Theo Bổn
môn Pháp Hoa, lễ Phật theo hình thức là phần phụ, phần tâm linh mới là chính
yếu, tức chúng ta mượn hình thức bên ngoài để biểu lộ tâm bên trong. Vì vậy,
khi chưa có độ cảm về Phật, chưa thấy Phật thì lễ Phật không sanh công đức,
không phải là tu Bổn môn. Trái lại, có độ cảm sâu về Phật, dù chưa lạy, nhưng
tâm đã lạy, thì đã sanh công đức, nên thấy Phật trong chiêm bao.
Bắt đầu
lạy Phật, ta nhìn tượng Phật bằng đồng, hay bằng giấy, nhưng ta phải quán tưởng
để có độ cảm. Cho nên, trước khi lạy, chúng ta thường đọc:
Năng lễ sở lễ tánh không tịch
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì
Ngã thử đạo tràng như đế châu
Thập phương chư Phật ảnh hiện trung
Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền
Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ.
"Ngã thử đạo tràng như đế châu”, nếu hiện tượng này không có, thì trong
lòng chỉ lạy Phật bằng đồng một lúc sẽ cảm thấy ngán và không thâm nhập được
đạo tràng vô tướng, nên lâu ngày sẽ nhàm chán và xem thường tượng Phật. Vì vậy,
lễ Phật bắt buộc phải quán tưởng. Bắt đầu từ đạo tràng hình thức, nhưng lần vào
đạo tràng vô tướng, chúng ta tưởng gì trong tâm thì cái đó sẽ hiện ra, ví như
vua Trời Đế Thích cai quản 33 tầng trời, trong đó, các chúng sinh thiện ác ngài
đều thấy được qua mạng lưới. Ngày xưa, ông vua đội chiếc mũ có hàng xâu chuỗi
thòng xuống trước mặt giống như cái mạng lưới; đó là kiểu mũ của vua Trời Đế
Thích. Khi vua nhìn vô mạng lưới này, thấy được tất cả chúng sinh hiện ra đầy
đủ. Vì vậy, người ta ví người lạy Phật như vua Trời Đế Thích nhìn vô hạt châu
thấy tâm của chúng sinh hiện ra. Còn người lạy Phật và cảm Phật, thấy được Phật
hiện ra trước mặt mình.
Bằng tấm lòng thành, mười phương Phật hiện ra và chúng ta cảm vị Phật nào thì
vị Phật đó xuất hiện. Nhờ vậy, ta đối diện trước Phật, mới sanh tâm kính trọng
Phật thì mới lạy Phật được. Người lạy Phật mà thấy Phật hiện ra sẽ sanh công
đức rõ ràng. Đó là lạy Phật không mệt không chán; còn lạy suông thì cảm thấy
chán và mệt, nên trốn lạy Phật. Khi chưa thâm nhập đạo tràng vô tướng, lạy Phật
cảm thấy nóng nực và mệt mỏi. Còn thâm nhập đạo tràng vô tướng thì lạy Phật
quên cả nóng lạnh và bấy giờ ta đối trước một Phật cho đến mười phương Phật,
tâm chúng ta nghĩ đến Phật nào thì Phật đó hiện ra; đó là điều kỳ diệu của
người tu. Thậm chí có bao nhiêu Phật, chúng ta có bấy nhiêu thân để lạy; đó là
điều Phổ Hiền Bồ tát dạy. Vì vậy, tâm chúng ta lạy một lạy, nhưng lạy được vô
số Phật. Tâm tưởng của chúng ta vô cùng quan trọng.
Người tu muốn đạt kết quả tốt đẹp, ngài Nhật Liên dạy phải thâm nhập đạo tràng
vô tướng, lúc đó tất cả mọi sinh hoạt bên ngoài không tác động chúng ta. Không
thâm nhập đạo tràng vô tướng thì tu cùng kiếp cũng là con người kẹt trong nhân
quả thiện ác.
Vào vô tướng đạo tràng, Thiền gọi là vào cửa Không, đó là cánh cửa giữa trần
tục và Niết bàn. Người tu Thiền từng bước chân chậm rãi đi vào Tịnh độ là vào
cửa Không, trần duyên không còn và đi mãi đến vô cùng tận, bỏ lại phía sau trần
tục. Vào cửa Không của Thiền, hay vào đạo tràng vô tướng, hoặc vào Tịnh độ, tuy
ba nhưng là một. Vì vậy, Thiền và Pháp Hoa là một. Pháp Hoa và Tịnh độ cũng là
một; vì tâm vào Tịnh độ thì Ta bà phải dứt, còn không vào Tịnh độ được, tức
không vào vô tướng đạo tràng, niệm Phật không được gì.
Pháp Hoa vào vô tướng đạo tràng; tu Tịnh độ vào Tịnh độ và tu Thiền vào cửa
Không, ba pháp tu này là một. Cho nên, Phật nói trong kinh Pháp Hoa,
phẩm Thí dụ thứ ba rằng người tu có ba xe là Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát,
nhưng khi đến được bãi đất trống là vô tướng đạo tràng, hay là cửa Không, hoặc
là Tịnh độ, thì tất cả đồng lên đại bạch ngưu xa, tức có khả năng ra vào ba cõi
chín tầng trời đều tự do tự tại, vượt ngoài nhân quả thiện ác. Chưa thoát ra
nhân quả thì còn phải thọ quả báo.
Các Bồ tát đã ra ngoài tam giới, nên thiện ác đối với các ngài là một. Bấy giờ,
Bồ tát làm ác để cảnh báo người ác, vì tâm Bồ tát không ác. Điều này được nhắc
đến trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài gặp vua Vô Yểm Túc làm
toàn những việc ác như chặt tay, móc mắt tội nhân; nhưng khi vua gặp Thiện Tài
thì dẫn ông vào đạo tràng vô tướng và Thiện Tài thấy vua Vô Yểm Túc là vị Bồ
tát lớn, khiến Thiện Tài vội sụp lạy để cầu pháp. Vô tướng đạo tràng và hữu
tướng sinh tử, hai trạng thái này hoàn toàn khác nhau.
Và qua vô tướng đạo tràng rồi, ngài Nhật Liên bảo không tụng 28 phẩm kinh Pháp
Hoa, mà chỉ tụng năm chữ đề mục Diệu Pháp Liên Hoa kinh, hay Án ma ni
bát di hồng, vì thần chú này có nghĩa là Diệu Pháp Liên Hoa, thể hiện con người
có thân trong sạch như hoa sen và tâm sáng như minh châu, nên có đạo lực trấn
át được tất cả. Riêng tôi, tuy tu chứng có giới hạn, nhưng tôi nhìn người điên
khùng và đọc Án ma ni bát di hồng, hoặc niệm Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa kinh,
thì họ tỉnh lại và khép nép trước tôi. Từ kinh nghiệm này, tôi hiểu được Bồ tát
Quan Âm dùng thần chú này để trấn Tề Thiên 500 năm ở dưới Ngũ Hành sơn là nghĩa
này.
Vào vô tướng đạo tràng, chỉ tụng năm chữ Diệu Pháp Liên Hoa kinh mà Ngài Nhật
Liên bảo rằng thấy được hằng sa chư Phật từ chơn như thật tướng hiện ra; đó là
tu Bổn môn Bổn tôn.
Trước nhất, lễ Phật rất quan trọng, để tạo độ cảm giữa mình và Phật, vì có cảm
mới có ứng. Và cảm Phật có nhiều cách, như Thiền sư Nhất Hạnh nói ta đi tìm Thế
Tôn, không biết Phật đang ở đâu, nhưng ta tin tưởng Phật không chết, nên để tâm
đi tìm. Vì vậy, Thiền sư áp dụng Thiền hành; nhưng nếu nói đi không có mục tiêu
không tới, là hiểu sai về Thiền. Tuy tâm không vướng bận thế gian, nhưng tâm
thiền sư hướng về đâu ? Chủ yếu theo Phật giáo, phải hướng về Phật, mà có người
nói là tìm Phật, hay tìm tâm. Vậy tâm chúng ta là gì, Phật là gì, đó là thoại
đầu mà thiền sư suy nghĩ. Người tu Thiền đi chậm từng bước có cảm giác đi vào
Tịnh độ, tìm Phật trong Tịnh độ. "Độ” là tâm, "Tịnh độ” là cảnh giới
của tâm trong sạch. Từng bước đi vào cảnh giới thanh tịnh của tâm lành là tu
Thiền. Còn tu Pháp Hoa thì chúng ta lễ bái, cho nên chúng ta phải có đối tượng.
Bước đầu, quý Thầy phải tìm tượng Phật để lễ lạy. Riêng tôi tìm tượng Phật có
hảo tướng giúp tôi có độ cảm, nghĩa là mượn tượng Phật để cảm Phật.
Trước kia, tôi không sử dụng tượng Phật, nhưng khi Thiền, tôi bắt tâm tập trung
vào một vấn đề gì đó để tâm không chạy bên ngoài. Ví dụ, nhìn tách trà và tập
trung vào đó, không cho nghĩ gì khác thì đó cũng là một cách tu, hoặc có vị tập
trung tâm ở sống mũi, v.v... Tất cả các pháp này tôi đã thực tập. Nhưng về sau,
tôi nhận thấy khi nhìn một tượng Phật đẹp, thì dễ có độ cảm và độ cảm của mình
cao hơn. Lâu ngày, tôi có cảm giác rằng tượng Phật này trở nên sống động. Từ
tượng Phật bằng đá, hay bằng đồng, hoặc bằng tranh, nhưng nhìn lâu sẽ có cảm
giác tượng Phật và ta có sự gần gũi và đôi mắt của tượng Phật nhìn ta như sáng
lên; đó là do độ cảm mà thấy tượng Phật như vậy. Thiết nghĩ nếu lễ Phật, nhưng
không có độ cảm về Phật, thì tu hành ít có kết quả.
Vì vậy, khi lạy Phật và ca ngợi Phật, vì chúng ta đã có độ cảm, mới thấy Phật
có tướng hảo và quý báu như thế nào, chúng ta mới nói: Chúng con đảnh lễ chí
thành quy y. Tôi thấy những người lạy Phật theo công thức, hay bị bắt buộc lạy
thì càng lạy, họ càng chán càng mệt. Lạy Phật có độ cảm thì lạy nhiều, nhưng
không chán, không mệt, mà cảm thấy gần Phật và được an lạc. Các vị cao tăng đều
nói như vậy. Đặc biệt Hòa thượng Trí Thủ mặc dù lúc ngài đã 76 tuổi, nhưng ngày
nào ngài cũng lạy Phật. Riêng tôi, việc hành đạo càng khó, tôi càng lạy Phật và
thấy gần Phật hơn, nhờ có độ cảm với Phật.
Có nhiều bài tán Phật, nhưng chúng ta nên chọn bài nào mình có độ cảm nhất.
Chúng ta thường đọc bài tán Phật như sau:
Phật thân thanh tịnh tợ lưu ly
Phật diện du như mãn nguyệt huy
Phật tại thế gian thường cứu khổ
Phật tâm vô xứ bất từ bi.
Nghĩa là nhìn tượng Phật, rồi cảm Phật, thấy thân Phật trong suốt như ngọc,
không có tì vết, cuộc đời của Phật thật là hoàn mỹ, không có điểm gì chê trách
được, khiến chúng ta kính trọng Phật. Và tâm Phật thương tất cả chúng sinh,
không đâu mà tâm của Phật không đến, nhất là khi chúng ta đau khổ, thì càng dễ
cảm nhận Phật đến với ta. Vì vậy, nhờ độ cảm về Phật cao và kèm theo việc đọc
tụng kinh Pháp Hoa, chúng ta thấy Phật thọ ký cho các Bồ tát và ta
cũng cảm nhận được Phật xoa đầu thọ ký cho ta.
Thiết nghĩ tâm linh của người tu phải thăng tiến xa hơn thực tế một chút mới là
thế giới của tôn giáo. Nếu không tạo được thế giới quan vượt qua cuộc sống vật
chất đời thường sẽ không mở cửa tâm linh được.
Cảm được Phật và tâm từ bi của Ngài bao la dung nhiếp muôn loài, nên chúng ta
hết lòng kính trọng Phật, đặt trọn niềm tin trong sạch nơi Ngài, thì tìm Ngài
như thế, chúng ta liền cảm nhận được Phật tới với ta. Có như vậy, quý thầy sẽ
cảm thấy an lành, không còn sợ bất cứ điều gì trên cuộc đời này. Đó là quan
điểm sống của người có tín ngưỡng tôn giáo, coi tôn giáo là nhất. Vì vậy mà
không ai có khả năng cấm tôn giáo, chỉ có thể hạn chế hay cấm đoán những người
giả danh tôn giáo, hay lợi dụng tôn giáo mà thôi. Người thực chất là nhà tôn
giáo có đời sống tâm linh mạnh mẽ và vững vàng, nên có đe dọa, họ cũng không
sợ.
Cảm nhận được Phật đến với chúng ta, hay đứng trước mặt chúng ta, chúng ta mới
chí thành đảnh lễ và quy y Ngài. Lễ Phật theo Hồng danh của Bổn môn Pháp Hoa có
khác với các nghi khác.
Thông thường, chúng ta lạy : Chí tâm đảnh lễ Nam mô tận hư không biến Pháp giới
quá hiện vị lai thập phương chư Phật, tôn Pháp, Hiền thánh Tăng thường trụ Tam
bảo. Phật là vị hoàn toàn giác ngộ sáng suốt, chúng ta lạy Ngài trước mà chủ
yếu là Phật Thích Ca. Kế đến, chúng ta tôn trọng lời Phật dạy trong kinh điển,
nên lạy giáo pháp của Phật Thích Ca ở Ta bà này. Và tiếp theo, chúng ta lạy
những người hành trì giáo pháp của Phật là Tăng.
Đó là công thức mở đầu, ta là phàm phu và Phật Thích Ca là Giáo chủ và những
người tu theo giáo pháp thì chúng ta kính trọng như pháp lữ đồng hành, có người
tu trước, người tu sau, thể hiện sự tương kính lẫn nhau. Đây là lạy Tam bảo của
tất cả các pháp môn tu từ Phật giáo Nguyên thủy cho đến Phật giáo Phát triển và
tiến sang Phật giáo Đại thừa đều lạy Phật theo nghi này, gọi là quy y Phật Pháp
Tăng.
Tuy nhiên, tu theo kinh Pháp Hoa, chúng ta thấy khác. Theo nghi
trước, lạy Phật thì chính yếu là Phật Thích Ca, nhưng Phật này đã vào Niết bàn;
cho nên chúng ta tìm Ngài trong Niết bàn. Mà tìm Phật trong Niết bàn thì chúng
ta thấy mỗi bộ kinh diễn tả khác nhau. Theo ngài Thế Thân, kinh Pháp
Hoa là mẹ sanh ra các Đức Phật. Nghe như vậy, chúng ta cảm thấy lạ, vì
kinh Pháp Hoa sanh ra Phật, không phải Phật thuyết kinh. Nói
điều này có căn cứ, vì từ thời Phật Oai Âm Vương cho đến thời tượng pháp có
Thường Bất Khinh Bồ tát là tiền thân của Phật Thích Ca. Ngài chuyên tu hạnh lễ
bái tất cả mọi người, kể cả tăng thượng mạn Tỳ kheo, ngài vẫn kính trọng.
Thường Bất Khinh lạy người, mà họ vẫn đánh mắng ngài; nhưng khi mạng chung,
ngài nghe được 20 muôn ức bài kệ của Phật Oai Âm Vương nói. Điều này khiến
chúng ta suy nghĩ khi sanh mạng của thân tứ đại ngũ uẩn còn, chúng ta không
nghe được kinh Pháp Hoa; nhưng sinh mạng của tứ đại mạng chung là
chết, mới nghe được pháp. Thiền tông lấy ý này để tham quán.
Mạng chung là chấm dứt ngũ uẩn thân, mà động cơ là Hành uẩn nổi lên trong tâm.
Hành uẩn thuộc năng kiến tướng và Thức uẩn thuộc cảnh giới tướng, tức sum la
vạn tượng mà chúng ta thấy trên cuộc đời này là cảnh giới của Thức hiện ra. Khi
sum la vạn tượng mất, hay thân tứ đại mất; nhưng Thức không mất. Hay khi sắc
uẩn mạng chung, chấm dứt đời sống vật chất, nhưng Thọ, Tưởng, Hành, Thức vẫn
tồn tại. Thọ uẩn là gì ? Người chết vẫn cảm thấy đói khát, nóng lạnh, nên chúng
ta cúng thức ăn cho họ, họ còn "Thọ”; điều này chúng ta gọi là thân trung
ấm, hay hương ấm. Đó là vì tuy không còn thân tứ đại nhưng còn thói quen ăn,
nên Thọ uẩn vẫn còn tác động, khiến cho linh hồn còn muốn ăn; do đó, nếu không
được ăn thì họ sẽ khởi lên thèm khát là rơi vào tâm trạng của ngạ quỷ. Vì vậy,
khi mạng chung, nghĩa là phải cắt luôn Thọ uẩn. Trên bước đường tu, quý thầy
phải tập điều này, quên đói là cắt được "Thọ uẩn” dù còn sống.
Chúng ta đói, một là vì đối với thân tứ đại này, mỗi ngày chúng ta phải bồi
dưỡng cho nó thức ăn và nước uống. Cho nên, Phật nói rằng nếu không cho thân tứ
đại ăn uống, nó sẽ hành hạ tâm chúng ta. Nhưng Phật cũng dạy rằng nếu cung cấp
cho thân này đầy đủ, nó cũng sẽ đòi hỏi thêm, mà nếu không cho nó ăn uống, nó
sẽ hành hạ chúng ta không kém. Đó là hai trạng thái cực đoan của thân tứ đại.
Điều này dễ nhận thấy rõ khi nhịn đói, chúng ta bị đau nhức. Đức Phật đã trải
nghiệm điều này khi tu khổ hạnh ép xác, Ngài nói lúc đó có cảm giác như bị lực
sĩ đâm vô ruột và bóp chặt đầu Ngài. Trạng thái này do tế bào đói hành hạ, khác
với bụng chúng ta đói, hay Thức của chúng ta đói.
"Thức” chúng ta đói là do tưởng tượng muốn ăn và chảy nước miếng, trong
khi bụng chưa đói. Đói bằng Thức thì đọa trước.
Ngoài ra, đói cái bụng, vì chúng ta ăn quen, nên đến cữ ăn mà không ăn thì cảm
thấy đói; nhưng nếu để qua cữ ăn là hết đói. Có khoảng thời gian tôi tuyệt
thực, nhận thấy rõ điều này, bụng không đói, vì tế bào chưa đói, trữ lượng
trong cơ thể chúng ta chưa hết. Cho nên, người muốn tu thiền, trước khi nhập
định lâu, thì từ một tuần trước phải nhịn đói; vì trước khi vào định, cần thải
ra tất cả những gì tồn đọng trong bao tử, trong ruột. Còn để yên những thức ăn
trong bụng mà nhập định là chết. Thật vậy, các vị thiền sư nhịn đói lâu phải áp
dụng điều này, phải đưa ra ngoài tất cả những cặn bả, để cơ thể sạch và không
cảm thấy đói nữa, giống như bao tử khô teo lại. Và đến khi xả định ra mà ăn cơm
vô là chết liền, phải từ từ uống nước, cho đến ăn cháo trước.
Chúng ta biết được rằng bụng đói, nhưng tế bào chưa đói, vì trữ lượng trong cơ
thể vẫn còn; cho nên chúng ta hạn chế việc ăn uống trên bước đường tu. Phật dạy
rằng vị A la hán không có bốn tướng là đói khát, nóng lạnh. Họ không có cảm
giác đói của Thức, không có đòi hỏi thức ăn và tế bào đói sẽ chết, sẽ khô giống
như hai vị thiền sư ở chùa Đậu là người đắc đạo mới có trạng thái này. Các ngài
chết, nhưng xác không thối rữa, tế bào chết khô lần, đây là sắc uẩn và thọ uẩn
mạng chung. Tuy nhiên, dù thân tứ đại mất, sắc uẩn và cả thọ uẩn không còn, nhưng
người ta vẫn nghĩ đến mọi điều, vì Tưởng uẩn vẫn còn tác động và Thức uẩn sẽ
dẫn người ta đi thọ sanh.
Khi lạy tượng Phật, chúng ta tưởng ra Phật, không phải Phật thiệt, nên đôi khi
mình lạc vào thế giới ma. Ngài Thiên Thai dạy chúng ta điều này và nói rằng
ngài lạc vào thế giới ma, nhưng ngài ra được. Và do chúng ta tưởng là Phật
thiệt, nên ma hiện ra Phật. Đó chính là "Tưởng uẩn” chưa mạng chung.
Mạng chung là tâm đứng yên, không tưởng nữa; nhưng vì tiềm thức chúng ta do
tích lũy nhiều đời, tức túc nghiệp của A lại da thức còn, nên ngài dạy chúng ta
phải sám hối cho sạch nghiệp để tiềm thức không còn lưu giữ điều nào. Bấy giờ,
Hành uẩn mạng chung thì Thức uẩn cũng mất. Như vậy, mạng chung là ngũ uẩn thân
hoàn toàn mất, không phải chỉ có sắc thân mất thôi, mà bốn uẩn : Thọ, Tưởng,
Hành và Thức vẫn còn hoạt động là vẫn còn ở trong sinh tử.
Khi mạng chung, thế giới của lục đạo tứ sanh chấm dứt, thế giới Niết bàn hiện
ra. Nói cách khác, chấm dứt ngũ uẩn thân, tâm chơn như mới nghe được âm thanh
của Phật Oai Âm Vương; đó là pháp ngoài ngôn ngữ. Và kinh Pháp Hoa muốn
nói đến pháp chân thật nằm ngoài ngôn ngữ. Đức Phật Thích Ca cũng chứng đắc
pháp ngoài ngôn ngữ, ngoài sinh tử thì làm sao nói cho người trong sinh tử nghe
được. Cho nên, trong kinh Hoa Nghiêm nói rằng lúc bấy giờ,
Phạm Thiên hiện ra thỉnh Phật thuyết pháp và Phật đã mở phương tiện, Ngài đến
Lộc Uyển thuyết pháp. Chính vì ý này, mà kinh Đại thừa lý giải rằng thời kinh
đầu tiên của Phật ở Bồ Đề Đạo Tràng nói cho chư Bồ tát vi trần và Phạm Thiên
nghe. Còn theo kinh Nguyên thủy thì thời kinh đầu tiên của Phật ở Lộc Uyển nói
cho người thế gian nghe.
Kinh Pháp Hoa mà Thường Bất Khinh Bồ tát nghe được Phật Oai Âm
Vương nói và Ngài thành Phật. Các vị Bồ tát cũng do tu kinh này và hành Bồ tát
đạo, mới thành Phật. Vì vậy, nói rằng kinh Pháp Hoa là mẹ sanh
ra các Đức Phật. Ngoài ra, tất cả các kinh khác, khi Phật nói xong, có A Nan,
hay Xá Lợi Phất hỏi kinh này tên gì và thọ trì như thế nào, Phật mới cho tên
kinh sau. Riêng kinh Pháp Hoa, trước khi Phật nói kinh này, lại có
tên kinh được đưa ra trước. Trong phẩm Tựa thứ nhất của kinh Pháp Hoa,
Văn Thù Sư Lợi nói với Bồ tát Di Lặc rằng có hai vạn Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh
đã nói kinh Pháp Hoa, không phải đến thời Phật Thích Ca mới nói
kinh Pháp Hoa. Và từ đó dài xa về sau, cho tới người thành
Phật sau cùng trong tám vương tử là Phật Nhiên Đăng. Phật Nhiên Đăng mới thọ ký
cho Đức Thích Ca trong 81 kiếp sẽ thành Phật.
Như vậy, kinh Pháp Hoa mà chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai
nói thì kinh Pháp Hoa đó ở đâu? Chúng ta tụng 28 phẩm kinh Pháp
Hoa xong cũng không thấy kinh Pháp Hoa. Có thể hiểu rằng
kinh Pháp Hoa này là vô tự chơn kinh mà chỉ có Phật, hay thành
Phật rồi mới hành trì được. Còn kinh điển mà chúng ta đọc tụng, thọ trì đều là
phương tiện của Phật đưa ra để giúp chúng ta xả bỏ được hoàn toàn ngũ uẩn thân,
mới nghe được chơn kinh Pháp Hoa.
Thay vì tụng 28 phẩm kinh Pháp Hoa, chúng ta lạy danh hiệu chư
Phật và Bồ tát trong 28 phẩm kinh này gọi là Hồng danh Pháp Hoa không ngoài mục
đích ca ngợi hạnh đức của các Ngài, nên chúng ta lạy để tạo độ cảm với các
Ngài.
Người lạy Phật chủ yếu lạy Báo thân Phật và Ứng hóa thân Phật, nên công đức họ
sanh ra; đó là cách thâm nhập đạo tràng vô tướng để lễ Phật. Tuy nhiên, dù chưa
thâm nhập đạo tràng vô tướng, chúng ta lễ bằng cách lạy tất cả danh hiệu chư
Phật và Bồ tát trong hội Pháp Hoa một cách miên mật và chí thành, để cảm được
đức hạnh của các Ngài, thì lần lần chúng ta cũng thâm nhập được đạo tràng vô tướng.
Đó là phương cách mà tôi thể nghiệm trên bước đường tu cũng đạt được ít nhiều
kết quả tốt đẹp, đương nhiên không bằng ngài Nhật Liên, vì chúng ta còn ở hữu
tướng đạo tràng.
Trước nhất, lạy: "NAM MÔ TỐI THƯỢNG THỪA VIÊN GIÁO DIỆU PHÁP LIÊN HOA
KINH”, chúng ta có ý niệm kinh Pháp Hoalà mẹ sanh ra các Đức Phật,
là vô tự chơn kinh. Như đã nói, Ngài Nhật Liên chỉ niệm đề kinh và đắc được
pháp hành này thì thấy Phật và Bồ tát hiện hữu đầy đủ. Vì vậy, tông Nhật Liên
lấy niệm đề kinh là chính yếu. Ở Đài Loan có Ni sư Chứng Nghiêm tuy không học
nhiều, nhưng làm được nhiều việc cho đạo. Mỗi sáng Ni sư này cũng lạy đề kinh Pháp
Hoa mà nay tầm hoạt động của Ni sư rộng khắp năm châu lục và có đệ tử
hoạt động xã hội rất mạnh.
Đề kinh mà chúng ta niệm và lạy, dù chúng ta chưa biết kinh này là
gì, nhưng tin đó là kinh của chư Phật hành trì, của chư Bồ tát đang tu. Vì vậy,
lạy kinh Pháp Hoa để tạo mối quan hệ giữa ta với Phật và Bồ
tát.
Kế tiếp, chúng ta lạy Phật cũng khác với lạy thường ngày. Lạy: "NAM MÔ CỬU
VIỄN THẬT THÀNH ĐẠI ÂN GIÁO CHỦ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT”.
Trong phẩm Như Lai thọ lượng thứ 16, kinh Pháp Hoa, Đức Phật nói
rằng: "Trời, người, A tu la đều thấy Đức Phật Thích Ca là thái tử xuất
thân từ dòng họ Thích, từ bỏ ngai vua rồi đi tu và đến cây Bồ đề gần thành Già
Da, ngồi tư duy 49 ngày mà thành Vô thượng Đẳng giác. Nhưng sự thật từ Ta thành
Phật đến nay trải qua vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, thường ở Ta bà thị hiện
sanh thân trong nhiều quốc độ, thuyết pháp giáo hóa vô số chúng sinh...”.
Như vậy, khi chúng ta lạy Cửu viễn thật thành đại ân giáo chủ Bổn sư Thích Ca
Mâu Ni Phật là lạy Phật đã thành Phật từ lâu xa về trước, hay đó là Báo thân
Phật. Đức Phật có ba thân: Pháp thân Tỳ Lô Giá Na, viên mãn Báo thân Lô Xá Na
và thiên bá ức Hóa thân là Ứng Hóa thân Phật.
Pháp thân Phật thì vĩnh hằng bất tử. Phật cho biết trong phẩm Như Lai thọ lượng
rằng Ngài nhờ tu kinh Pháp Hoamà chứng được Pháp thân. Báo thân
Phật là thân phước đức và trí tuệ viên mãn do Phật trải qua vô lượng kiếp hành
Bồ tát đạo thành tựu hoàn toàn Bồ tát hạnh.
Ứng thân Phật là gì ? Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật nói rằng Ngài
thành Phật ở chỗ này thì có tên này, ở chỗ khác Ngài có tên khác; nghĩa là tùy
chỗ tùy lúc mà Phật hiện thân khác nhau để giáo hóa chúng sinh. Và Phật đã ứng
thân ở thế giới Ta bà là thái tử Sĩ Đạt Ta tu hành thành Phật có tên Phật Thích
Ca, thì đó là một trong vô số Ứng thân của Phật.
Hóa thân Phật là sao ? Nếu các thầy tu mà xả được ngũ ấm thân thì Phật sẽ đến
với ta, hiện vào ta. Thực tế chúng ta thấy có người bình thường, nhưng về sau
làm được những việc kỳ diệu là nhờ họ nhận được Phật lực gia hộ. Ở Nhật Bản có
một bà hoàn toàn không biết chữ, bà chuyên niệm đề kinh và có niềm tin ở Phật
một cách sâu sắc. Đột nhiên một hôm, bà này được tôn sùng là Thánh. Bà thành
lập Linh Hữu Hội có đến ba triệu tín đồ. Được Phật lực gia bị nên bà biết được
nhiều việc và có nhiều người tin tưởng quy y theo bà.
Nếu bất chợt lúc nào ta có độ cảm sâu về Phật và Phật lực hiện vô tâm, khiến ta
trở thành phi thường. Nhưng một lúc nào đó, sân hận của ta nổi dậy, vì nghiệp
còn thì những điều phi thường liền tiêu tan. Như vậy, có lúc ta làm Phật, cũng
có lúc ta làm ma. Người này là Hóa thân Phật, vì Hóa Phật hiện thân vô họ,
nhưng tính chất Phật này không bền lâu. Khi tâm chúng ta thanh tịnh, Phật hiện
vô, nhưng tâm ta vọng động thì Phật không còn nữa. Điều này ví như mặt trăng
hiện trên mặt nước rõ ràng, nhưng nước chao động thì trăng vỡ. Vì vậy mà trên
thực tế chúng ta thấy có người giờ trước phi thường, nhưng giờ sau trở thành
tầm thường, vì không được Phật lực gia bị.
Phật Thích Ca khi còn là thái tử tu hành làm Sa môn Cù Đàm; nhưng sau 49 ngày
tư duy ở Bồ Đề Đạo Tràng, xóa được ngũ uẩn, Ngài thành tựu Phật quả. Trên bước
đường tu, thiết nghĩ có một lằn ranh giữa thế giới siêu hình và thế giới vật
chất. Nếu chúng ta lọt qua ngang tầm với Phật, hay Bồ tát thì sẽ được Phật, Bồ
tát gia hộ; nhưng nếu chúng ta lọt qua ngang tầm với quỷ thần thì họ sẽ tác động
ta, nghĩa là phải ở cùng một tần số mới có sự tương thông.
Theo kinh Pháp Hoa, Phật đã thành Phật từ lâu xa, nên chúng ta
lạy Phật cửu viễn thật thành là lạy Báo thân Phật. Và lạy Bổn sư Thích Ca Mâu
Ni Phật vì chúng ta là con người, nên Phật phải ứng hiện vào thế giới loài
người và mang thân người để chúng ta biết được Phật.
Tiếp theo, chúng ta lạy 10 vị Phật quá khứ. Thứ nhất lạy "NAM MÔ OAI ÂM
VƯƠNG PHẬT”, đó là Phật của Thiền tông mà người tu Thiền coi là đối tượng tu
hành. Tổ Lâm Tế nhận ra được vị Phật này, nên nói rằng: "Oai Âm Vương Phật
tiền, dĩ pháp ấn tâm. Oai Âm Vương Phật hậu, dĩ tâm ấn pháp”.
"Oai Âm Vương Phật tiền, dĩ pháp ấn tâm”, nghĩa là trước khi Phật ra đời,
vẫn có chân lý, nhưng không ai thấy được chân lý và không thâm nhập được chân
lý, không vận dụng được chân lý. Vì vậy, trước Phật Oai Âm Vương, không có
Phật, nên Đức Oai Âm Vương nhờ nương theo diệu pháp tu hành mà tâm thanh tịnh
và thành Phật, gọi là "Pháp ấn tâm”.
"Oai Âm Vương Phật hậu, dĩ tâm ấn pháp” nghĩa là sau thời Phật Oai Âm
Vương, nhờ có Phật thọ ký, hay nhờ có Bồ tát hoặc các thầy đắc đạo truyền pháp
cho ta. Tuy nhiên, nếu thầy không đắc đạo, mà vẫn truyền pháp, thì chỉ truyền
cho đệ tử về hình thức mà thôi. Ví dụ thầy có pháp danh bắt đầu chữ Nhật, thì
truyền cho trò chữ Lệ. Vì chỉ truyền trên hình thức, nên có truyền nhưng
"Tâm ấn” không có, vì tâm của ta chưa đắc đạo, lấy đâu mà cho trò, trường
hợp này gọi là thất truyền khác với chân truyền là tu chứng đắc pháp thì có
pháp truyền cho đệ tử được.
Tu kinh Pháp Hoa, thấy có danh hiệu Phật cổ xưa nhất là Oai Âm
Vương được nói đến trong phẩm Thường Bất Khinh Bồ tát. Từ thời Phật Oai Âm
Vương, Thường Bất Khinh là tiền thân của Đức Thích Ca. Khi Thường Bất Khinh
mạng chung, nghe được 200 muôn ức bài kệ của Phật Oai Âm Vương nói, thì sáu căn
thanh tịnh, đạt được vô ngại biện tài và những người chống đối ngài đã chuyển
hóa tâm, trở thành đệ tử ngài.
Vì vậy, khi lạy Phật Oai Âm Vương gợi nhắc chúng ta rằng lúc chưa nghe được
kinh Pháp Hoa của Phật Oai Âm Vương thì bị người khinh chê,
ghét bỏ; nhưng nghe được kinh Pháp Hoa của Phật nói rồi, người
chống đối trở thành đệ tử trung thành. Đức Phật Thích Ca nói đến hạnh tu của
Thường Bất Khinh để nhắc nhở chúng ta rằng trên bước đường tu, nếu bị người
chống đối, khinh khi, ta không sợ, ta coi việc đó không quan trọng, nhưng việc
quan trọng của ta là làm sao nghe được kinh Pháp Hoa của Phật
Oai Âm Vương để cuộc đời chúng ta được thay đổi tốt đẹp.
Riêng tôi luôn tâm niệm con đường Phật đạo còn xa, việc cần làm còn nhiều, nên
nỗ lực thấu tỏ pháp âm của Phật Oai Âm Vương; không muốn bàn cãi, không muốn
nghe việc phải trái hơn thua của cuộc đời nữa.
Chính Đức Phật Thích Ca đã từ bỏ cung vàng điện ngọc, đi theo tiếng gọi của
Phật Oai Âm Vương. Ngài đi lang thang trong gió sương cát bụi để lóng tai nghe
Phật Oai Âm Vương, không quan tâm đến mọi thứ bên ngoài.
Lạy Phật Oai Âm Vương, chúng ta nghĩ đến đạo lực của Ngài siêu việt khiến cho
tất cả chúng nhân phải phục tùng và tha thiết cầu mong Ngài khai mở cho ta hàng
phục được ma oán, thành tựu Phật quả như Phật Thích Ca.
Tiền thân của Phật Thích Ca là Bồ tát Thường Bất Khinh đã nghe được 200 muôn ức
bài kệ kinhPháp Hoa của Phật Oai Âm Vương, thì 28 phẩm kinh Pháp
Hoa của chúng ta thấm vào đâu. Trong kinh Nguyên thủy, Đức Phật khẳng
định rằng những gì Ngài thấy biết nhiều như lá trong rừng, còn những gì Ngài
nói là nắm lá trong tay. Vì vậy, kinh Pháp Hoakhông lời mới quan
trọng; cho nên tôi phát nguyện thọ trì đọc tụng chơn kinh là kinh không lời,
hay vô tự chơn kinh của Phật không có chữ nghĩa; còn kinh ngôn ngữ văn tự là
của trần gian.
Ngài Huyền Trang thỉnh được vô tự chơn kinh là kinh của người ngộ đạo, nhưng
đem về Ta bà, người không ngộ đạo không đọc được, không nghe được. Vì vậy,
chúng ta phải nương vào kinh của Phật nói trong 49 năm để nghe được vô tự chơn
kinh, mới thâm nhập đạo tràng vô tướng.
Tiếp theo Phật Oai Âm Vương, chúng ta đảnh lễ Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh. Trong
kinh Pháp Hoa, phẩm Tựa thứ nhất, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát giới thiệu
Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh xuất hiện trên cuộc đời không phải chỉ có một Phật
như Phật Oai Âm Vương, mà có đến 20.000 Phật cùng một hiệu là Nhật Nguyệt Đăng
Minh. Cho nên, chúng ta lạy một Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, nhưng nghĩ tới hai
vạn Phật đồng danh Nhật Nguyệt Đăng Minh. Vì vậy, tôi quy y cho đệ tử, thường
đặt pháp danh trùng, thì khi tôi cầu nguyện và hồi hướng cho một người, tất cả
những người cùng pháp danh đều được nhờ. Còn đặt nhiều pháp danh khác thì làm
sao nhớ hết. Và nếu sợ trùng tên, phải đặt tên khác; nhưng nếu đặt hết tên tốt
thì đến tên xấu hay sao. Nếu lập sổ danh bạ quy y của Phật tử thì mỗi lần đặt
pháp danh phải mở sổ xem có trùng tên không và phải tìm tên mới nữa, như vậy
mất thì giờ và khó tu. Phật còn có đồng danh được, tại sao chúng ta không được
có tên giống nhau. Điểm thứ hai là Phật có đồng danh đồng hiệu, vì các Ngài tu
nhân giống nhau và hạnh nguyện giống nhau. Chư Bồ tát thường lấy hạnh làm danh.
Phật cũng do hạnh tu mà có tên khác với tên cha mẹ đặt.
Lạy Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, ta nghĩ lạy hai vạn Phật cùng tên và vô số Phật
nữa cùng hạnh nguyện. Cho nên, ta cũng nguyện lập hạnh đồng với Phật, thì Phật
mới gia bị cho ta được. Hoặc hạnh nguyện của ta đồng với Phật, nghĩa là ta tu
hành, làm thay cho Phật, nên được Phật hộ niệm. Ví dụ như Phật có nhiều tiền
của muốn cứu khổ chúng sinh ở Ta bà, nhưng vì Ngài không có thân tứ đại ngũ
uẩn, nên không đi được. Quý thầy đồng nguyện với Phật và làm thay cho Phật việc
này. Vì vậy, những người có tiền hùn lại nhờ quý thầy đem đi cứu trợ. Tôi
thường nhận ra ý này, chư Phật hay chư Bồ tát dù có gần gũi, mình cũng không
thấy được. Chúng ta chỉ tưởng tượng hay nằm mơ thấy Phật. Nhiều lúc tôi ngồi
yên nhưng có cảm giác như có ai đứng sau lưng mình. Chư Phật và Bồ tát, Hộ pháp
luôn bảo vệ chúng ta, nhưng chúng ta không thấy các ngài bằng mắt, mà chỉ cảm
nhận bằng niềm tin. Ta được Phật hộ niệm để làm thay Ngài. Ý thức như vậy, cần
phải nỗ lực tu cho tâm thanh tịnh mới có thể làm thay Phật, gọi là sứ giả của
Như Lai.
Nhật Nguyệt Đăng Minh Phật. Minh là ánh sáng, nhưng làm sao cho ánh sáng này
chui qua cửa sổ linh hồn để đi thẳng vào tâm, làm sáng tâm ta; đó là điều quan
trọng khi chúng ta lạy Phật.
Mới nghe tên Nhật Nguyệt Đăng Minh thấy lạ, nhưng suy nghĩ, chúng ta sẽ nhận
thấy có nhiều điểm quý báu cần học theo. Nhật Nguyệt Đăng Minh tiêu biểu cho ba
thân Phật. "Nhật” là mặt trời tiêu biểu cho Pháp thân Phật. "Nguyệt”
là mặt trăng tiêu biểu cho Báo thân Phật và "Đăng” là đèn tiêu biểu cho
Ứng hóa thân Phật.
Pháp thân và Báo thân Phật luôn luôn hiện hữu vĩnh hằng bất tử; nhưng sanh thân
Phật hay Ứng thân Phật có hiện có mất. Thật vậy, Phật Thích Ca xuất hiện ở Ta
bà này ví như ngọn đèn mới có thể soi sáng chúng sinh tận hang cùng ngõ hẻm.
Còn mặt trời và mặt trăng tuy rất sáng, nhưng không chiếu vào cái chậu úp được.
Trí tuệ của Pháp thân và Báo thân Phật toàn mỹ toàn bích, nhưng không thể đưa
vào hiểu biết của con người được. Vì vậy, đi vào đường hầm sinh tử phải cầm đèn
là "Đăng” để soi đường cho mọi người cùng đi ra. Đó là Ứng thân Phật Thích
Ca hiện hữu ở thế giới Ta bà sinh tử này để dẫn dắt chúng ta ra khỏi sinh tử
luân hồi. Nhưng Phật Niết bàn, hành giả nào có ngũ uẩn thanh tịnh thì Phật sẽ
ứng hiện vào tâm họ để tác động cho họ tuyên dương được Chánh pháp và làm mát
lòng chúng sinh. Nếu Phật hiện vào tâm ta thì ta trở thành sứ giả của Phật, hay
là Hóa thân Phật cũng thuyết pháp được, tuy không bằng Ứng thân Phật, nhưng
cũng làm được lợi lạc cho nhiều người ở một mức độ nhất định.
Vì vậy, Hóa thân Phật không hiện hữu lâu dài được, vì chỉ khi nào nhận được
Phật lực gia bị, ta mới thành tựu được việc khó làm. Thật vậy, thực tế cho thấy
nhiều vị từng vang bóng một thời, nhưng sau đó không làm được việc nữa, vì Phật
lực không gia bị. Ý thức như vậy, trên bước đường tu, chúng ta phải nỗ lực giữ
tâm thanh tịnh:
Tăng tâm tợ thủy thanh
Thủy thanh thu nguyệt hiện
Nguyệt hiện phúng A Hàm.
Phật ví như mặt trăng, tâm người tu ví như mặt nước trong và phẳng, ánh trăng
sáng của Phật mới hiện vô tâm mình được. Nhờ tâm trong sạch và hạnh cao quý,
Tăng sĩ để lại cho cuộc đời bài pháp sống, tức nhờ tâm thanh tịnh mới nói được
pháp làm lợi ích cho đời.
Chư Tăng là Hóa thân Phật, hay hiện thân của Phật; cho nên Tăng sĩ được coi là
người thay Phật để giáo hóa chúng sinh; vì chư Tăng đã từ bỏ phú quý lợi danh,
tâm thanh tịnh, nên Phật mới hiện vô tâm họ.
Phật Thích Ca là "Đăng”, tức ngọn đèn. Và chúng ta mồi lại ngọn đèn của
Phật Thích Ca. Nói cách khác, ta học pháp của Phật Thích Ca, ta tu trong pháp
của Phật Thích Ca và ta truyền bá pháp của Phật Thích Ca.
Sau Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, chúng ta có Phật Nhiên Đăng nghĩa là khêu đèn,
mồi đèn. Phật Nhiên Đăng tu trong pháp của Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, tức Ngài
đã mồi đèn của Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh; nhờ đó tâm của Phật Nhiên Đăng sáng
lên và thấy được Phật Thích Ca trong 81 kiếp sẽ thành Phật. Vì vậy, kinh Kim
Cang nói rằng Phật Nhiên Đăng đã thọ ký cho Phật Thích Ca. Còn chúng
ta nghe được pháp của Phật Thích Ca và tu trong pháp của Ngài, thì chúng ta là
người mồi đèn của Phật Thích Ca. Vì vậy, chúng ta lạy Phật, ước mơ được Phật
thọ ký cho mình.
Hòa thượng Thích Trí Quảng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét