Chấp hay cố chấp vào một điều gì đó, còn gọi là định kiến. Chính sự chấp trước
này làm chúng ta đau khổ, cho nên coi nó là mối nguy hại cần phải tránh. Tránh
bằng cách nào ? Phật dạy một là phá chấp, tức có gì ràng buộc thì chúng ta tìm
cách phá bỏ, hai là xả chấp, chúng ta không phá, nhưng bỏ quên để nó rơi xuống,
không dính vô ta.
Giống như hoa sen mọc từ bùn nhơ, nhưng ra khỏi bùn, nó là
sen mà có trút đổ lên hoa sen cái gì thì nó cũng không bị dính nhơ và vẫn tỏa
mùi hương; đó là thực chất của tu hành theo Đại thừa, hay tu Pháp hoa. Trong
khi tu theo Tiểu thừa, chúng ta có sự đối nghịch, nên cái gì làm trở ngại thì
phá nó; nhưng từ sự phá trừ đó khiến chúng ta trở thành cố chấp.
Thật vậy, Đức Phật dạy chúng ta phá bỏ sự cố chấp, nhưng vì hiểu lầm, chúng ta
lại phá bỏ tất cả những gì không giống chúng ta, trong khi chúng ta còn là phàm
phu chưa có trí tuệ của Phật, nên sự hiểu biết của chúng ta không chính xác. Vì
vậy, chúng ta thường cố chấp rằng cái gì không giống như hiểu biết của mình,
thì sẵn sàng phá bỏ, từ đó tạo thành thế đối lập cho đến ta không còn chỗ dung
thân. Sự cố chấp như vậy dẫn đến sai lầm tai hại. Thực tế cho thấy khi có định
kiến, ban đầu là ý thức tốt, nhưng vì cố thực hiện điều tốt này, chúng ta lại
tạo thành oán thù, trần lao, nghiệp chướng.
Nhận ra được sự nguy hại do cố chấp, chúng ta phải bỏ nó, gọi là xả chấp. Theo
kinh nghiệm của tôi, từ khi mới phát tâm cho đến nay và mãi đến ngày thành
Phật, cái gì qua rồi, thì bỏ nó về quá khứ, sẽ có được nhận thức mới. Thật vậy,
sự hiểu biết của ngày hôm qua mà chúng ta coi là đúng, nhưng hôm nay thấy điều
đó chưa đúng; như vậy, chúng ta đã có tiến bộ. Còn cố chấp vào việc làm thì
không tiến bộ được. Ngay như lời dạy của Phật, mặc dù chúng ta tin, nhưng không
chấp vào đó, vì nhận thức được rằng Phật dùng vô số phương tiện giáo hóa để
giúp chúng ta xa rời tâm chấp trước; cho nên chấp vào phương tiện là sai lầm.
Trên bước đường tu, chúng ta nhận thấy có người vì chấp vào pháp tu mà nghiệp
chướng và phiền não mỗi lúc tăng lên. Các Phật tử nghiệm xem từ khi phát tâm
học đạo, vào chùa, lễ Phật mỗi ngày thì phiền não của mình tăng hay giảm. Nếu
phiền não tăng, phải biết chúng ta đã rơi vô chấp ngã là có cái ta và chấp pháp
là có pháp hành trì, thì kẹt vô thân và pháp, chúng ta đã tu sai, không giải
thoát. Chúng ta tạm nương bất cứ phương tiện nào của Phật để bỏ phiền não, trần
lao, nghiệp chướng và bỏ được phiền não, trần lao là tu đúng.
Tu hành, nương vào pháp được giải thoát rồi thì pháp này cũng phải xả, vì pháp
cũng là phương tiện. Trong quá trình tu, từng bước chúng ta đi lên. Thật vậy,
Phật tu chứng và thành đạo, Ngài dạy chúng ta cách tu để phá bỏ sự chấp trước
và thăng hoa tuệ giác. Theo kinh Hoa nghiêm, lấy trí tuệ làm chính
và trí tuệ phát sanh nhờ có đối cảnh. Nếu đối cảnh sanh tâm chấp trước thì bị
đọa, nhưng đối cảnh sanh ra sự hiểu biết chính xác gọi là tu chứng.
Tại sao chấp trước bị đọa. Khi thấy vật hay điều gì khiến chúng ta ưa thích hay
chán ghét thì hai tâm ưa thích và chán ghét đều làm chúng ta đau khổ là bị đọa.
Trên cuộc đời này, con người khổ vì gặp điều chán ghét mà không bỏ được, hoặc
điều ưa thích mà không nắm giữ được.
Đối cảnh
sanh tâm là giai đoạn một. Đối cảnh vô tâm là bước thứ hai, gọi là xả chấp.
Người không tu thì luôn khởi tâm ưa thích hay ghét bỏ, nhưng chúng ta thể
nghiệm pháp Phật, không ưa không ghét, vì vật là vật, ta là ta. Đối với việc
phải trái, tốt xấu, chúng ta vô tâm. Phương tiện của Phật mà chúng ta tiếp nhận
được giúp cho chúng ta sự vô tâm, không nghĩ đến nó thì không khổ, còn nghĩ đến
là còn vướng mắc, còn chấp trước chắc chắn phải khổ.
Bỏ là xả, nên không khổ, gọi là xả tục xuất gia, nghĩa là bỏ chấp trước của thế
gian làm chúng ta phiền não, nhiễm ô, tội lỗi. Theo Phật tu, không có sở hữu,
không nhà cửa, không tiền bạc, không tài sản, không người thân. Bỏ hoàn toàn,
chúng ta chỉ còn một bóng một hình gọi là cô thân độc ảnh; người xuất gia luyện
tập cuộc sống như vậy, không có gì, nhưng còn thân này thì phải nuôi nó để tu
hành, cho nên người tu hạn chế ba việc ăn, mặc, ở, là sống tam thường bất túc.
Người đời vì lòng tham, nên có nhiều của cải, có người thân mà vẫn thấy thiếu.
Người tu một mình một bóng, nhưng thấy không thiếu là tri túc, biết đủ. Hoàn
cảnh nào chúng ta cũng sống được là ban đầu nương pháp Phật được giải thoát, đó
là pháp xả ly phải thực tập. Và thành tựu pháp này, không còn tâm chấp trước,
trí tuệ phát sanh, tức hiểu biết của chúng ta chính xác lần. Trước kia, vì tham
lam chấp trước, muốn đủ thứ, nên không thấy đúng; nhưng nay không còn tâm chấp
trước, không còn tâm ưa ghét, nên thấy đúng sự thật của sự vật, tức biết ta là
gì và ta đang ở đâu, sự hiểu biết như vậy rất quan trọng.
Và khi định vị được con người thật của mình, chúng ta quan sát xung quanh. Định
vị mình là một con người trong xã hội loài người, ta là một sinh vật trên trái
đất cộng tồn với vô số sinh vật khác. Nhưng từ một sinh vật trên trái đất này,
chúng ta bắt đầu bỏ cố chấp, nên trí tuệ phát sanh thì thấy loài người là một
sinh vật có sự đặc thù hơn các loài khác. Đức Phật khẳng định rằng chỉ loài
người là cao quý nhất, vì có thể xuất gia và làm Phật được. Các loài khác phải
chuyển thân làm người mới làm Phật được. Thật vậy, chúng ta phải có công phu tu
tập nào đó mới được làm người. Thuở nhỏ, tôi đọc truyện Phong thần,
nói rằng trước khi Hồ ly tinh là Đắc Kỷ chết, nó than là một ngàn năm làm con
chồn, nhờ công tu luyện mới thành người, nhưng tính chất Hồ ly tinh còn, nên
phạm nhiều điều sai trái, thì mất kiếp người, phải trở lại làm chồn.
Có
trí tuệ thấy ta được làm người là rất quý so với các loài khác. Phật nói rằng
con người là tối linh, nên sử dụng cấu trúc thân người đặc biệt để phát sanh
trí tuệ. Các loài khác không có cấu trúc thân đặc thù như loài người, nên không
phát huy trí tuệ được. Con người có hệ thần kinh đặc biệt mới có khả năng thăng
hoa trí tuệ, trở thành Thánh Hiền, Tiên, Phật. Từ thân người nếu phát huy được
sự đặc thù của tâm linh sẽ kết nối được với chư Phật và Bồ-tát trong mười
phương. Vì vậy, nói theo khoa học thì thân người là cỗ máy kỳ diệu, biết tiếp
thu những gì cần thiết và thải bỏ những thứ độc hại, tự nó có khả năng chữa
lành bệnh tật, nhưng vì vô minh tạo thành tội ác và các bệnh tật. Nếu biết vận
dụng đúng đắn hệ thần kinh, chúng ta có thể tiếp nhận được các từ trường đến
với mình. Ngồi yên, nhưng có người nghĩ thương ta hay ghét ta, hại ta, ta đều
nhận ra được. Thân người giống như một vệ tinh nhận được tín hiệu trong trời
đất, xa hơn là ta nhận ra sự hiện hữu của chư Phật và Bồ-tát. Chỉ vì cố chấp,
chúng ta hạn chế lần khả năng tiếp thu của mình cho đến chỉ sống với bản năng,
vô tri. Vì vậy, chấp pháp, trí tuệ không sanh, không còn quan hệ tốt với loài
người và các loài khác.
Người xưa nhắc nhở rằng chấp pháp, chấp ngã, chúng ta phải khổ, nhưng tu hành
lại bỏ tất cả để rơi vô tình trạng vô tri, chỉ còn kẹt vô pháp, thì thật là
nguy hiểm. Pháp là phương tiện dùng để xóa bỏ sai lầm thế gian, nhưng xóa xong
thì pháp cũng phải bỏ, cũng như qua sông cần thuyền nhưng lên bờ thì phải bỏ
thuyền; nói cách khác, trí giác sanh rồi, dùng trí này để phát triển, thấy được
sự thật và tùy theo đó mà ứng xử để phước đức và trí tuệ của chúng ta tăng
trưởng; đó là cách sống của người tu không kẹt vào sự chấp trước. Họ có trí tuệ
và dùng trí tuệ quan sát, không phải chấp pháp để trở thành vô tri vô dụng;
nhưng lấy trí tuệ làm mạng sống thì mạng sống này lớn dần, tức trí tuệ và công
đức càng ngày càng lớn hơn. Do xả pháp chấp trước, nên lấy đức hạnh làm thân,
lấy trí tuệ làm mạng, thì tùy theo sự hiểu biết mà chúng ta có được đời sống ý
nghĩa và có đạo đức để cảm hóa người, thấy người có nhân duyên, ta mới quan hệ,
không có nhân duyên với ta thì thôi. Phật còn không độ được người không có
duyên, làm sao ta độ được.
Người có duyên với ta là thế nào. Người có duyên là người gây khó khăn, hay quý
trọng ta. Đối với người quý trọng ta, ta hợp tác làm bạn. Đối với người gây khó
khăn, chúng ta cũng thân cận để phát sanh trí tuệ. Người thương và người chống
đối ví như chân phải và chân trái, phải có hai chân mới đi tới được. Nhờ có
người bươi móc, ta mới tiến bộ, trí tuệ mới phát sanh. Đức Phật nói rằng khi
Ngài làm Chuyển luân Thánh vương, tức là người có phước đức đầy đủ, không ai
dám làm trái ý, Ngài thấy cuộc sống không còn ý nghĩa, nên mới nói rằng nếu có
người làm trái ý Ngài được, Ngài sẵn sàng nhường giang sơn. Lúc đó, Tiên nhân
đến và dạy kinh Pháp hoa, thì vua sẵn sàng bỏ ngôi theo ông.
Ông này luôn làm trái ý vua, xem vua có còn buồn giận, khó chịu hay không,
nghĩa là Tiên nhân đã giúp nhà vua thấy được sự thật của cuộc đời.
Người tu Đại thừa hay Pháp hoa dùng trí tuệ quan sát người có duyên để chúng ta
ứng xử và trưởng thành, chứ không chấp pháp; vì có tiếp xúc với hai mặt của
cuộc đời mới nhận ra sự thật của nó. Thật vậy, nếu chúng ta thử tìm cách tiếp
xúc sẽ thấy khi đến gần người nghịch duyên thì cử chỉ và lời nói của họ đập vào
suy tư, nhận thức của chúng ta, nhờ đó mình phát hiện được sự thật về mình và
cuộc đời. Vì vậy, đối với người quý mến tôi, tôi trân trọng, nhưng đối với
người chống tôi, tôi kính trọng hơn. Chúng ta quan sát nhân duyên, thấy người
chỉ trích, chúng ta đến làm thân để học được những điều mà mình chưa có. Nếu
chúng ta chuẩn bị sẵn sàng như vậy thì việc nghịch xảy ra, chúng ta vẫn coi là
tốt.
Phật nói khi tiền thân Ngài làm Chuyển luân Thánh vương, không ai dám trái ý
Ngài, nhưng Tiên nhân dám cỡi trên lưng Ngài, nhờ đó Ngài mới luyện tập được
đức tánh vô nhiễm và vượt qua được tất cả sự chống đối. Đức Phật dạy rằng thực
sự ác ma không có khả năng gây khó khăn cho Bồ-tát, chỉ có Bồ-tát lớn hiện thân
ra để tạo sự thử thách. Có trí tuệ, chúng ta sẽ nhận ra ý này. Trường thọ Tiên
nhân sống đến 120 tuổi thì chắc chắn không ai có thể tác hại ông, cũng như
không có gì trên cuộc đời này cần thiết đối với ông. Người trí như Chuyển luân
Thánh vương nhận ra được cốt lõi của Tiên nhân này như vậy, không ai dám chống
Ngài, nhưng ông Tiên này dám chống thì Ngài phải học với ông; còn người tham
lam, chấp trước thì bực tức với người dám chống lại mình.
Đương nhiên là người đồng hạnh đồng nguyện với ta thì cần hơn; nhưng khi lấy
trí tuệ làm mạng sống rồi, đối với người nghịch với ta, ta hóa giải cho đến khi
họ không chỉ trích, không chống phá, không hại được ta là chúng ta đắc đạo,
không phải trốn tránh. Theo kinh nghiệm riêng tôi, tôi tồn tại được trên bước
đường hành đạo nhờ hai việc, xin chia sẻ với quý vị. Việc thứ nhất chắc chắn
chúng ta khó có trí tuệ như Phật, tức biết trước việc xảy ra, nên ta vô hiệu
hóa nó. Thực tế cho thấy những người lãnh đạo tài ba hầu hết đều biết trước
việc xảy ra, biết mình, biết người, nên thành công dễ dàng. Tuy nhiên, điều này
khó có. Nhưng trường hợp thứ hai mà tôi gặp là tánh linh. Phật dạy rằng chúng
ta biết là do tự biết, nhưng không có được sự tự biết thì có cái biết thứ
hai là được chư Thiên, chư thần mách bảo, hay tánh linh đánh thức chúng ta.
Tánh linh này từ đâu mà có? Những người đồng hạnh đồng nguyện với ta không còn
hiện hữu trên cuộc đời là Phật và Bồ-tát, các Ngài hộ niệm ta, vì ta hiện hữu
trên cuộc đời để làm việc mà các Ngài muốn làm, nhưng các Ngài không có thân
người nên không làm được. Ta có thân người, nên các Ngài hộ niệm cho ta để ta
làm. Nếu chúng ta tin Phật và sống theo tinh thần Phật dạy, chúng ta vẫn biết,
là do Phật hộ niệm, gọi là tánh linh. Tôi thường có được sự hiểu biết này. Thí
dụ buổi sáng, tôi định đi làm một việc nào đó, nhưng tự nhiên cảm thấy mệt mỏi
như sắp bệnh, nên tôi không đi; đó là chư Thiên mách bảo đừng đi, đi là thọ nạn
và thực tế cũng cho thấy như vậy. Trên bước đường tu, nhận được sự trợ lực của
những vị Bồ-tát đồng hạnh đồng nguyện với ta khiến ta thấy biết những điều mà
bình thường không biết được, nên dễ thành công.
Thật vậy, quý vị nghiệm xem đối trước những việc khó, khổ, nguy hiểm, tất nhiên
ai cũng sợ; nhưng nếu tránh né thì suốt đời không làm được gì. Mọi người sợ,
nhưng có người làm thì họ sẽ được nhiều người thương quý. Tuy nhiên, muốn làm
được việc khó phải là Phật, Bồ-tát, thánh thần, nếu không thì dễ mất mạng.
Nhưng gặp việc nguy khó, nhờ Phật hộ niệm, ta không thấy nguy, không sợ và ta
sống được, từ Nhà lửa đi ra là giải thoát. Vì vậy, khi ta có trí Nhị thừa và
phát tâm đại bi, nhận được sự trợ lực của Phật, Bồ-tát. Còn người ẩn tu chứng
được trí Nhị thừa, họ thấy cuộc đời đáng sợ, đáng tránh; nhưng Phật dạy trong
kinh Pháp hoa rằng lúc đó ta mới phát tâm Đại thừa độ sanh là
đồng hạnh đồng nguyện với chư Bồ-tát, thì các Ngài trợ lực cho chúng ta, khiến
chúng ta thấy được sự thật và dấn thân.
Bước đầu Phật khuyên chúng ta xả chấp để có trí tuệ làm mạng sống, thấy được
việc đáng làm và việc không nên làm, nhờ đó tạo được thân giới đức khiến người
quý trọng. Lấy trí tuệ và đức hạnh làm thân là có giới thân huệ mạng thì được
Phật hộ niệm, chúng ta có sai biệt trí, thấy hoàn cảnh khổ của chúng sanh, ta
khởi ý niệm giúp người, nên Phật và Bồ-tát trợ lực, chúng ta mới làm đạo được.
Vì vậy, trên bước đường tu, mượn pháp xuất thế để phá pháp thế gian và thành
tựu được pháp xuất thế thì phát tâm Đại thừa nhận được lực hộ niệm của Phật và
Bồ-tát, chúng ta hành đạo không nghĩ đến phải trái hơn thua, nhưng việc làm của
chúng ta luôn luôn đúng và không thua. Việc tốt chúng ta làm, không cố chấp, dù
chúng ta bỏ, nhưng thành quả tốt đẹp vẫn tồn tại trong vô lậu ngũ uẩn, hay Pháp
thân. Được như vậy, khi chúng ta bỏ sanh thân này, đi đến thế giới khác thì
phước báo luôn đi theo ta và chúng ta hiện thân ở nơi đâu, phước báo hiện hữu
cùng ta ở nơi đó.
Hành Bồ-tát đạo, tất cả mọi việc đã làm rồi, chúng ta buông bỏ tâm chấp trước,
nhưng nó không mất; còn cố chấp, cố giữ không được mà mất lại khổ hơn. Người tu
lâu đến ba mươi năm, nhưng khởi ý niệm mình tu lâu mà không được người kính
trọng thì đau khổ, như vậy là cố chấp với việc tu lâu sẽ làm cho mình mất công
đức, lúc đó, người sẽ nghĩ chúng ta khó tánh, không dám gần. Nhưng nay, sống
hạnh buông xả, người kính trọng hay xem thường thì ta vẫn là ta, miễn ta làm được
cho Phật, cho chúng sanh thì sẵn sàng làm. Vô tâm vô tư hành Bồ-tát đạo, tùy
theo công đức có được mà tạo thành Pháp thân có trí tuệ và phước đức, lấy đó
làm mạng sống. Khi rời bỏ ngũ uẩn sanh thân, chúng ta sẽ thâm nhập vào thế giới
tốt đẹp. Cầu mong tất cả đệ tử Phật xả được ngũ uẩn thân và chứng được Pháp
thân.
Hòa thượng Thích Trí Quảng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét