ thể tốt, tức không có nghiệp thì một ngày ăn một bữa vẫn tốt và tu cao thì hai, ba ngày mới ăn một bữa cũng không sao. Các thiền sư với nếp sống thật thanh đạm, tuy hơi gầy, nhưng các ngài đã thích nghi với đời sống phạm hạnh và vẫn khỏe mạnh. Mỗi người có một nghiệp riêng, phải tự tìm ra nghiệp của mình và tự khắc phục. Trong những vị tu cao và cơ thể đặc biệt thì có vị suốt đời không ăn cơm cháo, không ăn thực phẩm nấu chín, mà chỉ ăn rau quả tươi, nhưng vẫn khỏe. Chúng ta phải chấp nhận họ hơn ta một bậc. Thỉnh thoảng tôi gặp các thiền sư cả đời không tắm, nhưng ta không nghe mùi hôi từ họ toát ra. Họ không tắm hay tắm khô, nghĩa là chỉ cần phủi các tế bào chết trên da rớt xuống. Còn tôi một ngày không tắm thì thấy khó chịu, không thiền được, không ngủ được. Hoặc một tuần mà tôi không cạo tóc, để tóc dài cảm thấy khó chịu, nhưng có người tu cả đời không cạo tóc, đầu họ đóng một lớp da dày có thể gỡ rớt ra từng mảng. Tôi có cảm giác họ không lệ thuộc cuộc sống nhiều như chúng ta. Theo tôi, tu hành hơn nhau ở điểm không lệ thuộc cuộc sống. Làm thế nào càng ít lệ thuộc đời sống vật chất càng tốt; trước tiên là không lệ thuộc việc ăn uống, ăn ít và ăn gì cũng được. Còn có nghiệp thì phải kiêng cữ đủ thứ, ăn những thứ đụng vô nghiệp mình là không được. Ví dụ bị nhức mỏi thì cữ ăn củ cải, cữ ăn măng tre; nhưng tôi thấy các thiền sư Nhật thường xuyên ăn củ cải vì củ cải có nhiều đường, nên họ không cần phải ăn cơm nhiều nữa và măng tre có nhiều dinh dưỡng, nên chỉ ăn một mầm măng là nhịn được một ngày không thấy đói, vì họ không có bệnh nghiệp. Đời sống vật chất của  bậc chân tu đơn giản, nên họ được tự do, tức giải thoát. Ý nghĩa giải thoát của đạo Phật là không lệ thuộc. Đầu tiên chúng ta tránh lệ thuộc vật chất. Tuy tiện nghi vật chất tốt, nhưng nếu ta để lệ thuộc nó thì không tốt; vì sống có tiện nghi quen rồi, đến khi không có tiện nghi sẽ cảm thấy bực bội, không sống nổi, thậm chí sinh ra bệnh hoạn về thân lẫn tâm. Như vậy, tự nhiên tạo cho mình cuộc sống bị trói buộc vào tiện nghi vật chất để không được giải thoát.
Người tu phải cố gắng thực tập việc cắt bỏ càng nhiều càng tốt sự lệ thuộc vật chất. Đối với tu sĩ, việc học tuy cần, nhưng việc tu cần hơn. Để tránh sự lệ thuộc vật chất, trong mùa an cư chúng ta có điều kiện thực tập thuận tiện hơn. Thật vậy, trong mùa an cư, các thầy tu hành không phải bận bịu lo lắng bất cứ việc gì, vì đời sống vật chất tuy không dư nhưng cũng không thiếu. Vì vậy, chúng ta có thể cắt đứt ngay ý nghĩ phải lo toan cuộc sống vật chất và tiến lên, chúng ta cắt đứt luôn mối quan hệ với xã hội, vì trong trường hạ đã có sự phân chia công việc cho các ban; cho nên chúng ta không cần phải tiếp xúc với ai, để dành trọn thì giờ cho việc thực tập pháp Phật. Tôi để ý thấy một số thầy vào trường hạ mà không lo tu. Đáng lẽ các thầy được quyền không tiếp xúc để chuyên tu, nhưng lại tìm bổn đạo nói chuyện thế gian; nếu làm như vậy, coi như đã hư hạ. Theo kinh nghiệm riêng tôi, những trường hạ nghiêm túc thường sắp xếp cho chư Tăng an cư có đời sống riêng biệt với sinh hoạt bên ngoài. Điển hình như tịnh xá Ngọc Viên sắp xếp khu nội Thiền của chư Tăng cấm túc an cư, không cho Phật tử vào và chư Tăng phát nguyện an cư không quan hệ với bất cứ ai, chỉ lo tu, không bận tâm đến điều gì, chỉ bận tâm đến việc khắc phục ba nghiệp của mình, chỉ để tâm vô giáo pháp để có được một sở đắc nào đó. Ở đạo tràng an cư này, chúng ta không tổ chức được khu nội Thiền riêng biệt, vì khuôn viên có giới hạn, nơi chư Tăng ở và chùa kế nhau, nên quý vị an cư không muốn thấy những việc diễn ra trước mắt cũng phải thấy, không muốn tiếp xúc với Phật tử cũng phải chào hỏi, nên tâm khó thanh tịnh. Theo tôi, trong trường hợp như vậy, quý sư nên ở yên trong phòng để đọc sách hoặc tham thiền.
Nhờ đọc sách và tham thiền, giữa tâm mình và cuộc đời có sự cách ly, giúp cho mình yên tĩnh lần, từ đó mới quay ngược về thế giới Phật để quán sát. Tôi cảm giác có một lằn ranh giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần, mà đời sống vật chất được cắt bỏ thì đời sống tinh thần mới thăng hoa được. Còn kẹt vào đời sống vật chất cho đến mức hư hạ là vẫn an cư ở đây, nhưng trong lòng nghĩ đến bổn đạo, nghĩ đến tịnh xá của mình không biết bây giờ ra sao. Nếu phạm sai lầm như vậy nhiều lần, người đó chỉ còn thân xác là Tỳ kheo, nhưng linh hồn Tỳ kheo đã mất rồi.
Tâm của thầy Tỳ kheo phải luôn giữ chánh niệm và sống trong chánh định, mới được Phật hộ niệm. Điều này rất quan trọng, cho nên đối với thầy Tỳ kheo, tịnh là thiện và động là ác. Vì vậy, Tỳ kheo không để cho tâm động lên. Thực tế cho thấy các vị thầy tổ của chúng ta tuy học ít, nhưng các ngài tu cao hơn chúng ta nhiều; điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ. Tôi phát hiện ra rằng vì chúng ta học rộng, học nhiều quá; cho nên trong tiềm thức chúng ta chứa quá nhiều dữ kiện thì mình sẽ có nhiều đợt sóng ngầm hơn. Ý này được Phật dạy rằng người biết nhiều thì khổ nhiều, không biết thì không khổ là không khổ tâm. Đây là sự thật. Tôi nhớ rằng lúc đất nước mới giải phóng, đời sống còn nhiều khó khăn ở mọi mặt. Có các thầy biết nhiều thấy tôi tỉnh bơ, mới nói rằng chết tới nơi mà không lo. Nhưng vì tôi không biết "Chết tới nơi” nên tôi không khổ, mà vẫn thanh thản. Và khi thanh thản thì lại không chết, mới là kỳ diệu. Lúc đó, nếu tính toán, sợ hãi thì sẽ bị nghi ngờ là mình tu giả và có lén lút làm điều gì đó nên mới sợ. Không sợ và thanh thản thì họ lại nghĩ về mình tốt hơn, kinh nghiệm tôi nhận ra như vậy.
Tỳ kheo không biết việc thế gian, không khổ tâm cũng không khổ thân, nên hiện ra thân tướng Tỳ kheo thanh thản. Người ta thấy mình như vậy thì cũng không đặt vấn đề, không gây khó khăn phiền hà cho mình. Lúc đó, tôi vẫn giảng kinh thuyết pháp một cách vô tư. Những gì mà người ta không muốn mình nói thì không nói, chẳng hề gì, mọi việc đối với tôi hoàn toàn đơn giản, hoàn toàn thanh thản, vì đã nhận thấy được thật tướng của sự việc ở thời điểm đó, ở hoàn cảnh đó phải như vậy, không thể khác; đó chính là tinh thần tùy thuận thế duyên vô quái ngại để hành đạo tự tại ở thế gian này vậy. Xưa kia Đức Phật thuyết pháp giáo hóa cũng phải tùy phương tùy tiện, tức là tùy theo thời gian và quốc độ cùng đối tượng mà Ngài nói các pháp tương ưng với nghiệp lực của chúng sinh; cho nên trong hơn 300 hội thuyết pháp của Đức Phật không có pháp nào cố định cả.
Chánh niệm và chánh định là đặc tính quan trọng nhất của Tỳ kheo mà tôi muốn nhắc nhở quý vị. Vì nếu tu sĩ luôn sống trong sự lo lắng, hốt hoảng, buồn phiền là đã làm cho những đợt sóng ngầm trong tâm thức của mình phát triển mạnh, chắc chắn sẽ rơi vào cách sống của phàm phu.
Tôi còn nhớ một vị thiền sư Nhật Bản đã nhắc tôi rằng nếu phải đối trước một hoàn cảnh bức ngặt mà Thầy Tỳ kheo vẫn giữ được chánh niệm, họ có thể sống hoặc có thể chết; nhưng chết trong chánh niệm thì chết mà không chết, nghĩa là trở thành con người bất tử. Tỳ kheo thực tu hơn nhau ở sở đắc đó. Con người bất tử không bị hoại diệt, còn xác thân tứ đại này thì trước sau gì cũng phải bỏ. Thân tứ đại chết, nhưng Pháp thân Bồ tát hay thân chánh niệm mới là thân chính yếu của chúng ta không bao giờ bị hoại diệt. Nói cách khác, chúng ta chết xác thân này, nhưng vẫn sống hằng hữu trong chánh niệm. Cho nên người tu  coi nhẹ việc sống chết, quên cái chết, vì họ đang sống trong chánh niệm. Nếu sống ngoài chánh niệm, sống ngoài chánh định thì sẽ có sống có chết, nên họ ham sống và sợ chết, như vậy là chưa vào đạo. Mất chánh niệm và chánh định thì Pháp thân Bồ tát, hay bản chất của Tỳ kheo không còn, lúc đó chỉ còn thân xác nhưng không có hồn và Tỳ kheo không có hồn, nên tâm thường tán loạn. Điều này biểu hiện qua đôi mắt thường láo liên và miệng ưa nói những việc vô ích, người này tuy biết, nhưng hiểu biết nhiều việc thế gian thì chẳng có lợi gì cho việc tu hành, mà chỉ càng làm phiền toái thêm cho họ mà thôi.
Tôi nhắc nhở các sư trẻ tuổi ngày nay được học nhiều và tham gia các sinh hoạt xã hội. Sinh hoạt ngoài xã hội thể hiện tinh thần hòa quang đồng trần, tức phải sống cho phù hợp với thế nhân; nhưng điều quan trọng đừng quên mình là thầy Tỳ kheo phải có chánh niệm. Vì vậy, dấn thân vào đời, làm những việc xã hội xong, phải trở về ngôi nhà tâm linh của mình để rửa sạch những bụi nhơ này. Thực tế cho thấy các Phật tử thường kính trọng các nhà sư chánh niệm, chánh định dù các sư này không biết việc đời; nhưng họ không thể kính trọng ông sư sành đời, cái gì ngoài xã hội cũng biết. Đối với người chân tu, việc đời không cần học, không cần để tâm.
Giữ được chánh niệm, chánh định, chúng ta mới có huệ giải thoát và lấy đó làm tư lương cho mình trên bước đường tu. Người đời rất cần tuệ giác của thầy Tỳ kheo. Thật vậy, các nhà sư có chánh niệm, chánh định thì nhất định có được tuệ giác dù cao hay thấp mà người đời thường tìm đến để hỏi những điều huyền bí. "Có ly dục mới rõ điều huyền bí”, một vị chân tu đã nói câu này. Thầy Tỳ kheo hiểu được những điều huyền bí là hiểu được việc quá khứ và vị lai của người khác mà chỉ có chánh niệm mới biết được. Ở Nhật Bản, tôi đã gặp vị thiền sư mù mắt, nhưng khi tiếp xúc với ngài, nghe âm thanh tôi nói mà ngài đoán được vận mạng tương lai của tôi chính xác đến 70%; vì Ngài sống trong chánh định, có chánh niệm mới phân biệt được âm thanh, biết được quá khứ của mình như thế nào mà đời này mình có âm thanh giọng nói như vậy và dẫn đến tương lai sẽ như thế nào. Những hiểu biết như vậy của bậc chân tu đạt được nhờ giữ chánh niệm và sống trong chánh định, không phải là thầy bói thầy tướng.
Hiểu biết của thầy Tỳ kheo chánh niệm thuộc trực giác, thấy rõ vận mạng của người.  Phật, A la hán hay các thầy tổ đều có thấy biết chính xác, ngày nay chúng ta kế thừa đạo nghiệp của các Ngài thì phải đi theo con đường các Ngài đã trải qua; đừng đi ngược lại, đi vào con đường thế gian để có kiến thức thế gian, ta không thể hơn người đời.

         Tóm lại, trong mùa an cư, quý thầy cố gắng khắc phục nghiệp của mình. Nếu có thân nghiệp bệnh hoạn thì phải biết cách sống thỏa hiệp với thân để giải trừ bệnh nghiệp. Ngoài ra, nỗ lực khắc phục nghiệp của tâm để giữ được chánh niệm và sống trong chánh định. Thành tựu được như vậy, chúng ta có thể biết rõ điều huyền bí của muôn sự muôn vật, đó là điều mà người đời cần ở thầy Tỳ kheo hơn là cần những thứ có trong sách vở. Chúng tôi mong rằng sau mùa an cư, hành trang của mỗi vị Tỳ kheo mang theo mình trong những tháng ngày tiếp theo trên con đường cứu khổ độ sinh là chánh niệm và chánh định.
Hòa thượng Thích Trí Quảng 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét